Giáo sư, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lực lượng vũ trang, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doãn thuộc thế hệ các bậc thầy đầu tiên của y học Việt Nam. Ông là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Nội khoa và Dược lý học, là người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển chuyên ngành Dược lý nước nhà. Hơn 40 năm cống hiến cho sự nghiệp y tế, GS. Nguyễn Ngọc Doãn đã đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ tài năng phụng sự Tổ quốc. Cùng với các cộng sự và học trò gần gũi, GS. Nguyễn Ngọc Doãn đã nghiên cứu nhiều công trình khoa học cơ sở và lâm sàng có giá trị, góp phần đáng kể vào sự phát triển của nền y học nước nhà.
GS. Nguyễn Ngọc Doãn sinh ngày 17/6/1914, tại làng Thịnh Hào, Đống Đa, Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình dòng dõi trí thức. Ông học phổ thông tại Trường Albert Saraut. Năm 1933, ông vào học Trường Y dược khoa tại Hà Nội – thời kỳ này, Trường Y dược khoa là trường y duy nhất trên toàn Đông Dương. Trong sáu năm học tập, ông đều đạt kết quả xuất sắc. Năm học thứ ba, ông đạt loại ưu trong kỳ thi chọn sinh viên ngoại trú các bệnh viện ở Hà Nội. Qua thời gian miệt mài đèn sách, mùa hè năm 1939, ông tốt nghiệp Trường Y dược khoa và vinh dự được nhận giải thưởng Spina – giải thưởng dành cho các sinh viên đạt thành tích xuất sắc trong học tập thời bấy giờ.
GS. Nguyễn Ngọc Doãn.
Cuối năm 1939, quân đội Pháp động viên lực lượng để chi viện chính quốc đánh Đức, BS. Nguyễn Ngọc Doãn vào quân y Pháp làm việc tại Bệnh viện Đồn Thủy. Dưới chế độ thực dân phong kiến, thầy thuốc rất được trọng vọng ưu đãi. Nhưng gần một năm sau, ông thôi làm việc ở nhà thương của Pháp, về mở phòng khám tư tại phố Sơn Tây, Hà Nội. Năm 1944, ông kết hôn với bà Phan Thị Mỹ – con gái của cụ Phan Kế Toại là Khâm sai Bắc Kỳ (sau này được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ, giữ cương vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa). Cũng như nhiều bác sĩ cùng thời, vào thời điểm đó con đường công danh rất rộng mở trước mắt vậy mà ông sẵn sàng bỏ lại tất cả để đi theo cách mạng.
Những năm tháng kháng chiến hào hùng
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Nhưng không lâu sau, thực dân Pháp quay trở lại âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Trong thời gian này, BS. Nguyễn Ngọc Doãn tham gia Ban y tế Vệ quốc đoàn, thực hiện nhiệm vụ cứu chữa thương binh, bệnh binh tại mặt trận Hà Nội và các vùng lân cận.
Trước nhiệm vụ bảo đảm công tác quân y tại các mặt trận, BS. Nguyễn Ngọc Doãn lên đường đảm đương trách nhiệm quân y một đơn vị chiến đấu tại chiến khu Tây Bắc. Đó là Trung đoàn 115 nơi ông là Trưởng ban Quân y.
Trong kháng chiến, ông giữ nhiều trọng trách của ngành quân y. Từ Viện trưởng Viện Quân y Yên Bái, Trưởng ban Quân y Tây tiến đến Viện trưởng Viện Quân y IX, tham gia các chiến dịch Sông Thao, Lê Hồng Phong, là Trưởng ban Quân y chiến dịch, Quân y trưởng Mặt trận Tây Bắc. Bất cứ cương vị nào, ông luôn nêu cao tinh thần tận tụy phục vụ, không sợ hy sinh gian khổ, khi ở bệnh viện, lúc đi chiến dịch, dốc lòng dốc sức cứu chữa từ người chiến sĩ đến các đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng, Chính phủ. Nắm vững phương châm y học cách mạng, nhuần nhuyễn với thực tiễn ở Việt Nam, nhạy bén với thành tựu mới về khoa học, đảm bảo chất lượng điều trị dựa trên trang thiết bị, thuốc men hiện có, ông đã góp phần công sức của mình cùng quân đội ta làm nên những chiến công lịch sử.
Người thầy mẫu mực
Mùa thu 1954, khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, từ chiến khu về lại Thủ đô, BS. Nguyễn Ngọc Doãn cùng các đồng nghiệp nhanh chóng bắt tay xây dựng ngành Quân y cách mạng Việt Nam. Ông được cử làm Tổng chủ nhiệm Nội khoa Viện Quân y 108, rồi làm Phó viện trưởng kiêm Chủ nhiệm Hệ nội khoa của Cục Quân y.
Trước thực tế khó khăn trong nhiệm vụ khẩn trương xây dựng một đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng cho nhu cầu cấp thiết của đất nước sau chiến tranh, năm 1955, BS. Nguyễn Ngọc Doãn đã cùng với các giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Vũ Hỷ, Vũ Công Hòe, Trần Hữu Tước… và nhiều thầy thuốc đầu ngành y khoa Việt Nam hình thành một đội ngũ cán bộ giảng dạy của Trường đại học Y dược khoa do GS. Hồ Đắc Di làm hiệu trưởng. Ông giữ cương vị Chủ nhiệm bộ môn Dược lý của nhà trường.
GS. Nguyễn Ngọc Doãn tại Bệnh viện 108.
Những ngày đầu thành lập, bộ môn Dược lý còn nhiều khó khăn, nhân lực hạn chế, chương trình đào tạo đòi hỏi phải có những cải cách cho phù hợp với thực tế, việc giao lưu khoa học với nước ngoài rất ít ỏi và hạn hẹp… Không nản lòng, GS. Nguyễn Ngọc Doãn cùng tập thể thầy thuốc bộ môn Dược lý đã phát huy nhiều đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu. Các báo cáo của GS. Nguyễn Ngọc Doãn trong Hội nghị khoa khọc nhà trường hội đủ tính tư tưởng, tính kinh điển, tính hiện đại và tính thực tiễn đã góp phần vào việc đổi mới tích cực phương pháp dạy và học trong đào tạo y tế nước nhà.
Trong lĩnh vực nghiên cứu, với phương châm kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền dân tộc, GS. Nguyễn Ngọc Doãn đã tổ chức và tham gia nhiều công trình nghiên cứu các cây thuốc Việt Nam. Cùng với các nhà dược học khác, ông còn tham gia xây dựng bộ Dược điển Việt Nam, một bộ sách rất có giá trị về mặt khoa học.
Ngoài cương vị Chủ nhiệm bộ môn Dược lý Trường đại học Y Hà Nội, Chủ nhiệm Nội khoa Viện Quân y 108, ông còn kiêm nhiệm các trọng trách của Bộ Y tế và Bộ Đại học: Phó Chủ tịch Hội đồng Dược điển Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nội khoa, Tổng hội Y học.
Mặc dù công việc bận rộn, GS. Nguyễn Ngọc Doãn vẫn luôn hết sức chăm lo cho các thế hệ thầy thuốc trẻ. Ông tâm sự: “Niềm hạnh phúc thiêng liêng nhất của người thầy là được thấy học trò giỏi hơn mình”. GS đã bồi dưỡng nhiều thế hệ bác sĩ, từ các lớp đào tạo đại học đến các chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, thạc sĩ, nghiên cứu sinh về nội khoa, dược lý học và các chuyên ngành y học khác.
Trước thực tế khó khăn của thời kỳ bao cấp, ông khuyên các đồng nghiệp trẻ: “Đừng nên sa lầy vào những vấn đề quá hiện đại của thế giới, chưa phù hợp với thực tế Việt Nam. Phải biết tập trung giải quyết có hiệu quả những yêu cầu cấp thiết của y học nước nhà”. Và “Cần học thông thạo cho bằng được ngoại ngữ để sau này về đọc sách, những hiểu biết của con người luôn thay đổi và việc học tập là suốt cả cuộc đời”. Năm tháng trôi qua, nhưng những lời dạy tâm huyết, những bài giảng khúc chiết, sáng sủa, giàu lượng thông tin của ông vẫn còn lắng đọng trong ký ức nghề nghiệp của nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam.
GS. Nguyễn Ngọc Doãn thuộc thế hệ các bậc thầy đầu tiên của y học Việt Nam. Ông là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Nội khoa và Dược lý học. Hơn 40 năm cống hiến cho sự nghiệp y tế nước nhà, GS. Nguyễn Ngọc Doãn cùng với các cộng sự và học trò gần gũi của mình đã nghiên cứu nhiều công trình khoa học cơ sở và lâm sàng có giá trị, góp phần đáng kể vào sự phát triển của nền y học nước nhà. Hơn 70 tư liệu khoa học bao gồm các công trình nghiên cứu, thông báo y học, tổng luận chuyên đề, sách giáo khoa, tài liệu chỉ đạo các tuyến điều trị do giáo sư và cộng sự dày công biên soạn đã được công bố ở trong nước và nước ngoài, được dư luận đánh giá rất cao, có thể kể đến như: Bệnh tim mạch và tăng huyết áp (1965), Bệnh gan mật (1968), Dược lý học (1969), Một số vấn đề hiện nay trong bệnh học tiêu hóa (1974), Corticoid liệu pháp (1975)…
Một vị tướng giản dị
Trong ngành y, GS. Nguyễn Ngọc Doãn nổi tiếng là người có lối sống giản dị, thanh bạch, khiêm nhường. Ông không thích cầu kỳ, kiểu cách mà chọn lấy lối giải quyết mọi việc đơn giản, hài hòa… Cả đến khi được phong hàm tướng, được bố trí xe đưa đón, song Giáo sư vẫn đi xe đạp, ông bảo như thế tiện, tự do. Chính lối sống cao thượng đến giản dị, chân tình, không chút vương vấn suy tính cá nhân của ông đã làm người bệnh, đồng nghiệp, học trò mến phục.
GS. Nguyễn Ngọc Doãn tại Hội đồng chấm luận án Phó Tiến sĩ.
Ở viện, Giáo sư thường đi các khoa thăm khám bệnh nhân; không chỉ quan tâm tới việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân, GS. Nguyễn Ngọc Doãn luôn quan tâm tới việc ăn uống, sinh hoạt của người bệnh. Ông luôn dặn dò các học trò phải hiểu và thông cảm với tâm lý của người bệnh. Ở ông, dường như không có sự cách biệt giữa một vị tướng và một người lính, một giáo sư đầu ngành và một người thầy thuốc bình dị.
Ghi nhận những công lao, đóng góp to lớn của GS. Nguyễn Ngọc Doãn, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba); Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Giải thưởng Nhà nước về khoa học – công nghệ. Ông được phong hàm Thiếu Tướng năm 1985. Tháng 8/1985, GS. Nguyễn Ngọc Doãn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
GS. Nguyễn Ngọc Doãn sống một cuộc đời nhân hậu, giản dị, trong sáng và lạc quan. Dành trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp y tế nước nhà, người bệnh tìm thấy ở nơi ông một người thầy thuốc tài năng, nhiệt tâm, giản dị; đồng nghiệp tìm thấy ở nơi ông một nhà khoa học uyên bác, khiêm tốn; học trò tìm thấy ở nơi ông một người thầy kính mến, gần gũi và tâm huyết. Những huân huy chương, phần thưởng, học vị Đảng và Nhà nước trao tặng ông cũng không thể nói hết về ông: người thầy mẫu mực của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam nói chung và các thế hệ thầy thuốc chuyên ngành Dược lý nói riêng.
Kế tục sự nghiệp của GS. Nguyễn Ngọc Doãn, bộ môn Dược lý Trường ĐH Y Hà Nội đã không ngừng phát triển và đạt nhiều thành công. Với đội ngũ giảng viên, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm, trong đó có những chuyên gia hàng đầu về Dược lý học; tiến bộ y học thế giới được cập nhật thường xuyên, phương tiện kỹ thuật ngày càng hiện đại, bộ môn đã vươn lên làm chủ khoa học, xứng đáng là cơ sở đào tạo và nghiên cứu Dược lý đầu ngành trong cả nước.
PGS. Đỗ Doãn Đại
Nguồn: http://suckhoedoisong.vn