Tôi có may mắn được tiếp cận làm việc với GS Đào Đình Bắc từ năm 2016. Ấn tượng đầu tiên của tôi về thầy là một người rất say mê công việc. Dù đã nghỉ hưu 9 năm và mang trọng bệnh nhưng thầy vẫn không ngừng làm việc, căn phòng riêng của thầy tràn ngập tài liệu; chiếc máy tính được đặt trên giá di động tự chế luôn mở để tiện xê dịch phục vụ cho chủ nhân làm việc mọi nơi, mọi lúc. Thời điểm đó, thầy đang dịch cuốn “Sự minh định của địa lý”. Đối với thầy, làm việc vì say mê nghiên cứu, nhưng cũng là liều thuốc quý chống lại bệnh tật.
Con đường đến với ngành Địa lý
GS.TS Đào Đình Bắc từng có đam mê với các hạt năng lượng và khao khát trở thành nhà vật lý, ông chưa từng nghĩ sẽ theo học chuyên ngành Địa lý – một ngành học xa lạ với ông. Vì thế, năm 1960, sau khi tốt nghiệp trường phổ thông cấp 3 Liên khu III ở Nam Định, ông đã nộp đơn xin thi vào khoa Vật lý, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng chỉ trước kỳ thi đại học khoảng vài ngày, ông nhận tin mình được cử sang Liên Xô học ngành Địa lý ở một trường đại học tại tỉnh Rostov trên sông Đông.
GS.TS.NGƯT Đào Đình Bắc
GS.TS Đào Đình Bắc chia sẻ: thời gian đầu sang Liên Xô, tôi cảm thấy rất chán nản vì không được theo học ngành mình yêu thích. Nhưng tôi lại suy nghĩ, ngành nào cũng có vai trò riêng của nó, ngành nào cần thì mình học ngành đó. Từ đó, trong quá trình học tập, tôi luôn tự nhủ cần phải cố gắng để không phụ công đất nước, gia đình, cha mẹ cho mình đi học[1].
Nhờ thành tích học tập tốt, sinh viên Đào Đình Bắc đã tốt nghiệp loại ưu và đạt giải thưởng trong Hội nghị khoa học sinh viên Liên Xô mà ông được đặc cách không phải bảo vệ luận án tốt nghiệp. Sau khi về nước năm 1966, ông nhận công tác tại Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Phủ Thủ tướng, đến năm 1968, ông về giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong ông, luôn tâm niệm: cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao thì thành công sẽ đến.
Hơn 40 năm làm công tác giảng dạy, ông đã đi sâu nghiên cứu về khía cạnh địa mạo trong địa lý với hơn 20 công trình được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước, nhiều bài được in trong các kỷ yếu hội nghị, hội thảo và 7 cuốn sách (4 cuốn ông là tác giả và 3 cuốn là đồng tác giả) được xuất bản, tham gia 5 đề tài nghiên cứu khoa học. Năm 2005, ông được phong học hàm Giáo sư ngành Khoa học trái đất. GS Đào Đình Bắc thật sự là một tấm gương học tập suốt đời, dù đã nghỉ hưu theo chế độ, song ông tự học ngoại ngữ qua internet để có thể dịch những cuốn sách mà ông yêu thích.
Năm 2017, cuốn sách “Sự minh định của địa lý” do ông là dịch giả được xuất bản, đây là cuốn sách dịch ông tâm đắc nhất, bởi nội dung nói về địa chính trị – một vấn đề mới với những người quan tâm đến địa lý ở Việt Nam. Ông cho rằng: chúng ta không có nhiều sách để đọc về chủ đề này. Cho đến thời gian gần đây, nhiều người trong chúng ta còn lúng túng khi sử dụng thuật ngữ địa chính trị, kể cả một số nhà địa lý! Có thể nói: Địa chính trị có đối tượng là nghiên cứu môi trường đối ngoại mà mọi quốc gia phải đối mặt trong khi xác định chiến lược của riêng mình: Môi trường ấy chính là sự hiện diện của những quốc gia khác cũng đang tranh đấu cho sự sống còn và lợi thế của mình. Nói cách khác, địa chính trị là nghệ thuật xử lý những mối quan hệ đối ngoại trên những không gian lãnh thổ cụ thể tại những thời điểm cụ thể nhằm đảm bảo cho quốc gia – dân tộc mình được an toàn và phát triển thuận lợi [2].
Sau khi hoàn thành việc dịch cuốn “Sự minh định của địa lý”, ông còn thử thách bản thân bằng cách chọn dịch một cuốn sách trái với chuyên môn có tên “Cách mạng Pháp và tâm lý học của cuộc cách mạng”, xuất bản năm 2020. Ông từng nói, nếu như cuốn sách “Sự minh định của địa lý” là việc nhìn lịch sử qua góc nhìn địa chính trị thì cuốn sách này là luận giải lịch sử bằng phương pháp tâm lý học.)
Đi để trở về
Trong suốt hơn 40 năm học tập, công tác và cống hiến hết mình vì ngành địa lý – địa mạo, GS Đào Đình Bắc luôn nặng lòng với vùng đất quê hương Hà Nam. Theo ông: Hà Nam có một nền văn hóa dân gian phong phú và đặc sắc, là cái nôi văn hóa dân gian của Đại Việt, rất nhiều loại hình ca múa nhạc đặc sắc có thể kể đến hát chèo, hát chầu văn với nghệ thuật dân ca, dân vũ. Những nét văn hoá độc đáo này chắc chắn có dấu ấn của điều kiện địa lý[3].
Và bài viết “Quê hương ngày trở về” của ông, đăng trên Tạp chí Sông Châu đã thể hiện phần nào tình yêu quê hương chan chứa trong ông. Như ông từng tâm sự: nếu thời gian và sức khỏe cho phép tôi còn mong muốn sẽ trở về quê hương nghiên cứu về các vấn đề lịch sử thông qua lăng kính của một nhà địa mạo, địa lý.
Nhưng thật đáng tiếc, sau một thời gian dài chống chọi căn bệnh nan y, GS.TS.NGƯT Đào Đình Bắc đã không thể tiếp tục thực hiện ước nguyện của mình. Ông trở về và nằm lại đất mẹ vào ngày 3-7-2021.
Xin gửi lời cảm ơn thầy – GS.TS.NGƯT Đào Đình Bắc, trong những ngày mang trong mình bệnh nặng vẫn luôn ủng hộ công việc của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Kính mong hương hồn thầy an lạc về miền vĩnh hằng.
Hoàng Thị Kim Phượng
__________________________
[1] Tài liệu ghi âm GS.TS Đào Đình Bắc, ngày 27-5-2016, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.