Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Văn Lộc sinh năm 1940 tại Đồng Hới, Quảng Bình. Tuổi thơ của ông trải qua nhiều gian truân, vất vả để vừa mưu sinh, kiếm sống, vừa phấn đấu học tập.
GS.TSKH Phan Văn Lộc, 2016
Năm 1959, khi Phan văn Lộc đang học lớp 9 của trường Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh, hưởng ứng chủ trương của nhà trường động viên học sinh lớp 9 và lớp 10 tòng quân, Phan Văn Lộc làm đơn xung phong đi bộ đội. Trong số 360 học sinh của trường viết đơn xung phong dịp ấy, chỉ 21 người đạt yêu cầu sau quá trình xét tuyển và khám sức khỏe, Phan Văn Lộc là một trong số được tuyển. Biết được tin Lộc trúng tuyển bộ đội, gia đình gửi điện báo tới trường, không đồng ý cho Lộc nhập ngũ. Thầy giáo chủ nhiệm Đinh Chí là người đã nhận được bức điện này, gọi trò Lộc lên trao đổi. Giáo sư Phan Văn Lộc kể lại: “Thầy Chí thông báo cho tôi việc gia đình gửi điện ra không đồng ý cho tôi nhập ngũ. Tôi nói: Có lẽ anh trai của em không hiểu tình cảm, không hiểu ý chí của em cho nên nói thế thôi, thầy cho em xin bức điện ấy. Thầy Chí đã cho tôi giữ lại bức điện và coi như thầy không biết gì”[1]. Sau đó, Phan Văn Lộc vẫn gia nhập bộ đội như chưa có chuyện gì xảy ra.
Có hai lý do thôi thúc Phan Văn Lộc xung phong đi bộ đội. Thứ nhất, có cụ nội tham gia phong trào Cần Vương, bị Việt gian chỉ điểm và bị Pháp treo cổ ở chợ làng Đức Phổ, rồi đến bố Phan Văn Lộc là ông Phan Văn Khoa cũng bị quân Pháp phục kích bắn chết trên đường công tác. Lý do thứ hai là điều kiện kinh tế của gia đình: Mỗi tháng, mẹ thường gửi tiền cho con ăn học, thương mẹ ngày một già yếu, còn anh trai mới đi làm và đã lấy vợ, không đủ điều kiện giúp em ăn học. Do đó, Phan Văn Lộc tha thiết đi bộ đội để có cơ hội báo thù nhà, đồng thời giảm bớt khó khăn về kinh tế cho gia đình.
Nhập ngũ ngày 1-9-1959, Phan Văn Lộc lên ô tô đi từ thị xã Hà Tĩnh ra Vinh, ở lại đây vài ngày rồi cả đơn vị hành quân bộ lên Thanh Chương, Nghệ An. Lần đầu tiên đi giầy, chân Lộc phồng rộp lên. Lộc được phân vào Trung đoàn 324 và được rèn luyện bộ binh 6 tháng, sau đó tham gia xây dựng doanh trại. Ông cho biết: “Tôi học mót nhanh lắm, thấy các anh cựu binh xây, thế là tôi xin xây, được các anh ấy khen. Tôi xây vòm, xây trụ đều được. Hồi đó xây trụ sở trung đoàn ở trên một quả đồi, tại huyện Đô Lương, Nghệ An. Hết thời gian đó, tôi được về đại đội pháo 120 ly. Một lần, có báo động chiến đấu ở biên giới phía Tây Nghệ An, vì có một nhóm phiến loạn từ Lào tấn công vào. Tôi được phát 4 băng đạn, một khẩu K50, một ruột tượng gạo và lựu đạn, sẵn sàng lên biên giới chiến đấu. Do là tân binh nên chúng tôi ở tuyến sau, còn cựu binh ở tuyến trước. Mới mấy loạt đạn giao chiến, nhóm phiến loạn đã chạy hết. Ta rút quân. Lần đầu tiên tham gia trận đánh nhưng tôi chưa kịp bắn viên đạn nào. Sau đó một thời gian, bộ đội hải quân vào đón và đưa chúng tôi ra Hà Nội”[2].
Thời gian trong quân đội, Phan Văn Lộc còn mua sách lớp 10 để tự học. Hồi đóng quân ở Thanh Chương, Nghệ An, tranh thủ những lúc không bận việc, ông mang sách ra đọc và làm bài. Vì đặc thù quân đội thường xuyên phải luyện quân, hay phải di chuyển, nên chiến sĩ Lộc chỉ có thể mang theo một quyển sách, số còn lại gửi ở nhà dân. Sau này khi ra quân, Lộc được Cục Hải quân cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình cấp 3. Môi trường quân đội đã rèn giũa rất nhiều cho Phan Văn Lộc. Ông kể: “Tôi vốn dĩ kiêu từ bé vì học nhanh, nhưng tính tự mãn ấy ngấm ngầm, không bộc lộ ra. Một lần, tôi được phân công xây một đoạn tường. Ông trung đội phó cũng xây một đoạn như thế, tôi xây nhanh hơn. Đang xây thì trung đội phó bảo tôi sang xây chung với ông. Tôi bảo em xây chưa xong, ông ấy nói: “Tôi bảo đồng chí sang đây!” Mình còn chưa rõ, thì ông ấy nói tiếp: “Tôi ra lệnh đồng chí sang đây!” Tôi tự ái nhưng vẫn sang làm. Tối về họp, tôi thắc mắc vì chưa bao giờ bị người khác ra lệnh như thế. Các anh lớn tuổi hơn cười và giải thích, trong quân đội cấp trên ra lệnh, cấp dưới phải chấp hành. Lần đầu tiên mình bị ra lệnh như cưỡng bức, tôi cảm thấy bức xúc. Trước lúc rời khỏi trung đoàn bộ binh ở Nghệ An anh đại đội trưởng bắt tay tôi: “Chúc em chóng tiến bộ, anh chỉ lo không có đất dụng võ, kiếm của em dài đấy!” Sau này vào đại học, tính tự kiêu của tôi mới bị trấn áp”[3].
Sau vài tháng đóng quân, tập huấn trong quân ngũ ở Nghệ An, Phan Văn Lộc được điều động ra Quảng Yên, khu Hồng Quảng, Quảng Ninh. Từ Nghệ An, Lộc theo đơn vị đi ô tô ra Thanh Hóa, sau đó lên tàu hỏa ra Hà Nội. Đó là lần đầu tiên ông được đi tàu hỏa nên ấn tượng rất lâu. Sau khi xuống tàu ở ga Hàng Cỏ, đơn vị tập kết ở Nhà hát Nhân dân (nay là Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Xô), sáng hôm sau lên xe đi về Quảng Yên và tập kết ở đồi Ngô Quyền – nơi lính Pháp từng đóng quân.
Trong lúc tiểu đoàn thiếu anh nuôi, thủ trưởng đơn vị yêu cầu tinh thần xung phong của các chiến sĩ và Phan Văn Lộc nhận ngay nhiệm vụ này. Bắt tay vào công việc đầu bếp không lâu chiến sĩ Lộc nhận được lệnh lên tiểu đoàn nhận nhiệm vụ mới. “Tôi lên tiểu đoàn và được chỉ đạo chuẩn bị tư trang về Hà Nội luyện tập môn bơi, đại diện cho quân chủng hải quân tham gia đại hội thể dục thể thao toàn quân lần thứ nhất, tổ chức vào tháng 12-1959. Tôi không hiểu tại sao mình được vào đội này, mà đi thi toàn quốc thì càng vinh dự. Hồi đó hải quân ít, chứ không nhiều như bộ binh. Ở bộ binh, khi còn ở Sư đoàn 324 đóng tại Thanh Chương, Nghệ An, Phan Văn Lộc từng tham gia thi bơi và đạt giải nhất cự ly 400 mét ở cấp trung đoàn; sau đó chuẩn bị lên thi ở cấp sư đoàn nhưng do mưa lũ nên phải hoãn lại.
Trước khi về Hà Nội luyện tập, Phan Văn Lộc không có kỹ thuật mà chỉ dựa vào lợi thế chiều cao và sức khỏe của mình; khi được luyện tập bài bản, kết quả hàng tuần tăng lên rõ rệt.
Trước khi bước vào giải đấu, phải vượt qua vòng đấu loại và Phan Văn Lộc đạt kết quả không cao. Ông kể lại: “Có cậu bạn ở Hải Phòng, sau này cũng đi học lớp bơi với tôi, nhận xét rằng: “Anh Lộc ạ, anh bơi khỏe nhưng người không thẳng”. Tối hôm đó tôi đứng dưới cột điện, có đèn sáng, làm động tác bơi, thấy cái bóng của mình đúng là loằng ngoằng thật. Một câu nhận xét của cậu bạn đáng giá ngàn vàng. Từ hôm sau, khi tập tôi chỉ lo giữ người cho thẳng thôi. Hôm vào thi chung kết, bị xếp ở đường bơi ngoài cùng. Như thế là bất lợi vì khi bơi, bị sóng đập vào nhiều hơn. Nhưng khi thi, tôi luôn dẫn đầu ở cự ly 1500 mét. Sau khi về nhất, đầu tôi nhức lắm do máu lên não không đủ. Tôi nằm đó và được các anh trong đơn vị xoa bóp, chăm sóc”[4] .
Sau lần đi thi bơi toàn quân đó, Phan Văn Lộc được đồng đội quý mến. Đó là một kỷ niệm đẹp trong đời lính của ông. Sau đó, ông được chuyển sang dạy bổ túc văn hóa, một nhiệm vụ mà ông cho là quan trọng nhất trong thời kỳ tham gia quân đội. Phan Văn Lộc là binh nhì thuộc Cục Hải quân, được phân công dạy bổ túc văn hóa cho các thủ trưởng. “Nhiệm vụ của tôi là đi dạy học. Tôi là người thuộc hai đơn vị, thứ nhất là phòng Chính trị, Cục Hải quân, tức là làm giáo viên đi dạy; đơn vị thứ hai là phòng Tác huấn, tức tác chiến và huấn luyện, khi nào có hội thao, tôi được gọi vào đội bơi”[5].
Giáo sư Phan Văn Lộc kể: “Giảng dạy là nhiệm vụ quan trọng đối với tôi, khiến tôi gắn bó trong môi trường quân đội. Tôi thường giảng dạy cho những người có trình độ từ lớp 4 đến lớp 6. Ông Tạ Xuân Thu lúc ấy là quyền Cục trưởng Cục Hải quân, bí thư đảng ủy nên tôi phải đến phòng riêng để giảng. Học viên cực kỳ nghiêm túc, rất cầu thị mặc dù lúc đó họ là thủ trưởng, tôi chỉ là binh nhì nhưng khi vào lớp, các sĩ quan mặc sắc phục đều đứng dậy chào, sau tiếng hô nghiêm của người trực ban, thường là thiếu úy, trung úy. Thời kỳ ấy phong trào học bổ túc văn hóa rất sôi nổi. Sau này dạy đại học, tôi điểm lại, thấy mình gắn với nghiệp đào tạo, giáo dục từ thủa thiếu thời. Lúc đi bộ đội, tôi được Ty Giáo dục cấp bằng Chiến sĩ diệt dốt, vì trước đó ở Hà Tĩnh đã đi dạy thêm, có chứng nhận dạy bình dân học vụ ở quê nhà. Vào bộ đội tôi lại dạy bổ túc văn hóa”[6].
Cuối năm 1961, Cục Hải quân có chủ trương giải tán đội bơi, một số người được đưa về đội đặc công nước. Trong đội bơi, có ba thanh niên trẻ được cử đi học phóng ngư lôi ở Quảng Yên, đó là Nguyễn Văn Kim (người Yên Phụ, Hà Nội), Nguyễn Đức Chính (người Thái Bình) và Phan Văn Lộc. Trước khi quyết định theo học ngành này, thủ trưởng đơn vị – đồng chí trung úy đã hỏi ý kiến Phan Văn Lộc, đồng thời cũng gợi mở cho ông có thể học thể dục thể thao ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Lộc đã quyết theo học phóng ngư lôi.
Trước khi nhập học, Phan Văn Lộc được về quê thăm gia đình. Gia đình khuyên ông không nên theo nghề này vì rất nguy hiểm. Nhưng Phan Văn Lộc vẫn quyết tâm, và còn tự nhủ: “Nhất đại dương, nhì huân chương”[7].
Khi quay trở lại đơn vị để chuẩn bị đi học, ông Lộc nhận được một bức thư của người bạn cùng quê. Từ bức thư này mà ông Lộc quyết định xin ra quân, như ông kể: “Đùng một cái nhận được thư của cậu bạn Nguyễn Sàng ở cạnh nhà tôi. Trong thư cậu ấy nói rằng tình hình gia đình tôi rất khó khăn. Ở nhà mẹ tôi già ốm, đau mắt, hôm sớm không có ai chăm sóc. Đọc thư bạn tôi rất buồn, cũng không biết giải quyết thế nào. Đang đọc thư thì một đồng chí trung úy đi ngang qua. Thấy tôi buồn rầu đồng chí quan tâm, gặng hỏi. Tôi đành tâm sự thực về hoàn cảnh gia đình. Sau đó, tôi được đồng chí trung úy cho biết các thủ trưởng quyết định cho tôi xuất ngũ”[8] – GS Phan Văn Lộc kể lại.
Tháng 1-1962, Phan Văn Lộc xuất ngũ, trở về quê. Về hôm trước, ngay hôm sau ông lên Ủy ban xã trình giấy tờ ra quân, đồng thời xin vào làm ở hợp tác xã gạch ngói. Công việc chỉ là trộn đất, xắn đất, đóng gạch ngói… Làm được 2 tuần thì ông được anh trai và gia đình động viên tiếp tục đi học.
Và thế là sự học của Phan Văn Lộc bước sang một trang mới. Năm 1962, Quảng Bình đã có trường cấp 3. Phan Văn Lộc đến gặp thầy hiệu trưởng trường cấp 3 Quảng Bình, trình bày nguyện vọng học dự thính lớp 10 để ôn lại kiến thức chuẩn bị đi thi đại học. Do là bộ đội phục viên nên ông được ưu tiên nhận vào học dự thính. Ông kể: “Tôi đến gặp thầy Hiệu trưởng, trình bày hoàn cảnh của mình, rằng tôi đã học xong chương trình lớp 9 và đã tự học chương trình lớp 10, cũng đã có giấy xác nhận trình độ cấp 3. Tuy nhiên vì tự học nên đề nghị thầy Hiệu trưởng cho tôi đến dự thính, nghe giảng để bổ sung những kiến thức còn hạn chế. Được thầy Hiệu trưởng đồng ý, tôi gia nhập lớp 10A, là lớp tập trung những học sinh giỏi nhất của trường. Tôi chăm chỉ học để kiểm tra kiến thức mình đã tự học và quyết định xin thi tốt nghiệp, mặc dù đã có giấy chứng nhận đạt trình độ cấp 3 của Cục Hải quân. Nhưng tôi muốn thi để thử sức mình.”[9].
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Phan Văn Lộc cùng với người bạn ở lớp 10A là Trương Văn Mạnh thi vào ngành cơ khí của Đại học Bách khoa Hà Nội. Vào trường Bách khoa 2 tuần thì ông Lộc nhận quyết định đi học ở Liên Xô. Kể từ đây, ông bước chân vào một lĩnh vực khoa học hoàn toàn mới – khoa học trái đất, một lĩnh vực mà ông yêu thích và dành trọn cả đời để đi theo.
Cuộc đời của mỗi người đều trải qua những thăng trầm, những mảng màu sáng tối khác nhau. Ai cũng có những miền ký ức sâu sắc, để thỉnh thoảng nhớ về, trở về sống lại với nó. Ký ức về một thời ở quân ngũ là ký ức đẹp, luôn thường trực trở về với GS.TSKH Phan Văn Lộc. Những năm tháng ấy giúp ông trưởng thành hơn, dạn dày hơn với cuộc sống, là một phần hành trang để ông vững tâm bước vào cuộc đời.
Nguyễn Thanh Hóa
[1] Ghi âm phỏng vấn GS Phan Văn Lộc, 25-2-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt