Nhớ về thầy Đào

 Từ trái sang phải: GS Trần Quốc Vượng, GS Đinh Xuân Lâm, GS Hà Văn Tấn, Nhà văn hóa Phan Ngọc,  

Nhà sử học Dương Trung Quốc, GS Phan Huy Lê, Nhà sử học Đào Hùng, GS Đào Thế Tuấn

 

Những học trò của thầy Đào trong bức ảnh này đều thuộc thế hệ học trò được đào tạo sau Cách mạng tháng 8-1945. Họ đều biết về thầy Đào của mình từ rất sớm qua việc đọc những tác phẩm của ông như “Hán – Việt từ điển (1932)”, “Pháp – Việt từ điển (1936)”; “Trung Hoa sử cương”; “Việt Nam văn hóa sử cương”; “Việt nam lịch sử giáo trình”…, nhưng để gặp gỡ và trực tiếp tiếp xúc với thầy Đào thì phải đến sau khi kháng chiến chống Pháp thành công, và rồi họ đều trở thành học trò của thầy trong những hoàn cảnh khác nhau, ở những giai đoạn khác nhau.

 

Nhớ về thầy Đào là nhớ về những buổi giảng bài của một người thầy với  trí nhớ phi thường và phương pháp giảng bài mới mẻ. Học trò Phan Huy Lê kể lại “…Tôi còn nhớ như in những buổi giảng bài của thầy Đào. Lúc bấy giờ Liên khu 4 là vùng tự do, nhưng máy bay địch vẫn thường xuyên bắn phá dọc theo quốc lộ số 1, vùng ven biển và một số địa điểm nằm sâu trong đất liền. Để phòng tránh máy bay địch nên các lớp học đặt tại đình làng hay nhà dân (nhà địa chủ có sân rộng) và học vào ban đêm. Mỗi sinh viên tự sắm một bộ bàn ghế xếp đơn xơ và một cái đèn nhỏ tự chế bằng lọ mực hay họ thuốc đục nắp để sâu dây bấc và một bóng đèn nhỏ, dùng giấy che ba phía, chỉ để ánh sáng hắt về phía bàn đủ ghi chép bài giảng. Sinh viên ngồi giữa sân, thầy Đào thường ngồi trên một chiếc ghế sau một bàn nhỏ kệ trong đình hay trên thềm nhà. Thầy không cần đèn, không cần sách vở, chỉ dựa vào trí nhớ để giảng bài… Sinh viên nhìn lên không thấy rõ mặt thầy, trừ những đêm sáng trăng, chỉ nghe tiếng thầy giảng với giọng đều đều và bằng một trí nhớ phi thường…”(1). Lớp học sử của thầy Đào luôn đông người nghe, trong số sinh viên đến nghe giảng có cả những người lớn tuổi. Sở dĩ như vậy bởi ông biên soạn giáo trình giảng dạy dễ hiểu để truyền đạt cho học trò. Với những kiến thức đã tích lũy trong hai bộ sách Việt Nam lịch sử giáo trình và bộ Lịch sử Việt Nam, ông đã soạn bộ giáo trình Lịch sử Việt Nam trình độ đại học đầu tiên viết theo quan điểm duy vật lịch sử. Bộ giáo trình này được giảng lần đầu tiên bằng tiếng Việt ở trường Đại học, với nội dung lịch sử cổ đại được nêu lên bằng những luận điểm phần nhiều là mới mẻ, lại được trình bày cả phương pháp nghiên cứu, đặc biệt ông còn kết hợp liên hệ với phương pháp duy vật lịch sử, đó là điều mà sinh viên ở nước ta chưa được biết, đang hăm hở muốn tiếp cận.

 

Tình thầy trò với GS Đào không chỉ là những buổi học trên lớp, mà mối quan hệ ấy còn được hun đúc qua những hoạt động xã hội mà GS Đào từng tham gia. Năm 1947, tỉnh Thanh Hóa tổ chức lớp chính trị, văn hóa cho giáo viên. Nhiều nhà khoa học, giáo dục, văn nghệ sĩ nổi tiếng lúc đó có mặt ở Thanh Hóa để trình bày các vấn đề chuyên môn. Năm 1948 nhóm nghiên cứu Văn – Sử ra đời gồm những nhà khoa học như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Lương Ngọc, Trương Tửu…và một số giáo viên dạy môn khoa học xã hội của trường Trung học Đào Duy Từ. Nhóm nghiên cứu này sinh hoạt một tháng một lần. Lúc đó GS Đinh Xuân Lâm là thầy giáo dạy học ở Trường Trung học Đào Duy Từ, những buổi thuyết trình của nhóm Văn – Sử do tỉnh tổ chức đã thu hút Đinh Xuân Lâm tham gia đầy đủ, đặc biệt là những bài nói chuyện của GS Đào. Khi đó thầy Đào nói về tác phẩm Hoa Tiên, tác phẩm Trinh thử. Những bài thuyết trình của nhóm Văn – Sử trong giai đoạn này đã tác động không nhỏ đến GS Đinh Xuân Lâm. Trong bài “Một vài ký ức về thầy Đào”, ông viết “Nhóm nghiên cứu Văn – Sử đối với chúng tôi – những giáo viên trẻ măng được đào tạo theo chương trình của Pháp thực sự bổ ích. Có thể nói đó là trường học đầu tiên bồi dưỡng nâng cao trình độ chúng tôi về khoa học xã hội nhân văn để có thể hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy trong hoàn cảnh không có sách giáo khoa và tài liệu tham khảo”(2). Nhưng sau đó nhóm Văn – Sử này hoạt động không lâu tại trường Đào Duy Từ, vì những người phụ trách nhóm phải ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới. Đến sau năm 1955, Đinh Xuân Lâm nhận được quyết định của Sở Giáo dục liên khu 4 cử ra Hà Nội học Trường Đại học Sư phạm. Học chậm gần 2 tháng sau khi các trường Đại học đã khai giảng. Nhớ lại buổi đầu tiên ra nhập học, ông đã gặp thầy Đào “Buổi học chiều hôm đó là buổi đầu tiên tôi ngồi nghe giảng với tư cách là sinh viên đại học, và thầy dạy giờ đầu tiên cho tôi là thầy Đào Duy Anh. Nhưng sự thực thì thầy Đào đã dạy tôi từ lâu, từ trước cách mạng, trong kháng chiến qua các công trình nghiên cứu của thầy, qua các buổi sinh hoạt khoa học cùng thầy và cả qua những bài giảng của thầy tại trại hè của ngành giáo dục tỉnh Thanh hóa năm 1947 tại huyện Thiệu Hóa trên dòng sông Chu năm xưa”(3).

 

GS Đào Duy Anh luôn dạy học trò của mình phương pháp nghiên cứu là phải biết coi trọng tư liệu, coi trọng việc thu thập tư liệu và giám định tư liệu. Và phải đọc nhiều sách, biết khảo sát thực địa. Trong nghiên cứu khoa học, GS Đào còn hướng cho sinh viên phương pháp nghiên cứu liên ngành, có tầm nhìn sâu rộng, biết giao lưu, học hỏi sự tiến bộ từ bên ngoài. Ông từng tâm sự với GS Hà Văn Tấn “Tôi già rồi không học được tiếng Nga nữa, anh còn trẻ nên học tiếng Nga vì Đông phương học của Liên Xô có những tiến bộ đáng trân trọng” hay “Muốn hiểu văn hóa Việt Nam thì phải hiểu văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ” (4).

 

Khi nhóm học trò này đã trở thành đồng nghiệp của thầy, cùng chung tay góp sức xây dựng Bộ môn Sử tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, họ vẫn luôn nhận được sự chỉ bảo ân tình của thầy Đào. Thầy luôn tin tưởng và tạo động lực cho học trò phát triển “Giáo sư Đào luôn tin tưởng và mạnh dạn giao phó công việc cho nhóm cán bộ trẻ nhưng quản lý rất chặt và yêu cầu rất cao. Thầy hướng dẫn soạn giáo án, thông qua thầy, và bắt đọc những sách tham khảo cần thiết để chuẩn bị trả lời câu hỏi của sinh viên. Thầy tập trung công sức vào xây dựng bộ môn và triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học “(5). Cũng từ cách làm việc này của thầy Đào, học trò của ông đã học được  phương pháp giảng dạy khoa học từ thầy.

 

GS Đào Duy Anh không chỉ để lại những kỷ niệm cho các thế hệ học trò bằng những bài giảng hay, những cuốn sách với nội dung dễ đọc, lời giảng khúc chiết, và bằng phương pháp nghiên cứu mới mẻ, mà người thầy đáng kính này còn để lại trong lòng học trò hình ảnh của một người thầy đầy trách nhiệm, luôn quan tâm, chia sẻ với tình cảm thân thương. Giáo sư Hà Văn Tấn viết lại một kỷ niệm đáng nhớ: «Tháng 7-1954 khi ông tốt nghiệp, GS Đào gọi ông đến nhà và cho ông năm đồng và nói “Cho anh tiền tàu xe về quê”. Chắc ông đoán ra hoàn cảnh của tôi. Tôi vô cùng xúc động. Sau lần về quê đó, tôi trở ra và làm tập sự trợ lý ở bộ môn ông. Đây là một dịp may hiếm có trong cuộc đời tôi. GS Đào cho tôi chiếc bút kim tinh khắc ba chữ Đào Duy Anh, rồi cho tôi tài liệu” (6). Đối với Hà Văn Tấn, cảm nhận được tình cảm của thầy Đào đối với ông không chỉ là tình thầy trò, mà cao hơn nữa đó là tình cha con.

 

Từ những kỷ niệm của học trò cũ viết về GS Đào Duy Anh, đã phần nào cảm nhận được tình thầy – trò giữa họ, nó chỉ mộc mạc đơn giản vậy thôi, nhưng thật ý nghĩa. Và nhìn vào những học trò thành danh này có thể thấy thầy Đào của họ là người đáng kính như thế nào.

 

 

——————

[1] ; [5]. Phan Huy Lê, “GS Đào Duy Anh người thầy của những thế hệ sử gia đầu tiên được đào tạo từ nền đại học Việt Nam sau cách mạng tháng 8 – 1945”. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, tập 20, số 2, 2004.

 

[2]; [3]. Đinh Xuân Lâm, “Một vài ký ức về thầy Đào”. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, tập 20, số 2,  2004.

[4]; [6]. Hà Văn Tấn, ” Một vài kỷ niệm với GS Đào Duy Anh”. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, tập 20, số 2,  2004.

Nguồn tham khảo: Nhớ nghĩ chiều hôm. Hồi ký của GS Đào Duy Anh. NXB Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, 2003.

 

 

Nguyễn Thị Thành

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam