Một thời oanh liệt
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức tại Hà Nội, không giống như những người con gái khác, Nguyễn Thị Hảo có cá tính thẳng thắn, mạnh mẽ giống như một cậu con trai. Chính vì vậy, khi còn học phổ thông, Nguyễn Thị Hảo đã rất năng nổ, tham gia nhiều hoạt động của trường lớp trong đó có phong trào của học sinh Hà Nội. Với nữ sinh thời đó, hiện tượng như Nguyễn Thị Hảo không nhiều.
Năm 1947, Thành ủy Hà Nội chủ trương thành lập một tổ chức thu hút thanh thiếu niên, học sinh có mong muốn tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp lấy tên là “Đoàn thanh niên cứu quốc”. Từ đó, lực lượng học sinh tham gia phong trào ngày càng nhiều, lôi kéo cả con em các gia đình tư sản, con em công chức trong chính quyền bù nhìn, như con gái của Thị trưởng Thẩm Hoàng Tín. Thời kỳ 1947-1953, các phong trào của học sinh nội thành diễn ra rất sôi nổi, dưới nhiều hình thức khác nhau như: Biểu diễn văn nghệ để cổ vũ lòng yêu nước; Bãi khóa để phản đối bắt bớ đàn áp học sinh, sinh viên; Rải truyền đơn với nội dung ủng hộ kháng chiến… Bà Hảo nhớ, năm 1950 địch tăng cường khủng bố hòng dập tắt phong trào của học sinh. Hai sự kiện “Đại hội Liên hoan văn nghệ học sinh toàn thành” nhân dịp Tết Canh dần (1950) và sự kiện các nữ sinh trường Trưng Vương diễu hành trên đường phố trong buổi Lễ truy điệu học sinh Trần Văn Ơn (ngày 20-01-1950) đã trở thành tâm điểm chú ý. Các tiết mục văn nghệ được biểu diễn công khai, hoạt động diễu hành diễn ra ngay tại trung tâm Hà Nội khiến quan chức chính quyền và mật thám tay sai không khỏi bối rối.
.jpg)
Bác sĩ Nguyễn Thị Hảo – Nguyên trưởng khối các khoa,
phòng xét nghiệm, Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh
Để phản đối sự đàn áp và đòi thả những học sinh bị bắt, học sinh hai trường Chu Văn An và trường nữ sinh Trưng Vương đã cùng nhau tổ chức bãi khóa, rải truyền đơn với nội dung ủng hộ kháng chiến. Chỉ đạo tổ chức phong trào là ông Nguyễn Văn Trân (Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chính Liên khu III lúc bấy giờ). Hoạt động này diễn ra mạnh mẽ, kéo theo toàn bộ các trường học ở Hà Nội tham gia, trong đó có cả các trường Tây. Hồi đó, Hiệu trưởng trường Trưng Vương là bà Tăng Xuân An (tức Nguyễn Thị Hợp). Bà An là người có quan hệ mật thiết với chính quyền sở tại nên không đồng tình cho các nữ sinh tham gia hoạt động cứu quốc. Năm 1950, các nữ sinh đã tự ý tổ chức chống lại bọn mật thám bằng nhiều hình thức. Bà Nguyễn Thị Hảo kể, các nữ sinh đồng loạt mặc áo dài đỏ, quàng khăn màu vàng tượng trưng cho cờ Tổ quốc. Đỉnh điểm của hoạt động là nhóm nữ sinh trường Trưng Vương đã tổ chức treo cờ Tổ quốc và hát quốc ca tại trường đúng dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga. Người treo cờ là nữ sinh Nguyễn Thị Thảo (chị gái bà), sau đó các nữ sinh trường in truyền đơn và rải khắp nơi. Bọn mật thám đi dẹp và chị Thảo bị bắt đầu tiên, sau đó chúng bắt hơn mười nữ sinh khác, trong đó có Nguyễn Thị Hảo.
Bà nhớ lại: “khi bị mật thám đưa xuống ngục tối, tôi không cảm thấy run sợ, chỉ tò mò không biết dưới đó là gì?”. Bọn mật thám nhốt các nữ sinh bị bắt vào một phòng rộng, chúng thiết kế hai kệ trong phòng thành hai dãy giường dài, trên mỗi giường có chỗ xích chân tù nhân lại. Đến bữa chúng cho tù nhân ăn, chỉ có cơm không mà lại đổ thẳng vào một âu bằng gỗ gần nơi xích chân, thiu mốc, bẩn thỉu mà học sinh trường Trưng Vương lúc bấy giờ hầu hết là con nhà khá giả nên đều không ăn nổi.
Thời gian trôi qua đã lâu, nhưng Bác sĩ Nguyễn Thị Hảo không thể quên quãng thời gian bị tra tấn, giam giữ. Bà cho biết, các nữ sinh bị mật thám tra khảo bằng cách cuốn dây điện vào ngón tay, rồi bật công tắc để điện giật nhằm buộc phải khai báo. Hồi ấy, chúng lấy nguồn điện từ máy quay tay, nguồn điện nhỏ nên khi bị giật các nữ sinh chỉ thấy tê người, nhăn mặt như “cười”. Tới lượt bà, khi mật thám cuốn dây điện vào các ngón tay bà đã láu cá đi dép để chân không tiếp đất, chúng phát hiện bắt bà bỏ dép, bà lại dẫm chân vào gấu quần (hồi đó đi học các nữ sinh mặc áo dài truyền thống nên ống quần rất dài) nên không đứng “cười” như các bạn. Người bị tra tấn nhiều nhất là nữ sinh Tô Bạch Tuyết, vì Tuyết là người lớn tuổi nhất trong nhóm, lại gan dạ, luôn phản kháng lại những hành động của mật thám. Chúng thả Tuyết vào bể nước, sau đó cho dòng điện trực tiếp vào nước trong bể, điện giật làm Tuyết nẩy người lên rồi lại rơi xuống bể. Đó là cách tra tấn mà thời đó gọi là “đi tàu ngầm”.
Bị nhốt vài hôm thì có một sự việc xảy ra, nữ sinh Đỗ Hồng Phấn cùng lớp với bà đã cắt mạch máu tự tử để phản đối hành động tàn bạo của nhà cầm quyền. Tuy không mất mạng, nhưng thông tin loan ra ngoài gây bức xúc trong xã hội đặc biệt là các bậc phụ huynh có con bị bắt. Nữ sinh Đỗ Hồng Phấn đã trở thành hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh bất khuất của học sinh Thủ đô lúc bấy giờ. Sau sự kiện đó, các phụ huynh học sinh mà phần lớn là công chức đã biểu tình rầm rộ với quy mô rộng đòi thả người. Cuối cùng, số nữ sinh bị bắt được thả tự do. Sau khi được thả, các nữ sinh này đều bị hiệu trưởng Tăng Xuân An đuổi học một tháng.
Nhớ lại những tháng ngày trong ngục tối và hình ảnh các nữ sinh Trưng Vương được lôi lên từ xà lim, bà không khỏi bồi hồi: “Toàn những nữ sinh nội thành con nhà khá giả mà lúc đó chẳng còn khăn quàng, kẹp tóc, bẩn thỉu, nhem nhuốc, bù xù, xõa xượi…Vượt qua được điều đó cũng đáng tự hào”.
Làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường K.
Năm 1979, Bộ Y tế có công văn đề nghị Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh cử một cán bộ y tế làm xét nghiệm đi Campuchia phục vụ cho công tác hậu cần chiến đấu tại thủ đô Phnompênh. Ông Nguyễn Cận – Viện trưởng Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh lúc đó đã tiến cử bác sĩ Nguyễn Thị Hảo đi làm nghĩa vụ. Lên đường nhận nhiệm vụ, bà được điều về làm chuyên gia tại Bệnh viện Canmett thủ đô Phnompênh làm các xét nghiệm, chăm sóc sức khỏe cho chỉ huy cấp cao của Campuchia.
Đoàn chuyên gia người Việt Nam tại Bệnh viện Canmett thủ đô Phnompênh có tất cả 7 người, bác sĩ Nguyễn Thị Hảo là trưởng đoàn. Để tự vệ, bà đã đến gặp ông Đoàn Hồng – Quân đoàn trưởng Quân đoàn 4 Quân đội Việt Nam ở Phnompênh lúc bấy giờ, để xin 10 khẩu súng AK15 và 3000 viên đạn trang bị cho đoàn. Khi đến kho súng, bà thấy ngoài AK còn loại súng khác nhỏ nhẹ dễ sử dụng hơn, bà đã ngỏ ý với ông Đoàn Hồng xin súng lục để thuận tiện cho các chị em nữ. Nhưng ông Đoàn Hồng không đồng ý, ông nói: “Ở đây dùng súng lục tức là ông lớn, nếu bà dùng súng lục địch sẽ tưởng là lãnh đạo cấp cao và chắc chắn sẽ bị bắt cóc”. Ngoài súng, bà có đề nghị ông Đoàn Hồng phát cho đoàn chuyên gia lựu đạn, ông Đoàn Hồng không phát và giải thích: “lựu đạn không dành cho phụ nữ, tóc phụ nữ dài khi dùng sẽ bất tiện, thậm chí lựu đạn có thể cuốn vào tóc, rất nguy hiểm”. Bà về phát cho các chị em trong đoàn, tuy nhiên chưa ai trong số họ biết bắn súng nên cứ lắp đạn để sẵn súng bên cửa sổ, và nói với nhau rằng “nếu có gì bất trắc xảy ra ta sẽ bắn chỉ thiên, nếu bắn xuống đất có khi lại tự giết mình”.
.jpg)
Bác sĩ Nguyễn Thị Hảo tại Bệnh viện Canmett,
thủ đô Phnompênh, Campuchia, năm 1980
Sinh ra và lớn lên tại thành phố, nhưng Bác sĩ Nguyễn Thị Hảo có thể làm mọi việc, kể cả những công việc nặng nhọc, như chiến sĩ đã từng được rèn luyện ở chiến trường. Trong thời gian 2 năm làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, bà giống như một người chị cả đầu đàn luôn giúp đỡ, gánh vác mọi công việc của đoàn chuyên gia. Ngoài công tác chuyên môn thì việc “mưu sinh” là một trong những vấn đề được đặt ra hàng đầu trong thời chiến. Hồi đó, kinh tế khó khăn, đoàn chuyên gia chỉ được Nhà nước cung cấp gạo. Thức ăn khan hiếm, bà và đồng nghiệp phải tự nuôi lợn, đánh cá, nhờ người nhà gửi hạt giống từ Việt Nam sang để trồng rau ăn… Bà nhớ, Tết Canh Thân năm 1980, đoàn chuyên gia làm cỗ mời Ban lãnh đạo Bệnh viện Canmett. Chuẩn bị cỗ nhưng chẳng có gì ngoài một con lợn, bà đã phải mang gạo ra chợ đổi lấy rau hành để về chế biến các món ăn. Với bàn tay khéo léo của bà, đoàn chuyên gia đã có một bữa tiệc thịnh soạn cùng Ban lãnh đạo Bệnh viện đón chào Năm mới… Còn rất nhiều câu chuyện về những người bạn, những đồng nghiệp, về những khó khăn của gia đình trong thời gian này chúng tôi được cùng chia sẻ với Bác sĩ Nguyễn Thị Hảo.
Cuối năm 1980, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường K, bà về Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh tiếp tục công việc của mình. Sau này, mỗi độ thu về nhìn những Lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, bà lại thấy lòng rạo rực nhớ đến những kỷ niệm khi còn tham gia phong trào từ thời học sinh đến khi đi làm công tác hậu cần phục vụ chiến đấu ở Campuchia. Với bà, đó là quãng thời gian đáng nhớ, nó để lại dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời cũng như trong sự nghiệp của bà.
Chúng tôi cũng được biết, trong quá trình công tác tại Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh, ngoài hoạt động chuyên môn bác sĩ Nguyễn Thị Hảo còn tham gia nghiên cứu, hỗ trợ cho các bác sĩ trong công tác và nghiên cứu khoa học. Với chức trách quản lý là Trưởng phòng Xét nghiệm Hóa sinh, rồi Trưởng khối các khoa phòng Xét nghiệm bà làm việc nghiêm túc, chuyên môn vững vàng, đặc biệt là luôn đảm bảo nguyên tắc của một cán bộ Y tế, ứng xử đúng mức nên bà luôn được các đồng nghiệp quý mến. Bà là người có thể sẵn sàng nhường xuất tăng lương cho đồng nghiệp còn khó khăn hơn mình…
Cho tới tận bây giờ, sau hơn 20 năm nghỉ hưu, các đồng nghiệp vẫn nhớ và qua lại thăm hỏi bà. Có lẽ, chính những ngày tháng gian nan được tôi luyện đã làm nên phẩm chất đáng quý, phẩm chất “chiến sĩ” trong con người Bác sĩ Nguyễn Thị Hảo.
Nguyễn Thị Loan
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam