Những bài giảng dân tộc học qua hai cuốn vở ghi chép

Trước khi giới thiệu hai cuốn vở này, TS Lưu Hùng có lời “phi lộ” nhỏ nhẹ như chuẩn bị trước tâm lí cho chúng tôi, rằng hai cuốn vở trông đáng sợ lắm, dường như chúng phản ánh nỗi nhọc nhằn của cái nghiệp dân tộc học mà ông theo đuổi[1]. Và quả thật, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi đón nhận hai cuốn vở đóng bằng giấy thếp trắng kẻ ngang, tự khâu bằng chỉ đen, đếm được một cuốn 102 trang, một cuốn dày 214 trang, đều giấy ố, mực nhòe và chữ đã phai nhạt nhiều do từng bị ngập trong nước lụt hồi những năm 1980, khi gia đình ông ở khu tập thể của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam[2].

Ngay trên trang giấy đầu tiên của cuốn vở thứ nhất, cũng đồng thời là trang bìa, chúng tôi rất ấn tượng với mấy dòng chữ nắn nót của chàng sinh viên Lưu Hùng, trong đó có cả câu thơ Tố Hữu:

“Một ngày không xa nữa:

Núi rừng có điện thay sao

Nông thôn có máy làm trâu thay người

Nổi trống lên, rừng núi ơi!…”

Lật qua một ít trang vở là có thể cảm nhận được một tâm hồn bay bổng mà không kém phần “quậy” của anh sinh viên này. Điều đó thể hiện ở việc trang trí tiêu đề một vài chuyên đề, có chỗ biến chữ thành hình mặt người, có chỗ lại vẽ núi đồi, mặt trời mọc bằng bút chì màu, như mơ tưởng đến những xứ sở núi rừng, những rẻo cao trong bài giảng của thầy.

Tiến sĩ Lưu Hùng bắt đầu vào học ở khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ mùa thu năm 1971. Ông tâm sự: Thế hệ bọn mình là thế hệ của thời chiến tranh, thế hệ của lớp sinh viên những năm 70. Đây là giai đoạn có khá nhiều đặc trưng trong công tác đào tạo cũng như trong nền giáo dục ở miền Bắc nước ta[3]. Lớp sử khóa 16 (1971-1975) của ông có hơn 60 sinh viên. Sau khi học các chương trình cơ sở và học kỹ về lịch sử Việt Nam cận hiện đại cũng như lịch sử Đảng ta, năm thứ tư sinh viên được phân ban và từ đó học theo chuyên ban[4]. Ngày ấy, chuyên ban Lịch sử Việt Nam cận hiện đại được coi là “cao giá”, “đắt hàng” nhất, nhiều sinh viên thích vào chuyên ban này. Nhưng như TS Lưu Hùng kể, mặc dù ông học tốt môn lịch sử Việt Nam cận hiện đại và môn lịch sử Đảng, và mặc dù người bạn vong niên Nguyễn Huy Liên là cán bộ đi học đã có ý vận động ông theo chuyên ngành bảo tàng để sau sẽ về công tác cùng ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhưng ông quyết chọn chuyên ban Dân tộc học. Với ông khi đó, lý do đầy cảm tính: ông tuổi Ngọ, thích đi đây đi đó, muốn khám phá những vùng đất mới, những dân tộc thiểu số, lại đắm đuối với bài hát Tình ca Tây Bắc, mê mẩn truyện Xuân về trên rẻo cao, hay truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài… Sự đam mê tới những miền đất xa lạ và tìm hiểu phong tục tập quán của những cư dân địa phương là điều khiến ông sau này bất chấp gian khổ để đi điền dã dân tộc học.

Lớp chuyên ban Dân tộc học năm ấy có 6 người, chỉ có một nữ là Đặng Thị Lê Hòa, còn lại đều là nam sinh viên: Hoàng Lương, Ninh Lê Hiệp, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Hải, Lưu Hùng. Giảng viên thì có thầy Vương Hoàng Tuyên phụ trách tổ bộ môn Dân tộc học[5], thầy Hoàng Hoa Toàn (người Tày) được đào tạo ở Trung Quốc, thầy Phan Hữu Dật[6] lấy bằng Phó tiến sĩ ở Liên Xô, thầy Nguyễn Quốc Lộc[7] mới bảo vệ luận án phó tiến sĩ ở Liên Xô và thầy Hoàng Nam (người Nùng)[8]. Do tình cảnh thiếu giáo viên, nên tổ bộ môn phải mời thêm một số thầy đến giảng dạy, như thầy Hà Văn Tấn[9] ở tổ bộ môn Khảo cổ học, cùng khoa Sử, thầy Từ Chi[10] ở Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật (thuộc Viện Văn hóa – Nghệ thuật)… Cho đến đầu những năm 1970, dân tộc học ở nước ta với tư cách một ngành khoa học độc lập vẫn đang trong quá trình hình thành và phát triển. Mãi đến năm 1973 mới xuất bản cuốn giáo trình Cơ sở dân tộc học[11] đầu tiên của tác giả Việt Nam là thầy Phan Hữu Dật, không kịp cho lớp sử K16 của TS Lưu Hùng được học. Nếu từ chương trình đào tạo ngày nay nhìn lại, có thể nói, việc giảng dạy dân tộc học ở thời điểm trên 40 năm về trước chưa có hệ thống bài bản và tương đối toàn diện như trong thời đổi mới và mở cửa hội nhập quốc tế sau này. Thời đó, các thầy đã cố gắng xây dựng các chuyên đề, trên cơ sở điều kiện thực tế cho phép và dựa vào “thế mạnh” của từng thầy. Trong chương trình đào tạo chuyên ban, phần giảng về từng dân tộc và về các dân tộc ở một số địa bàn cụ thể chiếm khá nhiều thời gian, trong khi hầu như rất ít đề cập đến các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu, không có điều kiện cập nhật với dân tộc học/ nhân học phương Tây. Có thể các thầy cũng như sinh viên dân tộc học ở đầu thế kỷ XXI này nhận xét rằng chương trình học ở thập niên 70 ấy có nhiều bất cập, có tính “cổ điển”… Nhưng thời ấy không nhận thấy như thế, chí ít là với sinh viên chuyên ban.

Trong hai cuốn vở ghi bài giảng chuyên đề dân tộc học (năm học 1974-1975), sinh viên Lưu Hùng ghi chép cẩn thận và đầy đủ từng chuyên đề của các thầy. Ở cuốn vở thứ nhất, bài đầu tiên ôn lại kiến thức cơ sở dân tộc học đã được học từ hồi mới vào khoa Sử, nhưng đến lúc này chỉ tập trung vào một số nội dung cơ bản, về mục đích, ý nghĩa, đối tượng của dân tộc học, về vấn đề nguồn gốc loài người. Tuy biết rõ là học 4 buổi, trong các ngày 21, 23, 28 và 30-8-1974, nhưng nay TS Lưu Hùng không nhớ thầy nào đã dạy bài này, chỉ đoán có thể là thầy Vương Hoàng Tuyên. Sau đó, từng chuyên đề đều có ghi tên giảng viên, lần lượt là: “Tôn giáo nguyên thủy” (Vương Hoàng Tuyên), “Xã hội nguyên thủy” (Phan Hữu Dật), “Các dân tộc ít người Nam Trung Quốc” (Hoàng Hoa Toàn), “Người Mường” (Từ Chi), “Nhân chủng học” (Hà Văn Tấn), “Người Mèo ở Việt Nam” (Hoàng Nam) và “Người Việt” (Vương Hoàng Tuyên). Đến cuốn vở thứ hai, bắt đầu từ ngày 30-12-1974 với bài “Chính sách dân tộc”, rồi chuyên đề “Tày – Nùng” (Hoàng Hoa Toàn), “Tây Nguyên – Nam Trường Sơn” (Nguyễn Quốc Lộc), và ngày 24-2-1975 học chuyên đề cuối cùng về “Người Dao” (Phan Hữu Dật). Sau đó các sinh viên chuyên ban Dân tộc học đi điền dã ở tỉnh Hà Giang, rồi về viết luận văn tốt nghiệp theo đề tài của mỗi người.

Nội dung giảng dạy của các thầy chịu ảnh hưởng nhiều từ dân tộc học Xô viết. Trong từng chuyên đề, khi đề cập đến một dân tộc, bao giờ cũng theo trình tự chung, từ tộc người – tộc danh, lịch sử tộc người, đến đời sống kinh tế, văn hóa vật chất, rồi đời sống xã hội và văn hóa tinh thần. Hình thức miêu thuật dân tộc học (monography) thể hiện rõ, dựa theo quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin. Tài liệu tham khảo của Liên Xô được các thầy sử dụng nhiều trong quá trình soạn bài giảng. Đối với sinh viên, đó là những bài học không chỉ cung cấp nhiều kiến thức, thậm chí rất chi tiết, mà còn có tác dụng hướng dẫn hay tạo thói quen để khi vào nghề họ cũng sẽ tìm hiểu, nghiên cứu, nhìn nhận, giới thiệu về các tộc người theo cách thức đó.

Tiến sĩ Lưu Hùng ngẫm lại, thế hệ của ông thời sinh viên phải chịu nhiều thiệt thòi, vì nền dân tộc học Việt Nam khi đó còn non trẻ, chưa bài bản, đã thế lại có những hạn chế do cơ sở vật chất bất cập trong thời đất nước có chiến tranh và điều kiện cuộc sống đầy rẫy khó khăn thiếu thốn trong thời bao cấp. Nhưng sinh viên thế hệ ông học thật, học thành tâm, không học theo lối đối phó như nhiều sinh viên sau này. Ông chia sẻ: Chúng mình học như muốn vơ vào, thu vào cho mình, ghi chép bài vở rất kĩ, nuốt từng lời, ghi từng câu của thầy giảng trên lớp[12]. Bây giờ đọc lại những cuốn vở ghi chép bài học thời sinh viên của ông, có thể thấy tự mỗi cuốn vở đã phản ánh rõ tinh thần ấy. Ông viết miệt mài, ghi chi tiết, không phải là ghi tóm tắt, đại khái những ý lớn. Đây cũng là một đặc điểm của thời sinh viên học chủ yếu trên vở ghi, hầu như chỉ học từ bài giảng của thầy là chính. Khi soạn giáo án, dường như các thầy đã cố gắng tập hợp và chắt chiu tất cả những tư liệu có được, để rồi truyền hết cho học trò. Tư liệu không chỉ nhiều, mà còn tỉ mỉ, cụ thể, đó là đặc điểm chung của các chuyên đề và thể hiện rõ trong hai cuốn vở. Đọc những ghi chép này, điều nổi bật là thấy ngồn ngộn kiến thức sống động về các dân tộc.

Thực vậy, từ chữ tượng hình của người Khmu, hay chữ viết của người Choang, sơ đồ nhà ba gian và hoa văn trên quần áo của người Mèo, chế độ quần hôn trong công xã thị tộc…, tất cả đều được ghi chép, có lẽ chẳng khác với trong giáo án của các thầy là bao. Chuyên đề “Nhân chủng học” của thầy Hà Văn Tấn chẳng hạn, chỉ cần đọc ở vở ghi của TS Lưu Hùng cũng có thể hình dung tiết giảng của thầy hồi ấy. Đặc biệt, các hình vẽ kết cấu xương bàn tay, bàn chân, xương đùi, xương sọ, hình vẽ các dạng hộp sọ, hình vẽ phân biệt hàm miệng giữa người và vượn, so sánh mí mắt của người Mongoloid phương Nam…, rất chi tiết và rõ ràng. Chu toàn, nghiêm túc trong học tập, ghi chép còn ở chỗ, phát hiện chỗ viết sai, sinh viên Lưu Hùng viết lại trên một mảnh giấy, rồi cẩn thận cắt, dán đè lên chỗ viết chưa chính xác đó.

Đến nay, các thầy dạy chuyên ban Dân tộc học ngày đó người còn, người mất, nhiều thầy đã về thế giới bên kia, một nửa số sinh viên của lớp chuyên ban cũng đã rời cõi tạm, nhưng những ấn tượng về phong cách giảng dạy của mỗi thầy vẫn in đậm trong tâm trí TS Lưu Hùng. Thầy Hoàng Hoa Toàn rất giỏi Trung văn và là chuyên gia về các dân tộc Nam Trung Quốc. Thầy Toàn cần mẫn thu thập và chọn lọc tư liệu đưa vào giáo án, khi giảng chủ yếu đọc cho trò chép mỏi tay. Nội dung các bài giảng của thầy thường nhiều, nên phần chuyên đề thầy dạy chiếm nhiều giấy mực trong vở ghi và khiến sinh viên có cảm giác như thầy dồn toàn bộ các tài liệu liên quan đã có trên đời vào đó.

Khác với giọng trầm đều của thầy Toàn, thầy Phan Hữu Dật lôi cuốn lớp học bởi phương ngữ xứ Huế, giọng nói to và dõng dạc. Ngay từ thời ấy, thầy Dật đã chú tâm đến vấn đề xã hội nguyên thủy, hôn nhân thời nguyên thủy và thầy giảng dạy chuyên đề này. Mãi về sau, thầy vẫn tiếp mạch nghiên cứu ấy, kể cả sau khi nghỉ hưu thầy vẫn được mời giảng và vẫn viết về lĩnh vực này.

Một trang trong vở ghi chép của sinh viên Lưu Hùng, chuyên ban Dân tộc học, năm học 1974-1975

Về thầy Vương Hoàng Tuyên, TS Lưu Hùng cho biết, ông rất ấn tượng với vầng trán rộng và sự uyên bác của thầy. Thầy Tuyên người Hà Nội gốc, nhà ở phố Trần Quốc Toản, thầy thường đi xe đạp máy đến khoa, dựng xe dưới sân rồi lên lớp dạy. Thầy giảng như nói chuyện với học trò và hay có sự tương tác, mỗi câu thầy nói ra thường chứa đựng ý tứ sắc sảo và cả sự hóm hỉnh, lại thêm nét đặc trưng của thầy trong ngữ điệu và lời lẽ, nên hấp dẫn sinh viên. Đến giờ TS Lưu Hùng vẫn nhớ một ví dụ sinh động của thầy Tuyên diễn giải khi giảng chuyên đề “Người Việt”. Thầy so sánh giữa tính cách và tâm lý truyền thống của người Việt với người phương Tây bằng cách sử dụng câu hát “tình tính tang, tang tính tình” trong bài dân ca Cò lả. Theo thầy phân tích, nếu ở người châu Âu, tiếp theo “tình tính tang” thì chắc là không quay lại “tang tính tình”, mà phải khác, sau “tang” rồi nhạc phải tiếp tục lên cao hơn, và thầy buột ra: “tang tang tang”! Tuy có vẻ “buồn cười” như thế, nhưng TS Lưu Hùng không thể quên được. Trong nhận thức của ông, qua sự so sánh một cách dí dỏm như vậy, thầy Tuyên làm bật lên được một nét khác biệt giữa văn hóa của người Việt, của cư dân lúa nước ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ với văn hóa của cư dân trong xã hội công nghiệp phương Tây, và điều đó đã khắc sâu vào tâm khảm ông từ thuở sinh viên.

Tiến sĩ Lưu Hùng cũng nhớ những “lời vàng ý ngọc” trong bài giảng của thầy Hà Văn Tấn, mọi thứ đều chuẩn xác và chỉn chu, hình như không có lời thừa. Còn thầy Từ Chi với chuyên đề “Người Mường”, diện mạo và phong thái thầy dân dã, giản dị, cách giảng bài thì như kể lại những chuyện thầy đã biết, đã trải, nội dung phong phú và sinh động nhưng lời lẽ có vẻ mộc mạc, tự nhiên, làm cho bài giảng nhẹ nhàng, sinh viên dễ nghe và thích nghe. Ngày đó, sinh viên nghe đồn thầy Từ Chi rất giỏi, đã từng đi làm chuyên gia giáo dục bên châu Phi hồi đầu thập niên 60, nhưng rồi bị “trục xuất” vì thầy ham nghiên cứu dân tộc học nên hay la cà vào dân để hỏi chuyện họ và tìm hiểu đủ thứ, khiến nhà cầm quyền tưởng thầy hoạt động gián điệp! Tiến sĩ Lưu Hùng cho biết thêm, ông đang say sưa nghe chuyên đề ”Người Mường” thì được tin buồn của gia đình. Ông vội về quê chịu tang bố. Sau đó, ông phải mượn vở của bạn để chép bài cho đủ.

Trong số 4 cuốn vở ghi chép còn lại từ thời sinh viên của TS Lưu Hùng[13], hai cuốn vở ghi chuyên đề dân tộc học này có giá trị đặc biệt với ông. Thời sinh viên, ông đã “cày nát” hai cuốn vở này, đó là những kiến thức vỡ lòng, khởi đầu và bắc cầu vào con đường nghiên cứu dân tộc học sau này của ông. Sau khi ra trường, ông được phân về Viện Dân tộc học, phiên chế vào tổ Bình – Trị – Thiên (sau trở thành phòng Trường Sơn – Tây Nguyên), với định hướng nghiên cứu các tộc người bản địa Trường Sơn – Tây Nguyên. Từ đó, ông lao vào tìm đọc những tài liệu cần thiết, trước hết là tài liệu ở thư viện của Viện Dân tộc học. Bất kể tài liệu tiếng Việt hay tài liệu dịch từ tiếng nước ngoài, trong đó có nhiều tài liệu dân tộc học Liên Xô, ông đọc và ghi chép cẩn thận với ý thức tích lũy kiến thức, trau dồi cả về những vấn đề có tính lý thuyết, cả những hiểu biết cụ thể về các tộc người ở khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên. Nói đến chuyện này, ông không hiểu sao mình đã chịu khó đọc đến vậy, với phương châm “đọc đâu, ghi đấy”.

Từ ngày rời ký túc xá Mễ Trì, rời khoa Sử đầu tháng 3-1976, hai cuốn vở ghi chuyên đề dân tộc học nằm im trong tủ của TS Lưu Hùng. Như đã biết, có lần hai cuốn vở này cùng nhiều sách vở khác bị ngâm trong nước lụt, nhưng ông đã công phu đem phơi và gỡ từng tờ để cố cứu vãn, ông không nỡ vứt bỏ. TS Lưu Hùng tâm sự: Chúng gắn liền với thời kì đáng nhớ của mình – thời kì học chuyên ban dân tộc học. Đó là thời kì các thầy trang bị cho mình kiến thức cơ sở làm nền tảng, giúp mình sau này tự học tiếp để đi vào dân tộc học. Hơn nữa, quá trình học tập thời sinh viên gắn liền với nhiều kỉ niệm, mà chỉ có người trong cuộc mới thấy cực kì đáng nhớ, muốn giữ theo suốt cuộc đời. Có nhiều bồng bột, ấu trĩ, ngây ngô, nhưng chính từ thời ấy đã chuẩn bị cho mình khởi nghiệp, để rồi sau đó gắn bó với dân tộc học suốt 38 năm[14]. Vì lẽ đó, ông lưu giữ hai cuốn vở chẳng khác nào báu vật, bất chấp hoàn cảnh chỗ ở trong khu tập thể chật chội, ẩm thấp, và đã mấy lần chuyển nhà nhưng ông đều mang theo. Không ngờ sau này vùng đất Tây Nguyên – Nam Trường Sơn trong bài giảng của thầy Nguyễn Quốc Lộc lại gắn bó với ông cả đời công tác, dù ở Viện Dân tộc học hay khi chuyển sang Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Thời nay, sinh viên nghe giảng có thể dùng máy ghi âm, thậm chí còn ghi hình…, nhưng những thế hệ sinh viên như TS Lưu Hùng đã trải qua thì chưa biết đến các thiết bị đó và cả cách thức học như thế. Hiện nay, Dân tộc học và Nhân học Việt Nam đang tích cực chuyển mình để hòa nhập dần với nền khoa học thế giới, đặc biệt là mở rộng tiếp cận những vấn đề lý thuyết và phương pháp nghiên cứu tiên tiến. Trong bối cảnh ấy, hai cuốn vở ghi chép bài giảng chuyên đề dân tộc học từ những năm 1974-1975 của TS Lưu Hùng là tài liệu – hiện vật sống động để tìm hiểu về việc giảng dạy và học tập một thời của sinh viên chuyên ngành dân tộc học, và ở chừng mực nào đó cũng có giá trị để hiểu về công tác đào tạo đại học ở miền Bắc Việt Nam nói chung trước ngày thống nhất đất nước.

Trần Bích Hạnh

_______________________

* TS Lưu Hùng, chuyên ngành Dân tộc học, nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Dân tộc học, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

[1] TS Lưu Hùng, chuyện trò ngày 7-6-2017.

[2] Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam có thời kỳ là Viện Khoa học xã hội Việt Nam, hay Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, và nay là Việt Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Khu tập thể này hình thành trong nửa cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, thuộc quân Ba Đình, Hà Nội, nằm cạnh phố Kim Mã Thượng.

[3] TL phỏng vấn TS Lưu Hùng, 18-5-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Lúc đó, khoa Lịch sử có nhiều chuyên ban: Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Lịch sử Việt Nam cận hiện đại, Dân tộc học, Lịch sử thế giới, Bảo tàng, Lưu trữ, Khảo cổ.

[5] Thầy Vương Hoàng Tuyên là Chủ nhiệm bộ môn Dân tộc học từ năm 1956-1979, sau được phong học hàm Phó giáo sư.

[6] PTS Phan Hữu Dật, sau được phong học hàm Giáo sư, khi đó là Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từ năm 1981-1988 ông là Quyền Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

[7] PTS Nguyễn Quốc Lộc, sau được phong học hàm Phó giáo sư, có thời kỳ làm Hiệu trưởng trường ĐH Tổng hợp Huế.

[8] Thầy Hoàng Nam sau được phong học hàm Phó giáo sư, có thời làm Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc.

[9] Thầy Hà Văn Tấn sau được phong học hàm Giáo sư, là Viện trưởng Viện Khảo cổ học (1988-2008).

[10] Tên đầy đủ là Nguyễn Đức Từ Chi, nhà dân tộc học và nhà văn hóa học uy tín, từng công tác qua nhiều cơ quan, có thời làm việc tại tổ Dân tộc học của Viện Sử học, rồi về Viện Dân tộc học…, sau được phong học hàm Phó giáo sư.

[11] Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1973.

[12] [14] TL phỏng vấn TS Lưu Hùng, 13-7-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[13] TS Lưu Hùng còn giữ được hai cuốn vở nữa, ghi các bài giảng lịch sử Việt Nam và lịch sử Đảng trong năm học thứ ba.