Những bài học từ hai người thầy

“Hãy tin vào các cộng sự của mình. Nếu việc gì mình cũng ôm lấy thì không thể nào hoàn thành tốt công việc. Giao cho từng nhóm và trưởng nhóm đó chịu trách nhiệm. Chính điều này là tư tưởng xuyên suốt trong quá trình công tác của tôi[1]” – Đó là bài học lớn đầu tiên mà PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu học được ở hai thầy của mình. Trong thời gian làm việc ở khoa Truyền nhiễm do GS Nguyễn Văn Âu, sau đó là GS Bùi Đại làm chủ nhiệm khoa, theo BS Nữ Hiếu, khoa chia thành các khu khác như: khu cấp cứu, khu điều trị viêm gan, khu chuyên về đường tiêu hóa, khu điều trị các bệnh khác như sốt rét thường, hô hấp… mỗi khu có người phụ trách đã tạo điều kiện để nhiều người được phát huy năng lực, đồng thời nâng cao trách nhiệm cá nhân. Như bà được phân công phụ trách khu vực cấp cứu nhiều hơn nên được “đi theo” học tập nhiều kinh nghiệm từ chủ nhiệm khoa trong việc quan sát, thăm khám bệnh nhân.

Chủ nhiệm khoa Nguyễn Văn Âu (thứ 2, từ trái, hàng đầu) cùng tập thể khoa Truyền nhiễm, 1978.

BS Nguyễn Kim Nữ Hiếu đứng hàng sau cùng, từ phải

Bài học tiếp theo là tính nghiêm túc và cương quyết thực hiện kế hoạch mà lãnh đạo đã phân công. Đã lên kế hoạch thì khó khăn mấy cũng phải thực hiện, không ỉ lại bởi những lý do. Từ đó, bà hình thành thói quen như đúng giờ, lên kế hoạch tuần và nghiêm túc thực hiện, tuân thủ các nội quy, quy định của tổ chức, của tập thể… Trong quá trình làm việc tại Viện Quân y 108, mỗi bác sĩ, y tá đều có một quyển học bạ để ghi chép những kinh nghiệm học được, dựa vào đó để tính điểm, xếp hạng thi đua và cũng để bản thân phấn đấu.

Bài học thứ ba, là phải có ngoại ngữ. Ngoài công tác ở bệnh viện, thứ 5 hàng tuần, BS Nữ Hiếu cùng hai bác sĩ Hoàng Văn Diện và Lê Kim Quý đến nhà thầy Bùi Đại để học tiếng Pháp. “Thầy Bùi Đại không dạy chúng tôi về ngữ pháp hay cách phát âm vì chúng tôi đã được học. Thầy chuẩn bị một cuốn từ điển chuyên ngành bệnh truyền nhiễm bằng tiếng Pháp, mỗi hôm thầy cho chúng tôi đọc và dịch một bài liên quan đến một bệnh trong sách. Nhờ đó, chúng tôi vừa học được tiếng Pháp, vừa được rèn luyện những kiến thức chuyên môn áp dụng ngay vào thực tế”. Với tinh thần đó, BS Nữ Hiếu và BS Hoàng Văn Diện tiếp tục tranh thủ thời gian buổi tối, mỗi tuần hai buổi đi học các lớp tiếng Nga. Vào những năm 1994-1995, tại Viện Quân y 108 có tổ chức một lớp học tiếng Anh do thầy Quảng, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội dạy, BS Nữ Hiếu đăng ký học lớp tiếng Anh này.

Thứ tư, ngoài chuyên môn, công tác quần chúng rất quan trọng. Người làm lãnh đạo phải biết tập hợp quần chúng, không được xem nhẹ công tác đoàn thể, phong trào thi đua. Theo PGS Nữ Hiếu, muốn tập hợp được quần chúng, trước tiên bản thân phải sống chân thành, hết lòng vì mọi người, không tư lợi cá nhân.

Thầy Bùi Đại không những chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, đào tạo công tác quản lý từng nhóm công việc cho các bác sĩ trong khoa để khi thầy vắng mặt, công việc vẫn được thông suốt, mà còn nắm bắt các phong trào của Viện để tập hợp, phát động mọi người tham gia. Viện Quân y 108 phát động “điều trị đột kích” đầu tiên (tháng 12-1968) và lần hai (tháng 6-1970). Khoa A4 (Truyền nhiễm) do GS Bùi Đại làm chủ nhiệm khoa và khoa A5 (Lao và bệnh phổi) được Viện chọn làm thí điểm để rút kinh nghiệm. Phong trào nhằm nâng cao chất lượng điều trị, huấn luyện, nghiên cứu khoa học, củng cố các chế độ, quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật và xây dựng phấn đấu vượt chỉ tiêu. Trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng điều trị, tiến công các bệnh mạn tính. Khoa Truyền nhiễm có nhiều bệnh nhân điều trị lâu dài “không biết đến ngày nào ra viện”, các y bác sĩ trong khoa hưởng ứng xây dựng phác đồ điều trị cho 30 loại bệnh, nên rất thuận lợi cho việc chăm sóc và chẩn đoán cũng như điều trị bệnh và đã tự làm được các kỹ thuật cấp cứu như: đặt Catheter tĩnh mạch dưới đòn, đặt ống nội khí quản, thở máy… Cũng từ thực hiện phong trào trên, khoa A4 được chia làm 3 khu, trong đó khu bệnh ruột và viêm gan truyền nhiễm có buồng ăn, buồng tiêm, nhà vệ sinh riêng.

Năm 1969, sau khi Bác Hồ mất, phong trào thi đua của Viện Quân y 108 là “Biến đau thương thành hành động cách mạng”, khoa A4 (Truyền nhiểm) hưởng ứng bằng cách viết trên bảng đen khẩu hiệu đó. Một trong những việc làm cụ thể là tổ chức thao diễn kỹ thuật. Ngoài ra, Viện Quân y 108 phát động đợt thi đua giành ba đỉnh cao: “Khí thế mạnh – chất lượng tốt, năng suất cao – tiết kiệm nhiều, quản lý giỏi” (1969); “Khí thế mạnh, phục vụ vô điều kiện, sẵn sàng chiến đấu cao” nhân dịp chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày truyền thống của Viện (1971)… Các phong trào trên, khoa A4 tích cực tham gia và đạt nhiều thành tích, điển hình là được nhận cờ thi đua anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (1969), sau đó chi đoàn thanh niên và phụ nữ của khoa A4 được đi báo cáo điển hình tại Cục Quân y (1970).

Chi đoàn khoa Truyền nhiễm nhận cờ thi đua Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, 1969.

BS Nguyễn Kim Nữ Hiếu đứng thứ 2, từ phải, hàng sau

Thứ năm, trong công tác chuyên môn, chế độ bệnh án – một chế độ mà người thầy thuốc lâm sàng không thể thiếu được trong suốt cuộc đời làm việc. Khi làm bệnh án, bác sĩ cần phải khai thác tiền sử bệnh, khám bệnh tỉ mỉ, ghi chép đầy đủ các triệu chứng lâm sàng. Khi kết luận chẩn đoán phải đủ thể bệnh, giai đoạn bệnh. Ví dụ bệnh nhân bị nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn, khi chẩn đoán, bác sĩ phải ghi là nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn thể dạ dày tiểu đại tràng xuất huyết. Hoặc với bệnh nhân sốt rét ác tính phải ghi là sốt rét ác tính do Vivax thể não hay là thể đái sắc tố… BS Nữ Hiếu được thầy Bùi Đại nhận xét: “… Chị Hiếu, một nữ bác sĩ có thể gọi là số 1 của khoa và thậm chí là loại 1 của cả bệnh viện về chăm sóc bệnh nhân. Chị thăm khám bệnh nhân, ghi chép bệnh án, bệnh trình sạch, đẹp với một kiểu chữ rõ ràng, nắn nót, khác hẳn kiểu chữ viết ngoáy của nhiều y bác sĩ. Chị Hiếu – như chữ viết đã nói lên – là một con người thẳng thắn, bộc trực và rất nghiêm túc chấp hành các chế độ chuyên môn…”[2]

Với khoa Truyền nhiễm, người lãnh đạo càng phải quan tâm đến công tác khử trùng, tẩy uế trong khoa. Việc ngâm tay sát khuẩn là công việc bắt buộc của tất cả các y bác sĩ khi làm việc ở khoa Truyền nhiễm. Trước cửa buồng cấp cứu của khoa luôn có một chậu nước pha Chloramin B và một bảng danh sách cán bộ nhân viên nhằm theo dõi việc ngâm tay sau khi phục vụ bệnh nhân và trước khi thay quần áo để ra về. Khi đó chúng tôi còn trẻ, nhiều lúc chủ quan, cho rằng không thể bị lây nhiễm, nhiều y bác sĩ, y tá, hộ lý trẻ nhờ người khác gạch tên giúp. Chủ nhiệm khoa – GS Bùi Đại khi biết chuyện, ông không tỏ thái độ gay gắt. Song trong một buổi giao ban, chủ nhiệm khoa nghiêm khắc căn dặn: “Việc ngâm tay chúng ta phải thực hiện thường xuyên để vừa đảm bảo không lây nhiễm bệnh cho bản thân, vừa không mang bệnh về nhà, vừa không mang bệnh cho bệnh nhân khác. Nhưng tôi thấy mọi người có vẻ coi thường việc ngâm tay”. Từ cách xử lý như vậy, cán bộ nhân viên trong khoa Truyền nhiễm đều thấm thía và thực hiện quy định rất nghiêm chỉnh. Hoặc quy định đối với bệnh nhân truyền nhiễm là thức ăn phải được đựng trong cặp lồng. Mỗi bệnh nhân gồm 1 cặp lồng có 3 ngăn để đựng cơm, canh và thức ăn. Nhưng quan trọng nhất là trong bếp ăn ở khoa lúc nào cũng phải chuẩn bị hai nồi quân dụng nước sôi luộc cặp lồng, để khô rồi mới chia cơm cho bệnh nhân. Tuy là những điều đơn giản nhưng nếu không làm tốt, khả năng truyền nhiễm sẽ rất cao. PGS Nữ Hiếu chia sẻ: “Tôi ở khoa Truyền nhiễm 18 năm nhưng chưa bao giờ có hiện tượng lây nhiễm bệnh”.

GS.TSKH Bùi Đại, 2021

Điều cuối cùng bà học được ở hai thầy là ở sự chuyển giao công việc. Năm 1966, thầy Nguyễn Văn Âu được cử vào Tây Nguyên làm Phó viện trưởng Viện Quân y 211 (Tây Nguyên), khi đó thầy Bùi Đại công tác tại Viện Quân y 103 được điều động về làm Trưởng khoa Truyền nhiễm, Viện Quân y 108. Hai thầy bàn giao công việc hết sức nhịp nhàng. Sau này, hai thầy đều trở thành chuyên viên đầu ngành về Truyền nhiễm và Dịch tễ. “Tuy chỉ là những chi tiết nhỏ, nhưng qua quan sát, tôi học được rất nhiều về sự chia sẻ, nhường nhịn để mỗi người đều có công việc của mình” – PGS Nữ Hiếu cho biết.

PGS Nữ Hiếu tâm niệm: “Các thầy luôn dạy nhiều điều, mỗi người nếu chịu khó quan sát thì khi được bổ nhiệm công tác lãnh đạo sẽ có nhiều thuận lợi”. Năm 1981, khi được bổ nhiệm làm Quyền chủ nhiệm khoa Nhi, BS Nữ Hiếu khá tự tin, bởi theo bà: “Tôi đã có thời gian công tác ở khoa Truyền nhiễm dưới sự hướng dẫn của GS Bùi Đại – Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm, tôi học thêm được công tác quản lý, lãnh đạo nên khi được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Nhi, tôi không bị bỡ ngỡ. Trước đó, khoa Nhi và khoa Truyền nhiễm lại cùng một chi bộ, chúng tôi đã quen biết nhau nên không gặp khó khăn trong xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp”. Bên cạnh đó, bà cho rằng, làm chủ nhiệm khoa Nhi cần phải nắm chắc chuyên môn Nhi khoa, khi gặp những ca bệnh khó chủ nhiệm khoa luôn sẵn sàng đương đầu. Vì vậy, bà xin phép lãnh đạo Viện Quân y 108, một buổi làm việc ở Viện, một buổi học ở Bệnh viện Nhi Trung ương, trong thời gian một năm. Bà học ở tất cả các khoa của Bệnh viện Nhi Trung ương, lâu nhất là học khoa Sơ sinh trong 2 tháng vì theo bà, sơ sinh là giai đoạn khó xử lý nhất.

Trong cuộc đời công tác của mình, PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu không nghĩ rằng mình sẽ kinh qua nhiều chức vụ quản lý khác nhau như thế. Bà chỉ luôn cố gắng, tận tụy, dành hết tâm huyết cho công việc nghiên cứu, khám chữa bệnh. Việc được bổ nhiệm các chức vụ quản lý cứ tự nhiên đến như vậy. Đặc biệt, sau khi đi học quản lý bệnh viện ở Ba Lan (1989-1990), tháng 10-1990, bà được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, là nữ viện phó đầu tiên của viện. Trái ngọt đến từ sự nỗ lực của mỗi cá nhân nhưng bà không quên nhờ những bài học từ thầy Bùi Đại và thầy Nguyễn Văn Âu là hành trang giúp bà tự tin trên cương vị quản lý.

 

Hoàng Thị Liêm

_____________________

[1] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu ngày 10-3-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Các trích dẫn khác trong bài viết đều được lấy từ buổi PV này.

[2] Bùi Đại, Khoa Truyền nhiễm liên tục phát triển và hướng lên tuyến trước, in trong tài liệu “Khoa Truyền nhiễm A4 – 56 năm xây dựng và trưởng thành”, 2012, tr. 17.