Những bài học từ thầy – GS Nguyễn Trinh Cơ

Tọa đàm tại buổi lễ, những bài học, kinh nghiệm đã học được từ thầy Nguyễn Trinh Cơ được các thế hệ đồng nghiệp, học trò hồi tưởng và chia sẻ. PGS Đỗ Doãn Đại[1] dù không được học thầy Nguyễn Trinh Cơ trước khi trở thành bác sĩ nhưng ông mãi mãi nhớ ơn thầy. Bởi, những bước đường khó khăn trong quá trình công tác, chuyên môn, thầy Cơ là người đã chỉ dẫn và giúp ông vượt qua, hướng ông vươn tới những điều tốt đẹp để hoàn thành công việc. Với ông, thầy Cơ là tấm gương mẫu mực. Qua những buổi giảng bài của thầy, cũng như được thầy chỉ bảo trực tiếp, rất nhiều điều bây giờ ông vẫn còn nhớ. PGS Đại chia sẻ: Thầy dạy chúng tôi chăm sóc bệnh nhân thật cẩn thận. Tôi còn nhớ một lần thầy ghé sát vào một bệnh nhi rồi ân cần hỏi thăm. Thầy khen miệng của cháu không hôi, tức cháu đã giữ răng miệng tốt, và chắc các bác sĩ đã dạy cháu. Thầy dặn chúng tôi: Nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ cho bệnh nhân, giữ cho răng miệng thật tốt, làm nhiễm trùng ngoại khoa thì đó là điều xấu hổ của người thầy thuốc. Thầy còn hướng dẫn những chi tiết nhỏ: Với người làm ngoại khoa, phải tìm cho mình một chiếc ghế đẩu cho vững chãi để có thể ngồi hàng giờ mổ cho bệnh nhân. Thầy lúc nào cũng nghĩ đến công việc và là người sống có tình nghĩa. Trong cuộc sống đời thường, thầy hết sức giản dị. PGS Đại nhớ, có lần xe đạp của thầy bị hỏng, các trò vội mang đi sửa để thầy đỡ vất vả phải đi bộ đi làm, nhưng thầy bảo không phải vội vàng, vừa đi bộ thầy có thể vừa nghĩ, và cũng là cách để rèn luyện sức khỏe.

Là người trực tiếp được học, làm việc dưới sự dìu dắt của GS Nguyễn Trinh Cơ từ khi ra trường, GS Đỗ Đức Vân[2] đã chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động về người thầy ông hết mực kính trọng. Ông kể một bài học ông ấn tượng nhất, xúc động nhất mà theo ông đến bây giờ vẫn còn tính thời sự: Một bệnh nhân phải khám lại sau ca phẫu thuật do thầy Cơ mổ, thầy nhắc tôi báo lại cho bệnh nhân. Đến ngày hẹn bệnh nhân khám lại, tôi qua phòng thầy Cơ ở Bệnh viện Việt-Đức tuy nhỏ nhưng rất sạch sẽ, đèn sáng choang, sàn lát đá, có một chiếc bàn làm việc của thầy và hai chiếc ghế ở phía trước. Tôi gõ rồi mở cửa phòng thầy, thấy một bà cụ mặc áo nâu sồng đang vội vàng quay ra để bỏ dép ngoài cửa . Tôi chưa kịp nghĩ gì cả, rất nhanh, thầy Cơ đang ngồi vội bật dậy, tiến về phía bà cụ, nở nụ cười thân mật và nói: Cụ ơi, cụ cứ đứng lên, không phải bỏ dép ra ngoài, mà chính anh này sẽ cầm đôi dép xỏ vào chân cho, rồi thầy dắt cụ ngồi vào ghế và ân cần hỏi han. Hình ảnh đó ám ảnh tôi suốt đời và tôi vẫn đem gương đó của thầy truyền lại cho học trò. GS ĐứcVân cho biết, ông có được như ngày hôm nay cũng chính nhờ học tập phong cách học và làm việc nghiêm túc từ thầy Cơ. Thầy giao việc và luôn sát sao hỏi các ông đã thực hiện công việc được giao?. Cũng theo GS Vân chia sẻ, thầy Cơ là người nhạy bén, linh hoạt, và có thể là một trong những người tham gia đóng góp chủ trương phải làm sao đào tạo được các bác sĩ để phục vụ cho chiến trường của trường Đại học Y Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Do đó, những sinh viên Y6 thời ấy đã được học chuyên môn sâu, tăng cường thực hành, thực hiện mổ những tiểu phẫu thuật. Thậm chí, sinh viên ngoại khoa còn thực hành công việc của một người làm điều dưỡng, chăm sóc, thay băng, cắt chỉ, vệ sinh cho bệnh nhân.

Tiếp lời và minh chứng cho lời kể của GS Đỗ Đức Vân, TS Nguyễn Quốc Triệu[3] kể: Ngay từ khi Y3, tôi đã được đi học thực hành tại bệnh viện, làm các công việc như: đổ bô, cắt chỉ, cho bệnh nhân ăn. TS Triệu cũng học được ở thầy Cơ chữ “Nhẫn”. Ông không quên lời dạy của thầy: Trước nhóm nhỏ cũng như hội nghị đông, khi có ý kiến khác nhau tuyệt đối không được “bật lò xo.

Ngoài việc chia sẻ những ấn tượng, bài học từ GS Nguyễn Trinh Cơ, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng [4] còn nhớ lại một dấu ấn trong cuộc đời ông:“Bản thân tôi vinh dự được thầy Nguyễn Trinh Cơ thay mặt Thường vụ Đảng ủy ký quyết định kếp nạp tôi vào Đảng. Thầy đã đến dự và trao quyết định cho tôi tại lễ kết nạp của Bộ môn Sinh lý bệnh, trường Đại học Y Hà Nội”.

Bên cạnh các học trò, tham dự tọa đàm còn có sự hiện diện của một bệnh nhân, đó là ông Trịnh Ngọc Trình (còn gọi là em Ngọc)[5]. Hình ảnh người bác sĩ áo trắng Nguyễn Trinh Cơ cách đây 68 năm đã điều trị cho ông mãi không phai mờ. Ông kể: Khi chữa vết thương cho tôi, tôi thấy bác sĩ (tức GS Nguyễn Trinh Cơ) rất lo lắng, nhưng bác sĩ vuốt má tôi và hỏi một câu rất ân tình: “Em có đau lắm không?”. Tôi lắc đầu. Rồi bác sĩ nói một câu khiến tôi yên lòng và đỡ lo sợ: “Em yên tâm, có bác sĩ đây rồi, em sẽ được chữa lành”. Và em Ngọc thủa ấy đã trở thành nhân vật trong truyện ngắn “Em Ngọc” của GS Nguyễn Trinh Cơ, được in trong Tuyển tập văn thơ cách mạng và kháng chiến sau đó được đưa vào Tuyển tập văn lớp 5, cho nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam học tập trong giai đoạn 1955-1975. Chúng tôi rất quan tâm tới em Ngọc và những áng văn của GS Nguyễn Trinh Cơ, là tấm gương cho các thế hệ thanh niên học tập – Ông Vũ Mão[6] nhận định.

Những câu chuyện như vậy về bác sĩ – thầy Nguyễn Trinh Cơ có lẽ khó có thể kể hết trong thời gian có hạn của một lễ kỷ niệm… Nhưng có thể nói, đây là một sự kiện hết sức ý nghĩa thể hiện lòng tri ân, sự biết ơn sâu sắc của các thế hệ học trò, và cũng là dịp để thế hệ trẻ học tập, noi theo tấm gương y đức của người thầy thuốc – GS Nguyễn Trinh Cơ.

 

Một vài hình ảnh tại buổi lễ:

 

 Khách mời tham dự buổi Lễ

 

 PGS.TS Nguyễn Đức Hinh-Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội đọc diễn văn khai mạc nêu bật những đóng góp của GS Nguyễn Trinh Cơ

 

 

GS.TS Lê Quang Cường-Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi Lễ

 

Khách mời tham dự tòa đàm: PGS Đỗ Doãn Đại (giữa), GS Đỗ Đức Vân (bìa phải)

 

 “Chúng tôi học tập tinh thần phấn đấu không mệt mỏi để trở thành một trí thức cách mạng

của GS Nguyễn Trinh Cơ” – GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng phát biểu.

 

PGS.TS Nguyễn Đức Hinh (giữa) cùng bà Nguyễn Thị Ngọc Giao-con gái GS Nguyễn Trinh Cơ tặng hoa khách mời. Từ trái sang: TS Nguyễn Quốc Triệu, ông Vũ Mão, ông Trịnh Ngọc Trình (thứ 4).

Hoàng Thị Liêm

 


[1] Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

[2] Nguyên Chủ nhiệm Khoa phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Việt-Đức.

[3] Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế.

[4] Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam.

[5] Nguyên Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi.

[6] Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.