Những bức thư nặng tình nhà nghĩa nước

Năm 1961, khi đang công tác tại Khoa Ngoại Viện Quân y 7, Quân khu Tả ngạn, bác sĩ Trần Đức Hòe nhận được quyết định chuẩn bị đi học ở Liên Xô. Nhưng 4-5 tháng sau ông lại có lệnh điều chuyển về Cục Quân y vì chiến trường miền Nam rất cần phẫu thuật viên. Tháng 5 năm 1962 ông lên đường vào chiến trường C (Nam Lào) và năm 1967 ông được điều về công tác tại Viện Quân y 108. Vì vậy, 10 năm sau, đến năm 1971 ông mới sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, ở tuổi 40.

Tình nghĩa vợ chồng

Tâm yêu quý, anh rất thương em và các con. Ở xa, anh lại càng nhớ em và con nhiều. .. anh luôn luôn lo cho em và các con”.[1]Những dòng tình cảm tương tự xuất hiện rất nhiều lần trong hơn 100 lá thư mà BS Trần Đức Hòe gửi từ Liên Xô về cho vợ là bởi vì “Trong lúc vợ chồng ở xa nhau như thế này, chỉ có những lá thư mới thể hiện tình cảm vợ chồng, luôn luôn lo lắng, quan tâm lẫn nhau để khắc phục mọi khó khăn trong công tác, học tập cũng như trong cuộc sống. Có như vậy mới thể hiện được sự gần gũi và quan tâm đến nhau của vợ chồng”[2].Cả hai vợ chồng GS Trần Đức Hòe đều là những trí thức đảng viên. Vì vậy, ông luôn động viên vợ không được có suy nghĩ hay hành động làm tổn thương đến tình cảm mà cả hai vợ chồng đã dành cho nhau. Trong hoàn cảnh đất nước còn tạm thời bị chia cắt, thì nhiệm vụ của những người như ông, bà là phải tự hào về những việc mình đã làm, không được có suy nghĩ cá nhân để “Tin ở bản thân mình, không nhất thời nhẹ dạ cả tin mà phải dùng thực tế để xem xét, đánh giá cái phải, cái trái, cái sai, cái đúng…đừng có lẫn lộn[3]Thời kỳ học tập, nghiên cứu tại Liên Xô không phải là lần đầu tiên hai vợ chồng ông sống trong xa cách. Những năm tháng chiến đấu ở chiến trường ông cũng xa vợ và các con trong một thời gian dài. Nhưng sự xa cách xuyên biên giới lại có sắc thái khác. Một nỗi nhớ nhỏ trong nỗi nhớ lớn lao hơn, có lúc quá nhớ nhà, ông chỉ ước “Được ăn một bán bún riêu cua với rau sống do chính tay vợ nấu[4]. Hình dung lại những chặng đường đã qua của hai vợ chồng qua từng trang thư, về tình cảm vợ chồng trong suốt mấy chục năm gắn bó. Bắt đầu từ những lá thư đầu tiên ông viết cho bà khi hai người mới quen nhau, những kỉ niệm trong những lần hai người cùng đi Yên Bái cùng những kỷ niệm khi bà về Hà Nội học sư phạm và đặc biệt là ngày ông bà thành vợ chồng (22-3-1958). Chính bà là người vợ đã chịu nhiều hi sinh, là nguồn động viên ông, là người lo liệu mọi mặt để nuôi dạy các con, chăm lo cho gia đình trong khoảng thời gian ông đi học. Vì vậy, trong các lá thư gửi về ông chỉ mong “Em nhận lấy ở anh mối tình cảm sâu sắc không thể diễn tả bằng lời”.

Những trang thư của GS Trần Đức Hòe gửi vợ – bà Nguyễn Thị Minh Tâm,ngày 6-2-1973

Trong những lúc xa nhau, ông luôn động viên vợ “Thời chiến, trong cuộc đấu tranh mất còn với kẻ thù giai cấp, có ai là không xa nhà, không tham gia vào cuộc chiến mới là lạ. Chứ còn xa nhà như anh là điều tất nhiên và vinh dự. Sau này, khi con cái lớn lên, chúng nó sẽ không hổ thẹn vì cha nó trong cuộc chiến tranh vĩ đại của Tổ quốc[5]. Xác định mình đang trên trận địa học tập, nghiên cứu, vì vậy nghiên cứu sinh Trần Đức Hòe luôn ra sức học tập tiếp thu kiến thức để sau này phục vụ nhân dân và để vợ và các con có thể tự hào vì những gì mình đã làm được. Lấp vào nỗi trống trải khi phải ngóng đợi tin tức ở nhà, ông lại viết thư về cho vợ con, và cũng là để cho người nhà yên tâm về người đi xa: “Nhiệm vụ chính của anh là ăn uống cho có sức khỏe để học tập. Đó là nhiệm vụ mà anh phải hoàn thành sao cho xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của tổ chức đối với mình và sau này có thực lực mà làm việc và phục vụ được nhiều hơn”. Mười sáu năm vợ chồng chung bước, ông luôn tự hào mình chưa làm gì để vợ phải suy nghĩ. Tuy có những lúc vợ chồng phải sống xa nhau, phải hi sinh tình cảm riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ, nhưng “Chúng mình phải sống với nhau như thế nào để cho tự bản thân mỗi người không thấy hổ thẹn, để cho mọi người không chê cười, để cho các con không phải vì anh hay em mà thấy khổ sở về tình cảm[6].Đọc những lá thư mà GS.TS Trần Đức Hòe gửi cho vợ mới thấy hết được tình cảm, trách nhiệm của một trí thức, một nhà khoa đối với gia đình, vợ con dù công việc và công tác nghiên cứu khoa học luôn bộn bề.

Nỗ lực học tập

Trần Đức Hòe bắt đầu quá trình học tập, nghiên cứu để thực hiện Luận án Phó Tiến sĩ tại Học viện Y học Quân sựLiên Xô ở Lêningrat vào cuối tháng 8-1971. Những ngày học tiếng Nga rất vất vả, nhất là những ngày đầu, trong thư gửi về cho vợ ông viết “Tiếng (tiếng Nga- TG) là chìa khóa để về sau đi vào nghiên cứu chuyên môn và viết đề tài nghiên cứu, nên anh cũng xây dựng quyết tâm học cho tốt”[7]. Để theo kịp chương trình học của trường, ông phải tranh thủ đọc thêm sách vở, tra cứu nắm chắc các kiến thức đã được học để nghiên cứu chuyên môn được tốt. Những lúc ở ký túc xá ông đều tranh thủ học chuyên môn và tiếng Nga dựa trên vốn kiến thức Anh, Pháp đã có, “phải tranh thủ thời gian mà ra sức học tập, làm sao cho xứng đáng với lòng tin cậy mà ở nhà mọi người giao cho đi học. Cuộc sống đầy đủ mọi tiện nghi ở đây vẫn chỉ là điều kiện của nước bạn, không phải của Tổ quốc ta. Do đó, càng thấy nhiệm vụ học làm sao cho tốt để trở về phục vụ đất nước, làm cho đất nước mình theo kịp nước bạn” [[8]] Chính những lúc xa nhà, xa gia đình, xa Tổ quốc trong hoàn cảnh nước nhà vẫn còn chia cắt bởi chiến tranh, bác sĩ Trần Đức Hòe luôn tự động viên bản thân cố gắng, phải nghị lực, có chí khí rèn luyện về mọi mặt. Mỗi một tiến bộ có được, ông đều không quên chia sẻ về nhà: “Có lần ông giáo để mình cùng khám một bệnh nhân, sau đó yêu cầu mình chẩn đoán trước và nói cách thức điều trị và xử lý. Ông rất tán thành về cách lập luận của mình và hài lòng. Anh đã được ông giáo kéo đi khoa khác để khám bệnh nhân thuộc chuyên khoa của mình”[[9]]. Chính những nỗ lực, cố gắng và học tập không ngừng nghỉ trong mọi hoàn cảnh đã giúp ông vượt qua được những khó khăn, bỡ ngỡ ở xứ người.

Hai vợ chồng GS.TS Trần Đức Hòe, năm 1966.

Thời gian hoàn thiện bản Luận án, ông thường xuyên đến thư viện để tham khảo tài liệu với suy nghĩ “Nếu muốn đi sâu vào chuyên khoa của mình trong lúc thế giới có biết bao sách vở, tài liệu. Nếu lo lắng đến nhiệm vụ, có hoài bão xây dựng và có thể làm gì cho đất nước trong các năm tới thì phải ra sức mà học tập mới xuể[10], cùng với quyết tâm “Phải rèn luyện cho mình làm sao cho có thực lực, phải sống bằng bàn tay và khối óc của mình, không thể dựa vào ai, trong bất kỳ hoàn cảnh nào nếu mình không có thực lực[11]. Nghiên cứu sinh Trần Đức Hòe không chỉ tập trung vào chuyên môn khoa học và còn chú trọng đến các khía cạnh của cuộc sống, con người để có những cảm nhận về cuộc sống thực tại, từ đó trân trọng chính cuộc sống của bản thân để “Tạo cho mình một hoàn cảnh thoái mái mà đi sâu vào khoa học và kỹ thuật, để cống hiến thật nhiều cho khoa học, cho nhân loại, cho xứng đáng với danh hiệu người Cộng sản”[12]. Năm 1975, bản Luận án “Lâm sàng, chẩn đoán và điều trị các tổn thương về niệu đạo (Các tài liệu tại khoa Tiết niệu, Bệnh viện Trung ương Quân đội qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ)” của nghiên cứu sinh Trần Đức Hòe đã được Hội đồng chấm luận án của Học viện Y học Quân sự Liên Xô đánh giá cao. Sau khi ông về nước, luận án của ông đã được Cục Quân y tổ chức dịch và xuất bản 1000 cuốn để làm tài liệu tham khảo trong công tác điều trị các vết thương niệu đạo cho các đơn vị Quân y toàn quân. Những kiến thức mới và những bài học kinh nghiệm trong luận án của ông còn là cơ sở xây dựng đường hướng chẩn đoán và lựa chọn các phương pháp xử trí các tổn thương, chấn thương, vết thương ở Khoa Tiết niệu tại Bệnh viện 108 sau này.Đó chính là kết quả của suốt 4 năm nỗ lực vượt qua những khó khăn thử thách ở nơi đất khách quê người mà Bác sĩ Quân y Trần Đức Hòe đã thể hiện trong những bức thư gửi về cho gia đình, vợ con. Những kỷ vật cá nhân quý giá này ông đã trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ.

Nguyễn Thúy Tiềm

____________________

[[1]]Thư của GS Trần Đức Hòe gửi vợ-bà Nguyễn Thị Minh Tâm, ngày 14-11-1971.

[[2]] Như trên, ngày 24-11-1972.

[[3]] Như trên, ngày 6-12-1974

[[4]] Như trên, ngày 8-3-1972.

[[5]]Như trên, ngày 27-5-1972.

[[6]]Như trên, ngày 14-7-1974

[[7]]Như trên, ngày 4-9-1971.

[[8]]Như trên, ngày 28-8-1971.

[[9]]Như trên, ngày 1-7-1972.

[[10]Như trên, ngày 1-1-1975.

[11] Như trên, ngày 30-4-1973.

[12] Như trên, ngày 30-4-1973