Những ca phẫu thuật khó quên

Tiếng réo ám ảnh 

Bác sĩ Đặng Hanh Đệ là một trong những học trò xuất sắc, và cũng là người được GS Tôn Thất Tùng tin tưởng giao cho nhiệm vụ kế tục, xây dựng khoa Phẫu thuật tim ở Bệnh viện Việt-Đức. Theo như ông chia sẻ: “Đứng về mặt chuyên môn thì phải nói thầy Tùng đã dìu dắt tôi và tôi có diễm phúc được theo thầy ngay từ những ngày đầu mới tốt nghiệp đại học (1960) cho đến khi thầy mất (1982). Tôi học được cách mổ, quan trọng hơn là cách suy nghĩ giải quyết vấn đề. Thầy luôn dặn tôi bao giờ cũng phải suy nghĩ đến công việc, trước khi ngủ hãy nghĩ lại ban ngày làm được gì, còn gì thiếu sót thì ca phẫu thuật sau phải sửa. Thầy nói một câu rất hình tượng là phải xếp các ô việc trong đầu giống như các ngăn kéo thuốc của một thầy lang. Khi mổ cho bệnh nhân thì đã chuẩn bị các tình huống trong đầu rồi, gặp tình huống A thì phải xử lý thế này, gặp tình huống B thì phải xử lý thế khác… để không bị động. Cái đó quan trọng bằng mấy chuyện mổ đẹp, mổ khéo”[1]. Ấy vậy, trong công việc, nhất là đối với bác sĩ ngoại khoa, nào ai có thể chắc chắn rằng mình sẽ không bị ám ảnh bởi những bất ngờ, nhiều khi đến sợ hãi.

Như chúng ta đều biết, GS Tôn Thất Tùng không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực mổ gan mà còn là người đi tiên phong, đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành phẫu thuật tim mạch ở Việt Nam. Ngày 8-1-1958, GS Tôn Thất Tùng lần đầu tiên mổ tim thành công ở Việt Nam. Sự kiện ấy sau này được ông viết lại: “Năm 1958, chúng tôi đã bắt đầu mổ tim theo phương pháp kín, nghĩa là không mổ tim ra, mà “đi” vào tim qua một lỗ tự nhiên của nó, cụ thể qua tiểu tâm nhĩ trái”[2]. Sự kiện ấy đánh dấu một bước tiến vượt bậc của nền phẫu thuật Việt Nam. Bệnh nhân là một nông dân 45 tuổi, bị đau tim đã lâu. Công tác điều trị, chẩn đoán, chiếu điện, gây mê đều hoàn toàn do các bác sĩ Việt Nam tiến hành. Năm 1965, GS Tôn Thất Tùng cũng lần đầu tiên sử dụng máy tim phổi nhân tạo để phẫu thuật tim thành công cho một bệnh nhân 18 tuổi. Đây đều là những sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối sự phát triển của nền y học Việt Nam. Là một học trò của GS Tôn Thất Tùng, BS Đặng Hanh Đệ luôn ghi nhớ về những thành tựu trên, đồng thời cảm thấy vinh dự, tự hào vì là người “kế tục” sự nghiệp của người thầy đáng kính.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, BS Đặng Hanh Đệ vừa làm cán bộ giảng dạy ở trường Đại học Y Hà Nội, vừa là bác sĩ ngoại khoa ở Bệnh viện Việt – Đức. Ở bệnh viện, ông thường xuyên được theo sát thầy Tôn Thất Tùng để học hỏi, phụ mổ… Những năm tháng ấy trở nên quý giá, vì nó không chỉ tạo cho ông kiến thức nền tảng, kinh nghiệm thực tế, mà còn cả phong cách, đạo đức của một người thầy thuốc.

Ca mổ đặc biệt mà BS Đặng Hanh Đệ thực hiện cùng thầy Tùng diễn ra vào năm 1972, khi cả hai miền Bắc Nam đều đang sống trong thời kỳ ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Không chỉ vào thời điểm ấy, mà trước đó, phong trào thanh niên, sinh viên gác bút nghiên lên đường chiến đấu đã sôi sục trong khắp các mái trường đại học. Nhiều sinh viên dùng máu để viết đơn tình nguyện, nhiều thanh niên tìm cách gian lận chiều cao, cân nặng để được tuyển vào Nam chiến đấu. Đến một người như BS Đặng Văn Ngữ cũng tha thiết xin vào vùng bom đạn ác liệt để đồng cam, cộng khổ cùng chiến sĩ, đồng bào.

 Giáo sư Đặng Hanh Đệ trong buổi làm việc với chuyên gia nước ngoài tại Bệnh viện Việt-Đức, 1998

Trong tinh thần ấy, nhiều thanh niên ở Hà Nội xung phong, viết đơn tình nguyện vào Nam. Nhiều thanh niên đăng ký khám sức khỏe để nhập ngũ. Trong số ấy, một thanh niên 18 tuổi, sau khi khám tuyển nhập ngũ, thì được các bác sĩ yêu cầu chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, rồi chuyển đến Bệnh viện Việt – Đức cần phải phẫu thuật tim. Trước sự quyết tâm của người bệnh, GS Tôn Thất Tùng quyết định trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật này. Trong những tài liệu mà chúng tôi có được về GS Tôn Thất Tùng, không thấy ông nhắc đến ca mổ này, nhưng nó được ghi lại bởi GS Đặng Hanh Đệ – người phụ mổ ngày hôm ấy. Theo GS Đặng Hanh Đệ, ca phẫu thuật ấy có cái gì đó rất đặc biệt, không thể quên được: “Mỗi lần nhớ lại trong đầu, dường như nó mới xảy ra, khiến tôi hết sức xúc động. Khi tôi viết về những năm tháng đã qua, nhắc lại sự kiện đó tôi bật khóc. Kể lại cho vợ tôi nghe, vợ tôi cũng khóc. Nay kể lại chuyện này, tôi cũng khó lòng cầm nổi nước mắt”.

Bệnh nhân là một thanh niên bị tim bẩm sinh, khi thăm khám, chỉ cần đặt ống nghe lên ngực, BS Đặng Hanh Đệ cũng có thể dễ dàng nhận ra. Theo chỉ định chuyên môn thì bệnh nhân cần phải phẫu thuật ngay, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng suy tim. Theo cách giải thích có phần nặng về chuyên môn của BS Đặng Hanh Đệ thì khi một người sinh ra, ống động mạch (ống nối giữa động mạch chủ và động mạch phổi) khít lại để máu đỏ và máu đen không bị lẫn lộn. Nhưng trường hợp bệnh nhân này khá bất thường, máu đỏ và máu đen vẫn bị trộn lẫn với nhau, phổi và tim sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều, do vậy cần phải ngăn chặn dòng máu chảy lẫn lộn trong ống động mạch. Ông kể: “Phải thắt ống động mạch này lại, muốn thắt được thì phải luồn sợi chỉ xuống quanh nó rồi thắt, mà muốn luồn được sợi chỉ thì phải phẫu tích, bộc lộ nó ra”. Thông thường, người ta hay mổ những trường hợp tim bẩm sinh từ khi bệnh nhân chỉ 4-5 tuổi, còn bệnh nhân này đã 18 tuổi, áp lực máu từ động mạch phổi và động mạch chủ rất lớn, dễ gây ra biến chứng.

Đấy là về mặt lý thuyết mà sau này, với thời gian nghiên cứu và kinh nghiệm lâm sàng, BS Đặng Hanh Đệ nhận ra một cách dễ ràng hơn. Nhớ về ca phẫu thuật ấy, có lẽ “tiếng réo” vọng từ trong dòng máu của bệnh nhân làm ông ám ảnh mãi. Nó vừa thể hiện sự bất lực của một bác sĩ, vừa đọng lại sự day dứt của một lương y, của một con người khi nhìn thấy đồng loại, bệnh nhân của mình đang rơi vào lưỡi hái tử thần mà không thể giành giật, cứu chữa được. Có lẽ chúng tôi chẳng thể đủ ngôn từ để miêu tả về những cảm xúc ấy, do vậy xin được trích nguyên văn ký ức của người trong cuộc.

“Ca mổ đó, tôi là người phụ cho thầy Tùng. BS Tôn Đức Lang là người phụ trách gây mê, hồi sức. Quả thực, khi nghe tiếng réo của dòng máu, tôi cảm thấy rợn người! Tiếng réo to lắm, và chỉ trong giây lát,lồng ngực bệnh nhân đầy máu, xục bọt lên. Chúng tôi huy động các máy để hút máu nhưng không có tác dụng gì cả. Một lúc sau anh Tôn Đức Lang, đứng phía trên đầu bệnh nhân nói rằng hai đồng tử đã giãn, tức là bệnh nhân đã chết rồi. Chẳng ai nói với ai một lời nào cả. Thầy Tùng lẳng lặng đi ra, tháo găng. Tôi còn ở lại trong phòng mổ để khâu ngực cho bệnh nhân, trước khi chuyển xuống nhà xác. Không khí trong phòng mổ lúc đó thật đặc biệt, im lặng lạ lùng! Lúc này tôi chỉ nghe tiếng lạch cạch của người hộ lý đang lau vũng máu ở dưới sàn. Còn chẳng ai nói với nhau một lời, chỉ lẳng lặng làm việc của mình”.

Sau khi khâu xong thành ngực, BS Đặng Hanh Đệ tháo găng, cởi áo choàng, đi xuống tầng 1, vì phòng mổ ở trên tầng 2. Những bước chân nặng nề, đầu ông nặng trĩu khi vừa trải qua những giây phút bất lực. Bước chân gần xuống tầng 1 thì thấy GS Tôn Thất Tùng đang ngồi ở bậc cuối cùng của cầu thang, trên người vẫn mặc chiếc áo choàng trắng. GS Đặng Hanh Đệ mô tả: “Lúc này tôi mới biết thầy chỉ tháo găng tay thôi, còn trên người vẫn mặc áo. Tôi tới gần thì thầy mới biết tôi đang đến. Bước thêm vài bước nữa về phía thầy, thầy ngước lên nhìn tôi. Đôi mắt thầy lúc này rất khó tả. Nó là đôi mắt của những người chứng kiến thảm họa trong đời và là đôi mắt của sự thất vọng! Những lần trước, khi phẫu thuật mà chảy máu thì mặt thầy đỏ như gấc, mắt quắc lên và quát tháo những người phụ mổ, nhưng lần này thầy không quát một câu nào cả, mặt cũng không đỏ lên và không tức giận. Khi tôi đến bên, thầy chỉ nói mấy câu: “Thôi, từ nay tôi không mổ tim nữa đâu, anh mổ đi”. Nhìn thầy mà tôi thương quá! Thương vì trong bụng nghĩ thầy là bậc bề trên, đã từng vào sinh ra tử, kinh qua bao nhiêu ca phẫu thuật nguy hiểm rồi, thế mà đứng trước ca này, thầy suy sụp. Nó ấn tượng, và ghê rợn quá nên thầy mới nói thế. Tôi nghe thầy nói cũng chẳng biết trả lời thế nào. Vì một người thầy lớn mà nói bỏ, không làm tiếp nữa thì chắc hẳn nó phải tác động mạnh thế nào đến thầy.”

Trong câu nói của GS Tôn Thất Tùng, còn hàm chứa cả việc giao trách nhiệm cho BS Đặng Hanh Đệ. “Từ nay anh mổ đi!”- GS Đặng Hanh Đệ phân trần: “Như thế là thầy đã giao cho tôi trách nhiệm mổ tim. Mà lúc ấy tôi mới được 35-36 tuổi thôi, chỉ được coi là một người chập chững vào nghề. Trách nhiệm ấy nặng nề quá. Nhưng bây giờ chuyển cho ai, chả có ai cả, vì chỉ mình tôi đi về chuyên khoa này . Những năm trước, có thầy cầm cờ, đứng mũi chịu sào, giờ không có thầy nữa thì làm thế nào? Nên tôi vừa thương thầy vừa lo cho bản thân. Nhưng thầy nói thế thì mình cố mà làm”.

Sau này, khi đã trở thành một bác sĩ mổ tim có tiếng, GS Đặng Hanh Đệ vẫn hay nhắc lại câu chuyện này với các học trò, lấy đó làm bài học lớn trong đời nghề thầy thuốc để không mắc phải sai lầm. Cũng phải nói thêm rằng, vào thời điểm năm 1972, phương tiện, máy móc hỗ trợ cho những ca phẫu thuật còn thiếu thốn. Về phần trách nhiệm mà GS Tôn Thất Tùng giao ngay sau ca mổ, ông tâm sự: “Nếu tôi cũng nhụt chí, không nhận trách nhiệm này thì có lẽ tôi chẳng có ngày hôm nay. Tôi muốn kể lại để mọi người hiểu hoàn cảnh mà tôi đi vào chuyên ngành này cũng ly kỳ như vậy. Nghề mổ tim phổi không ai nói trước được lúc nào tai biến sẽ xảy ra, khi bệnh nhân có thể về phòng mới ăn chắc được. Thầy giao trách nhiệm thì tự mình phải làm thôi. Thời gian đầu hết sức bỡ ngỡ và khó khăn. Nếu như lúc đó không có thầy Tùng đứng mũi chịu sào thì tôi chịu. Giai đoạn sau, mặc dù thầy không tham gia phẫu thuật nhưng thầy luôn ở bên cạnh động viên, khuyến khích tôi”.

Điều kiện, hoàn cảnh là rất quan trọng

Chúng tôi có nhiều lần trò chuyện, tiếp xúc với GS Đặng Hanh Đệ và có cảm nhận rằng ông thật đáng mến dễ gần, giản dị. Ông khác xa với một số bác sĩ hiện nay, khi thờ ơ với bệnh nhân, vô cảm với người nhà bệnh nhân… hoặc tắc trách, hoặc làm qua loa. Lạ thay, trong những câu chuyện kể về quá khứ đời mình, GS Đặng Hanh Đệ cứ hay nhắc đến những tai nạn nghề nghiệp của mình, mà ít khi nhắc tới những thành tích bản thân, vì chí ít, nhiều đồng nghiệp trong ngành đã phong ông là người có “bàn tay vàng” của ngành ngoại khoa Việt Nam.

Vẫn chuyện năm 1972, một năm có nhiều sự kiện đối với lịch sử Việt Nam, khi Mỹ tăng cường máy bay B52 đánh phá miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam, đồng thời gây áp lực cho cuộc chiến trên mặt trận ngoại giao đang diễn ra ở Paris. Hà Nội trải qua 12 ngày đêm cuối năm 1972 quá đỗi ác liệt. Tiếng còi báo động, những tiếng nổ, ánh sáng của tên lửa, pháo phòng không, tiếng kêu cứu, tiếng khóc… hằn sâu vào ký ức của bất kỳ ai đã sống trong màn trời Hà Nội những ngày ấy. Bác sĩ Đặng Hanh Đệ là một nhân chứng đã sống, chứng kiến và trực tiếp cứu chữa cho nhân dân Hà Nội trong những ngày ấy: “12 ngày đêm dưới làn đạn địch, chúng tôi vẫn miệt mài cứu chữa bệnh nhân. Một hầm mổ có 6 bàn, chúng tôi mổ trung bình 100 ca/đêm, những ca nhẹ băng bó xong thì cho về” – ông nhớ lại.

Giáo sư Đặng Hanh Đệ không nhớ đã mổ bao nhiêu ca, cứu chữa cho bao nhiêu người. Nhưng có một ca phẫu thuật nhầm thì ông không thể nào quên được. Có hai kíp cứu chữa cho những người bị thương ngày ấy: ở ngoài hầm và trong hầm. Kíp ở ngoài gồm các y, bác sĩ có nhiệm vụ khám, đối với những bệnh nhân nhẹ thì băng bó cho về, còn bệnh nhân nặng thì chuyển vào hầm mổ. Cả hai kíp ấy làm việc suốt đêm, khi nào hết bệnh nhân thì mới xong việc. Ông kể lại rất chi tiết và đầy xúc cảm: “Hôm đó tôi ở trong hầm, không có điện, quần áo tiệt trùng cũng hiếm, vì vậy mổ hết ca nọ đến ca kia, không có điều kiện thay áo, chỉ có thể thay găng. Mổ xong ca này thì chuyển ca khác”.

Thông thường, các bác sĩ bên ngoài chỉ định thế nào thì các bác sĩ bên trong hầm cứ thế mà phẫu thuật. Điều đó có lẽ cũng chỉ tại hoàn cảnh, vì quá nhiều thương vong, không kịp khám chữa một cách kỹ càng. Trong tình hình ấy, một bệnh nhân nữ được chuyển vào hầm, được chẩn đoán là vỡ tạng trong ổ bụng và yêu cầu phẫu thuật ngay. Giáo sư Đặng Hanh Đệ nhớ lại: “Tôi như cái máy thôi, chỉ định thế nào thì làm thế. Sau khi gây mê, tôi mở bụng, thấy trong bụng bệnh nhân khô nguyên, không có gì. Tôi biết phẫu thuật nhầm rồi, nên đóng bụng lại chuyển sang phòng khác ngay. Tôi không có thì giờ nghĩ tiếp vì chuyển sang phẫu thuật ca khác ngay”.

Sáng hôm sau, BS Đặng Hanh Đệ thăm khám một lượt những bệnh nhân do ông phẫu thuật đêm hôm trước thì nhận ra nữ bệnh nhân mà mình đã phẫu thuật nhầm. Đó là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Y Hà Nội. Khi thăm khám, bệnh nhân này cho biết bị đau ở vùng cổ. Nghe vậy, ông khám vùng cổ thì phát hiện ra có điều bất thường ở cột sống và yêu cầu cho bệnh nhân chụp cột sống vùng cổ. Kết quả chụp cho biết bệnh nhân bị sụn đốt sống cổ, tức là bị một chấn thương nào đó làm dồn đốt sống. Dấu hiện lâm sàng là khi bị tổn thương đốt sống cổ, bệnh nhân đau cứng bụng và có thể bí trung, đại tiện. Do gấp gáp, bom đạn, nhiều bệnh nhân nên các bác sĩ chẩn đoán nhầm, tưởng bệnh nhân bị vỡ tạng trong ổ bụng. Cũng may trong quá trình vận chuyển, bệnh nhân được cố định đầu và cổ tốt, vì nếu đầu không được bảo vệ thì có thể dẫn đến liệt tứ chi và tử vong.

Sau khi có kết quả cụ thể, BS Đặng Hanh Đệ yêu cầu bệnh nhân phải cạo hết tóc và bó bột từ cổ đến đầu. Ông kể lại: “Khi tôi yêu cầu bệnh nhân cạo trọc, cô ấy khóc ghê gớm. Tôi đứng chờ, vì lúc cô ấy khóc mình chẳng nói được câu gì. Lúc sau tôi giải thích, vì sao phải cắt tóc để bó bột, vì là sinh viên nên cô ấy hiểu lời giải thích của mình. Sau khi bó bột thì coi như ổn, bệnh nhân được chuyển đi nơi khác”.

Câu chuyện cứ thế trôi qua, BS Đặng Hanh Đệ cũng không còn nghĩ về ca phẫu thuật nhầm đáng tiếc ấy nữa vì ông vẫn tiếp tục miệt mài bên những bàn mổ. Ông nhớ lại: “Hết chiến tranh, khoảng 6-7 năm sau, một lần khi tôi đang dảo bước trong hành lang bệnh viện thì có người đi ngược chiều cất tiếng: “chào thầy ạ”. Tôi đi lướt qua, không thấy ai mặc áo blouse. Quái, ai chào mình nhỉ? Tôi quay lại thấy một phụ nữ mặc thường phục hỏi: “thầy còn nhớ em không?” – “Tôi chịu”. Rồi chỉ một động tác làm tôi nhớ ra: khi muốn quay đầu lại thì cô phải quay cả người vì cứng ở vùng cổ. Lập tức hình ảnh những đêm B52 ùa về. Tôi tự hỏi liệu có phải bệnh nhân bị thương đốt sống cổ, tôi mổ nhầm ở bụng? Thì ra đúng là cô ấy, sau khi ra trường, đã về công tác ở một trạm y tế nào đó của Hà Nội. Tôi mừng quá, vì sai sót của mình đã ổn định, người ta có công ăn việc làm ổn định. Đấy là kỷ niệm thời chiến tranh chẳng bao giờ quên được”.

Có lẽ, bất kỳ ai làm nghề y cũng đều mong muốn không bao giờ phạm phải những sai sót, tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc. Hai sự kiện, đúng hơn là hai ký ức buồn luôn tồn tại, theo suốt hành trình làm nghề của GS Đặng Hanh Đệ. Nó như lời nhắc nhở ông phải tận tâm, tận tụy và nỗ lực hơn trong nghề. Và trên thực tế, khi đã buông những con dao mổ, tháo bỏ đôi găng và chiếc áo choàng trắng, nhìn lại cuộc đời, ông đã cố gắng, cống hiến để không phụ sự tin tưởng của GS Tôn Thất Tùng và những người bệnh.

Nguyễn Thanh Hóa

________________

* GS Đặng Hanh Đệ, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tim mạch (1995-2003) Bệnh viện Việt – Đức.

[1] Những lời trích trong bài viết này được lấy từ bản ghi âm hồi ký của GS Đặng Hanh Đệ, 2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Tôn Thất Tùng, Đường vào khoa học của tôi, Nxb. Kim Đồng, Hà Nội, 2008, tr. 82.