Một vùng quê sống bằng củ mỳ
Trong suốt dải miền Trung đầy khắc nghiệt, Bình Định cũng có thể coi là vùng đất đầu sóng ngọn gió. Những trận bão, lũ lụt vẫn là nỗi ám ảnh của con người nơi đây. Huyện Phù Cát thuộc vùng trung du của tỉnh Bình Định, là cầu nối của hai vùng miền núi phía Tây và đồng bằng ven biển phía Đông. Hai chữ Phù Cát gợi cho người ta một cảm giác vừa thân thiện vừa hình dung ra sự khó khăn của vùng đất nơi đây. Phù Cát vừa là “vùng cát nổi”, hay hiểu cách khác, đó là nơi đề cao những giá trị tốt lành (Phù=nổi lên, Cát = tốt lành).
Xã Cát Trinh, nơi GS Phan Trường Thị ra đời vốn không được thiên nhiên ưu đãi. Phần lớn diện tích đất đai đều là cát trắng, việc trồng lúa không dễ. Người dân trong xã vốn sinh sống chủ yếu bằng cây củ mỳ. Củ mỳ là một tên gọi khác của cây sắn – một loại cây gắn liền với vùng đất miền Trung nắng gió. Người dân có thể luộc củ mỳ ăn luôn hay mài thành bột rồi làm các loại bánh. Ăn nhiều thành quen nhưng ăn nhiều cũng ngán. Hình ảnh những chàng trai đứng mài củ mỳ cả buổi chiều vẫn còn ăn sâu trong ký ức của nhà khoa học đã gần tuổi bát tuần và có gần 60 năm xa quê. Đó là một hình ảnh lam lũ nhưng không kém phần thơ mộng: “Sau buổi cơm trưa, thanh niên trong làng đều phải làm một việc rất quan trọng là mài củ mỳ. Nhiều khi, các nhóm thanh niên còn tập hợp lại làm cho từng nhà vừa trò chuyện và ăn bánh củ mỳ rất vui vẻ”… “Một chàng trai quê tôi có thể cởi trần mài củ mỳ cả buổi chiều rất mệt mỏi và lam lũ, nhưng tối vẫn ăn vận đẹp đẽ để đi tán gái, trong không khác gì một thầy giáo, khác hẳn với hình ảnh ban chiều của anh ta. Đó là một hình ảnh đẹp và thơ mộng”. GS Phan Trường Thị chia sẻ.
Những người bạn bên gốc cây vông đồng
Ở giữa vùng quê nghèo đói, do được sinh ra trong một gia đình trí thức, cha là một thầy giáo, mẹ cũng là con một gia đình địa chủ nên từ nhỏ Phan Trường Thị không phải lam lũ như các bạn đồng niên. Tuy nhiên, như ông nói “khoảng cách gia đình không làm cho tôi và những người bạn cùng thôn kỳ thị và xa cách nhau, dù chúng tôi đi theo những số phận khác nhau giữa cuộc đời”.
Cạnh nhà ông có một cây vông đồng rất lớn. Hàng ngày, dưới gốc vông đồng có 3 đứa trẻ thường vui đùa với nhau dù hoàn cảnh gia đình chúng rất khác nhau. Ngoài Phan Trường Thị là con của ông giáo Phan Trường Cự, còn có một cậu bé con một gia đình nông dân làm thêm nghề cắt tóc dạo và một cậu bé con một gia đình làm nghề bán quan tài. Ba cậu bé thường cùng vui đùa vói nhau dưới gốc vông đồng và cùng nhau tắm mát trong dòng sông quê.
“Mỗi người đều có một số phận, nó không quyết định cuộc đời họ nhưng có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống”.
(GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện Đá quý và Trang sức, Hà Nội, 2011)
Tuổi thơ dần qua đi, những cậu bé ngày càng trưởng thành, và cuộc sống cũng đưa họ đi theo những số phận khác nhau. “Tôi may mắn được đi tập kết ra Bắc học tập và trở thành một nhà khoa học. Anh bạn con ông bán quan tài, trong kháng chiến chống Mỹ đã bỏ đi buôn bán và thành một ông chủ buôn gỗ giàu có. Còn anh bạn con của ông cắt tóc dạo vẫn nối nghiệp bố. Khi quân Mỹ vào Quy Nhơn, anh ta thường đi cắt tóc cho lính Mỹ và có khá nhiều tiền, lấy vợ và sinh sống ở Quy Nhơn. Đến khi quân Mỹ rút lui, nghề cắt tóc dạo cũng khó làm ăn, ông đưa vợ và mười đứa con về quê sống rất nghèo khó. Sau đó chuyển lên Tây Nguyên làm kinh tế mới”.
Cuộc sống nhiều khi thật khó giải thích, như Phan Trường Thị nói: “Cùng lớn lên bên gốc cây vông đồng, cùng nhau tắm mát trên một dòng sông, vậy mà rồi cuộc đời của ba con người chúng tôi lại rất khác nhau. Có lẽ đó là số phận. Mỗi người đều có một số phận, nó không quyết định cuộc đời họ nhưng có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người đó”.
Những đoàn quân Nam tiến
“Hình ảnh những đoàn quân Nam tiến đã tác động lớn nhất đến tuổi thơ của tôi”. Đó là câu kết luận của chính GS Phan Trường Thị. Xã Cát Trinh quê ông vốn một bên ăn sâu vào đường quốc lộ xuyên Bắc-Nam, một bên ngả bóng ra dòng sông thơ mộng. Nằm trên tuyến giao thông quan trọng nên quê ông đã tiếp nhận được nhiều tác động từ các luồng văn hóa chảy qua đây. Như ông chia sẻ:
“Những dòng người qua lại quê tôi như là một dòng chảy mạnh. Dòng chảy đó không chỉ chảy qua mà còn tác động sang hai bên bờ, tạo ra những ảnh hưởng đến hai bên bờ. Còn người sống hai bên bờ dòng chảy đó cũng tác động đến dòng chảy và tiếp nhận những ảnh hưởng của dòng chảy đó. Những đoàn quân Nam tiến là một dòng chảy đã mang theo những nét văn hóa mới, những luồng không khí cách mạng được tràn vào làm cho cuộc đời của nhiều người thay đổi và nó trở thành một yếu tố tác động đến cuộc đời tôi mà lúc đó là những suy nghĩ, lý tưởng về phục vụ đất nước, phục vụ cách mạng và phục vụ nhân dân của tuổi trẻ”.
Ông cũng được chứng kiến những thay đổi của con người trong quá trình tham gia cách mạng:
“Khoảng năm 1953, có một đoàn quân Nam tiến đã dừng lại quê tôi trước khi vào chiến trường. Trong đoàn quân đó, tôi ấn tượng nhất là người sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn. Người sĩ quan này đã ở lại nhà tôi một thời gian. Là một sĩ quan được đào tạo trong trường Tây nên phong cách lãnh đạo của ông ta cũng khác. Ông rất nghiêm khắc với quân sĩ, thường đánh rất đau và kỷ luật mạnh với những người vi phạm kỷ luật. Phong cách sinh hoạt của ông ta cũng khác: Ông không ăn cơm do nhà dân nấu vì chê không ngon dù gia đình tôi là gia đình có điều kiện trong thôn, mỗi khi ông ta tắm thì mấy chiến sĩ phải pha nước và soi đèn pin để ông tắm. Tuy nhiên, sau một thời gian chiến đấu cùng các đồng đội, khi quay ra Bắc thì thấy ông ấy hoàn toàn thay đổi, sống giản dị như những người dân ở quê. Khi ra ngoài Bắc học tập và công tác, tôi hỏi thăm và được biết người sĩ quan năm trước đang làm Giám đốc xí nghiệp Apatit ở Lào Cai”.
Những sự thay đổi đó gợi cho GS Phan Trường Thị nhiều suy nghĩ: “Sức mạnh và sự cuốn hút của không khí cách mạng thật mãnh liệt, nó làm cho một người khó tính như ông sĩ quan kia mà chỉ sau vài năm đã trở thành một cán bộ mẫu mực và giản dị. Điều đó càng làm tôi thêm tin tưởng vào tương lai, vào lý tưởng phục vụ cách mạng”.
Mối tình đầu dang dở
Cũng như bao nhiêu người khác, tuổi mười chín đôi mươi của Phan Trường Thị cũng tràn đầy mơ mộng. Một chàng trai có học thức và giác ngộ cách mạng cũng là đối tượng thầm thương trộm nhớ của bao nhiêu cô gái. Và rồi anh lại dành tình cảm cho một cô gái cùng thôn xóm. Nhưng tình cảm đôi lứa không đủ sức níu kéo bước chân của người con trai đất võ đang sôi sục tinh thần cầu học. Năm 1954, anh bỏ tất cả lại sau lưng để tập kết ra Bắc học tập. Sau đó, năm 1956, anh trở thành sinh viên khóa I của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Rồi một chiều thu se lạnh, đang ngồi ăn một bát phở Hà Nội thì ông giật mình khi có một người đàn ông lại nhìn ông rất kỹ rồi hỏi:
– Ông có phải là Phan Trường Thị, người Bình Định không?
Câu hỏi bất ngờ làm ông bối rối vì ông hoàn toàn không quen biết người đàn ông này…
Người đàn ông lấy trong túi ra một tấm ảnh và kể lại cho ông nghe những gì đã xẩy ra: Thì ra đó là một anh chiến sĩ từng ở lại thôn ông trong hành trình Nam tiến. Chàng chiến sĩ này lại đem lòng yêu một cô gái trong thôn nhưng không được đáp trả bởi người con gái đó đang chờ mong một người khác. Và cô gái đó chính là người yêu của Phan Trường Thị. Chính cô đã đưa tấm ảnh của ông cho anh chiến sĩ và dặn nếu quay lại miền Bắc thì mong rằng tìm gặp và trao lại bức hình cho ông.
Mối tình đầu của ông không thành. Ông trưởng thành và lập nghiệp trên đất Bắc. Cô gái cũng lấy chồng là một sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa và chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Dù vậy, ông vẫn luôn giữ gìn hình ảnh về mối tình đầu và xem đó như là một kỷ niệm thời thanh niên. Như ông nói:
“Khi đất nước thống nhất, nhiều lần vào trong Nam, tôi có ý định tìm gặp lại người con gái đó xem giờ bà ấy sống ra sao. Nhưng rồi những suy nghĩ về cuộc sống, về gia đình lại ngăn trở tôi: Người mà tôi sẽ gặp không phải là một cô gái cùng quê ngày xưa, mà một người phụ nữ già và đã là mẹ của chín mười người con. Và tôi cũng sợ người phụ nữ đó sẽ nhìn tôi với con mắt của một bà vợ sĩ quan Cộng hòa nhìn một người Cộng sản. Không gặp để gìn giữ hình ảnh về một mối tình đầu đẹp đẽ”.
Bùi Minh Hào
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam