Những câu chuyện của một thời để nhớ

Các nhà khoa học tại buổi Tọa đàm

Đây là buổi Tọa đàm khoa học mang tính nghiên cứu thứ hai của Trung tâm với các nhà Y học trưởng thành từ trường Đại học Y Hà Nội trong kháng chiến và sau ngày hòa bình lập lại, với mục tiêu định hướng sâu hơn cho chủ đề nghiên cứu lịch sử cuộc đời của các nhà Y học. Đồng thời thông qua đó hiểu về bối cảnh chung của trường Đại học Y (từ trong kháng chiến đến những giai đoạn sau này: Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, điều kiện tinh thần, về lao động và các quan hệ lao động khoa học…..);  Sự thay đổi, cập nhật trong chương trình học, nội dung giảng dạy, thực hành và thi cử ở trường Đại học Y qua các giai đoạn; Những bài học kinh nghiệm và những kỷ niệm sâu sắc nhất về cách học, cách dạy, cách tiếp cận thông tin kiến thức để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đào tạo để đổi mới về dạy và học ở trường Y qua các trải nghiệm của từng cá nhân.

GS.TS Trần Ngọc Ân

           Tham gia buổi Tọa đàm có 11 cựu sinh viên khóa 1954 – 1960 trường Đại học Y giờ đã là những nhà khoa học, những giáo sư đầu ngành của Y tế Việt Nam như Tim mạch, Truyền nhiễm, Nhi khoa, Dịch tễ học, Nội khoa, Lao-Phổi, Dược lý, Vệ sinh Lao động, Tiêu hóa… cùng nhau ôn lại những năm tháng đã qua, nhắc lại những kỷ niệm, những câu chuyện của một thời kỳ gian khó không thể quên.

“Khi phân ngành học thì thứ nhất là Ngoại khoa, kế đó là Nội khoa, còn tôi thì có ai ngờ lại được phân công học cái nghề phân nước rác – Bộ môn Vệ sinh Lao động khi đó chúng tôi gọi là như thế. Buốn lắm chứ, những nhiệm vụ thì phải làm thôi. Ấy vậy mà cũng theo nó đến hết đời đấy.” – GS.TS Đào Ngọc Phong, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Vệ sinh lao động, trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ đầy hài hước. Vị Giáo sư có tâm hồn nhà thơ này luôn được coi là linh hồn của lớp học. Thơ ông cũng đã nhiều lần được xuất bản, và khi đến với buổi tọa đàm ông cũng không quên đem theo vài quyển thơ vừa mới in tặng cho bạn bè và Trung tâm. Ông bảo đấy là niềm đam mê thứ hai của ông sau chuyên môn Y học.

GS.TS Đào Ngọc Phong

“Đến thăm Trung tâm tôi mới thấy đúng là các vị có tài nhìn xa trông rộng. Những dữ liệu lưu trữ ở đây không phải chỉ có tác dụng nghiên cứu khoa học đâu mà nó còn là bài học cho con cháu mình mai sau ấy chứ. Chúng ta cứ nói mãi là vất vả, khổ cực, thiếu thốn thì con cháu mình liệu có nghe, có hiểu không. Nhưng nếu tận mắt nhìn thấy ông nó, bố nó thời ấy phải viết trên loại giấy thô nhám, đen sì sì, mà còn phải dùng đi dùng lại nữa chứ thì tự chúng sẽ phải ngộ ra chứ. Bằng chứng rõ ràng mà. Như tôi hồi đó cứ đi cất trữ các loại giấy tờ công văn, hành chính mới sử dụng một mặt, đợi người ta đến thời hạn hủy đi thì lấy ra viết bản thảo. Còn nhớ có lần viết xong bản thảo một cuốn sách rồi thì đứa cháu phải nộp giấy vụn làm kế hoạch nhỏ, bố mẹ nó tưởng đồ bỏ, buộc vào cho con mang đi, thế là lại viết lại từ đầu…” – GS Nguyễn Ngọc Lanh, nhà văn của lớp kể lại một sự việc đã trở thành kỷ niệm.

GS.TS Nguyễn Ngọc Lanh

“Cái thời ấy, Liên Xô trong suy nghĩ của chúng tôi luôn là niềm mơ ước thiên đường. Thiên đường đây không phải là sự sung sướng về vật chất đâu (tất nhiên chắc là cũng có một ít – cười) mà là thiên đường của lý tưởng và sự học. Khi tôi được cử sang đó học, lần đầu tiên đứng trên Quảng trường Đỏ, ngắm Lăng Lênin, nói thật là ứa nước mắt vì xúc động, vì tự hào. Bây giờ kể ra khéo con cháu nó lại bảo cụ có bị sao không vậy. Nhưng sự thật khi đó là thế.” – GS.TS Trần Ngọc Ân kể.

           Chuyện tiếp nối chuyện. Những lời tâm sự tưởng chừng không bao giờ chấm dứt từ những mái đầu đã bạc trắng, từ những con người mà trẻ nhất cũng đã qua ngưỡng thất thập cổ lai hy. Họ kể, còn chúng tôi ngồi lặng lắng nghe. Có thể với ai đó, những câu chuyện không đầu không cuối này chẳng có ý nghĩa gì, nhưng với chúng tôi – những nghiên cứu viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam – thì đây lại là những dữ liệu vô cùng quý báu. Những di sản ký ức góp phần minh chứng cho một thời kỳ của lịch sử đất nước, của lịch sử ngành Y mà chúng tôi đang cố công thu thập. Hy vọng rằng, sẽ có nhiều hơn những buổi gặp gỡ như buổi Tọa đàm này, sẽ có nhiều nhà khoa học sẵn sàng trao lại cho Trung tâm lưu giữ di sản ký ức của họ, bởi đó chính là nguồn tài nguyên vô giá của đất nước.

 

Phạm Kim Ngân

Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam