Những câu chuyện của nhà địa chất

            Vừa học vừa dạy

Câu chuyện về GS Nguyễn Văn Chiển và các học trò của mình trong những năm tháng đầu xây dựng ngành Địa chất Việt Nam là vừa dạy vừa học, học để dạy và dạy để học.

Là người tiên phong xây dựng ngành Địa chất Việt Nam, Nguyễn Văn Chiển đã có những tháng ngày vô cùng gian khó. Bước chân vào ngành Địa chất, bản thân ông cũng thấy choáng ngợp với những tri thức quá mới mẻ. Không được đào tạo cơ bản về địa chất, thiếu thầy, thiếu sách và tài liệu, đó là những khó khăn mà ông phải vượt qua. Ông luôn ghi nhớ mãi lời thầy giáo – GS Hoàng Xuân Hãn dặn dò khi ông hỏi về việc hướng nghiệp của mình: “Giỏi Toán như tôi vẫn chưa làm được gì cho đất nước. Giỏi Vật lý như anh Ngụy Như Kon Tum cũng vậy. Chúng tôi không có phòng thí nghiệm nên đành bó tay. Còn đối với các môn Địa chất, Động vật, Thực vật… thì cả đất nước là một phòng thí nghiệm bao la, chỉ sợ không có chí…” [1].

Không phụ lòng tin tưởng của thầy, ông đã dấn thân vào ngành địa chất và trở thành người mở đường, người kiến trúc sư kiến thiết ngành Địa chất Việt Nam.

GS.TS.NGND Nguyễn Văn Chiển (1919-2009)

(Ảnh vnn.edu.vn)

 

Những năm tháng đầu tiên với ông không đơn giản. Giữa những năm 1950, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, quan hệ giao lưu với các nước được mở rộng. Đấy cũng là thời điểm “người anh cả” Liên Xô cử nhiều đoàn chuyên gia sang giúp Việt Nam, trong đó có các chuyên gia địa chất.

Năm 1956, Trường Đại học Bách khoa được thành lập, Bộ môn Địa chất thuộc Khoa Mỏ-Luyện kim do Nguyễn Văn Chiển làm Chủ nhiệm bộ môn. Với một số tài liệu tiếng Nga và tiếng Pháp, Nguyễn Văn Chiển rất nỗ lực để có thể dạy cho các học trò đầu tiên những kiến thức cơ bản về ngành Địa chất. Quá trình giảng dạy của ông cũng là quá trình ông học tập. Theo ký ức của GS.TSKH Phan Trường Thị, một người học trò của ông thì “Lúc đó, thầy Chiển (và cả chúng tôi) đều phải cố gắng học tập để có thể giảng dạy. Trước hết, học bằng cách đọc và dịch các tài liệu tiếng Pháp và tiếng Nga có liên quan đến địa chất. Học từ trao đổi với chuyên gia Liên Xô và học từ quá trình nghiên cứu thực địa. Thầy Chiển là người đi đầu trong việc gắn quá trình học tập đó với công việc giảng dạy”. [2]
Hình ảnh mấy thầy trò vác túi lên công trường, theo các chuyên gia cùng thực địa để học tập và trao đổi trở thành những kỷ niệm khó phai trong ký ức của nhiều người học trò ông. GS Phan Trường Thị kể lại:

Tôi may mắn khi vào trường đã được thầy Chiển chọn theo học ngành thạch học là chuyên môn sâu của thầy. Khi các chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ, thầy Chiển vừa đi học lại vừa phải dạy lại cho chúng tôi. Có một lần, vào khoảng đầu những năm 1960, có một chuyên gia về thạch học của Liên Xô là GS Emile Petrovic I Zokh sang Việt Nam giảng dạy về phương pháp phân tích thạch học và đi nghiên cứu thực địa. Tôi được đi cùng với thầy Chiển và chuyên gia nghiên cứu các loại đá ở vùng Cao Bằng, Bắc Kạn, khu vực quanh hồ Ba Bể. Trong quá trình nghiên cứu thực địa, chúng tôi thường ngồi ở trên các tảng đá, đưa bản đồ và sổ sách ra để trao đổi. Chuyên gia Liên Xô thường phân tích các phương pháp nghiên cứu thực địa trong những tình huống cụ thể cho thầy trò cùng nghe và trao đổi. Tuy nhiên, lúc đó trình độ tiếng Nga tự học của tôi còn hạn chế, lại chưa được giao tiếp nhiều nên không hiểu hết những kiến thức mà chuyên gia truyền đạt. Thầy Chiển vừa nghe chuyên gia trình bày, vừa dịch và giảng giải cho chúng tôi hiểu…”. [3]
Không chỉ truyền đạt kiến thức, Nguyễn Văn Chiển còn hướng học trò đến những cách tư duy độc lập trong nghiên cứu khoa học. Bản thân ông, dù học từ các chuyên gia Liên Xô, nhưng ông luôn có ý tưởng và quan điểm riêng của mình: “Chuyên gia là những người có tri thức và kinh nghiệm nhiều hơn chúng ta. Nhưng không có nghĩa là mọi lời nói, việc làm hay nhận xét của họ đều là chân lý. Chúng ta học từ chuyên gia những tri thức mới, phương pháp khoa học và kinh nghiệm nhưng chúng ta cũng phải có cách suy nghĩ và nhận xét riêng của mình. Phải biết tìm cho mình những hướng đi của chính mình” [4]. Đó là lời dạy của ông mà GS Phan Trường Thị còn ghi nhớ.

GS Nguyễn Văn Chiển có lối suy nghĩ mạnh dạn, tư duy đổi mới: “Từ cuối những năm 1950, khi mà địa chất ở các nước XHCH đang tập trung nghiên cứu phần vỏ Trái Đất để phục vụ việc khai thác tài nguyên thì thầy Chiển đã dấn thân vào nghiên cứu về loại đá đen rắn chắc lấy mẫu ở núi Nưa (tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam) vốn là một loại đá siêu bazơ ở dưới lớp vỏ Trái Đất để tìm hiểu những biến động của lớp vỏ phía trên. Nghiên cứu của thầy lúc bấy giờ giới chuyên môn chưa hiểu hết ý nghĩa sâu sắc. Nhưng thầy kiên quyết nhiệt tình và làm việc nghiêm túc nên cuối cùng những ý tưởng nghiên cứu cũng được chấp nhận” [5]. GS Phan Trường Thị kể lại.

Năm 1963, Nguyễn Văn Chiển bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ tại Liên Xô và trở thành PTS địa chất đầu tiên của Việt Nam.

Từ kinh nghiệm bản thân, Nguyễn Văn Chiển đã truyền đạt lại cho học trò phương pháp và tinh thần dạy để học và học để dạy. Các thế hệ học trò đầu tiên của ông như Phan Trường Thị, Tống Duy Thanh, Phạm Văn Tỵ đều học tập và giảng dạy địa chất cho sinh viên Bách khoa khóa II từ khi các ông đang học năm thứ 3 đại học.

GS.TSKH Phạm Văn Tỵ nhớ lại: “Sau vài năm đầu được thầy Chiển và một số nhà địa chất Liên Xô như vợ chồng GS G.I. Nhemkov, GS Severin [*]… dạy về địa chất chung và về phương pháp phân tích, thăm dò trên thực địa, chúng tôi phải về trường dạy lại cho sinh viên khóa II. Năm 1959, để đào tạo cán bộ về địa chất phục vụ xây dựng các công trình lớn trong quá trình phát triển kinh tế dài hạn sau kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế của Đảng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập Bộ môn Địa chất Công trình đầu tiên. Chúng tôi chưa học hết năm thứ 3 đã phải đi giảng dạy. Lúc đó, ngoài thầy Chiển thì có thầy Nguyễn Kim Cương vừa học thủy văn từ Trung Quốc về dạy khoảng 30 tiết về địa chất trong xây dựng công trình thủy văn… Chúng tôi phải đọc các tài liệu nước ngoài và theo thầy đi thực địa để có kiến thức về giảng dạy cho sinh viên…”.[6]
Với phương pháp vừa học, vừa dạy, Nguyễn Văn Chiển, Phan Trường Thị, Phạm Văn Tỵ và nhiều đồng nghiệp khác về sau đều trở thành những nhà giáo mẫu mực, góp phần vào việc đào tạo một đội ngũ cán bộ địa chất phục vụ đất nước.

Theo đuổi ngành địa chất vì … muốn được đi nhiều nơi

Địa chất là một ngành khoa học mới ở Việt Nam giữa thế kỷ XX nên những người đầu tiên theo học ngành địa chất cũng không khỏi bỡ ngỡ và thiếu cái nhìn cụ thể về ngành mình. Các chàng thanh niên ở nhiều độ tuổi khác nhau và đến với ngành địa chất bằng một con đường khác nhau. Trong số đó, có những người đi theo học địa chất chỉ vì … sự tò mò, ham tìm hiểu những điều mới lạ và cả tính lãng mạn, như trường hợp GS Phan Trường Thị, cựu sinh viên khóa I của Bộ môn Địa chất, Đại học Bách khoa Hà Nội.

 

Ghi chép nhật ký là một nguyên tắc, một thói quen của các nhà địa chất

GS.TSKH Phan Trường Thị trong một chuyến đi nghiên cứu thực địa

 

Phan Trường Thị là một chàng trai quê vùng đất võ Bình Định. Sinh ra trong một gia đình trí thức nhiều đời làm thầy giáo, từ bé ông đã được hấp thụ một nền học vấn dù chắp nối, gián đoạn nhưng khá đầy đủ trong điều kiện lúc bấy giờ. Ông từng được học ở nhiều ngôi trường nổi tiếng như Trường Quốc học Quy Nhơn (1946-1952), Trường Trung học Lê Khiết ở Quãng Ngãi (1953-1954) và Trường Trung học Huỳnh Thúc Kháng ở Đô Lương, Nghệ An (1954-1955). Giữa năm 1956, ông thi đậu vào Đại học Bách khoa Hà Nội và chọn ngành địa chất để theo học. Sự lựa chọn của ông về địa chất, như ông giải thích là để …được đi nhiều:

Lúc đó, tôi chưa biết gì nhiều về ngành địa chất mình học. Nhưng nghe nói học địa chất được đi rất nhiều nơi trong nước. Khát vọng muốn đi và tìm hiểu về sự giàu đẹp của đất nước là lý do khiến tôi và các bạn tôi chọn ngành địa chất để học. Thanh niên lúc đó không có nhiều vấn đề suy nghĩ mà giờ gọi là hướng nghiệp. Chúng tôi theo học địa chất vì tính lãng mạn, mơ mộng với tinh thần học tập để phục vụ và xây dựng đất nước” [7].

Và đúng như khát vọng của ông, những chuyến đi nghiên cứu thăm dò địa chất với ông trở thành nguồn sống. Từ những năm đầu 1960, ông theo các thầy giáo và chuyên gia Liên Xô đi nghiên cứu các loại đá ở vùng Đông Bắc. Từ 1963-1965, ông đi nghiên cứu về loái đá chứa quặng đồng ở Yên Bái, Lào Cai. Từ 1965-1970, ông đi nghiên cứu để lập bản đồ địa chất ở vùng miền núi phía Tây Nghệ An. Từ 1970-1975, ông tham gia nghiên cứu địa chất ở vùng sông Đà, Hòa Bình. Sau khi đất nước thống nhất, ông vào Tây Nguyên nghiên cứu địa chất, tham gia thăm dò dầu khí ở thềm lục địa biển Đông… Cả cuộc đời gắn liền với những chuyến đi. Và bây giờ, gần tuổi bát tuần, ông vẫn mang túi cùng các học trò tiếp tục đi tìm những sự giàu đẹp của đất nước.

Học địa chất vì… một câu chuyện trên đài radio

Trường hợp chàng trai người Vĩnh Phú Phạm Văn Tỵ đến với ngành địa chất cũng rất lãng mạn. Câu chuyện ông kể về việc chọn theo học địa chất tràn đầy chất văn thơ.

Phạm Văn Tỵ là học sinh trường Trung học Hùng Vương ở Phú Thọ trong kháng chiến. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông về Hà Nội học tập. Hồi thanh niên mới xa quê xuống Hà Nội, ông có sở thích nghe đài radio về ban đêm. Trong một lần chương trình “Những bức thư chưa bao giờ gửi” kể một câu chuyện cảm động về một kỹ sư địa chất trẻ tuổi ở Liên Xô đi nghiên cứu thăm dò khoảng sản trong rừng Taiga. Là một chàng thanh niên mơ mộng vừa tốt nghiệp kỹ sư địa chất đã tình nguyện theo đoàn nghiên cứu vào vùng rừng sâu để thăm dò khoáng sản. Bỏ lại sau lưng phố thị, gia đình và người yêu để thực hiện khát vọng góp phần xây dựng đất nước Xô Viết giàu mạnh. Hàng ngày, từ rừng sâu, anh thường viết thư cho người yêu kể về chuyến đi của mình, về những suy nghĩ, trăn trở và mơ ước… Do điều kiện nên những bức thư này (thực ra là nhật ký dưới dạng thư viết cho người yêu) không được gửi đi cho đến khi hết cuộc hành trình… Câu chuyện lãng mạn đó đã ảnh hưởng lớn đến tinh thần của nhiều người thanh niên không chỉ ở Liên bang Xô viết mà còn lan rộng ra các nước XHCH khác. Ở Việt Nam, ít ra có một người là Phạm Văn Tỵ.

GS.TSKH Phạm Văn Tỵ đang giới thiệu luận án PTS 

chuyên ngành Địa chất Công trình mà ông bảo vệ ở Liên Xô năm 1973 

 

Năm 1956, ông thi đậu vào Đại học Bách khoa và lựa chọn theo học ngành địa chất. Trong mỗi chuyến đi nghiên cứu thực địa, ông luôn nhớ về hình ảnh chàng kỹ sư Liên Xô trong rừng Taiga đầy lãng mạn để hình dung về công việc của mình. “Câu chuyện đó đã theo tôi qua các hành trình thực địa… Tính lãng mạn của tuổi trẻ, khát vọng học tập để phục vụ đất nước nên chúng tôi không biết mệt mỏi, không ngại vất vả. Đi bộ hay lăn lộn với núi rừng đều không ngại mà còn thấy thích”. [8]
Sau nhiều năm cố gắng học tập, nghiên cứu khoa học, Phạm Văn Tỵ đã trở thành một Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, một chuyên gia hàng đầu về địa chất công trình. Với chuyên môn sâu về nghiên cứu địa tầng phục vụ cho việc xây dựng các công trình ngầm, ông đã tham gia đóng góp ý kiến, thẩm định các công trình xây dựng lớn của đất nước như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Yaly, Thủy điện Sơn La… và góp phần vào việc thắp sáng tương lai của đất nước.

Bài học cho nhiều thế hệ

Đến với địa chất, với ngành nghề do trách nhiệm, do nhu cầu của đất nước và do cả tính lãng mạn, các thế hệ thầy trò ngành địa chất đã vượt lên hết mọi khó khăn và có những đóng góp to lớn cho đất nước. Bài học từ những câu chuyện mà các nhà khoa học chia sẻ là sự say mê khoa học, khát vọng khám phá các chân trời mới, tinh thần trách nhiệm và tấm lòng phục vụ nhân dân, xây dựng đất nước đã giúp họ vượt qua khó khăn, gian khổ để đi đến thành công. Đó cũng là bí quyết thành công của những nhà khoa học như Nguyễn Văn Chiển cùng các học trò và thế hệ các ông đã đúc kết lại thành một bài học ý nghĩa.

 

 

Bùi Minh Hào

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

 

 

Chú thích:

– [1] Kiều Mai Sơn: GS.NGND Nguyễn Văn Chiển-nhà địa chất sáng giá. http://www.cand.com.vn/vi-VN/phongsu/2011/4/147380.cand

– [2], [3], [4], [5]: Phỏng vấn GS.TSKH Phan Trường Thị, ngày 23/11/2011. Tư liệu Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

– [6], [7], [8], [9]: Phỏng vấn GS.TSKH Phạm Văn Tỵ ngày 24/11/2011. Tư liệu Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

– [*]: Trường hợp GS Severin, chúng tôi vẫn chưa tìm hiểu được họ tên đầy đủ của ông, nên xin phép được ghi lại như vậy.