Những câu chuyện lịch sử từ một công trình

GS Nguyễn Khánh Toàn (1905-1993, quê Nghệ An), Chủ nhiệm đầu tiên của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Ông được mọi người biết đến với vai trò chủ chốt trong việc xây dựng nền khoa học xã hội nước ta. Ông cũng là linh hồn của hai cuộc cải cách giáo dục năm 1950 và 1956, đồng thời còn là người đề xuất nhiều chủ trương trong nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu khoa học theo hướng phục vụ cách mạng.

Thông qua những tài liệu hiện vật của GS Nguyễn Khánh Toàn trong trưng bày, có thể khám phá nhiều câu chuyện thú vị về lịch sử cách mạng. Từ phong trào học sinh sinh viên những năm 1925-1926 qua một bức ảnh đến bức thư kể về việc học tập ở Trường Đại học Phương Đông, Quốc tế Cộng sản tại Liên Xô (1929-1938), nơi mà Nguyễn Khánh Toàn có dịp sống và làm việc với Nguyễn Ái Quốc… đến hành trình về nước năm 1945 để phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến… Trưng bày này cũng lý giải nhiều vấn đề trong nghiên cứu về sử học, những vấn đề lý luận cách mạng của GS Nguyễn Khánh Toàn.

Cụm công trình về lĩnh vực Sử học của GS Nguyễn Khánh Toàn được trưng bày với sự ủng hộ của gia đình, đồng nghiệp và sự cố gắng nỗ lực của nhóm nghiên cứu viên và thiết kế, thi công của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Kính mời quý vị đến Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam ở huyện Cao Phong, Hòa Bình để được nghe câu chuyện lịch sử thú vị từ một công trình của nhà sử học – GS Nguyễn Khánh Toàn.

Dưới đây là một số hình ảnh góc trưng bày:

Ngô Văn Hiển