Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam với cuộc đời dược sĩ Đỗ Tất Lợi

Tiếng vang của một công trình khoa học 

Nhắc tới GS Đỗ Tất Lợi, người ta thường đề cập ngay tới  bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam  (NCT&VTVN ) – với thái độ vô cùng qúy trọng  và thán phục. Lần xuất bản đầu tiên, bộ sách được viết và in dần từ năm 1962 đến  năm 1965, gồm 6 tập; từ những lần sau mới hợp thành một bộ thống nhất. Cho tới nay sách đã được bổ sung, sữa chữa và tái bản đến 19 lần, với tổng số trên 100 nghìn bản in – một kỷ lục, khó có một cuốn cách khoa học chuyên ngành nào vượt qua.

Ngay từ khi mới xuất hiện, NCT&VTVN đã được bạn đọc hoan nghênh và giới khoa học trong ngoài nước đánh giá rất cao. Bộ trưởng y tế Phạm Ngọc Thạch khi đó đã đánh giá: “… bộ sách rất tốt, rất dễ hiểu, nội dung phong phú, cái hay ở đây là trình bày kinh nghiệm của bản thân cùng với kinh nghiệm dân gian và kinh nghiệm nước ngoài“. Đối với những kinh nghiệm dân gian mà cơ chế còn chưa sáng tỏ, ngay khi đó bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã đưa ra nhận xét hết sức sáng suốt: “Mọi vấn đề cần được xác minh qua thực nghiệm hay qua lâm sàng. Song chúng ta coi thực tiễn lâm sàng là đảm bảo chính. Vì thực nghiệm chỉ giúp chúng ta đi sâu vào lý luận, hiểu biết cơ chế của thuốc men, nhưng biết bao nhiêu thứ thuốc có hiệu quả đã dùng từ lâu đời mà ngày nay ta chưa được biết cơ chế một cách rõ ràng …

Năm 1964, ngay khi mới in đến tập 5, sách đã có tiếng vang vượt ra ngoài biên giới nước nhà: Cuối năn 1964, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Liên Xô đã gửi công văn cho Giám đốc Viện hoá dược Lê-nin-grat lưu ý về giá trị khoa học của bộ sách. Viện liền thành lập ngay một nhóm chuyên nghiên cứu bộ sách; và 3 năm sau, trên tạp chí Tài nguyên thực vật của Viện hàn lâm khoa Liên Xô, 4 nhà khoa học đầu ngành đã viết chung một bài khoảng 10 nghìn từ, nhan đề Cây thuốc Việt Nam và vai trò của giáo sư Đỗ Tất Lợi trong việc nghiên cứu các cây thuốc đó. Bài báo đã điểm lại các công trình nghiên cứu về cây thuốc Đông Dương của các tác giả người Pháp, so sánh các công trình ấy với bộ sách của dược sĩ Đỗ Tất Lợi và đánh giá:

Có thể nói rằng, trong rất nhiều bộ sách nói về cây thuốc nhiệt đới, chưa có một bộ sách nào có thể so sánh được với bộ sách của Đỗ Tất Lợi về mức độ chính xác và tỉ mỉ khoa học. Rất nhiều cây thuốc mà Đỗ Tất Lợi giới thiệu là lần đầu tiên thấy được dẫn ra trong các tài liệu về dược liệu học…


Còn về tác giả công trình, các nhà khoa học nước bạn đã đánh giá: “Đỗ Tất Lợi là một trong những người hoạt động xuất sắc của nền y học khoa học hiện đại, người có khả năng bắc chiếc cầu giữa nền y học khoa học với một trong những nền y học hiện đại của châu Á – nền y học Việt Nam …“.

Sự kết hợp hài hòa và độc đáo

Phải nói rằng, nếu chỉ xét về số lượng vị thuốc, NCT&VTVN không phải là bộ sách “kỷ lục”. Thế nhưng, những vị thuốc được mô tả trong đó đều là những thứ các lương y hay dùng nhất trong phòng bệnh và chữa bệnh; là những cây cỏ, trái cây có ở ngay quanh nhà, có thể tìm thấy ngay trong vườn, trên nương hoặc trong rừng; xét trên phương diện này thì đây là bộ sách đứng đầu trong số những sách thuốc hiện có viết bằng tiếng Việt.

Dược sĩ Đỗ Tất Lợi trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Tư liệu.

Dược sĩ Đỗ Tất Lợi trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Tư liệu.

Không những thế, phần lớn những vị thuốc được đưa vào sách đều có thể coi như những “người bạn”, hoặc là những “đứa con tinh thần” của tác giả. Bởi vì, đó là những vị thuốc đã chữa khỏi bệnh tật cho ông và người thân trong gia đình; là những vị thuốc mà ông đã khám phá ra trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp, với sự giúp đỡ của đồng bào các dân tộc ít người; đó là những vị thuốc ông đã cùng các cụ lang trồng trong vườn thuốc ở Y miếu Thăng Long,  trong vườn thuốc mới xây dựng ở Đại học Y Dược Hà Nội trong những năm hòa bình mới được lập lại …

Xét tổng thể,  đặc điểm nổi bật nhất của NCT&VTVN có lẽ là sự kết hợp hài hòa giữa tính khoa học và tính phổ cập. Nhờ vậy, tuy là sách khoa học chuyên  ngành nhưng nó vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu của mọi tầng lớp, với đủ những trình độ văn hóa khác nhau. Người ta có thể đọc nó theo kiểu đoc Truyện Kiều:  theo lối bình dân, mộc mạc, thực dụng; hoặc theo kiểu uyên thâm, bác học.

Người dân bình thường ở vùng nông thôn có thể tìm thấy trong sách những phương thuốc hiệu nghiệm từ cây cỏ ở ngay quanh nhà, có thể áp dụng ngay những điều hướng dẫn trong sách để dự phòng hoặc chữa  trị bệnh tật cho mình;  các thầy thuốc hiện đại có thể tìm thấy những thông tin qúy giá về hóa thực vật, về tác dụng dược lý của các vị thuốc; còn người quan tâm tới khía cạnh văn hóa thì lại cảm thấy hứng thú khi đọc những truyền thuyết kỳ lạ về các vị thuốc, hiểu được tập quán sử dụng cây cỏ của các dân tộc trong nước và  trên thế giới …

Điều đặc biệt nữa là, ngay từ lần xuất bản đầu tiên, các kinh nghiệm chữa bệnh bằng thuốc Nam đã được ghi lại  một cách hết sức rõ ràng và trung thực – thể hiện rõ thái độ chân trọng của tác giả đối với những kinh nghiệm của bạn bè, thân hữu, của các vị lương y, của tất cả những ai mà tác giả đã từng tiếp xúc và may mắm được họ gửi gắm niềm tin. Thí dụ, đọc tới bài nói về củ nghệ, chúng ta có thể học được cách chế ra một loại cao dán nhọt đơn giản – theo đơn thuốc  gia truyền của nhà văn Ngô Tất Tố; tới đoạn nói về hạt mã tiền, người đọc có thể tìm hiểu thêm về cách bào chế và cách dùng loại “thuốc phong bà Giằng” – chuyên chữa tê thấp, đau nhức và sưng khớp, nổi tiếng khắp nơi. 

Mấy chục năm qua, nhờ những kinh nghiệm trong Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam biết bao người đã thoát khỏi bệnh tật và trở về với cuộc sống bình  thường; trong số những người đó có người đã trở thành thầy lang và tôn vinh tác giả như bậc sư phụ – những bức thư đã ngả màu qua năm tháng lưu giữ trong thư viện gia đình của GS Đỗ Tất Lợi  chứng tỏ điều đó.

Hành trang của một nhà khoa học 

Người ta thường bảo, số phận con người thường được định đoạt bởi những yếu tố ngẫu nhiên, tình cờ hoặc là “tiền định”. Thực ra, đó chỉ là những sự kiện, những diễn biến của hoàn cảnh khách quan bên ngoài – mà chúng ta khó có thể hoặc không thể lường trước được. Dù nói theo cách nào đi nữa, thì cuộc đời của dược sĩ Đỗ Tất Lợi đúng là có rất nhiều nhân tố như vậy. 

Dược sĩ Đỗ Tất Lợi trong chuyến đi thực tế tìm các cây thuốc quý ở Sapa năm 1959. Ảnh: Tư liệu.

Dược sĩ Đỗ Tất Lợi trong chuyến đi thực tế tìm các cây thuốc quý ở Sapa năm 1959.
Ảnh: Tư liệu. 

Nhờ có những “nhân duyên” đặc biệt, từ nhỏ ông đã được tận mắt chứng kiến những tác dụng kỳ diệu của Y học cổ truyền dân tộc. Bản thân ông và người thân trong gia đình đã nhiều lần được thoát khỏi tai nạn hoặc được chữa khỏi bệnh bằng những vị thuốc Nam ở ngay cạnh nhà. Vì vậy, ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, trong khi các thầy thuốc dân gian thường bị coi khinh như những kẻ “lang băm”, “lang vườn” vô học,  thì họ lại được ông tôn làm thầy và tìm đến học hỏi với thái độ thực sự cầu thị.

Cũng vì vậy, khi đã có trong tay tấm bằng dược sĩ “Tây học”, ông đã không mở hiệu thuốc tây để làm giầu, mà đã tự xây dựng một phòng bào chế, để bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu và sản xuất thuốc chữa bệnh từ dược liệu trong nước. Và cũng chính vì vậy, ngay khi nước nhà mới giành được độc lập, ông đã viết một bài báo dài, chiếm hết 2 trang đầu của một tờ báo lớn ở Hà Nội, kêu gọi cải tổ ngành chế thuốc nước nhà: “Chúng tôi tin rằng cách mạng sẽ tạo được những nhà dược học, y học vừa tinh thông phương pháp khoa học của Tây, vừa am hiểu thuốc nam thuốc bắc, những người có đủ học lực để bảo vệ di sản của tiền nhân, giải thích chứng minh tính chất khoa học của di sản ấy. Và một ngày không xa thuốc đông và thuốc tây hòa làm một trong nghề thuốc Việt Nam. Ngày ấy nền y dược Việt Nam sẽ rạng ngời trên thế giới.” (Dân Thanh, 30/10/1946). Dược sĩ Đỗ Tất Lợi đã viết những dòng tâm huyết ấy khi ông 27 tuổi.

Đỗ Tất Lợi từ nhỏ được nuôi dưỡng trong đại gia đình Mai Lĩnh, một gia tộc có truyền thống đoàn kết và yêu nước lâu đời. Cha mẹ ông làm ruộng ở quê nhà, còn ông được gửi lên thành phố để các chú, các anh nuôi cho ăn học và tập sự lao động. Gia đình Mai Lĩnh thời đó  kinh doanh văn phòng phẩm, sách, báo, xuất bản,  kính mắt,  đại lý thuốc cao đơn hoàn tán Đông y và rất nhiều loại tạp hóa. Để có thể quản lý tốt một cơ sở dinh doanh phức tạp và đa dạng như vậy, anh em nhà Mai Lĩnh đã có sáng kiến xây dựng một hệ thống sổ sách, các loại phiếu phân loại và mã hóa riêng, rất độc đáo,  khoa học. Cách quản lý tư liệu theo kiểu đó đã giúp dược sĩ Đỗ Tất Lợi rất nhiều trong công tác nghiên cứu khoa học sau này. Và đó cũng là một lý do khiến NCT&VTVN được hoan nghênh đặc biệt: cuối bộ sách có những bảng tra cứu và chỉ mục hết sức tỉ mỉ, rất thuận tiện cho người sử dụng. Ngày nay, việc làm này có thể thực hiện dễ dàng với máy tính, nhưng trong những năm 60, để làm được một việc như vậy ắt phải có cách làm khoa học và phải tốn rất nhiều công phu.

Trong những năm đi học và giúp việc các chú, các anh ở Hải Phòng và ở Hà Nội, Đỗ Tất Lợi còn được tiếp xúc với một số vị lương y như Phó Đức Thành, Dương Thái Ban, Nhất Kinh … được làm quen với các nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Phạm Cao Củng … Những vị lương y và các nhà văn hóa đó đã trở thành những người thầy đầu tiên và đã có ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp của ông sau này. Chính họ đã giúp ông trang bị cho mình những hành trang cần thiết – về chuyên môn cũng như tính cách, cho công việc của một nhà nghiên cứu khoa học sau này.

GS Đỗ Tất Lợi đã có trên 150 công trình khoa học được công bố ở trong và ngoài nước, nhưng Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam  vẫn là “đứa con tinh thần” lớn nhất của ông, một tác phẩm có vị trí trang trọng và đặc biệt trong y văn nước nhà. Để hoàn thành một công trình khoa học, một tác phẩm như vậy, người viết ra nó không những phải là một nhà chuyên môn uyên bác, lành nghề, mà còn phải hội đủ những yếu tố truyền thống gia đình, văn hóa dân tộc và nhất là nhân tố thời cuộc.

GS.TS Đỗ Tất Lợi (Sinh ngày 28/3/1919 – Mất ngày 3/2/2008) là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng, “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.

GS Đỗ Tất Lợi là sinh viên ĐH Y dược Đông Dương khóa đầu tiên và tốt nghiệp vào thời điểm cả Đông Dương mới có sáu dược sĩ. Là một trong những nhà khoa học đầu tiên tìm hiểu đông y và vị thuốc dân gian bằng ánh sáng tây y, ông đã có 150 công trình khoa học và đã đặt chân đến hầu hết các vùng đất của VN tìm các cây thuốc, vị thuốc dân gian. Công trình nổi tiếng nhất của ông là bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc VN dày trên 2.000 trang được in lại nhiều lần.

Nguồn: https://dantri.com.vn