Những chàng thanh niên “tạch tạch sè” dấn thân vào kháng chiến

1-Cái khó ló cái khôn

GS Nguyễn Dương Quang – nguyên giám đốc Bệnh viện Việt Đức Hà Nội từng nói về họ: Các sinh viên y khoa 1950 là lớp thanh niên trí thức trẻ từ các trường trung học Bưởi (sơ tán tại Phú Thọ), Nguyễn Thượng Hiền tại Thanh Hóa và trường Huỳnh Thúc Kháng tại Hà Tĩnh. Họ vốn là những học sinh trong thành Hà Nội, Huế, Hải Phòng, Nam Định, đã từng tham gia ngày khởi nghĩa cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, trở thành cán bộ đi kháng chiến ngay từ năm 1946, ngày toàn quốc kháng chiến, nên khi tựu trường Đại học y khoa năm 1950, họ mau chóng hòa nhập với đời sống toàn dân vùng kháng chiến, sớm thích nghi với tình hình và trở thành cán bộ quân y, dân y rất đắc lực thực hiện nhiệm vụ…

Đó là những lời động viên, khích lệ của người đàn anh với họ. Nhưng nói như thế không có nghĩa là con đường đến những thành công hôm nay của họ là một con đường không nhiều chông gai.

Những chàng cựu sinh viên Y50 giờ đây đã tóc bạc, lưng còng nhưng vẫn không quên ký ức những ngày học tập và thực hành gian khổ đó. Họ không được đào tạo liên tục đã đành, mà ngay cả những điều kiện học tập tối thiểu cũng không có. Giảng đường chỉ là lán trại, phương tiện học tập rất thô sơ thiếu thốn, mặt trận chính là phòng thực hành lớn, giảng viên ngoài các giáo sư bác sĩ còn “tận dụng” cả các y tá y sĩ lành nghề hoặc sinh viên năm trước làm trợ giảng. Giáo trình cũng thiếu thốn, cứ phải chép tay rồi chuyền tay nhau đọc. Tranh giải phẫu người cũng tự vẽ rồi in litô ra vài chục bản phát cho mỗi người; thậm chí còn đi đào mộ trộm lấy xương người để về học.

Những chàng thanh niên “tạch tạch sè” tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang

Nhưng mà học cũng chỉ được 1-2 năm là đã phải ra mặt trận phục vụ rồi. “Cũng là đội phó đội trưởng, chủ nhiệm quân y trung đoàn hẳn hoi” – GS Nguyễn Cảnh Cầu – nguyên chủ nhiệm bộ môn ngoài da, Học viện Quân y, Chủ tịch Hội da liễu VN – nhớ lại. Năm thứ ba lại về trường học tiếp, cần gì học nấy, 2 năm sau có kiểm tra cho điểm, rồi lại đi tiếp. Cho đến khi học năm cuối rồi mà cứ có lớp nào là nhảy vào học lớp đó, kể cả năm thứ 2, 3, 4 hay 5, để bổ sung những gì mình còn thiếu. Luận án vẫn đạt loại xuất sắc. Có thể chính mặt trận không chỉ là phòng thực hành lớn mà còn là một giảng đường lớn, để từ đây họ trưởng thành về nhiều mặt. Tại chiến trường khi chiến sự ác liệt, họ đã từng tự chế nước cất để pha thuốc tiêm; từng phẫu thuật bằng dao nứa; từng dùng ống nứa làm chụp đèn dầu, có đục lỗ một đầu nối với ống thông khí cong mà tiêm tĩnh mạch được; từng tự đếm mạch không cần đồng hồ mà sai số rất thấp; từng tìm ra chỗ đo huyết áp ở khoeo chân khi chiến sĩ bị thương cả hai tay; từng dùng lòng trắng trứng gà để giải độc thuốc khi bị uống quá liều; từng giả làm anh thợ cạo vào chợ để mua dao kéo cắt tóc làm y cụ…Còn rất nhiều sáng tạo khác của những chàng thanh niên “tạch tạch sè” này không thể kể xiết. Mỗi năm một lần họp khóa, họ lại có dịp kể cho nhau nghe, cho mọi người cùng nghe. Những sáng tạo kiểu như thế này, xuất hiện như một giải pháp tình thế, nhưng đã cứu sống biết bao nhiêu con người trong những lúc cận kề cái chết. Đó là bài học rất quý giá về tinh thần vượt khó sáng tạo cho các thế hệ sau học tập.

            2-Có thầy và có mình

            Hôm nay, tất cả đã qua tuổi thất thập rồi, hầu hết đã và đang là những chuyên gia y tế đầu ngành, cán bộ quản lý…có nhiều đóng góp lớn lao cho sự nghiệp y học. Lý giải của PGS Lê Văn Tiến – nguyên chủ nhiệm khoa Phẫu thuật thần kinh Bệnh viện 108 – về nguyên nhân của những thành công này được nhiều người đồng tình, đó là họ may mắn được học những “cây đại thụ” của nền y học nước nhà cả về chuyên môn và nhân cách như các GS Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Văn Ngữ, Đặng Văn Chung.v.v.; được có những lớp đàn anh mẫu mực như BS Nguyễn Dương Quang, Hà Văn Mạo…Ông Tiến kể: GS Tùng có câu nói mà đến giờ tôi vẫn không quên khi ông dạy về viêm ruột thừa, ông ví nó như “tiếng sét trong bầu trời yên tĩnh”. GS-BS Nguyễn Quang Long – nguyên chủ nhiệm bộ môn Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng của Đại học Y Hà Nội và GS-TSKH Nguyễn Mạnh Liên – nguyên chủ nhiệm bộ môn Y học môi trường và lao động của Học viện quân y thì sâu xa hơn khi cho rằng: Cụ Hồ Chí Minh là người thầy lớn đã thu phục được những “cây đại thụ” đó, để họ dốc lòng cho kháng chiến, khi Tây nhảy dù gọi loa mời họ về thành mà GS Hồ Đắc Di đã nói “Nếu Tây bắt được thì tôi sẽ cắn lưỡi chết”. Những “cây đại thụ” đã là tấm gương trong cho các học trò của mình noi theo.

Giờ họ đã trở thành những nhà khoa học. Ảnh từ trái sang phải:

GS.TSKH Nguyễn Cảnh Cầu (thứ 4), GS.TS Trần Đỗ Trinh (thứ 5),

GS Nguyễn Quang Long (thứ 8), GS Hoàng Bảo Châu (thứ 9)

            GS Phan Chúc Lâm – nguyên chủ nhiệm khoa Thần kinh Bệnh viện 108 bổ sung thêm: Chúng tôi chịu khó tự học, học ở mọi người, mọi nơi, mọi lúc có thể, mà quan trọng là học ở bộ đội ta, ở nhân dân. Trong điều kiện học hành không liên tục như vậy, lỗ hổng kiến thức là rất nhiều, chúng tôi luôn phải tự lấp đầy. Và quan trọng nữa là chúng tôi sống trong sáng hồn nhiên, đến tận bây giờ vẫn thế, cho dù có thể là một thiệt thòi đối với gia đình do giao thiệp kém và nghèo tiền bạc.

            BS Nguyễn Trọng Khiết – nguyên chủ nhiệm khoa Nội Bệnh viện Hữu Nghị tỏ ra trăn trở nhiều khi lý giải nguyên nhân mà các chàng “tạch tạch sè” dấn thân vào kháng chiến, cho cách mạng. Ông nói: Nghĩ lại, chúng tôi đã làm được những việc rất khó, mà rất sáng tạo, trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, và các thanh niên tiểu tư sản không phải không có lúc dao động. Tại sao vậy? Tôi cho rằng, căn gốc của chuyện này là lòng tự trọng của lớp người trẻ như chúng tôi, do tự trọng mà chúng tôi tự lực nghĩ ra để làm, đã quyết là làm bằng được. Đó là lòng tự trọng của những người Việt Nam có học, còn rất trẻ, nhưng đã định làm việc gì mà biết là nó đúng thì nhất tâm làm cho kỳ được. Hơn nữa, trong mỗi chúng tôi, lòng yêu nước, yêu dân tộc đã được Cụ Hồ dẫn dắt, khơi dậy một cách khéo léo.

            Còn GS-TSKH Trần Đỗ Trinh – Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam thì đã tự lý giải từ hàng chục năm nay: “Nhớ lại những ngày trước còn ở Hà Nội, cậu học sinh trường Bưởi này kể từ khi lớn lên (1942-1946) vẫn thường bị gọi là công tử bột. Sống trong một gia đình trí thức lâu đời của Hà thành hoa lệ, có phải làm gì nặng nhọc bao giờ! Có phải đi bộ xa bao giờ! Nhưng không phải! Được ăn mặc tử tế, học hành tử tế, nhưng thực ra quá trình rèn luyện nghị lực chịu đựng gian khổ của mình đã bắt nguồn ngay từ những ngày ấy, những ngày tham gia Hướng đạo sinh, tham gia phong trào Việt Minh…Đó là những cuộc thử sức đáng nể với một thiếu niên Hà Nội mảnh khảnh, kém sức, lại quen sống dễ chịu như mình…”.

            Những bài học làm NGƯỜI đó của một thế hệ thanh niên xưa rất đáng để thế hệ trẻ ngày nay phải suy ngẫm. PGS-TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cho rằng đó còn là di sản khoa học của một giai đoạn lịch sử, rất cần được bảo tồn và phát huy mà Trung tâm đang tiến hành và coi đây là trách nhiệm cao cả của mình với các nhà khoa học nói riêng và với lịch sử khoa học nước nhà nói chung.

Nguyễn Hoàng

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam