Những chuyến đi “duyên nợ” với cây chè

Nguyễn Ngọc Kính sinh ra và lớn lên ở vùng đất chè trung du Phú Thọ. Năm 1956, Nguyễn Ngọc Kính thi đỗ vào khoa Trồng trọt, Đại học Nông lâm. Mặc dù học khoa Trồng trọt nhưng phải đến khi được cử đi học ở Trung Quốc (9-1959), Nguyễn Ngọc Kính mới định hướng rõ rệt về nghề nghiệp của mình. Hồi đó, sau khi học hết năm thứ 3 thì Nguyễn Ngọc Kính và một số bạn cùng lớp được Bộ Nông nghiệp cử sang Trung Quốc học ngoại ngữ 6 tháng tại trường Đại học Bắc Kinh, rồi chuyển về học năm thứ 4 tại Học viện Nông học Hoa Nam. Sau khi tốt nghiệp, ông được học thêm một năm theo chế độ tiến tu sinh, tức là học sâu chuyên đề về một loại cây trồng để về nước giảng dạy. Ông Kính được phân công học về cây chè và từ đó cả đời ông gắn bó, trăn trở với cây chè. 

Và những chuyến đi thực tế về cây chè của ông Nguyễn Ngọc Kính thực sự bắt đầu từ khi ông tốt nghiệp ở Trung Quốc trở về nước (6-1962). Lẽ ra, sau khi tốt nghiệp, ông sẽ về trường thực hiện công tác giảng dạy theo chuyên ngành đã được đào tạo, nhưng khi đó nước ta đang ở giai đoạn phục hồi kinh tế và chi viện cho miền Nam đánh Mỹ nên ông được Bộ Nông nghiệp giữ lại phòng Cây công nghiệp, Vụ Trồng trọt để làm công tác chỉ đạo sản xuất, chuyên trách về cây chè.

Hồi đó, trong kế hoạch 5 năm thứ nhất của nước ta, nông nghiệp có một vai trò quan trọng đặc biệt. Bởi thế trong nhiệm vụ cơ bản nhất của kế hoạch này chỉ rõ: “Ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, thực hiện ưu tiên phát triển công nghiệp nặng; đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, phát triển công nghiệp thực phẩm và công nghiệp nhẹ, phát triển giao thông vận tải, tăng cường thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã, chuẩn bị cơ sở để đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp và nông nghiệp xã hội chủ nghĩa”[1]. Nhân dân miền Bắc, ai ai cũng hứng khởi, thi đua lao động sản xuất với tinh thần một người làm việc bằng hai. Trong khí thế ấy, Nguyễn Trọng Kính về nước và hăm hở bắt tay vào công việc với tinh thần nhiệt tình, sôi nổi.

Lịch làm việc hàng tháng của ông là: đầu tháng sinh hoạt cơ quan, đoàn thể, lĩnh lương và các loại tem phiếu… trước ngày mùng 7 lên đường đến các địa phương để làm công tác chỉ đạo sản xuất. Trong công tác ấy có một phần công việc như khuyến nông hiện nay, như tập huấn cho các xã viên hợp tác xã cách làm đất trồng chè theo đường đồng mực thay cho phương pháp trồng chè theo hình thức nanh sấu; cách đốn chè, sản xuất kinh doanh; cách hái chè san trật; cách phòng trừ sâu bệnh hại chè… Đến cuối tháng, ông trở về cơ quan và làm các báo cáo thực tế chuyên môn, sinh hoạt đoàn thể… Cứ thế, tháng nào cũng vậy, mùa đông cũng như mùa hè, bất kể nắng hay mưa, trong suốt những năm 60, ông như con thoi, nay đây mai đó, chỉ có chiếc balô là người bạn thân thiết nhất. Khó khăn nhất đối với ông khi đó là hàng tháng phải đi các tỉnh trung du, miền núi như Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang nhưng ông lại không có xe đạp để chủ động phương tiện đi lại. Các loại nhu yếu phẩm đều phân phối, xe đạp thì phải xếp hàng chờ, có khi 2-3 năm mới đến lượt được mua. Ông nhớ: “Tôi xếp hàng thứ 3 trong danh sách của Vụ Trồng trọt chờ mua xe. Năm đó một anh bạn công tác cùng phòng với tôi xếp thứ 2 trong danh sách nhận được phiếu phân phối mua xe, nhưng là loại xe cuốc của Liên Xô – loại xe có ghi đông uốn cong như xe đua. Anh bạn người thấp nhỏ, dáng vẻ gầy yếu nên đã nhường phiếu mua xe cho tôi, còn anh thì chờ mua xe đạp nội địa năm sau. Số tiền học bổng tiết kiệm đem từ Trung Quốc về, tôi “góp họ” với một số anh em thanh niên trong cơ quan, “lấy họ” để mua xe làm phương tiện đi công tác”[2].

GS.TS Nguyễn Ngọc Kính bên cây chè Shan ở Hoàng Su Phì, Hà Giang, 2002

Những chuyến đi công tác ở Phú Thọ, Yên Bái, Nguyễn Ngọc Kính thường đi tàu hỏa đến ga gần địa điểm sẽ đến công tác, rồi từ ga cuốc bộ đến các huyện, các xã. Ở đó, ông cùng ăn, cùng ở với gia đình chủ nhiệm, hoặc đội trưởng đội kỹ thuật của hợp tác xã, rồi tùy theo thời vụ, tổ chức tập huấn các khâu kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái chè. Khi đã có xe đạp thì ông gửi xe lên tàu hỏa, rồi từ ga sẽ đi xe đạp tới các huyện, hợp tác xã vùng chè.

Khi Mỹ tiến hành đánh phá miền Bắc thì những chuyến đi có phần vất vả, gian nan hơn. Hành lý cho mỗi chuyến đi là một balô đựng vài bộ quần áo, mùa rét thì thêm một chiếc chăn nhỏ. Khi đi xe đạp thì mũ và ba lô đều phải cài lá ngụy trang để tránh máy bay địch, dưới mũ là một chiếc khăn mặt (khăn bông) trùm lên đầu che kín tránh nắng xiên khoai vào mặt và để lau mồ hôi. Trong balô còn có một bi đông nước chè xanh và một tấm ni lông để phòng mưa nắng. Khi đường đi vào các vùng chè có độ dốc cao, phải kiếm một cành cây khá to có lá buộc vào phía sau xe để khi xuống dốc vừa bóp phanh, vừa có đoạn cành lá buộc sau xe làm tăng ma sát cản tốc độ xe lao dốc cho được an toàn.

Những chuyến đi miền núi như Hà Giang, Nguyễn Ngọc Kính thường kết hợp đi tàu hỏa và ô tô. Từ Hà Nội, ông đi tàu hỏa đến Phú Thọ, rồi từ đó đi ô tô đến Tuyên Quang nghỉ lại, hôm sau đi xe tiếp từ Tuyên Quang đến Hà Giang. Cũng có những điều lý thú trong những đêm ngủ trọ, ông kể: “Trong gian nhà trọ có vài ngọn đèn măng xông thắp bằng dầu hỏa. Giường nằm là một tấm sạp bằng nứa được đặt trên một khung cọc tre, chiều dài của sạp gần bằng chiều dài của một gian nhà lợp bằng lá cọ, gian nhà trọ có hai sạp cách nhau bởi một lối đi ở giữa. Để chống muỗi, mỗi sạp nằm có một chiếc màn xô chùm kín toàn bộ diện tích mặt sạp và có chiều cao khoảng hơn một mét. Khách đi ô tô sau khi xuống xe vào nhà trọ thì tự động lên sạp chọn một chỗ nằm, mọi người nằm liền nhau (đương nhiên có sạp của nam và của nữ riêng). Khách ít thì chỗ nằm rộng, khách đông thì chỗ nằm hẹp. Hành lý của khách như balô và các thứ đem theo được xếp lên phía đầu chỗ nằm, kể cả đôi dép sau khi đã được đập vào nhau để rũ bụi đất (đôi khi được phân phối một đôi dép nhựa Tiền Phong là của quý thì phải để gối đầu giường). Trong cái tập thể hỗn độn ấy khó mà có được một giấc ngủ ngon lành, người thì ngáy to, người thì lục đục đi vệ sinh hoặc hút thuốc lào, người thì trò chuyện thì thầm làm quen nhau… nhưng sáng sớm ngủ dậy ai nấy đều vui vẻ tranh thủ ra máng nước cạnh lán rửa mặt để sau đó tiếp tục cuộc hành trình đường núi”[3].

Là cán bộ chỉ đạo sản xuất về cây chè, nên ông chọn các tỉnh điểm, huyện điểm và hợp tác xã điểm để làm việc. Trong đó có tỉnh Phú Thọ, Yên Bái đại diện cho các tỉnh vùng trung du, Hà Giang đại diện cho các tỉnh miền núi.

Tại Phú Thọ, huyện điểm là Thanh Ba và xã điểm là hợp tác xã Đại An. Ở đó, ông thường đến ở nhà ông chủ nhiệm hợp tác xã tên là Triệu Vi Loan, mỗi đợt ở khoảng 1 tuần đến 10 ngày. Ông được ông chủ nhiệm và gia đình coi như người nhà, và cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con xã viên. Công việc chính của ông là tổ chức các lớp tập huấn cho xã viên các tiến bộ kỹ thuật về trồng mới và chăm sóc cây chè như trồng chè theo đường đồng mực, cách đốn chè, cách hái chè theo mùa vụ, cách làm phân xanh và bón phân khoáng, cách phòng trừ sâu bệnh cho chè. Mỗi đợt tập huấn theo một chuyên đề và tùy theo thời vụ. Sau khi tập huấn về lý thuyết thì đến thực địa là các nương chè của xã viên hướng dẫn cụ thể các thao tác kỹ thuật. Có đợt cả tuần ông tập huấn về kỹ thuật hái chè tại các nương chè. Ông nhớ lại: “Cuộc sống của tôi hòa đồng với bà con xã viên, họ quý trọng tôi vì một kỹ sư nông nghiệp mà sống và lao động như một thành viên của hợp tác xã, những kỹ thuật mà tôi hướng dẫn họ làm đã góp phần nâng cao năng suất, nâng cao thu nhập cho họ. Còn tôi thì thấy sung sướng, hài lòng vì việc làm của mình mang lại lợi ích thiết thực cho xã viên nói riêng và góp phần cho việc phát triển sản xuất chè nói chung. Mặt khác tôi cũng học được ở bà con xã viên đức tính chất phác, cần cù và tình làng nghĩa xóm sâu đậm. Cho đến nay, tôi vẫn giữ được mối liên hệ với gia đình ông chủ nhiệm Triệu Vi Loan. Mặc dù tôi rời hợp tác xã Đại An vào khoảng năm 1966 để nhận nhiệm vụ mới và ông bà Loan đã qua đời cách đây gần 10 năm”[4].

Không giống như đến Phú Thọ, mỗi chuyến đi đến Hà Giang của Nguyễn Ngọc Kính thường xa hơn, vất vả hơn. Trên đường đi ô tô đến Hà Giang, ông thường xuống xe ở huyện lỵ Bắc Quang, rồi từ đó đi bộ đến các vùng trồng chè của hai huyện Bắc Quang và Vị Xuyên. Đường đi vào xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, Nguyễn Ngọc Kính và hai đồng nghiệp (một kỹ sư nông nghiệp của Ty Nông nghiệp Hà Giang và một cán bộ của Tổng Công ty Lâm sản) phải đi bộ trên 30 cây số. Ông nhớ lại: “Balô trên vai, khăn bông quàng cổ, tay cầm một chiếc gậy tre, chúng tôi mải miết trèo đèo, lội suối, lâu lắm mới gặp một người dân trên đường đi, hỏi thăm còn cách Cao Bồ bao xa thì được trả lời: còn mấy con dao quăng nữa. Đành chịu vì không hiểu đơn vị đo chiều dài của đồng bào dân tộc thế nào cả. Đang lúc đi mỏi mệt thì thấy một vườn có mấy cây cam quả chín vàng của đồng bào dân tộc du canh du cư đã bỏ đi nơi khác, thế là chúng tôi cởi bỏ balô trèo cây hái cam và ăn thỏa sức cho đã khát. Quãng đường chỉ 30 cây số mà chúng tôi đi gần mất một ngày đường”[5]. Đường đi từ huyện lỵ Bắc Quang đến xã Thông Nguyên thì ngắn và ít dốc hơn đi Cao Bồ, nhưng cũng có nhiều chuyện vui. Vùng chè Thông Nguyên không có điện lưới, hôm đoàn công tác đến dự khánh thành một cơ sở chế biến chè của một công ty lâm sản thì có điện máy nổ chạy sáng trưng, đồng bào dân tộc kéo đến xem khá đông. Ban tổ chức chuẩn bị một bữa cơm mời quan khách của tỉnh, huyện, cán bộ xã… Thức ăn đã bày sẵn trên các liếp nứa. Nhưng khi đồng bào xem xong tự động ra bàn ăn uống vui vẻ, nên hôm đó ban tổ chức bị “cháy ” mâm và những vị khách như ông Kính bị một bữa đói mềm và phải chờ vài giờ đồng hồ sau mới có cơm ăn.

Trên đường công tác từ Hà Nội đi Hà Giang, có lần Nguyễn Ngọc Kính phải đi xe đạp do nhu cầu công việc. Ấy là khi ông được Bộ giao nhiệm vụ hướng dẫn một số sinh viên Đại học Nông nghiệp và học sinh Trung cấp Nông nghiệp mới tốt nghiệp đến Hà Giang làm việc với một tổ chuyên gia Trung Quốc đang giúp Hà Giang về sản xuất nông nghiệp của địa phương. Chuyến đi bằng xe đạp rất vất vả theo các chặng đường ngày đi đêm nghỉ: Hà Nội – Phú Thọ – Tuyên Quang – Bắc Quang (Hà Giang) – Thị xã Hà Giang. Mệt thì có mệt, nhưng khi ấy đang tuổi thanh niên nên ông chỉ thấy vui vẻ mà làm.

Những việc mà Nguyễn Trọng Kính đã thực hiện ở các hợp tác xã điểm trong các chuyến đi đã góp phần tăng năng suất, phẩm chất nguyên liệu, tăng hiệu quả sản xuất chè và tăng thu nhập cho xã viên. Kết quả ở những hợp tác xã điểm đã được đúc kết thành các quy trình, hướng dẫn kỹ thuật của Bộ để sử dụng chung cho các hợp tác xã của các vùng sản xuất chè ở trung du và miền núi phía Bắc. Ông nhấn mạnh: “Những chuyến đi đã cho tôi được thấy nhiều điều trong thực tế, để sau này, khi trở về trường tôi có những dẫn liệu cụ thể minh họa cho bài giảng và định hướng cho công tác nghiên cứu trong đề tài khoa học cấp nhà nước mã số 02-06 Nghiên cứu và áp dụng các phương pháp nhằm tăng khả năng sản xuất chè. Đây cũng là đề tài khoa học mà tôi tâm huyết nhất”.

Mỗi chuyến đi, mỗi nơi dừng chân, mỗi con người đã từng gặp gỡ đều khắc sâu trong trí nhớ của GS.TS Nguyễn Ngọc Kính, và cũng là thêm một lần ông gắn bó với cây chè. Đó không chỉ là ký ức đã trôi đi, mà nó cũng là hành trang, là kiến thức để ông mang theo trên hành trình khoa học. Nghĩ lại quãng đời ấy, ông luôn khẳng định: “thời kỳ thanh niên sôi nổi ấy là một thời kỳ tốt đẹp nhất của đời tôi, hăng say công tác, không quản ngại khó khăn, không suy nghĩ thiệt hơn về quyền lợi cá nhân, đoàn kết thân ái và giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và trong cuộc sống. Cuộc sống vật chất thời đó còn rất khó khăn, nhưng trong đó đầy ắp tình bạn, tình người cao đẹp. Duyên nợ của tôi với cây chè cũng ngày càng sâu nặng từ đây”[6].

Nguyễn Thanh Hóa

 

[1]http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/tulieuvedang/details.asp?topic=168&subtopic=463&leader_topic=981&id=BT29121136241

[2] Hỏi thông tin GS Nguyễn Ngọc Kính, ngày 15-8-2015.

[3] Hỏi thông tin GS Nguyễn Ngọc Kính, ngày 15-8-2015.

[4] Hỏi thông tin GS Nguyễn Ngọc Kính, ngày 18-8-2015.

[5] Hỏi thông tin GS Nguyễn Ngọc Kính, ngày 15-8-2015.

[6] Hỏi thông tin GS Nguyễn Ngọc Kính, ngày 15-8-2015.