Những cơ may nối tiếp cho thành công

Từ năm 1980 đến năm 1983, giảng viên Nguyễn Bin được cử đi làm nghiên cứu sinh tại bộ môn Kỹ thuật – Phương pháp, trường Đại học Kỹ thuật Otto-Von-Guericke-Universität Magdeburg, Cộng hoà Dân chủ Đức. Đây là nơi mà NCS Nguyễn Bin đã từng học đại học nên cũng có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, khó khăn đầu tiên đã xuất hiện. Khi NCS Nguyễn Bin đến gặp thầy hướng dẫn là GS Siegfried Kahanek – Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật – Phương pháp, thì được thầy đưa cho đề tài luận án: “Nghiên cứu mô hình toán học hệ số khuếch tán hiệu quả và hằng số tốc độ phản ứng hiệu quả – các hằng số trong mao quản xúc tác từ nghiên cứu động lực học” cùng lời dặn khá “lạnh lùng”: “Anh không cần vội, cứ mang đề tài này về suy nghĩ trong 3 tháng xem có thực hiện được hay không. Nếu anh có vấn đề gì thì đến hỏi tôi, còn không, sau 3 tháng anh cũng đến gặp tôi”[1].

Vấn đề cơ bản nhất cần giải quyết trong đề tài là phải giải được phương trình vi phân trong mô hình toán của luận án. GS Siegfried Kahanek cho Nguyễn Bin mượn cuốn luận án của 1 nghiên cứu sinh người Đức, cũng do ông hướng dẫn, vừa bảo vệ xong, để tham khảo. GS.TSKH Nguyễn Bin kể: Trong 3 tháng nghiên cứu để tìm cách làm luận án, tôi có gặp thầy hướng dẫn để trao đổi và được thầy đưa cho cuốn luận án của học trò mình. Mô hình toán trong luận án đó giống mô hình toán của tôi. Vì vậy dựa vào cách giải phương trình trong mô hình toán của luận án đó tôi đã tìm ra hướng giải cho phương trình trong mô hình toán của mình. Tuy nhiên, có điều khác là mô hình trong đề tài của tôi không ổn định vì có biến thời gian.

May mắn đã mỉm cười với NCS Nguyễn Bin khi ông đọc được tài liệu của người bạn cùng phòng về vấn đề này. GS Nguyễn Bin nhớ lại: Khi đang đi tìm tài liệu làm luận án, tôi may mắn được đọc tài liệu của bạn NCS cùng phòng. Trong tài liệu đó có mô hình biến ảo thời gian. Lúc này trong đầu NCS Nguyễn Bin nảy ra ý tưởng đó là có thể tham khảo mô hình biến ảo thời gian trong tài liệu đó để nghiên cứu làm biến ảo thời gian trong mô hình toán của luận án ông đang làm. Bằng thuật toán chuyên môn ông đã đưa mô hình toán trong đề tài luận án của mình trở về dạng mô hình ổn định.

Vậy là chưa hết 3 tháng, cuối cùng NCS Nguyễn Bin đã tìm được hướng thực hiện đề tài luận án mà thầy hướng dẫn giao. NCS Nguyễn Bin vui mừng đến gặp thầy. Có lẽ hơi bất ngờ nên khi vừa nhìn thấy NCS, thầy hướng dẫn đã nói:

– Trả lại hả? xin thay đề khác phải không?

Nghiên cứu sinh Nguyễn Bin trả lời:

Dạ không, em đến trình bày ý tưởng làm luận án, nếu thầy thấy được thì mong thầy hướng dẫn em triển khai.

Sau khi nghe Nguyễn Bin trình bày phương án làm luận án của mình, thầy hướng dẫn nói: Đó là phát kiến lớn của anh. Vì tôi đã giao đề tài này cho 3 người mà chưa ai làm được và đều trả lại cho tôi. Anh tìm được phương án này chắc là sẽ giải được.

Tuy nhiên như GS Nguyễn Bin chia sẻ: Nghe thầy hướng dẫn nói như vậy tôi vừa mừng nhưng cũng vừa lo vì nhiều người không làm được đề tài này. Ngay sau đó, NCS Nguyễn Bin bắt tay làm đề cương luận án. Phần thí nghiệm trong luận án được NCS Nguyễn Bin làm chủ yếu ở phòng thí nghiệm của trường. Ngoài ra khi cần thiết, ông còn làm thí nghiệm hoặc lấy số liệu ở các nhà máy, xí nghiêp thông qua sự giới thiệu của bộ môn Kỹ thuật – Phương pháp. Một may mắn nữa lại đến. GS.TS Nguyễn Bin kể: Có một cô sinh viên làm chung thí nghệm với tôi để lấy số liệu cho khóa luận tốt nghiệp nên cần làm nhanh thí nghiệm để lấy kết quả. Vì vậy, chỉ sau mấy tháng cả hai chúng tôi đã hoàn thành các thí nghiệm. Tuy nhiên trong thời gian làm luận án ông phải mổ ruột thừa. GS Nguyễn Bin nhớ lại: Tôi không muốn đi xa nên đến bệnh viện ở gần trường mổ. Không ngờ sau 1 tháng vết khâu vẫn không lành. Tôi phải đi mổ lại ở bệnh viện này. Như vậy là tôi mất 1 tháng cho việc chữa trị khi đang làm luận án.

Những hồi ức về thời gian làm nghiên cứu sinh được GS.TSKH Nguyễn Bin chia sẻ 

Mặc dù đề tài luận án khó nhưng đến năm 1982, NCS Nguyễn Bin đã tổng hợp số liệu và tập trung viết luận án rồi nộp lên thầy hướng dẫn để thầy xem, chỉnh sửa. Sau đó ông hoàn thiện luận án và nộp cho phòng Đào tạo sau đại học để họ công bố đề tài tránh người khác làm trùng. Tóm tắt luận án được trường gửi đến các thành viên hội đồng, tổ chức để xin nhận xét và nhận được sự nhất trí cho ông được bảo vệ luận án phó tiến sĩ. Như vậy là ông đã hoàn thành luận án trước thời hạn 1 năm. Trong khi chờ bảo vệ, ông thi lấy chứng chỉ môn chính trị. Theo GS Bin cho biết, phải có chứng chỉ này trường mới cho NCS bảo vệ luận án. Tuy nhiên trong ngày thi, thầy giáo chỉ ngồi trò chuyện với Nguyễn Bin và sau đó cho ông 2 điểm.

Ở trường nếu ai được 3 điểm chính trị là họ ăn mừng (1 điểm là cao nhất). Vì vậy khi Nguyễn Bin được 2 điểm ông rất vui, liền về khoe với thầy hướng dẫn. Thầy nói với Nguyễn Bin: Hai điểm là tốt rồi, nhưng nếu anh được 1 điểm thì mọi việc sẽ tốt hơn. Vì các phản biện đã cho luận án của anh 1 điểm. Nghe vậy, NCS Nguyễn Bin lên khoa Chính trị của trường gặp ông Chủ nhiệm khoa trình bày lý do rằng hôm đó ông không được thi mà chỉ ngồi nói chuyện với thầy giáo chính trị và được thầy cho 2 điểm, nay ông muốn được thi. Sau khi nghe NCS Nguyễn Bin trình bày, ông chủ nhiệm khoa Chính trị tạo điều kiện cho NCS Nguyễn Bin làm tiểu luận thay cho việc thi. Đề tài tiểu luận là về chủ nghĩa khoa học cộng sản vận dụng vào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Nhận được đề tài, Nguyễn Bin tìm tài liệu. Và một lần nữa may mắn lại đến với Nguyễn Bin khi ông được bạn cùng ký túc cho mượn tài liệu có liên quan đến đề tài tiểu luận do Tổng bí thư Lê Duẩn viết. Sau 3 tuần ông đã hoàn thành tiểu luận gồm 50 trang và nộp cho ông chủ nhiệm khoa Chính trị. Cuối cùng, thầy Chủ nhiệm khoa Chính trị cho tiểu luận của Nguyễn Bin 1 điểm.

Năm 1982, NCS Nguyễn Bin bảo vệ luận án phó tiến sĩ. Cuối cùng luận án của NCS Nguyễn Bin được hội đồng chấm loại xuất sắc. Bà chủ tịch hội đồng phát biểu trong buổi bảo vệ: Tôi rất vui vì được làm chủ tịch hội đồng cho một buổi bảo vệ luận án của NCS nước ngoài mà bảo vệ xuất sắc như vậy. Bà chủ tịch còn cho NCS Nguyễn Bin đề đạt ý kiến, nguyện vọng. Nhưng lúc đó NCS Nguyễn Bin chỉ cảm ơn và không đề xuất gì. Chính điều này là một sự tiếc nuối mà như GS Nguyễn Bin chia sẻ: Nếu lúc đó tôi đề xuất được làm luận án tiến sĩ thì chắc là sẽ thuận lợi nhiều. Với kết quả của buổi bảo vệ luận án, Nguyễn Bin trở thành 1 trong 10 NCS nước ngoài xuất sắc được trường Đại học Kỹ thuật Otto-Von-Guericke-Universität Magdeburg tặng thư khen và hộp quà bên trong đựng 12 đồng xu trên họa tiết là biểu tượng các thành phố của Đức.

Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ luận án phó tiến sĩ, thời gian còn lại dù chưa trọn 1 năm nhưng PTS Nguyễn Bin quyết định phát triển luận án phó tiến sĩ lên luận án tiến sĩ. PTS Nguyễn Bin đến gặp GS Siegfried Kahanek và đề xuất ý định tiếp tục phát triển luận án và được thầy ủng hộ. Đề tài luận án tiến sĩ là “Tuyển chọn mô hình cho nghiên cứu động lực học trong thiết bị phản ứng hóa chất”. GS Nguyễn Bin chia sẻ: Luận án PTS chiếm khoảng 60% nội dung luận án tiến sĩ. Luận án PTS mới chỉ đưa ra được mô hình toán, còn luận án tiến sĩ mở rộng thêm là vận dụng phương pháp quy hoạch thực nghiệm để đánh giá mức độ vận dụng vào thực tế của mô hình đó. Trong thời gian chưa đến 1 năm PTS Nguyễn Bin phải vừa thu thập, xử lý số liệu vừa viết luận án. Gần đến thời gian phải về nước, PTS Nguyễn Bin làm việc không kể ngày đêm trong 1 tuần để gấp rút hoàn hoàn thành luận án để gửi lại phòng Đào tạo sau đại học của trường trước khi về nước. Ông chia sẻ: Cũng may cô thư ký của bộ môn nhiệt tình đánh máy luận án giúp tôi.

Tháng 10-1983 là hết hạn làm nghiên cứu sinh của ông. Ông đã xin Đại sứ quán Việt Nam gia hạn được ở lại thêm để có thể bảo vệ luận án tiến sĩ nhưng họ không đồng ý. PTS Nguyễn Bin phải “ngậm ngùi” về nước. Nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam cùng trường tỏ ra bất bình thay ông vì điều này. Theo ông được biết, sau đó trường Đại học Kỹ thuật Otto-von-Guericke-Universität Magdeburg đã gửi thư đề nghị cho ông sang bảo vệ luận án tiến sĩ nhưng đều không được chấp thuận. Bản thân ông cũng nhận được thư của trường, cứ 6 tháng 1 lần mà không thể làm gì.

Mãi đến năm 1985, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thiếu khoảng 5 thực tập sinh cao cấp sang học ở Đức nên PTS Nguyễn Bin mới được bổ sung vào danh sách này. Ông được quay lại trường Đại học Kỹ thuật Otto-Von-Guericke-Universität Magdeburg. Khi sang trường, ông đinh ninh mình sẽ được bảo vệ luôn luận án tiến sĩ vì ông đã làm xong luận án, nhưng qua 6 tháng ông vẫn chưa được trường cho bảo vệ. Vì vậy ông lên Đại sứ quán Việt Nam ở Đức hỏi về vấn đề này nhưng được giải thích vì ông đi theo chế độ thực tập sinh. Phải đến năm 1986, Đại sứ quán Việt Nam ở Đức mới cho phép PTS Nguyễn Bin bảo vệ luận án tiến sĩ. Trong thời gian chờ bảo vệ, PTS Nguyễn Bin tập trung xem lại nội dung luận án và dùng ngôn ngữ basic để lập trình toàn bộ phần tính toán trong luận án để trình bày bằng máy tính trong buổi bảo vệ. Ông chia sẻ: Ngôn ngữ basic chậm nhưng an toàn và bảo vệ luận án bằng máy tính nên cũng thuận lợi. Khoảng giữa năm 1986, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Sau khi về nước ông tiếp tục công tác tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo GS Nguyễn Bin, luận án tiến sĩ của ông không ứng dụng được ở Việt Nam vì đây là nghiên cứu sâu mà ở Việt Nam không có điều kiện để làm. Nhưng luận án đã đóng góp một phần vào kết quả nghiên cứu trong đề tài của thầy hướng dẫn. Đồng thời TS Nguyễn Bin đã áp dụng những kiến thức mà mình có được qua quá trình làm NCS ở Đức vào phục vụ giảng dạy, nhất là việc biên soạn giáo trình cho bộ môn.

Hiện tại, dù tuổi cao, bệnh tật nhưng những ký ức về thời gian ông làm nghiên cứu sinh tại Cộng hòa dân chủ Đức cách đây 35 năm vẫn được GS Nguyễn Bin kể lại tường tận bằng chất giọng hào sảng. Ông khiêm tốn chia sẻ với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam: Tôi bảo vệ được luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ, một phần cũng là nhờ may mắn! Tuy vậy, ai cũng hiểu, những cơ may đó chỉ như là một sự khích lệ khởi động cho những nỗ lực tiềm ẩn trong ông.

Lê Thị Hoài Thu

 


* GS.TSKH Nguyễn Bin là nhà khoa học chuyên ngành Hóa học. Ông nguyên là Chủ nhiệm bộ môn Quá trình – Thiết bị công nghệ hóa và thực phẩm, khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội.

 

[1] Phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Bin ngày 17-9-2015, tài liệu hiện lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Tất cả lời kể của GS.TSKH Nguyễn Bin đều trích từ tài liệu này.