GS.TS Đào Trọng Đạt sinh năm 1932 tại huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Khi còn nhỏ, ông rất thích khoa học tự nhiên và không nghĩ rằng mình sẽ theo học về thú y nhưng hoàn cảnh đã đẩy đưa ông đến với cái nghề không mong muốn ấy. Năm 1953, ông được cử sang Trung Quốc học đại học. Lúc đầu, ông được phân công học về điện lực, học được vài ngày, ông được phân công theo học ngành nông hóa thổ nhưỡng. Nhưng chưa dừng lại ở đấy, khoảng một tuần sau thì ông được ông Mai Hữu Khuê[1] – trưởng đoàn lưu học sinh, thay mặt Bộ Giáo dục Việt Nam thông báo chuyển ông về học chuyên ngành thú y. Trong lòng không vui vì nhận sự phân công mới, nhưng vào thời điểm ấy, bất kỳ ai cũng đều phải chấp hành.
GS.TS Đào Trọng Đạt
Tiếp xúc nhiều thành quen, đọc nhiều rồi cũng thấy hay, thấy thích, do vậy, Đào Trọng Đạt yêu ngành học thú y của mình tự lúc nào không hay. Năm 1958, sau khi tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc, ông trở về nước và được cử ngay về Học viện Nông Lâm làm công tác giảng dạy. Nhận nhiệm vụ, ông tham gia viết giáo trình và giảng dạy cho sinh viên khóa 2, khóa 3, dạy cho sinh viên chuyên tu khóa đầu tiên của bộ môn Giải phẫu bệnh lý và hướng dẫn thực tập cho sinh viên khóa 1. Thời gian đầu công tác ở trường ông gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc dịch các thuật ngữ chuyên môn từ tiếng Trung sang tiếng Việt. Suốt từ năm 1959 đến 1962, ông tham gia nhiều chuyến nghiên cứu thực địa ở nhiều nơi như Con Cuông (Nghệ An), Sơn Động (Bắc Giang), Quảng Ninh, Sơn La, Lào Cai… Chính những chuyến đi có phần vất vả ấy đã giúp anh cán bộ trẻ Đào Trọng Đạt thấu hiểu hơn về cuộc sống khó khăn của người nông dân và quyết tâm làm được điều gì đó có ích cho họ.
Từ thực tiễn mắt thấy tai nghe, ông Đào Trọng Đạt rất muốn đi sâu vào nghiên cứu những vấn đề tồn tại trong chăn nuôi. Từ năm 1961 đến 1963, khi là cán bộ giảng dạy của bộ môn Bệnh lý gia súc, khoa Chăn nuôi thú y, ông Đạt làm chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu bệnh phân trắng ở lợn con. Qua một thời gian nghiên cứu và quan sát từ thực tế, ông và đồng nghiệp đã chứng minh được đây là hội chứng tiêu chảy ở lợn con trong thời kỳ bú sữa mẹ, bệnh thường phát ra ở lợn con theo mẹ, có diễn biến lâm sàng nặng và gây chết với tỉ lệ cao ở lợn từ 1 tới 3 tuần tuổi, sấp sỉ 100%, con nào sống sót thì rất còi cọc. Tình trạng này dẫn đến hiệu suất chăn nuôi thấp, gây thiệt hai kinh tế lớn cho các hộ gia đình. Trong khi đó, thời kỳ này miền Bắc đang thực hiện kế hoạch khôi phục kinh tế 5 năm (1961-1965) và đẩy mạnh chi viện cho miền Nam, thống nhất đất nước. Nguyên nhân gây bệnh được nhóm nghiên cứu xác định là do lợn con sơ sinh có khả năng thích nghi thấp với môi trường sống, khí hậu thay đổi, độ ẩm cao dẫn đến cơ thể bị stress, phát sinh rối loạn tiêu hóa gây mất cân bằng hệ vi trùng đường ruột, vi trùng gây bệnh đường ruột phát triển, phá hủy niêm mạc đường ruột làm cho hội chứng tiêu chảy phát sinh.
Song song với nghiên cứu xác định nguyên nhân gây bệnh, ông Đạt và nhóm thực hiện đề tài cũng triển khai thử nghiệm, khảo sát một số quy trình phòng bệnh và điều trị bệnh. Kết quả đã xác định được nguyên nhân gây bệnh phân trắng ở lợn con theo mẹ là nguyên nhân tổng hợp, mà chủ yếu là không tạo được môi trường ổn định để tránh được thời tiết, khí hậu thay đổi đột ngột, nhất là thời kỳ lạnh kết hợp với độ ẩm cao. Do vậy, biện pháp đưa ra là cần giữ chuồng khô ráo ấm áp, tránh gió lùa và giữ chế độ thức ăn cho lợn mẹ không thay đổi, không để lợn mẹ ăn thức ăn có độ chua cao. Những bất tiện đó gây ra chứng rối loạn tiêu hóa của lợn con theo mẹ dẫn tới sự bội nhiễm vi khuẩn E.coli từ môi trường bên ngoài hoặc cường sinh từ E.coli tồn tại tự nhiên trong cơ thể lợn. Nhóm tác giả đề tài đã đề xuất các biện pháp điều trị, trong đó chủ yếu là dùng kháng sinh gam dương, chế phẩm sinh học Bacillus subtilis điều trị cho kết quả tốt .
Với những kết quả của đề tài trên, ông Đào Trọng Đạt đã tập hợp và viết cuốn sách Bệnh lợn con ỉa cứt trắng, được Nxb Nông thôn ấn hành năm 1966. Đây là tài liệu phổ cập hữu ích phục vụ cho việc phổ biến kiến thức cho nhân dân trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh cho lợn, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Con trâu là đầu cơ nghiệp, tâm lý ấy đã tồn tại, ăn sâu vào tâm lý người nông dân Việt
Năm 1963, Học viện Nông Lâm được tách thành Đại học Nông nghiệp và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, ông Đào Trọng Đạt được phân công về công tác tại Đại học Nông nghiệp, nhưng sau 3 tháng ông lại nhận được quyết định về Viện Khoa học Nông nghiệp công tác. Với tư cách là Phó trưởng bộ môn Nghiên cứu thú y phụ trách nhóm nghiên cứu chuyên về Vi sinh, ông triển khai nghiên cứu đề tài đầu tiên về Bệnh xoắn khuẩn ở lợn. Đây là công trình nghiên cứu khá hoàn chỉnh, đi từ điều tra sơ bộ dịch bệnh đến phân lập vi khuẩn và đánh giá sự lưu hành của vi khuẩn trong đàn lợn, trên cơ sở đó nghiên cứu ra vacxin phòng bệnh, chế tạo kháng nguyên để chẩn đoán bệnh.
GS.TS Đào Trọng Đạt cho biết, xoắn khuẩn vốn do một loài vi khuẩn mà hình thù nhìn qua kính hiển vi có những vòng xoáy kiểu trôn ốc. Nó là loại vi khuẩn chủ yếu gây bệnh thận ở lợn, do phá hủy hồng cầu và làm tổn hại thận. Khi mắc bệnh này, mắt lợn vàng nên người ta còn gọi là bệnh nghệ, thậm chí mỡ và các cơ quan khác đều có màu vàng. Bệnh này không gây chết ngay nhưng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, sức yếu dần và dẫn đến ngã bệnh hoặc chết. Sử dụng loại thịt lợn nhiễm bệnh, người tiêu dùng dễ bị lây nhiễm bệnh. Sau này Viện Vệ sinh dịch tễ cũng đã nghiên cứu và có cả một phòng nghiên cứu riêng về loại bệnh này.
Ý tưởng để nghiên cứu đề tài này xuất phát từ thực tế, ở những nơi mắc bệnh nhiều như Sơn La, Sông Bôi (Hòa Bình), Con Cuông (Nghệ An), Hà Tây… hay ở những nơi nhiều đơn vị quân đội đóng quân. Nhóm nghiên cứu bao gồm những cán bộ trong bộ môn, do ông Đào Trọng Đạt chỉ đạo, đã thực hiện đề tài này một cách rất bài bản. Để phân loại lợn có được kết quả chính xác nhất, ông Đạt và đồng nghiệp phải lấy được trực tiếp nước tiểu của lợn, một công việc khá khó khăn. Ông đã hướng dẫn cán bộ trong bộ môn làm một chiếc gáo nước có cán dài, ngồi ngoài chuồng lợn đợi, thấy lợn có hiện tượng đi tiểu thì lấy gáo hứng. Những thao tác này phải nhẹ nhàng nếu không lợn sợ, chạy thì không lấy được nước tiểu. Sau khi lấy được nước tiểu về ông phải tiêm vào chuột để gây nhiễm theo dõi hiện tượng bệnh ở chuột (có thể là sốt, co giật…) sau đó lấy máu từ chuột rồi cấy vào môi trường. Công đoạn tiếp theo là theo dõi vi khuẩn, thường vi khuẩn mọc sau 2-3 ngày, ông làm thành tiêu bản và quan sát trên kính hiển vi ở nhiều môi trường (ống nghiệm) khác nhau và chọn được con vi khuẩn cần thiết. Mới đầu, các ông phải mua kháng huyết thanh ở Viện Vệ sinh dịch tễ, nhưng sau đó tự sản xuất được.
Khi tạo vacxin, Đào Trọng Đạt rút ra được kinh nghiệm, trung bình có mấy chục serotype (kiểu huyết thanh) khác nhau nhưng chỉ cần chọn 5 serotype để làm vacxin. Như ở Liên Xô chỉ làm 3 serotype, Pháp chỉ 1 serotype bởi địa bàn nhỏ. Nhưng ông làm ở địa bàn rộng nên cần lấy nhiều serotype để có thể sử dụng ở nhiều nơi. Công đoạn chế tạo ra vacxin đầu tiên phải chọn chủng, chủng phải có tính kháng nguyên cao, sản sinh kháng thể cao. Sau đó chế tạo một công thức, tiếp đó thử nghiệm trên con vật xem hiệu ứng lên cao hay thấp để thấy được hiệu quả, đánh giá thống kê tốt nhất.
Khó khăn lớn nhất khi thực hiện đề tài là phương tiện đi lại, bởi các bệnh này chủ yếu ở vùng núi và trung du. Thời kỳ ấy ô tô không có, cả Viện chỉ có một chiếc xe, mà yêu cầu sử dụng xe đi công tác thì nhiều, nên ông thường phải đạp xe lên tận xí nghiệp Phùng (huyện Đan Phượng, Hà Tây), xuống nông trường ở An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Tây), hoặc lên nông trường quốc doanh Ba Vì… để thu thập mẫu, khảo sát. Năm 1965, có thời gian công tác ở Nghệ An, ông và nhóm nghiên cứu còn phải đạp xe đi về. Trên xe đạp còn lỉnh kỉnh kính hiển vi, dụng cụ thí nghiệm… Trang thiết bị, phương tiện nghiên cứu rất eo hẹp, đã vậy, đời sống cũng khó khăn, nghỉ ngơi, sinh hoạt các nhóm nghiên cứu đều liên hệ với nhà dân ở các vùng. Đề tài hoàn thiện năm 1967, nhưng những thử nghiệm còn kéo dài đến hết năm 1969. Từ việc thống kê các serotype, chọn các serotype làm kháng nguyên chế tạo vacxin, sau này đề tài của nhóm nghiên cứu do ông chủ trì được hoàn thiện thêm và được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ năm 2000.
GS Đào Trọng Đạt cho biết, vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, bệnh xuyễn lợn hoành hành ở nước ta gây thiệt hại kinh tế lớn cho nghề chăn nuôi. Trước tình đó Bộ Nông nghiệp đã ra chỉ thị số 05 về việc diệt các đàn lợn bị bệnh xuyễn để gây dựng lại đàn lợn sạch. Cục Thú y được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện chỉ thị này. Cục đưa ra chương trình hành động, tiến hành lần lượt kiểm tra các trại lợn giống quốc doanh như trại Thành Tô (Hải Phòng), An Khánh (Hà Tây), trại lợn Bát Sát (Lào Cai)… Sau khi kiểm tra bằng cách chụp X quang mà phát hiện phổi lợn có bệnh tích đặc trưng của xuyễn lợn là cho tiêu diệt toàn đàn, để trống chuồng 6 tháng, làm vệ sinh tiêu diệt mầm bệnh rồi nhập đàn giống mới được kiểm tra an toàn bệnh để gây dựng đàn giống mới với hy vọng sẽ có được đàn lợn giống không bệnh xuyễn. Sau một thời gian thực hiện chỉ thị trên, kết quả thu về không được như mục tiêu ban đầu đề ra, các nông trường, trạm trại qua nhiều lần thay đàn giống song vẫn không xây dựng được đàn lợn an toàn với bệnh xuyễn. Điều đó đòi hỏi phải có giải pháp kỹ thuật phù hợp để giải quyết khó khăn cho sản xuất.
Năm 1978 khi đang công tác ở Phân viện Thú y miền Nam, ông Đào Trọng Đạt đã trao đổi với ông Trần Thế Thông[2], lúc đó là Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam về những biện pháp khoa học kỹ thuật của các nước tiên tiến có ngành chăn nuôi lợn phát triển trong việc giải quyết bệnh này. Ông Đạt được ông Trần Thế Thông đưa tới tham quan trại lợn Đông Á của tỉnh Sông Bé, đây là trại lợn nuôi giống ngoại nhập từ Mỹ về trước ngày thống nhất đất nước, một trại lợn quy mô lớn nhất miền Nam lúc đó với cả ngàn đầu lợn giống ngoại thuần, là nguồn cung cấp chủ yếu giống lợn cho khu vực Nam bộ để phát triển chăn nuôi. Trong tình hình khó khăn tài chính, rồi việc bị Mỹ cấm vận, thời đó việc nhập giống lợn ngoại là không thể có được. Ông Đạt được giới thiệu làm việc với ông Nga – Giám đốc trại lợn, hai ông đã trao đổi, thảo luận các vấn đề kỹ thuật để giúp trại giữ được đàn lợn giống quý, tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi sau những ngày đầu của nhà nước Việt Nam thống nhất. Với tư cách là Phân viện trưởng Phân viện Thú y miền Nam, ông Đào Trọng Đạt và ông Nga đã thỏa luận ký một hợp đồng: Thử nghiệm các biện pháp phòng trừ bệnh xuyễn lợn ở trại Đông Á. Sau đó hai bên đã bố trí nhân lực để triển khai thử nghiệm. Trại lợn Đông Á cử tổ cán bộ kỹ thuật và công nhân trực tiếp theo dõi các chương trình, giải pháp kỹ thuật theo kế hoạch, còn Phân viện Thú y miền Nam do ông Đạt trực tiếp chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra (uốn nắn, điều chỉnh khi thấy cần thiết) việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật và mời đại diện Cục thú y ở miền Nam lúc đó giám sát việc thực hiện hợp đồng Thử nghiệm.
Sau hơn một năm, ba đợt thử nghiệm kế tiếp nhau đã được thực hiện, ông Đạt và đồng nghiệp đã thu được kết quả tốt đẹp là chọn lọc gây dựng được một đàn lợn giống ngoại khỏe mạnh, cung cấp giống cho phát triển sản xuất chăn nuôi. Kết quả có tính thuyết phục này đã được Bộ Nông nghiệp tiếp nhận, đồng thời bãi bỏ chỉ thị 05 trước đây về việc chỉ đạo thực hiện tiêu diệt lợn nhiễm xuyễn, vì việc xây dựng trại lợn sạch bệnh xuyễn đã được thực hiện ở nhiều nơi nhưng không mang lại kết quả. Đây cũng là vấn đề rất tâm đắc mà GS Đào Trọng Đạt đóng góp được vào thực tế, giúp đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp.
Nhìn vào mục lục các công trình nghiên cứu, các cuốn sách chuyên khảo, hay giáo trình do GS.TS Đào Trọng Đạt viết, tham gia biên soạn đều có liên quan đến vấn đề phòng bệnh, điều trị bệnh… cho gia súc, gia cầm. Từ không mong muốn đến đam mê, tâm huyết với chuyên ngành thú y là một chặng đường dài, chiếm trọn thời gian cả cuộc đời ông. Với ông, làm được việc gì có ích cho người dân thì ông làm, do vậy ông luôn trăn trở, đau đáu với những công việc đó. Còn gì vui hơn khi một nhà khoa học được làm bạn với nhà nông, và được họ yêu mến!
Nguyễn Thanh Hóa
_________________
* GS.TS Đào Trọng Đạt – nguyên Viện trưởng Viện Thú y, Bộ Nông nghiệp.