Những cuốn vở ghi chép trải qua nửa thế kỉ

PGS.Thiếu tướng Lê Văn Chiểu nguyên là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kĩ thuật, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, năm nay 86 tuổi. Ông sinh ra và lớn lên ở Huế. Với quyết tâm được học Toán nên sau khi tốt nghiệp trường Quốc học Huế, ông ra Hà Nội học trường Khoa học đại cương. Học chưa đầy một năm thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Lê Văn Chiểu theo tiếng gọi “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, tham gia bộ đội, sống trong khói đạn cùng Hà Nội 60 ngày đêm. Sau đó, khi Nha nghiên cứu kĩ thuật thuộc Cục quân giới tập hợp các trí thức giỏi toán để nghiên cứu chế tạo vũ khí, Lê Văn Chiểu hăng hái tham gia cơ quan này. Năm 1951, ông là một trong những cán bộ quân đội được Trung ương Đảng cử sang Liên Xô học. Thời điểm ấy ông tròn 25 tuổi, là người trẻ nhất đoàn.

fghjhg

Những cuốn vở ghi chép của PGS.Thiếu tướng Lê Văn Chiểu đã trải qua gần nửa thế kỉ

Khi sang Liên Xô, ông được phân công học về vũ khí tại trường Đại học tổng hợp Bauman trong 5 năm rưỡi (từ tháng 9-1951 đến tháng 3-1957). Hai năm đầu, ông được học một thầy, một trò các môn cơ bản như toán, lí, hóa, chủ nghĩa Mác Lênin, kĩ thuật chung… Năm thứ ba, ông vào học lớp Vũ khí tự động cùng 12 sinh viên các nước. Nội dung học về súng tiểu liên, đại bác máy bay, kĩ thuật cơ sở chuyên ngành, thiết kế và chế tạo vũ khí…
Các bài giảng của giáo viên Liên Xô được ông ghi chép cẩn thận bằng tiếng Nga trong suốt các năm học. Cho đến năm 2011, ông vẫn còn lưu giữ được 10 cuốn vở ghi chép bài giảng chuyên ngành vũ khí. Đặc biệt, trong đó có hai quyển vở “mật”, đó là vở ghi môn “Súng pháo hệ động phản lực” và “Giải bài toán tính thuật phóng trung gian”. Theo PGS.Thiếu tướng Lê Văn Chiểu, hai cuốn vở này được học và lưu giữ trong phòng “đặc biệt”. Ông kể: “Chúng tôi đến một phòng riêng để học và nghe giảng, ghi chép xong thì giao vở cho nhóm trưởng cất ở phòng kín. Khi nào học lại lấy ra viết tiếp”.
Khi ông Lê Văn Chiểu về nước, bên cạnh nhiều loại sách tham khảo, các cuốn vở ghi chép bài giảng này được ông mang theo và sử dụng làm tài liệu. Hai cuốn vở được coi là “mật” trường Đai học tổng hợp Bauman không cho ông mang về vì trong đó có nhiều công thức họ không muốn tiết lộ. Ông báo cáo rất thật với lãnh đạo trường: về nhà không có sách vở, không có số liệu tính toán sẽ không làm được việc. Hơn nữa, ông dùng phương pháp tính toán của GS Trần Đại Nghĩa ở phòng Xạ thuật, Cục quân giới, tính ra kết quả tương đương với các công thức trong giáo trình của nhà trường khiến cho các GS của trường rất khâm phục. Vì vậy, nhà trường đã đồng ý gửi cho ông hai cuốn vở “mật” qua đường liên lạc giữa hai nước. Tuy nhiên, để giữ bí mật quân sự nên tên người dạy và môn học bị gạch đen và phía sau vở có dấu kiểm duyệt của Liên Xô.
Theo PGS.Thiếu tướng Lê Văn Chiểu, những cuốn vở này cùng với các sách tham khảo bằng tiếng Nga đã giúp ích cho ông trong quá trình xây dựng môn Thuật phóng (môn cơ bản của vũ khí, súng pháo) và đào tạo giáo viên dạy Thuật phóng. Nhờ vậy, ông là người đầu tiên đưa môn Thuật phóng vào giảng dạy trong trường Đại học Kĩ thuật Quân sự (nay là Học viện Kĩ thuật Quân sự). Đồng thời, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, ông cùng đồng nghiệp đã sáng tạo nên những công trình vũ khí được giải thưởng Hồ Chí Minh như súng A12, mìn định hướng…
Ngày 24-5-2011, ông trân trọng tặng các cuốn vở ghi chép bài giảng này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Trần Bích Hạnh