Những đóng góp cho Văn học Việt Nam của GS. Đinh Gia Khánh

 

Đinh Gia Khánh – Tuyển tập

Công trình Đinh Gia Khánh – Tuyển tập gồm ba tập (Đinh Thị Minh Hằng tuyển chọn; Chu Xuân Diên, Nguyễn Xuân Kính, Bùi Duy Tân viết Lời giới thiệu cho ba lĩnh vực nghiên cứu văn học dân gian, văn hóa dân gian, văn học trung đại) do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2007, cộng chung 1572 trang.

Đặt trong mối quan tâm chung về văn học dân gian, có thể coi chuyên khảo Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám (Tập I, tr.367-514) là một mũi khoan sâu của GS. Đinh Gia Khánh nhằm thám sát những tầng vỉa văn hoá khác nhau, những lớp chi tiết, cốt truyện trầm tích lên nhau. Nhà nghiên cứu không chỉ giới thiệu sự đa dạng phong phú của cốt truyện mà đi sâu so sánh, xác định căn rễ văn hoá của mỗi kiểu truyện Tấm Cám cụ thể, từ đó chỉ ra môtip hạt nhân bất biến trong cốt truyện và cả những yếu tố khả biến, góp phần lý giải bản chất tương đồng về mặt loại hình kiểu truyện Tấm Cám không chỉ ở Việt Nam mà còn có tính phổ biến toàn thế giới. Đây cũng là một trong những công trình tiên phong và có tính kiểu mẫu trong việc khảo sát một truyện cổ tích cụ thể.

Ngay từ rất sớm, GS. Đinh Gia Khánh đã có cách lựa chọn đề tài học thuật thực sự chuyên sâu, mới xem tưởng chừng quen thuộc song lại đi đến những kết luận mang tính phát hiện mới mẻ. Qua việc nghiên cứu các danh từ riêng trong một số truyện cổ tích, ông cảm nhận và đặt vấn đề: “Những tên thực của địa điểm, của nhân vật trong cốt truyện có thực ấy có được nhân dân ghi nhớ trong truyện không? Ghi nhớ như thế nào? Theo những quy luật và xu hướng nào? Qua việc nghiên cứu những danh từ riêng ấy ta có thể đi sâu vào một số đặc điểm của truyện cổ tích”… Trên cơ sở xác định kho tàng truyện cổ tích đại khái gồm hai loại chính là “truyện cổ tích lịch sử” và “truyện cổ tích thế sự”, ông đi đến nhiều kết luận quan trọng như “truyện cổ tích có xu hướng loại bớt các danh từ riêng không cần thiết, khó nhớ”, “danh từ riêng có liên quan đến việc xây dựng tình tiết của truyện”, “có tác dụng giải thích thêm về tính cách của nhân vật, ý nghĩa của sự kiện được nêu ở trong truyện”; đồng thời nhấn mạnh khả năng bản địa hoá cũng như quá trình thâm nhập, chuyển hoá giữa hai loại truyện cổ tích lịch sử và thế sự: “Việc truyện cổ tích thế sự chuyển thành truyện cổ tích lịch sử thường tiến hành song song với việc thay thế những danh từ chung trỏ nhân vật và địa điểm bằng những danh từ riêng. Xét đến cùng thì chính những danh từ riêng này đã móc truyện vào lịch sử (…). Trong truyện cổ tích rõ ràng có hai xu hướng đối lập nhau: xu hướng lịch sử hoá tức là xu hướng muốn tỏ rằng truyện có thực, và xu hướng khái quát hoá tức là xu hướng muốn nghĩ rằng chuyện tiêu biểu cho rất nhiều hoàn cảnh và sự việc trong cuộc đời. Trong những điều kiện nhất định thì xu hướng lịch sử hoá thắng thế; thí dụ như trường hợp truyện Tấm Cám ghé vào các làng Thuận Quang, Nam Sơn (tỉnh Bắc Ninh). Nhưng trong đại đa số trường hợp thì xu hướng khái quát hoá chiếm ưu thế, vì không cứ gì chuyện cổ tích thế sự, ngay cả đến truyện cổ tích lịch sử trước hết cũng là một sáng tác văn học. Và, trong đại đa số trường hợp, quy luật sáng tác văn học đã phát huy tác dụng” (Tập I, tr.587-616)… Điều này cũng có nghĩa là nhà nghiên cứu đã nhìn ra quy luật sáng tác văn học dân gian – con đường đi đến cái chung, cái khái quát, phổ biến.

Đương nhiên nói đến thành tựu nghiên cứu Văn học dân gian của GS. Đinh Gia Khánh phải kể đến công trình khoa học tổng thành, Bộ Giáo trình Văn học dân gian Việt Nam (Tập I, tr.23-364) do ông là chủ biên và đồng soạn giả. Trên cơ sở một đề cương thống nhất, ngoài việc phụ trách các mục như khái quát tình hình sưu tầm và nghiên cứu Văn học dân gian từ khởi đầu thời phong kiến đến năm 1945, sơ lược lịch sử Văn học dân gian từ trước thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX và về sân khấu dân gian, chèo sân đình… đóng góp chủ yếu của GS. Đinh Gia Khánh là những trang phác thảo các thể loại tự sự dân gian (bao gồm thần thoại, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, vè). Nhìn chung mỗi thể loại đều được trình bày theo ba phần nguồn gốc nội dung nghệ thuật giúp cho người đọc nắm bắt vấn đề thuận lợi hơn… Trong phần Kết luận, tác giả mở ra những định hướng mới nhằm tổng kết toàn diện lịch sử Văn học dân gian Việt Nam gồm nhiều thành phần dân tộc anh em: “Người Việt ở xen kẽ hoặc tiếp giáp với tất cả các dân tộc ít người từ Bắc chí Nam, cho nên văn học dân gian Việt có mối quan hệ giao lưu với tất cả các nền văn học dân gian của các dân tộc ít người. Vì vậy việc tìm hiểu sâu sắc hơn nữa mối quan hệ này là một trong những vấn đề hàng đầu để đẩy mạnh sự phát triển của việc nghiên cứu văn học dân gian Việt” (Tập I, tr.364)… Đây là một định hướng chiến lược đúng đắn, sau này được triển khai rộng rãi và được chính tác giả nâng cấp trong các công trình nghiên cứu văn học so sánh và tìm hiểu mối quan hệ giao lưu với văn học dân gian các nước khác, đặc biệt các nước láng giềng ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Bằng vốn cổ văn uyên bác, khả năng thâm nhập trực tiếp các văn bản Hán – Nôm, GS. Đinh Gia Khánh đã có được nhiều trang nghiên cứu bề thế, sâu sắc về văn học trung đại Việt Nam. Khi tiếp cận với nền văn học quá khứ, ông cố gắng chỉ ra những giá trị nổi bật, tôn trọng tối đa các đặc điểm mang tính khách quan của thời đại. Ông đề cao các phương pháp hiện đại và tính hiện đại của việc nghiên cứu văn học cổ, song không chấp nhận lối hiện đại hoá các thực thể văn học quá khứ, lối phân tích phi lịch sử và cái nhìn đơn giản một chiều. Trên cả hai khía cạnh học thuật và nội dung tư tưởng, ông thấm nhuần định hướng “Từ tầm cao lịch sử nhìn lại di sản văn học quá khứ” và thay đổi hệ qui chiếu để tiến tới nhận thức đầy đủ về nền văn học Việt Nam ngày trước, thử đặt lại một số vấn đề trong việc nghiên cứu tác giả, tác phẩm xưa”, đồng thời khẳng định văn học góp phần tạo nên những giá trị văn hoá hàng đầu của dân tộc, từng bước tạo lập các biện pháp, cơ sở nền móng “để thể hiện được những đường nét của cuộc sống mới” (Tập II, tr.738-751)… Như vậy, theo GS. Đinh Gia Khánh, công việc nghiên cứu văn học quá khứ không thể là vu khoát, xa vời đời sống mà chính phải gắn bó với nhu cầu con người đương đại, làm giàu cho kho tàng tri thức nói chung.

Đặt trong phạm vi văn học trung đại, bộ sách Văn học Việt Nam (Thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII) (Tập II, tr.48-445) thực sự được coi là công trình khoa học đỉnh cao, tổng kết toàn diện thành tựu nghiên cứu của GS. Đinh Gia Khánh qua suốt mấy thập kỷ. Trên cả hai phương diện – vai trò người chủ biên và tư cách cá nhân nhà khoa học chịu trách nhiệm thi công từng chương mục cụ thể – GS. Đinh Gia Khánh đã khẳng định và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ khoa học. Về mặt định lượng, xét trong tổng số 5 phần lớn thì ông trực tiếp viết phần tổng luận Mười thế kỷ của tiến trình văn học viết, phần thứ hai Văn học từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV (7 chương) và phần thứ năm Kết luận; ngoài ra ông cũng đóng vai trò chủ đạo ở phần thứ ba Văn học thế kỷ XV (6/9 chương) và tham dự viết một chương đầu thế kỷ XVIII… Tuy nhiên, điều đáng bàn hơn là chính chất lượng các trang viết, chính khả năng bao quát tư liệu, khả năng đề xuất, phân tích, lý giải và tổng kết vấn đề.

Nhìn trên tổng thể, ngay cấu trúc của bộ Giáo trình có tính cách lịch sử văn học này – đặt trong hệ thống cùng với bộ Văn học Việt Nam (Nửa cuối thế kỷ XVIII – hết thế kỷ XIX) do đồng nghiệp Nguyễn Lộc thực hiện – đã phản ánh đầy đủ quan niệm của nhóm tác giả về vấn đề phân kỳ chia đoạn văn học dân tộc. Phải ghi nhận rằng cách phân kỳ mười thế kỷ nền văn học truyền thống dân tộc duy danh theo khung thời gian Thế kỷ X đến thế kỷ XIV – Thế kỷ XV đến nửa đầu thế kỷ XVIII Nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX… đã có ảnh hưởng sâu rộng trong học giới, được học giới chấp nhận và có xu thế trở thành quan điểm học thuật quy chuẩn quốc gia. Trên cơ sở kế thừa một cách sáng tạo, biết cách khắc phục những hạn chế ở vài ba bộ văn học sử trước đó (chẳng hạn về cách phân kỳ văn học theo triều đại, việc nhận thức vai trò bộ phận văn học chữ Hán, việc lý giải nhiều hiện tượng văn học có phần chịu áp lực từ cái nhìn giai cấp thiên tả và việc xác định mối liên hệ với không ít sự kiện lịch sử cũng có phần còn cơ giới, một chiều…), GS. Đinh Gia Khánh và các cộng sự đã nâng cấp chất lượng bộ sách lên một tầm cao mới, đưa ra những tiêu chí và cách hình dung mới về lịch sử văn học. Thêm nữa, do bản thân đối tượng đề tài chuyên sâu và cũng do yêu cầu của loại sách giáo trình bậc đại học vốn dĩ mang bản chất khoa học sư phạm – qui phạm – hàn lâm nên bộ sách đã vượt thoát được cái nhìn công thức, minh hoạ, đáp ứng mùa vụ nhất thời, tiệm cận được với các nội dung khách quan, khoa học.

Từ rất sớm, GS. Đinh Gia Khánh đã là người sớm nhận ra giá trị bộ sách Thiền uyển tập anh trên các phương diện trầm tích, tích hợp các yếu tố folklore; khả năng giao lưu, chuyển hoá cốt truyện thiền sư sang mạch truyện dân gian, cổ tích bởi có nhiều truyện thực sự “sinh động”, “có phong cách của truyện dân gian”, “người đời sau thường chép lẫn nhiều sự tích ở Thiền uyển tập anh vào các tập truyện dân gian, đặc biệt là Lĩnh Nam chích quái”; đồng thời đánh giá cao đặc trưng loại hình truyện cao tăng và các đặc điểm “văn – sử – triết bất phân”, hỗn dung thể loại và kiểu tư duy nghệ thuật điển hình cho văn học dưới thời trung đại: “Trong Thiền uyển tập anh có chép thơ và kệ (dưới hình thức thơ) của các thiền sư. Vì vậy, tác phẩm là một tài liệu văn học quý hiếm còn truyền lại về đời Lý. Tác phẩm chép hành trạng của các vị cao tăng và lời thuyết pháp mà họ nói với đệ tử. Vì vậy, tác phẩm là một tài liệu quan trọng đối với việc tìm hiểu lịch sử Phật giáo ở nước ta. Sự tích các vị cao tăng có nhiều đoạn liên quan tới cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng tổ quốc cũng như phong tục tập quán trong các đời Đinh – Lê, đặc biệt là trong đời Lý. Có những sự tích xứng đáng được coi như tác phẩm văn học hay không kém gì những truyện ngắn hấp dẫn trong văn học đời sau” (Tập II, tr.156)… Cho đến từng chi tiết, người đọc cũng bất ngờ khi được GS. Đinh Gia Khánh lý giải, cô đúc trong một vài câu văn ngắn gọn mà thậm chí có đến vài ba thập kỷ sau mới nhận được những tiếng nói đồng vọng. Đơn cử trường hợp tiểu truyện Đại sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu có chép sự kiện nhà sư mơ gặp thần nhân đã được GS. Đinh Gia Khánh xác định: “Ở đây, có chi tiết liên quan đến Sóc Thiên Vương, tức Thánh Gióng. Thánh Gióng hiện ra dưới hình thức Tỳ-sa-môn Thiên vương chỉ huy đạo quân Dạ-thoa. Rõ ràng là Thiền uyển tập anh đã phản ánh việc các thiền sư đem Phật giáo hoá truyền thuyết dân gian” (Tập II, tr.156-157)… Một đoạn văn ngắn trong nguyên tác, một lời bàn khái quát mà chất chứa vốn kiến văn cực kỳ sâu rộng, hứa hẹn cả một đề tài khoa học thú vị (mẫu hình nhân vật Tỳ-sa-môn từ Bà-la-môn giáo và Ấn giáo cổ đại; con đường chuyển hoá từ Ấn Độ lan truyền qua vùng Khotan và Trung Quốc rồi tới Việt Nam, Nhật Bản; nhân vật Tỳ-sa-môn và biểu tượng văn hóa Phù Đổng Thiên Vương, Sóc Thiên Vương…). Nhìn rộng ra, các trang phân tích về thơ – kệ đời Lý, âm hưởng hào khí Đông A trong thi ca đời Trần, âm điệu anh hùng trong văn học nửa đầu thế kỷ XV, Nguyễn Trãi và tấm lòng ưu ái “Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” (Tập II, tr.621-686)… đều đã trở thành những khuôn mẫu cho nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu sau này tiếp tục diễn giải, đối sánh, phát triển.

Vào chặng sau của cuộc đời, GS. Đinh Gia Khánh đã dốc toàn lực xây dựng các đề án chiến lược cũng như trực diện khơi mở và giải quyết các vấn đề có ý nghĩa cơ sở nền tảng cho Khoa nghiên cứu Văn hoá dân gian Việt Nam. Trong bước đi ban đầu, nhiều câu hỏi mang tính chất “nhập môn” đã được GS. Đinh Gia Khánh đặt ra qua các tiểu luận như Mục đích và ý nghĩa của việc nghiên cứu văn hoá, văn nghệ dân gian (Tập III, tr.561-579), Ý nghĩa xã hội và chính trị của việc nghiên cứu văn hoá dân gian (Tập III, tr.633-643)...; đồng thời tiếp nối, góp phần “phát quang” trở lại nhiều vấn đề học thuật vốn đã được khơi mở từ trước Cách mạng tháng Tám như lễ tết, lễ hội truyền thống, tục thờ Mẫu, thờ Tứ bất tử…; ngoài ra còn mở rộng phạm vi quan sát tới các chuyên ngành thành tố hay đề tài nằm ở đường biên của Văn hoá dân gian như Nho giáo và văn hóa dân gian ở Việt Nam (Tập III, tr.609-624), Văn hoá dân gian và xã hội học (Tập III, tr.723-732), v.v… Nhiều vấn đề nêu ra ở đây sau này đã được tác giả xếp đặt nội tiếp trong chỉnh thể các vấn đề văn hoá rộng lớn hơn, hoặc đan kết và phát triển trong các công trình riêng, hoặc chuyển hoá, tập hợp trong hệ đề tài của “nhóm tác giả”, “nhiều tác giả”. Trong số các công trình này cần đặc biệt chú ý tới chuyên luận Trên đường tìm hiểu Văn hoá dân gian (Tập III, tr.19-208) với ý nghĩa khai phá và đặt nền móng cho việc nhận thức, nắm bắt một cách hệ thống các phương pháp nghiên cứu Văn hoá dân gian… Trong khi thực hiện các đề tài lớn, ông vẫn quan tâm khảo sát các khía cạnh cụ thể như Tổng luận về địa chí Văn hoá dân gian Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội (Tập III, tr.644-686), Văn hoá dân gian vùng đất Tổ (Tập III, tr.595-608)… Đến đây cần phải ghi nhận những đóng góp hết sức to lớn của GS. Đinh Gia Khánh trong buổi đầu xây dựng và phát triển Khoa nghiên cứu Văn hoá dân gian ở Việt Nam vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX… Đi từ nghiên cứu chuyên ngành Văn học dân gian rồi chuyển hoá, nâng cao tới các vấn đề Văn hoá dân gian, GS. Đinh Gia Khánh không chỉ quan tâm nâng cấp mặt bằng trình độ lý luận mà còn chú ý giới thiệu, liên hệ, so sánh Văn hoá dân gian Việt Nam với các nền văn hoá dân gian khác trên thế giới. Theo xu hướng này, chuyên luận Văn hoá dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hoá Đông Nam Á (Tập III, tr.209-432) được coi như một trong những công trình đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu văn hoá vùng, văn hoá khu vực, xác định những nét tương đồng và đặc thù của Văn hoá dân gian Việt Nam trong bối cảnh vùng văn hoá Đông Nam Á. Qua 5 chương sách, nhiều vấn đề văn hoá dân gian Đông Nam Á đã được lý giải từ góc độ nhóm ngôn ngữ và sắc tộc, đất liền và đa đảo, chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa và Ấn Độ, tiếp nhận và phát triển, tương đồng và đặc thù…

Xin nói thêm, trên đường tiếp cận văn học trung đại, bên cạnh cơ sở nền tảng là khả năng dịch thuật, tiếp xúc trực diện các văn bản Hán – Nôm, GS. Đinh Gia Khánh còn thể hiện rõ tinh thần cầu toàn, chú trọng khai thác ngay từ những vấn đề tưởng như nhỏ hẹp. Bắt đầu từ một câu thơ quá quen thuộc trong Truyện Kiều: “Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều, GS. Đinh Gia Khánh phát hiện ra cả một “thi tứ” mà ông đắc ý duy danh là “một trường hợp có thể gọi là kỳ thú” qua bài viết Từ cai nghiệt đến cay nghiệt hay là từ tác giả đến công chúng (Tạp chí Ngôn ngữ, số 1-1973, tr.35-38). Một mặt ông truy nguyên ngữ nghĩa các chữ cai – cay nghiệt và đặt chúng trong tương quan tiểu đối ở cùng một câu thơ cai nghiệt – oan trái; mặt khác xác định biểu tượng văn hoá cai – nghiệt từ góc độ lý thuyết Phật giáo và mở rộng liên hệ với các trường hợp tương tự xuất hiện trong Đại Nam quốc sử diễn ca, từ đó thử hình dung các khả năng thói quen sử dụng ngôn ngữ, khả năng tiếp nhận – dịch chuyển ngữ nghĩa từ văn bản của tác giả đến văn bản- tác phẩm của người hậu thế và công chúng bạn đọc… Có khi GS. Đinh Gia Khánh dụng công như một nhà ngôn ngữ học thực thụ để tìm hiểu chỉ một từ “nghĩ” trong ngôn ngữ cổ. Trước hết ông xét cách viết bằng chữ Nôm, xác định cách đọc hiểu của người Nghệ Tĩnh, phác thảo các khả năng phiên âm, hệ thống hoá và so sánh từ “nghĩ” dùng trong các sách như Tân biên Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú, Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, Truyện Kiều, Hoa tiên… từ đó đi đến một kiến giải mới đối với từ “nghĩ trong Truyện Kiều và đặt thành vấn đề học thuật có tầm bao quát rộng lớn hơn: “Từ nghĩ không phải là từ cổ duy nhất đáng chú ý trong phần diễn Nôm sách Truyền kỳ mạn lục. Và việc nghiên cứu ấy có thể đưa lại nhiều kết quả bổ ích đối với từ nguyên học, ngữ nghĩa học cũng như đối với khoa nghiên cứu ngôn ngữ và khoa nghiên cứu văn học nói chung” (Tìm hiểu từ “Nghĩ” trong ngôn ngữ cổ. Tạp chí Ngôn ngữ, số 4 -1978, tr.65-79; số 1-1979, tr.59-68)… Điều này cho thấy khi cần đi sâu vào từng đề tài cụ thể, GS. Đinh Gia Khánh vẫn có thể khảo tả cầu toàn đến từng chi tiết và biết cách vận dụng vốn kiến văn uyên bác của mình để làm sáng lên tính vấn đề của đề tài, giúp cho bạn đọc thấu hiểu hơn nội dung học thuật và cũng chính là đưa ra những trang khảo cứu kiểu mẫu cho các nhà nghiên cứu, nhất là những cây viết trẻ soi theo. Theo tôi được biết, vì nhiều lý do khác nhau, rất tiếc còn khá nhiều những tiểu luận chuyên sâu hiện vẫn chưa kịp có mặt trong bộ sách Đinh Gia Khánh – Tuyển tập lần này…

La Sơn

Nguồn: vanhocquenha.vn/view.asp