Giáo sư Lê Ngọc Trụ, nguyên là Giáo sư Đại học Văn khoa Sài Gòn, bạn của dịch giả Nguyễn Hiến Lê, người nổi tiếng với nhiều tác phẩm văn học dịch nước ngoài (trong đó có quyển Quẳng gánh lo đi để vui sống), bạn của Vương Hồng Sển, nhà văn hóa học Nam Bộ, người viết lời nói đầu cho quyển “Tầm nguyên từ điển Việt Nam” (in năm 1993, NXB TP.HCM) của Lê Ngọc Trụ.
Ông là người đã có những đóng góp, cống hiến to lớn trong lĩnh vực từ điển tiếng Việt, ngay từ những ngày đầu của tiếng Việt với chữ Quốc ngữ. So với các quyển từ điển:1/ Tự vị Annam Latinh (Pierre Pigneaux de Béhaine – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu, in lần đầu 1772 – 1773, Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, năm 1999, NXB Trẻ); 2/ Từ điển Việt – Bồ – La (Annam – Lustian – Latinh) (A.de Rhodes, Roma, 1951 (bản gốc), tái bản 1991 , NXB Khoa học Xã hội); 3/ Đại Nam Quấc âm tự vị, (Huinh – Tịnh Paulus Của (tập I, II), 1895 – 1896, Sài Gòn)(lần 1), (tái bản lần 2: Sài Gòn, 1984); 4/ Việt Nam tự – điển, (Ban Văn học – Hội Khai trí Tiến Đức, , 1931(khởi thảo; in xong 1954, Sài Gòn – Hà Nội Văn Mới), NXB Trung – Bac Tân Văn); 5/ Tự điển Việt Nam phổ thông, (Đào Văn Tập , 1951, Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn); 6/Tầm nguyên tự điển, (Lê Văn Hòe, NXB Quốc học – Thư xã, Hà Nội, 1941), thì các quyển từ điển của Lê Ngọc Trụ (Việt ngữ chính tả từ vị (1959), Tầm – nguyên tự – điển Việt – Nam (viết xong 1974, in 1993), Chánh tả Việt ngữ (NXB Trường Thi, Sài Gòn, in lần thứ 2 năm 1960) đã có những đóng góp mới nổi bật ở những điểm sau đây:
1/ Về chính tả: Các quyển từ điển của Lê Ngọc Trụ trên cơ sở chủ yếu dựa vào chính tả của cuốn “Việt Nam tự điển” của hội Khai trí Tiến Đức, nhưng đã được bổ sung vốn từ, mục từ. Đối với những mục từ không có trong quyển “Việt Nam tự điển” (hoặc trong cuốn “Giản yếu Hán – Việt Từ – điển” (Đào Duy Anh, Huế, Hà Nội, 1932), trong “Hán – Việt Tự – điển” (Thiều – Chửu, Hà Nội, 1942) và trong Từ điển Việt – Hán – Pháp (Dictionaire Annamite – Chinois – Francais) (Gustave Huế) lại ghi (viết) khác) thì quyển từ điển của Lê Ngọc Trụ đã bổ sung và “chỉnh đốn cho hợp lí và có ghi cách phiên thiết làm bằng theo kiểu chữ Hán”1.Đối với các mục từ có nguồn gốc rõ ràng nhưng lại bị lối viết thông thường lấn át thì tác giả ghi từ nguyên của nó để mong đóng góp cho việc nghiên cứu từ nguyên tiếng Việt sau này. Cách thể hiện mục từ trên chữ viết có căn cứ rất khoa học, hợp lí so với thời điểm lúc bấy giờ (ví dụ như cách ghi các mục từ có âm cuối là bán nguyên âm /i/ bằng 2 chữ i/y); cách đặt dấu thanh điệu rất hợp lí, khoa học: đặt ở chữ cái thể hiện âm chính, ngay cả những âm tiết có âm đệm đứng trước âm chính như thuý, quỳ.
Đối với các mục từ có nguồn gốc châu Âu đa tiết vay mượn thì mặc dầu đang viết phiên âm theo kiểu Ba – Lê, Nữu – Ước (theo Hán Việt), thì còn phiên theo cách của tiếng Nôm: chỉ viết hoa chữ cái đầu của 1 âm tiết (như Găng – đi, Ba – ri). Song về loại mục từ kiểu này, tác giả còn cẩn thận nói thêm là “chờ cơ quan thẩm quyền quyết định, như Viện Hàn lâm Việt Nam chẳng hạn”. Đây quả thật là 1 ý kiến hết sức đúng đắn, thận trọng.
Cũng trong các quyển từ điển này, ở phần đầu, tác giả có trình bày về hệ thống ngữ âm tiếng Việt và nguyên tắc chính tả. Đây là phần trình bày về ngữ âm tiếng Việt (theo cách nói của ngôn ngữ học hiện nay) hết sức cụ thể, khoa học, gần như đúng khít với cách miêu tả ngữ âm tiếng Việt trong các sách ngữ âm hiện nay (về nội dung). Đây cũng là một điểm nổi bật trong các công trình của Lê Ngọc Trụ mà các công trình trước đó chưa đề cập hoặc đề cập hết sức sơ lược. Cũng trong phần này, tác giả đã nêu nguyên tắc chính tả của tiếng Việt hết sức chi tiết, cụ thể, khoa học, đồng thời cũng khá linh hoạt, mềm dẻo, đây có thể nói là những căn cứ, cơ sở hết sức vững chắc cho việc sử dụng tiếng Việt với tư cách là công cụ giao tiếp trong xã hội Việt Nam thời ấy (nửa đầu TK XX, trong điều kiện Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới về mọi phương diện chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa, …). Ông là người đã có công lao khơi dậy ý thức, khẳng định tiếng Việt là 1 ngôn ngữ của 1 dân tộc độc lập cần được đề cao vai trò, vị trí của nó trong thời hiện đại. Các quyển từ điển của Lê Ngọc Trụ ra đời trong điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam đầu TK XX ở 1 vùng phương ngữ Nam Bộ, vùng đất mới của Việt Nam thống nhất, là 1 việc làm hết sức quan trọng, có ý nghĩa, cần thiết.
2/ Công trình “Tầm – nguyên tự – điển Việt Nam” của Lê Ngọc Trụ đã có những đóng góp mới so với các quyển từ điển nói trên là lần đầu tiên đưa vào các mục từ tiếng Việt để giải thích nghĩa của chúng từ góc độ từ nguyên – trên văn tự chữ La tinh – Quốc ngữ, một cách có hệ thống, có căn cứ xác đáng, có cơ sở khoa học khá đầy đủ và rất chặt chẽ; trong đó, chủ yếu là các từ gốc Hán (từ Hán Việt) và từ gốc Pháp, trên cương vị từ tiếng Việt. (Bởi vì ngay cả trong quyển Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh xuất bản trước đó, mục từ ở đây là từ tiếng Hán, trong sự đối chiếu với từ tiếng Việt, có thể coi là chưa nhìn nhận các từ này là từ tiếng Việt một cách hiển ngôn). Chính vì vậy, quyển từ điển này của Lê Ngọc Trụ, 1 cách tất yếu, đương nhiên, công nhận – tuyên bố các mục từ trong quyển Tầm – nguyên tự – điển Việt Nam là từ tiếng Việt. (Hơn nữa, ngay từ tên của quyển từ điển này – Tầm – nguyên tự – điển Việt – Nam, là đã khẳng định các mục từ trong đó là từ của tiếng Việt – ngôn ngữ chính thức của quốc gia Việt Nam. Điều này cũng chính là sự thể hiện ý thức dân tộc, ý thức tự chủ quốc gia của Giáo sư Lê Ngọc Trụ về ngôn ngữ dân tộc, về tiếng nói của Tổ quốc Việt Nam.
Như vậy, ở một mức độ khái quát nhưng cũng khá cụ thể, chi tiết, đầy đủ, tác giả Lê Ngọc Trụ đã giải thích về nguồn gốc, về vấn đề từ nguyên tiếng Việt. Các ý kiến của ông chủ yếu dựa trên quan điểm của các học giả người Pháp (L.Cadiere, H. Maspero, E. Sauvignet), và kết luận của ông là đồng tình với các nhận định của H. Maspero: “tiếng Việt Nam ngày nay là kết quả trại lẫn của nhiều thứ tiếng”, “song riêng đối với tiếng Trung Hoa, với những bằng chứng cụ thể, hiển nhiên, tuy đã chịu ảnh hưởng rất nhiều phong tục, văn hóa, … nhưng không mượn tiếng Trung Hoa, nghĩa là không mượn nơi tiếng nói, giọng đọc, mà lại mượn nơi chữ Hán, phát âm theo giọng Việt thành tiếng Hán Việt”
2. Và vì vậy, có thể nói đó chính là điểm đặc biệt, là tinh thần tự cường, tự chủ của dân tộc Việt Nam, thể hiện trong ngôn ngữ. Ở địa hạt từ nguyên, Lê Ngọc Trụ đã có những tìm tòi, suy ngẫm, và có những nhận xét xác đáng trên cơ sở phân tích các chứng cứ từ khía cạnh ngữ âm, ngữ nghĩa của vốn từ tiếng Việt qua một quá trình tiếp xúc, dĩ biến lâu dài của quá trình phát triển tiếng Việt. Cũng chính trên cơ sở giải thích nguồn gốc của tiếng Việt, phần từ điển của công trình Tầm – nguyên – tự – điển Việt – Nam đã có những đóng góp có thể nói là to lớn về việc giải nghĩa từ trên xuất phát điểm cội nguồn.
Như vậy, lần đầu tiên một hệ thống từ vựng có nguồn gốc từ các ngôn ngữ châu Âu đa tiết (chủ yếu nguồn gốc tiếng Pháp) được đưa vào giải nghĩa 1 cách hết sức cụ thể, xác đáng, có cơ sở – căn cứ, đã phác họa nên diện mạo của lớp từ này trong bức tranh từ vựng tiếng Việt đã có hàng ngàn năm lịch sử với đặc trưng cơ bản là đơn lập – đơn tiết. Bằng việc đưa vào một lớp từ vựng có bộ mặt mới như đã nói ở trên là sự gián tiếp khẳng định rằng với cơ chế đơn lập – đơn tiết, tiếng Việt vẫn hoàn toàn có khả năng hội nhập – tiếp thu những cái mới, cái tiên tiến (về mặt nội dung ngữ nghĩa cũng như về cả mặt hình thức) từ các ngôn ngữ khác xa về đặc trưng loại hình, 1 cách rất linh hoạt, uyển chuyển, để làm cho tiếng mẹ đẻ – tiếng Việt ngày càng thêm giàu có, phong phú, phát triển nhanh 1 cách tiết kiệm (không phải bằng con đường tự tạo) bằng cách bổ sung theo con đường hội nhập – tiếp thụ. Đây là cách phát triển phù hợp với xu thế của thời đại – xu thế toàn cầu hóa trên mọi phương diện, trong đó một phần có ngôn ngữ, mà không đánh mất cái đặc thù, cái bản sắc ngôn ngữ của mình – xu thế mà thế kỉ XX, XXI này đã và đang là một hiện thực tất yếu mà chúng ta đang chứng kiến.
Nhìn lại kho từ vựng giàu có, phong phú, khá đồ sộ của tiếng Việt chúng ta ngày nay có trên dưới 40.000 mục từ (qua “Từ điển tiếng Việt” – Hoàng Phê chủ biên, 2005), so với Đại Nam Quốc âm tự vị của Huinh – Tịnh Paulus Của và các quyển từ điển khác trong giai đoạn này là 9.000 mục từ, thì từ vựng tiếng Việt của chúng ta trong TK XXI đã có một sự tăng trưởng vượt bậc so với số lượng từ tiếng Việt của cuối TK XIX – đầu TK XX. Từ đó, có thể khẳng định rằng con đường phát triển, làm giàu vốn từ vựng của tiếng Việt là bằng nhiều con đường, trong đó, con đường tiếp xúc – hội nhập, với các từ ngữ của các ngôn ngữ châu Âu (trong đó đầu tiên và đặc biệt là tiếng Pháp) – 1 châu lục với sự phát triển toàn diện có tính bùng nổ của kỉ nguyên này, và con đường đó đã được tiếp tục và mở rộng bởi sự tiếp xúc – hội nhập với các ngôn ngữ khác nữa sau này như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha, … Vốn từ vựng mới nói trên đó khi đi vào tiếng Việt, với cơ chế đa tiết của nó, không hề làm ảnh hưởng đến bản chất, đến cơ chế đơn lập của tiếng Việt chúng ta, mà bởi ngay từ trước khi “mời vào” các từ đa tiết này, thì tiếng Việt của chúng ta cũng đã có các từ đa tiết theo kiểu của 1 ngôn ngữ đơn lập, chẳng hạn như Tổ quốc, tổ tiên, nòi giống, sơn hà, lẫm liệt, hùng vĩ, lấp lánh, ngời ngời, xa xăm, đẹp đẽ, … Phải chăng theo đà phát triển của tư duy, của nhu cầu phản ánh giao tiếp trong xã hội hiện nay, thì cấu tạo của đơn vị có chức năng định danh trong ngôn ngữ là theo xu thế đa tiết hóa – một xu thế có tính phổ quát trong giai đoạn phát triển hiện nay của ngôn ngữ loài người.
Chính vì vậy, công lao của Giáo sư Lê Ngọc Trụ với việc lần đầu tiên đưa vào kho từ vựng tiếng Việt các từ đa tiết gốc Pháp trong Tầm – nguyên tự – điển Việt – Nam có thể coi là một cuộc làm lễ chính thức nhập gia cho các cô dâu – ngôn ngữ mới. Rất nhiều nhà nghiên cứu, các thế hệ hậu sinh theo ngành Ngữ Văn và các ngành khoa học hữu quan khác đã thừa hưởng, tiếp thu và phát triển các tri thức từ quyển từ điển này, cũng như các quyển từ điển khác của ông, có thể ví một cách khập khiễng rằng công lao của Lê Ngọc Trụ trong lĩnh vực từ điển Việt Nam cũng có thể được ví, trong một chừng mực nhất định nào đó, như là công lao của quyển Khang – Hi Tự – điển tiếng Hán của Khang Hi.
Đỗ Thị Bích Lài
Nguồn: 1Lê Ngọc Trụ Việt – Ngữ chính – tả tự vị
2Lê Ngọc Trụ, Tầm – nguyên – tự – điển Việt – Nam
Thư mục tài liệu tham khảo
1. Alexandre De Rhodes, Từ điển AnNam – Lusitan – Latinh (thường gọi Từ điển Việt – Bồ – La), NXB Khoa học Xã hội, 1991
2. Berezin F.M, Istoria Liguistitreskikh utrenhij, M. 1984
3. Comrie B, Language Universals and Linguistic Typology, NXB University of Chicago Press, 1989 (XB lần 2)
4. Đào Văn Tập, Tự – điển Việt – Nam phổ thông, NXB Bonard Sài Gòn, 1952
5. Đỗ Thị Bích Lài (chủ biên), Tiếng Việt Nam Bộ từ cuối TK XIX – 1945: Những vấn đề về từ vựng, Đề tài NCKH cấp trọng điểm – ĐHQG TP.HCM, TP.HCM, 2011
6. Đỗ Thị Bích Lài, Về vấn đề mối tương quan giữa tiếng địa phương Nam bộ với tiếng Việt chuẩn mực trên các phương tiện thông tin đại chúng ở các tỉnh thành Nam Bộ, trong “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – Những vấn đề kinh tế – văn hóa – xã hội”, TĐHKHXH&NV TP.HCM, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2004, tr.282 – 287
7. Đoàn Lê Giang, “Văn học Quốc ngữ Nam Bộ từ cuối TK XIX – 1945 – thành tựu và triển vọng“, TCNC Văn học, số 7 2006, TĐHKHXH&NV ĐHQG TP.HCM
8. Gustave Huế, Từ điển Việt – Hán – Pháp (Dictionaire Annamite – Chinois – Francais)
9. Huinh – Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc Âm tự vị, NXB Imprimerie REY CURIOL & Cle, 1896
10. Lê Ngọc Trụ, Chánh tả Việt ngữ, NXB Trường Thi, 1960
11. Lê Ngọc Trụ, Tự – điển – Việt – Nam, NXB TP.HCM, 1993
12. Lê Ngọc Trụ, Việt – ngữ Chánh – tả tự vị, NXB Đại Nam, 1959
13. Lê Văn Hòe, Tầm nguyên từ điển, NXB Quốc học – Thư xã, 1941
14. Nguyễn Kim Thản, Lược sử ngôn ngữ học, NXB ĐH & THCN, Hà Nội, 1984
15. Pierre Pegneaux de Behaine – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu, Tự vị Annam Latinh, NXB Trẻ, 1999
16. Trần Trí Dõi, Giáo trình Lịch sử tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005
17. Trần Trí Dõi, Một vài vấn đề nghiên cứu so sánh – lịch sử nhóm ngôn ngữ Việt – Mường, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011
18. Trần Trí Dõi, Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997