Những dòng nhật ký thời sinh viên

Cuốn nhật ký thời sinh viên đã được GS.TS Trần Hiếu Nhuệ[1] tìm thấy trong số những tư liệu còn lưu giữ sau nhiều lần chuyển nhà. Mặc dù kích cỡ chỉ nhỏ chừng bàn tay nhưng trong đó ông đã ghi lại khá chi tiết những cảm xúc, tâm tư trong những ngày tháng học tập vất vả nơi đất khách quê người.

Năm 1961, Trần Hiếu Nhuệ thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Khoảng 2 tuần sau khi nhập trường, ông được lựa chọn đi học ngoại ngữ ở Gia Lâm, chuẩn bị đi Liên Xô học tập. Lúc đó, Nhà nước có chủ trương lựa chọn những học sinh tốt nghiệp phổ thông, lý lịch tốt được tập trung đào tạo ngoại ngữ, học tập chính trị, chuẩn bị đi nước ngoài (Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đông Âu) học tập. Những người vốn cùng học trường cấp III Lê Hồng Phong (Nam Định) với ông tại trường Đại học Bách khoa đều được gọi đi. Mặc dù mới học được khoảng 2 tuần ở trường Bách khoa, nhưng ông đã bắt đầu được tiếp cận với những giờ giảng chuyên môn cụ thể về Toán, Lý, Chính trị…

Kết thúc thời gian 9 tháng học ngoại ngữ, ông được phân công vào ngành Cấp nước và tiêu thủy thành phố. Lúc đó ông hơi thất vọng, vì quan niệm của xã hội bấy giờ cho rằng đó là nghề gắn liền với “cống rãnh”. Mặc dù vậy, ông vẫn quyết tâm chớp lấy cơ hội để thực hiện ước mơ ra nước ngoài học tập.

Trước khi sang Liên Xô, Trần Hiếu Nhuệ được nghỉ 10 ngày. Ông tranh thủ về quê (xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh, Nam Định) thăm gia đình, chia tay người thân. Ngày 27-7-1961 là dấu mốc đầu tiên trong cuốn nhật ký của Trần Hiếu Nhuệ. Mở đầu nhật ký với đầu đề “Những ngày xa Gia đình & TỔ QUỐC” Trần Hiếu Nhuệ đã bày tỏ cảm xúc: “… Sau 10 ngày nghỉ phép, hôm nay từ giã gia đình bước chân ra đi. Ở nhà ra đi vào lúc 1g15’ và tới Trực Ninh 2g kém 15’ và 2g10’ xe xuất phát, ra đi ngậm ngùi trong cảnh chia ly khó nói thành lời…[2] .

Sáng ngày 29-7-1961, tất cả các sinh viên được cử đi học ở Liên Xô tập trung tại trường Đại học Ngoại ngữ Gia Lâm để nghe Ban Giám hiệu phổ biến những quy định. Đêm 30-7-1961, theo chỉ thị, Trần Hiếu Nhuệ cùng các sinh viên khác chuyển đồ đạc về địa điểm trường cấp II Lý Thường Kiệt để chuẩn bị lên đường vào rạng sáng hôm sau, thật vất vả: “… Trời mưa to như trút nước, gần ngập nửa bánh xe đạp ở sân ga, sau ngớt, về trường cấp II Lý Thường Kiệt bị ướt một tí. Đêm nằm cũng ngủ được vài tiếng. Nhưng rất nhớ nhà…”[3].

Rạng sáng ngày 31-7-1961, trên đường ra ga Hàng Cỏ, trời vẫn mưa tầm tã càng khơi gợi cho ông nỗi nhớ nhà da diết: “… 4g sáng đã dậy chuẩn bị hành lý, 5g ra ga, hơn 7g bắt đầu lên tàu. Đây là giờ phút lịch sử trong cảnh chia ly, xa rồi các anh ruột, xa rồi thủ đô Hà Nội thân yêu…”

Xuất phát từ ga Hàng Cỏ, đoàn lưu học sinh đi tàu liên vận đến Đồng Đăng, sau đó chuyển tàu đi Trung Quốc và đi liên tục 3 ngày đến thẳng Bắc Kinh. Tại Bắc Kinh, đoàn sinh viên được bố trí nghỉ lại tại khách sạn Bắc Vĩ 1, được nghỉ ngơi trong 1 ngày. Chiều tối hôm sau, đoàn tiếp tục lên đường, tàu đi 2 ngày thì đến Mãn Châu Lý rồi đến Mátxcơva. Hành trình 11 ngày đêm được Trần Hiếu Nhuệ ghi chép rất  tỉ mỉ trong nhật ký. Ông tranh thủ tất cả những thời gian có thể để viết lại những cảm nhận trong chuyến đi: “… Về đời sống vật chất, mỗi ngày được 3 nhân dân tệ. Đây là ngày đầu tiên nếm mùi thức ăn trên đất Trung Quốc. Ăn 3 bữa. Sinh hoạt vật chất rất dồi dào…[4]; “… Cảnh Trung Quốc cũng không khác xa lắm. Và nhiệt độ cũng không có gì thay đổi. Cũng đồi núi, cũng cây cối như ta…[5]; “… Cách chừng 2 giờ sau thì đến Thiên Tân. Đây là Trung tâm công nghiệp lớn của Trung Quốc. thành phố rộng, toàn là nhà máy, ống khói…”…[6].

Ngày 5-8-1961, Trần Hiếu Nhuệ lần đầu đặt chân lên đất Liên Xô. Ông đã ghi lại thời khắc đó: “… Đến biên giới Liên Xô lúc 8g30’ Việt Nam và là 4g30’ Liên Xô…”[7]. Ngày 10-8-1961, Trần Hiếu Nhuệ đến Mátxcơva giữa tiết trời giá lạnh của mùa đông. Trong khi bạn bè cùng đi đã được phân công về các trường học tập thì ông phải vào bệnh viện khoảng 20 ngày vì bị cảm. Do vậy, tâm trạng của ông rất buồn và lo lắng: “… Người ốm thế là phải vào ngay bệnh viện. Nằm bệnh viện buồn quá, nhiệt độ trong người thì chênh lệch. Lo lắng và nhớ nhà nữa… [8].

Cuối tháng 8-1961, sau khi ra viện, ông được phân công về học ngành Cấp thoát nước, trường Đại học Xây dựng Mátxcơva. Khi đó, ngành Cấp thoát nước chia làm hai bộ môn là Cấp nước và Thoát nước. Trong thời gian đầu tại Liên Xô, ông gặp nhiều khó khăn trong học tập, đặc biệt là về Lịch sử và Triết học vì thiếu vốn kiến thức tiếng Nga chuyên ngành. Vì thế, sau mỗi giờ học trên lớp, ông phải nhờ bạn bè Liên Xô giúp đỡ. Buổi tối, ông dành thời gian để học tiếng Nga, làm bài tập và chủ động xem trước bài học buổi sau. Ông đã tạm gác lại việc viết nhật ký để tập trung cho việc học tập.

Sau gần 2 tháng chăm chỉ ôn luyện, Trần Hiếu Nhuệ bắt đầu làm quen với giờ giấc và điều kiện học tập, sinh hoạt. Ông  sắp xếp thời khóa biểu hàng ngày, trong đó có dành thời gian cho các công việc cá nhân. Tối ngày 16-10-1961- thứ 2, ông tìm đến cuốn nhật ký để trải lòng mình:  “… Nghỉ thời gian lâu hôm nay lại bắt đầu viết lại nhật ký. Trải qua gần 2 tháng học tập gian khổ, cảm thấy con người nặng nề, căng thẳng quá. Học tập khó khăn, về tối nên đã ngại lại càng ngại. Đã thế, tình cảm cũng thấy cô đơn, thiếu thốn…”.

Trong thời gian học tập ở Liên Xô, ban đầu ông được bố trí ở khu ký túc xá trên Đường Sinh viên, sau đó chuyển sang khu trên Đại lộ Mixuri. Hàng ngày ông phải dậy từ 5h30, ăn sáng với sữa hộp, bánh mì với bơ hoặc trứng luộc, và bánh bích quy, sau đó, đến trường bằng xe bus. Trong những bức thư gửi về nhà, ông hay lấy khoảng cách từ Hà Nội về đến Phủ Lý để mô tả khoảng cách từ ký túc xá đến trường. Buổi học tại trường bắt đầu từ 7 giờ sáng, đến 12 giờ, trừ những người đang phải làm thí nghiệm. Sinh viên thường ăn tại các nhà ăn công cộng của ký túc xá, với 3 món phổ biến là súp, thịt băm viên và khoai tây, riêng bánh mì thì thoải mái, không phải định xuất. Trong nhật ký những ngày cuối cùng của năm 1961, Trần Hiếu Nhuệ có viết: “… Đã hai tháng chuyển đến ký túc xá mới, và hôm nay sau tất cả nhiệm vụ học tập sau những ngày đầu đầy chông gai, hầu như đã hoàn thành với những thắng lợi và kết quả khả quan…[9]. Ông chia sẻ bằng những dòng phấn khích : “… Không gì sướng hơn khi đã có kinh nghiệm học tập kết hợp với kiến thức sẵn có thu thập được. Những lúc làm rất tốt trước mặt ông giáo và bạn Nga cũng làm họ phải ngạc nhiên thấy rằng: Đấy! Việt Nam đấy! Những lúc lên bảng thì cũng mạnh dạn, không run rẩy như trước nữa…

Nét chữ trong nhật ký của GS.TS Trần Hiếu Nhuệ

Cuốn nhật ký có lẽ đã khép lại nếu không có những biến cố xảy đến với Trần Hiếu Nhuệ. Tháng 6-1963, ông nhận được thư của gia đình báo tin cha (ông Trần Hiếu Kiên) bị liệt nửa người sau một trận ốm. Run run cầm lá thư, chữ nguệch ngoạc của cô ruột báo tin tình trạng sức khỏe của cha, ông rất lo lắng, chỉ muốn ngay lập tức có mặt tại quê nhà. Nhưng việc ông về nước đồng nghĩa với quá trình học tập phải tạm thời gác lại, mọi nỗ lực cố gắng theo kịp với học tập có thể sẽ phải bắt đầu lại. Đắn đo mãi, cuối cùng ông quyết định vẫn sẽ về nước. Được thầy cô trong Bộ môn thông cảm và ủng hộ, ông đã đề đạt để được cấp 4 tháng học bổng (200 rup) làm lệ phí về nước. Ngày đầu (5-7-1963) trên tàu liên vận về nước, ông đã kể lại: “… Nói đến chuyện về thật vất vả biết bao! Chạy đi chạy lại lật đật. Xoay tiền về, xin 4 tháng học bổng để về, đi lại 2, 3 lần mới được và nhiều lúc phát khóc lên được. Vậy vẫn chưa đủ để mua 2 lần vé tàu về rồi lại đi…[10].

Suốt trong chuyến đi 7 ngày đêm trên tàu liên vận từ Mátxcơva đến Bắc Kinh, Trung Quốc, ông vừa lo lắng cho tình hình sức khỏe của bố, vừa phải lo tiết kiệm chi tiêu tối đa: “… Nằm trên tàu phải tiết kiệm, ăn ít, mấy đêm không thể nào ngủ được…”. Có lẽ vì cả hai nỗi lo đó, sức khỏe của ông ngày càng sa sút. Đến một ga tàu gần biên giới Trung-Xô, ông đã bị choáng và ngất xỉu. May nhờ những người đi cùng chuyến tàu hỗ trợ, ông về được đến Bắc Kinh, và được nước bạn bố trí nghỉ lại khách sạn Bắc Vĩ. Ông ở lại Bắc Vĩ một ngày, ăn uống và nghỉ ngơi nên sức khỏe đã dần bình phục. Nhật ký hành trình về nước được ông viết khá đều đặn. Ông thường tranh thủ tốc ký mọi lúc, nên nét chữ có phần nguệch ngoạc, cách dòng cũng không đều.

Những dòng nhật ký cuối cùng của cuốn sổ dừng lại ở dấu mốc ngày 12-7-1963. Khi đó Trần Hiếu Nhuệ đang ở Bắc Kinh. Từ sau khi về nước và trở lại Liên Xô, ông đã ngừng hẳn việc viết nhật ký. Ông dành nhiều thời gian hơn cho việc học tập, để bù đắp lại những kiến thức thiếu hụt trong những ngày về phép và nhanh chóng bắt kịp với bạn bè cùng khóa.

Năm 1966, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Xây dựng Mátxcơva, Trần Hiếu Nhuệ về nước và được phân công giảng dạy tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng với một số cán bộ như Phạm Giáp, Bùi Văn Bội. Cuốn sổ nhật ký cùng với nhiều tài liệu khác theo chân ông về nước.

Trần Hiếu Nhuệ giảng dạy tại Bộ môn Quy hoạch đô thị – Cấp thoát nước. Là bộ môn mới thành lập, nên cán bộ Bộ môn thường xuyên trao đổi về kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu. Lúc bấy giờ, tài liệu học tập rất thiếu thốn, vì thế Trần Hiếu Nhuệ thường tận dụng giấy để ghi chép các công việc. Cuốn nhật ký thời sinh viên cũng trở nên đắc dụng khi ông tiếp tục sử dụng để ghi chép lịch công tác, họp chuyên môn, những nhiệm vụ và định hướng về giảng dạy.

Giữa năm 1966, trường Đại học Xây dựng Hà Nội được thành lập trên nền tảng  Khoa Xây dựng của trường Đại học Bách khoa được tách ra, và sơ tán lên Hà Bắc. Thời gian sơ tán, cuốn sổ nhật ký của ông đã bị lẫn trong những tài liệu khác. Những công việc dồn dập tiếp sau đó khiến ông dường như quên hẳn sự tồn tại của cuốn sổ nhật ký.

Thấm thoát đã gần 50 năm trôi qua, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ đã tìm lại được cuốn nhật ký ngày nào. Cuốn sổ nhật ký thời sinh viên được ông viết tay bằng bút bi mực xanh, đen, nay đã cũ, quăn mép, long gáy, và nhiều dòng chữ đã bị mờ do thấm nước. Mặc dù vậy, nó thực sự là “bạn đồng hành” chia ngọt, sẻ bùi với ông một chặng đường trong đời sinh viên đáng nhớ.

 

 

Phạm Ngọc Hải

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

 

[1] Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Cấp thoát nước, trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

[2] Nhật ký ngày 27-7-1961.

[3] Nhật ký ngày 31-7-1961.

[4] Nhật ký ngày 1-8-1961.

[5] Nhật ký ngày 31-7-1961.

[6] Nhật ký ngày 3-8-1961.

[7] Nhật ký ngày 5-8-1961.

[8] Nhật ký ngày 10-8-1961.

[9] Nhật ký ngày 28-12-1961.

[10] Nhật ký ngày 5-7-1961.