Những giờ phút cuối đời của GS Phạm Đồng Điện qua nhật kí người vợ

GS Phạm Đồng Điện sinh ngày 2-1-1920, quê Nam Hồng, Nam Ninh, Nam Định. Thân sinh của ông là cụ Phạm Đồng Mỹ từng là Tri huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình. Ông là con thứ hai, là trưởng nam của 13 anh chị em.

Hồi nhỏ, Phạm Đồng Điện nổi tiếng thông minh, hiền lành. Năm 1937-1940, ông học trường Trung học Bảo hộ (nay là trường THPT Chu Văn An), luôn xếp thứ nhất trong cả ba năm học. Trong cuốn học bạ gia đình tặng Trung tâm, các giáo viên nhận xét về ông là: “Học sinh xuất sắc” (excellent e’live), đặc biệt có các giáo viên tên tuổi như Nguyễn Văn Huyên (sau này là Bộ trưởng Bộ Giáo dục), Dương Quảng Hàm, Nguyễn Mạnh Tường… Cùng học lớp với ông còn có nhà văn hóa Hữu Ngọc. Lúc đó, Phạm Đồng Điện được mệnh danh là “Thần đồng Thành Nam”. Sau khi tốt nghiệp, Phạm Đồng Điện vào học Ban Tự nhiên của trường Đại học Đông Dương (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) và đậu cử nhân khoa học năm 1944. Năm 1945, sau khi cách mạng thành công, ông làm kĩ sư tại Nha Nghiên cứu khí tượng Việt Nam, đồng thời tình nguyện dạy tại trường Chu Văn An và Phan Chu Trinh.

Năm 1946, theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, hòa cùng khí thế của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, ông cùng nhiều trí thức lên Chiến khu tham gia kháng chiến. Với tài năng và nhiệt huyết của mình, từ năm 1946 đến 1951, ông được giao trọng trách Phó Giám đốc Nha Nghiên cứu kĩ thuật, Cục Quân giới. Năm 1951, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn xây dựng đất nước khi cuộc kháng chiến giành thắng lợi, Phạm Đồng Điện được cử trong đoàn cán bộ khoa học kĩ thuật đầu tiên sang Liên Xô học tập tại trường Đại học Menđêlêép ngành Hóa học chất nổ.

Sau khi học ở Liên Xô, ông được cử làm Chủ nhiệm Khoa Hóa đầu tiên của trường Đại học Bách khoa và quen bà Lê Thị Minh Châu- người sau này gắn bó cả cuộc đời với ông. Bà Châu kém ông 13 tuổi, từng làm y tá trong Đội điều trị II, Cục Quân y và trường Sĩ quan Pháo binh. Bà kể: “Hồi còn yêu nhau, ông Điện thường đưa bà đi xem xinê, dạo chơi bờ hồ Hoàn Kiếm vào cuối tuần. Ông còn tặng bà những món quà nhỏ do ông tự chế tạo nên, chẳng hạn: biết bà thích thêu thùa, khâu vá, ông làm những chiếc hộp nhựa nhiều màu để bà đựng đồ kim chỉ”. Năm 1961, hai ông bà kết hôn và năm sau con gái Phạm Thị Lê Minh ra đời.

Từ năm 1960, Phạm Đồng Điện đảm nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa và liên tục từ năm 1965-1980 là Hiệu trưởng của trường. Ở cương vị người đứng đầu nhà trường, với tinh thần trách nhiệm cao, ông sẵn sàng hi sinh quyền lợi cá nhân, luôn tận tâm vì lợi ích của nhà trường, của tập thể, có nhiều công lao trong công tác bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, phát triển các hoạt động của trường về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Năm 1987, Giáo sư Phạm Đồng Điện về nghỉ hưu. Sức khỏe ngày càng yếu dần do căn bệnh hiểm nghèo hành hạ nên ông phải nhập viện nhiều lần. Lần cuối cùng cũng là lần định mệnh trong cuộc đời ông vào năm 2007. Trong suốt thời gian Giáo sư ở Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô cho đến khi từ giã cuộc đời, bà Lê Thị Minh Châu ghi lại diễn biến tình trạng và tình hình chăm sóc sức khỏe cho ông trong cuốn nhật kí của bà (từ 10-3-2007 đến 15-4-2007). Cuốn sổ ghi chép nhỏ, kích thước 23×8,5cm, giấy kẻ ô vuông, được bà viết bằng bút bi mực xanh, có trang chữ đã nhòe. Trong nghẹn ngào xúc động, bà trao cuốn sổ cho chúng tôi, mong sau này con cháu sẽ đọc và biết về cha ông của chúng.

Trong sổ, bà Lê Thị Minh Châu ghi lại khẩu phần ăn hàng ngày của ông, chẳng hạn, bà viết: “Ngày 10-3-2007: Sáng nay Châu đi chợ mua xương bay, thịt bò, một số loại rau củ hạt sen về nấu súp cho a.Điện ăn với sữa Ensure”. Những ngày sau, hàng ngày bà thường nấu và mang súp vào cho ông: “Ngày 24-3-2007: sáng nay Châu và cô Tâm đi chợ mua các thứ để nấu súp cho a.Điện. 10h30 Châu mang sup và mấy thứ: nước sôi nguội, bột cháo, khăn mặt mới mau thêm để lau làm vệ sinh cho a.Điện”.

Giây phút Giáo sư Phạm Đồng Điện ra đi được người vợ Lê Thị Minh Châu viết lại trong cuốn sổ nhật kí của bà

Những lời xưng hô thân mật: “anh Điện-Châu” còn trải dài trên từng trang giấy, thông qua những ghi chép tình trạng sức khỏe của ông:

Ngày 3-4-2007: Khi 11h30 được vào buồng bệnh thăm: mở chăn thấy anh đầy bụng, cặp nhiệt kế thấy sốt 3808, đi phản ánh cho Bác sĩ Long và chú y tá Thuyên đã cho xử lí”.

Ngày 7-4-2007: Anh Điện có khá hơn một chút, nhưng vẫn bị bụng chướng đầy, có bí đái, cô An đã xoa xung quanh vùng rốn theo vòng kim đồng hồ và ấn vùng bàng quang, anh đã đi ra nhiều nước giải, dù sao cũng đỡ lo”.

Mấy tháng trời chăm sóc cho ông, tâm trạng của bà nhiều lúc không khỏi mỏi mệt. Trong khi con gái duy nhất Phạm Lê Minh ở Đức chưa về kịp, bà không biết tâm sự cùng ai, chỉ biết gửi gắm vào cuốn sổ nhỏ: “Thứ ba, ngày 10-4-2007: mấy ngày hôm nay người mệt quá, thể muốn gục xuống, người lúc nào cũng bàng hoàng chỉ lơ lửng chân không ấy, chả muốn ăn gì. Nghĩ thương anh Điện quá, lại phải cố gắng vượt qua, đi chạy nơi này, nơi khác”.

Ngày 14-4-2007-ngày cuối cùng của GS Phạm Đồng Điện, cũng được bà ghi lại rõ ràng. Sáng ngày hôm đó, bà dậy đi tập thể dục, đang nghỉ giải lao thì được báo vào Viện ngay vì GS Phạm Đồng Điện khó thở và mệt. Được các bác sĩ cấp cứu nên Giáo sư hồi phục dần và ăn được 1 bát súp. Nhưng dường như đó chỉ là giây phút lóe sáng của ngọn đèn trước khi vụt tắt, sau khi ăn xong và nằm xuống nghỉ ngơi, ông cũng dần dần đi vào cõi vĩnh hằng. Những giây phút cuối cùng của Giáo sư, bà Châu ghi dấu lại trong cuốn sổ nhỏ: “Châu gọi vào tai, lay vai, anh bừng mở mắt mồm mấp máy như mếu. Châu thương anh quá! Chắc anh muốn gọi Châu lần cuối cùng mà anh không thể nói được. Cháu An nói bà bình tĩnh ông chưa đi đâu, nhưng rồi anh đã thở hắt ra dần dần, Châu bảo cháu An gọi bác sĩ Chính và chuyên môn vào giải quyết nhưng anh cứ yếu dần dần cho đến gần 17h thì tim ngừng đập. Châu khóc và lên gọi anh ơi! Anh đã ra đi vĩnh viễn rồi!”

Nỗi đau với bà Lê Thị Minh Châu trở nên quá lớn, nhất là khi người con gái vẫn ở xa chưa kịp về: “Từ nay Châu sẽ sống cô đơn, thiếu vắng anh! Người chồng, người anh rất thương yêu kính trọng đã chung sống hạnh phúc mấy chục năm trời, biết bao kỉ niệm buồn, vui hạnh phúc…”.

GS Phạm Đồng Điện và vợ Lê Thị Minh Châu, năm 1997

Ngày chủ nhật, 15-4-2007-cũng là ngày cuối cùng bà viết cuốn nhật kí, bà đã nguôi ngoai phần nào nỗi đau khi thấy đám tang của GS Phạm Đồng Điện được chuẩn bị chu đáo: “Rất may mắn là các cháu bên ngoại đã đi mua các thứ: bàn thờ, khăn xô, tang đen, làm giá để ảnh … Các cháu kê xếp ngắm nghía lập được bàn thờ chú Điện nom rất trang trọng, đẹp thoáng và sáng sủa thật trân trọng trang nghiêm. Thế là Châu đã vui lên. An tâm một phần”.

Cả cuộc đời GS Phạm Đồng Điện vẫn giản dị, đôn hậu, gần gũi, liêm khiết. Vậy nên khi nhắm mắt xuôi tay, ước nguyện cuối cùng của GS như lời dặn được ông viết từ năm 1999 được vợ và các cháu thực hiện: “Tôi chết, tin buồn xin chỉ nói là đồng chí Phạm Đồng Điện, sinh ngày 2-1-1920, Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, nguyên cán bộ nghiên cứu Quân giới, nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đã mất ngày…, không ghi học hàm, học vị, chức tước, danh hiệu, huân chương huy chương gì cảTang lễ xin làm trang nghiêm nhưng giản dị, đừng quá long trọng”.

Giáo sư ra đi, trường Đại học Bách khoa mất đi một giảng viên, một vị Hiệu trưởng đức độ, toàn tâm toàn sức vì sự nghiệp giáo dục đào tạo, các thế hệ học trò mất đi người thầy giáo luôn hết lòng vì sinh viên. Bài viết nhỏ này xin thay nén nhang, thắp lên tưởng nhớ tới những giây phút cuối đời của ông. Xin cầu mong cho linh hồn Giáo sư nơi suối vàng yên nghỉ.

 

Trần Bích Hạnh