Những giọt nước mắt lắng sâu

 Ngồi lặng im trước di ảnh và bàn thờ chồng đang tỏa khói hương và đều đều tiếng kinh cầu nguyện từ băng cát-xét, bà Nguyễn Thị Lũy nén xúc động kể với chúng tôi những ký ức về người chồng – GS.BS Võ Tấn mới qua đời cách đây không lâu. Đó là một trong nhiều trường hợp khiến chúng tôi cảm thấy mình bất lực trước sức mạnh vô hình của thời gian và tuổi tác, khi đã không kịp đến gặp trực tiếp nhà khoa học. Giá mà chúng tôi được gặp ông, được nghe ông kể những câu chuyện sinh động và phong phú trong đời hoạt động khoa học của mình thì tốt biết bao nhiêu! Gương mặt héo hắt và đôi mắt ngấn lệ của bà Nguyễn Thị Lũy gợi lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng xúc động về các nhà khoa học khác trong quá trình hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam mấy năm vừa qua.

Năm 2009, trước khi gặp chúng tôi, GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ốm liệt giường. Phần vì thể trạng không tốt, song chúng tôi biết một lý do khác nữa là ông lo lắng chưa biết trao gửi những đứa con tinh thần của mình ở đâu. Con cháu tuy có theo nghề nhưng những tư liệu chuyên sâu, cũ kỹ với thời gian trong số hàng chục ngàn tài liệu mà ông đã cẩn thận lưu giữ, có lẽ cũng không thật sự cần thiết cho chuyên ngành của họ. Ngày trao tặng những tư liệu này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ông cầm trên tay bộ dụng cụ kết xương do ông cải tiến để giới thiệu với chúng tôi, giọng có lúc nghẹn lại vì xúc động. Rồi những giọt nước mắt cứ theo nhau lăn dài trên gò má của nhà khoa học đã tận tụy cả đời vì sự sống của người bệnh, khi ông xúc động vì đã tìm được nơi có thể bảo quản, phát huy giá trị của những tài liệu hiện vật của mình. Mới đây, trong ngày khai trương Trưng bày đầu tiên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam với chủ đề Khát vọng học hỏi và sáng tạo, bà quả phụ Nguyễn Thị Liên đã đứng lặng trước bức ảnh chụp khoảnh khắc hiếm hoi ấy của chồng, mắt cũng nhòa đẫm lệ.

Bà Nguyễn Thị Liên bên ảnh chồng – GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân
tại Trưng bày “Khát vọng học hỏi và sáng tạo”, 24-5-2014

Trong suốt chặng đường tác nghiệp, chúng tôi chứng kiến rất nhiều trạng huống biểu lộ tình cảm sâu đậm của người thân các nhà khoa học. Không thể quên, tại Lễ tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu hiện vật của GS.NGND Đoàn Trọng Truyến hồi tháng 12-2013, trong âm thanh du dương của bản nhạc Serenat đã trở thành quen thuộc của cả gia đình, các cô con gái ông sụt sùi xúc động khi những bức ảnh về người cha kính yêu được trình chiếu. Hay khi trả lời phỏng vấn do Trung tâm thực hiện, bà quả phụ Phan Việt Liên cũng không kìm được nước mắt khi những kỉ niệm buồn vui lẫn lộn về người chồng – GS.TS Trần Linh Sơn lại có dịp ùa về.

Với mong muốn lắng nghe, tìm hiểu và lưu trữ những câu chuyện ký ức trong cuộc đời hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học, không ít lần chúng tôi đã chạm đến những ký ức thẳm sâu trong lòng họ, khiến những bậc trượng phu vốn mạnh mẽ cũng không cầm được nước mắt. Nghẹn ngào khi chuyển giao toàn bộ tài liệu hiện vật cho Trung tâm lưu giữ, GS.TS Lê Quang Long tâm sự: “Tôi là người may mắn đã đi công tác về giáo dục ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc… nhưng chưa thấy nơi nào có một Trung tâm hoạt động khoa học có nhiều ý nghĩa và tổ chức tuyệt vời như Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Mừng nhất là Trung tâm tạo điều kiện cho tôi được đóng góp một phần nhỏ trong khối di sản đồ sộ của các nhà khoa học và để được sống mãi với non sông đất nước Việt Nam!”. Hay trong câu chuyện với GS.TS Trần Đức Hân, chúng tôi thấy ông đã phải cố kìm nén cảm xúc khi kể về những kỷ niệm thời giảng dạy tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Rồi câu chuyện với GS.TS Nguyễn Như Khải cũng nhiều lần phải dừng lại để ông trấn tĩnh khi những hồi ức về cha mẹ ùa về.…

Gần 450 nhà khoa học mà Trung tâm đã tiếp cận nghiên cứu, người còn, người mất, nhưng mỗi lần làm việc với họ, hoặc với người thân của họ, được chứng kiến những cung bậc cảm xúc khác nhau từ chính nhà khoa học cũng như từ gia đình, đồng nghiệp, học trò của họ, chúng tôi cảm nhận sâu sắc niềm hạnh phúc lớn lao khi được các nhà khoa học và gia đình họ tin tưởng, chân thành chia sẻ những nỗi niềm, ký ức đời thường nhưng rất đỗi thiêng liêng và cao quý. Chúng tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa cao cả của công việc mình đang làm.

Vẫn biết quy luật đời người là vậy, quy luật tâm lý, tình cảm của con người là vậy nhưng chúng tôi vẫn thấy đắng lòng khi chứng kiến những giọt nước mắt lắng sâu của các nhà khoa học và những người thân của họ. Điều đó nhắc nhủ chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa, để những giọt nước mắt ấy không lặn chìm trong lòng họ, để những câu chuyện đời, chuyện nghề của các nhà khoa học sẽ đánh thức cả hiện tại và tương lai.

 

Trần Bích Hạnh

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam