Những kỷ niệm với GS Phong Lê

Kính thưa Ban lãnh đạo Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Kính thưa nhân vật chính ngày hôm nay –  GS Phong Lê – nguyên Viện trưởng Viện văn học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam).

So với các nhà khoa học tiền bối có mặt tại sự kiện trọng thể này, tôi là thế hệ học sinh, nhưng có lẽ với tư cách là đại diện Viện Văn học, nơi GS Phong Lê đã làm việc trong hơn 40 năm, nên tôi được phát biểu mở đầu và tôi rất cảm kích về điều này.

Trong buổi lễ này, tôi rất xúc động, không biết là nên bắt đầu từ đâu, tôi muốn chia sẻ cùng qúy vị đại biểu bằng cái nhìn ngược sáng về Phong Lê.

Trong bài phát biểu của mình, anh Phong Lê nói có 3 điều quên và có 6 điều may mắn, nhưng xin bổ sung anh có 7 điều bởi vì nếu người  bạn đời cùng đồng hành với anh không phải PGS Vân Thanh thì anh liệu có viết được chừng này không?… Cho nên thành công của GS Phong Lê, dứt khoát phải gắn liền với sự thầm lặng phía sau của người phụ nữ, đó là PGS Vân Thanh – cô cũng là nhà nghiên cứu của Viện Văn học. Như vậy, ở GS Phong Lê có 7 điều may mắn, mà số 7 là số thiêng và là số huyền bí.

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp chia sẻ những kỷ niệm về GS Phong Lê

Vấn đề thứ hai, anh Phong Lê nói có nhiều điều anh ấy không nói được, tôi xin nói 2 điều:

Vào năm 1993, anh Trần Đình Sử lúc ấy là Chủ nhiệm khoa Văn – Đại học Sư phạm Hà Nội có ý định nhận tôi về, nhưng anh Phong Lê bật đèn xanh nhanh hơn, GS Phong Lê là người chính thức nhận tôi về làm việc tại Viện Văn học. Tôi về để làm nghề, để đi dạy thêm, dạy luyện thi để kiếm ăn, không nghĩ là một ngày tôi sẽ làm Viện trưởng, tôi không toan tính để một ngày tôi kế nhiệm anh, cho nên tôi cũng hết sức thoải mái để nói rằng, GS Phong Lê là người đưa tôi về Viện Văn học và nếu như tôi có một chút nào đó thì cũng khởi đầu bằng cái gật đầu của GS Phong Lê. Và tôi còn nhớ, hôm ấy tôi đến nhà anh Phong Lê và chị Vân Thanh đang nấu ăn, chị ấy nhìn ra ngoài, chị thấy tôi bước vào, chị ấy bảo: “anh nhận thằng như thằng này?”, anh ấy trả lời “tôi đang định nhận nó”. Cho nên, việc tôi về Viện văn học, ngoài sự đồng ý của GS Phong Lê, có sự hỗ trợ và chắc là có sự nhất trí cao của GS Vân Thanh. Xin cảm ơn anh chị.

Lúc nãy, một phần thôi trong phần tự bạch của GS Phong Lê có nói một điều: GS Phong Lê hóa ra vào Đoàn rất chậm, thành phần chậm tiến. Nhưng sau đó thì lại tiến rất nhanh. Anh vừa nói anh làm Bí thư Đoàn Viện Khoa học xã hội (nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), xin thưa anh Phạm Tuấn Nguyên cũng là Bí thư Đoàn của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Như vậy là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam với sứ mạng là cơ quan nghiên cứu có thể chấp nhận cả những người chậm tiến theo cách hiểu bình thường, nhưng đó lại là những người cấp tiến.

Tôi nói rằng, thực ra là ấn tượng về GS Phong Lê, tôi vừa xem phim do bên anh Huy làm, tôi nhìn thấy anh ấy viết hay, chữ loằng ngoằng, xong lại bằng máy tính, xong lại máy in, đấy cũng là lịch sử các loại hình ký tự Việt Nam. Và đi qua những ố vàng của những loại văn bản khác nhau, chúng ta thấy chúng ta đi từ gian khó để đến gia nhập không gian và thời gian bây giờ nó thế nào, ngay trong chính các văn bản được hiển thị trong bộ phim này. Nhưng tôi nghĩ, điều người ta nhớ ở GS Phong Lê nhiều có lẽ là vào lúc ông thôi Viện trưởng. Tôi không nhớ lắm về việc GS Phong Lê được đề bạt lên chức Viện trưởng lúc anh 50 tuổi bởi vì về mặt tuổi tác kỷ lục sẽ bị phá, vì tôi đã phá anh khi tôi lên sớm hơn. Vấn đề là tôi nhớ anh lúc anh nghỉ. Anh nhận tôi về năm 1993 và năm 1995 thì anh nghỉ. Tôi nhớ tại quán nước của bà Thiêm, tôi có nói rằng: “không có vấn đề gì, anh hãy bước đi một cách kiêu hãnh, bởi anh đã làm một cách đàng hoàng, tại sao anh lại phải lo lắng”. Xin lỗi anh, nhưng chắc là GS Phong Lê nhớ điều đó. Tôi nói trước quán nước, khi ấy anh đang gặp một nhân vật rất cao, anh cứ kiêu hãnh và đàng hoàng, không có vấn đề gì cả. Chúng ta làm người, chúng ta rất đàng hoàng, chúng ta hết sức vì công cuộc đổi mới này thì có thể tạm dừng một chút, không sao cả. Vâng, kiêu hãnh là phẩm chất của kẻ sĩ và là phẩm chất của trí thức. Tôi nghĩ rằng, anh Phong Lê có được điều đó. Đấy là vấn đề thứ hai tôi muốn nói.

Vấn đề thứ ba, con đường của GS Phong Lê mà vừa rồi bộ phim của anh Huy có nói là có hơn 8000 đầu tư liệu hiện vật, thì cái thế hệ ấy viết bằng tay, viết bằng bút bi, viết bằng bút mực, mực xanh, mực đỏ. Có nhiều tài liệu bây giờ, thế hệ sau làm bằng máy tính nhanh lắm. Một ổ con con bằng móng tay là cả thế giới nằm trong đó. Cho nên để giữ những tư liệu này, xin thưa GS Phong Lê, độ ẩm như thế nào, quét dọn như thế nào, lau chùi như thế nào, nó là sự kỳ công của TTDS này. Nhưng tôi nghĩ đó cũng là một sự vinh hạnh bởi vì tại đó, những nỗ lực của một cá nhân, và rộng hơn nỗ lực của một thế hệ cùng thời với anh Phong Lê được hiển thị trên chính những lưu trữ của TTDSCNKHVN này. Tôi chỉ muốn nói một điều mà từ tư cách làm nghề và có lẽ ý này cũng là ý sẽ khép lại để cho các vị sau phát biểu. Trong làm nghề tôi muốn nói hai quan sát của tôi về GS Phong Lê. Thứ nhất, anh Phong Lê khởi đầu bằng những nghiên cứu về văn học cách mạng, điều đó cũng dễ hiểu thôi, anh là khóa I – Đại học Tổng hợp và sau đó anh ấy viết về đề tài văn học, công nhân, nông dân, viết về kháng chiến. Nhưng rất may, theo tôi là may nếu anh Phong Lê chỉ có thế thôi sẽ không có Phong Lê bây giờ. Rất may là những bài đầu tiên anh viết về Nam Cao. Nam Cao lúc bấy giờ là một nhà văn tầm vóc như thế nào chúng ta biết, nhưng thời ông ấy sống, ông ấy chỉ mong một người viết phê bình viết về ông ấy nhưng không ai viết cả. Không phải mấy anh bây giờ, viết mấy bài trên blog, trên mạng rầm rầm. Nam Cao – ông mất năm 1951 – nhưng trước đó ông viết và sáng tác nhưng không một nhà phê bình nào đụng bút. Phải đến những năm 60 cùng với GS Phong Lê, GS Huệ Chi thì những ấn phẩm đầu tiên, những bài viết đầu tiên về Nam Cao xuất hiện. Và có lẽ, Phong Lê trở đi trở lại với Nam Cao đấy là một may mắn. Nếu ông đi theo chủ nghĩa đề tài như nhiều công trình của ông ấy thì tôi tin rằng sẽ không có một Phong Lê như bây giờ. Nhân vật thứ 2, có thể nói Phong Lê say mê và ngưỡng mộ đấy là sự nghiệp văn học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là một biểu tượng về anh hùng dân tộc, một biểu tượng về văn hóa. Cho nên tôi nghĩ là hai mốc cắm này cũng là hai hành trình đi suốt cuộc đời nghiên cứu của Phong Lê. Từ chỗ đấy ở anh Phong Lê mới tỏa ra thế kỷ XX. Đến một độ nào đó, một tầm nhìn nào đó và một cái tích lũy nào đó, thì mới có thể soi chiếu văn học Việt Nam trong một thế kỷ. Dĩ nhiên, anh Phong Lê có kiểu tiếp cận của anh Phong Lê và thế hệ tôi sẽ có cách tiếp cận của thế hệ tôi, thế hệ sau họ có cách tiếp cận của họ và đấy mới thực sự là sự phát triển của khoa học. Nhưng từ một điểm nhấn như thế, từ xuất phát như thế để bao quát một thế hệ chuyển mình của văn học, một thế hệ, thế kỷ mà ở đó diễn ra 3 cuộc giao lưu văn hóa lớn, thế thì tôi nghĩ phải có một sức vóc nào đó, một kiên nhẫn nào đó, một nhạy cảm nào đó mới có thể làm được. 

Thứ hai, khi anh Phong Lê không làm quản lý nữa, anh ấy sang bên Kiều học và trở về đi dạy. Hóa ra GS Phong Lê dạy năm 1950. Như vậy, anh chỉ dạy hơn tôi có 3 năm. Năm tôi bắt đầu dạy là năm 1983 tại đại học. Cho nên, chia sẻ phương diện thầy giáo, ở đây tôi nhìn thấy rất nhiều GS từ Đại học Thái Nguyên – một căn cứ địa cách mạng và cũng là một khởi đầu của đại học Việt Nam mới, giai đoạn sơ tán. Thế thì, tôi nhìn thấy rằng các học trò Đại học Thái Nguyên nhìn anh Phong Lê như cụ Hồ trong lĩnh vực văn học. Vâng, đấy là một hạnh phúc. Họ nhìn anh Phong Lê với một tình thân thiết, với một sự ngưỡng vọng, với một sự biết ơn và nhắc nhở nhau rằng: liệu GS Phong Lê đã thông qua đề cương chưa, liệu GS Phong Lê có đồng ý không, đó là một hạnh phúc và tôi chia sẻ với các anh, những điều đó, trò có thể không nói với anh nhưng có nói với tôi. Và tôi nghĩ rằng trong 3 thứ quên, tôi có nhớ đến điều anh nói ở giữa, tuổi tác tôi chưa dám nói bởi vì tôi chưa đến tuổi ấy, quên đi những bệnh tật tôi cũng chưa nói bởi tôi bắt đầu chớm bệnh tật nhưng quên đi những thù hận, những giận dỗi khi mà chúng ta quên được thì chúng ta mới lớn được, chúng ta quên được thì may ra chúng ta mới đắc đạo được và chúng ta quên được, thì mới là tiền đề để chúng ta quên đi tuổi tác. Còn nếu như người ta có giận thì việc quên thù hận sẽ rất khó. Tôi mong muốn anh Phong Lê tiếp tục cống hiến, giữ sức khỏe để cho các thế hệ sau còn được nhìn thấy anh trên những trang viết của mình. Và nhân đây cũng xin cảm ơn TTDSCNKHVN đã tiếp nhận các tài liệu rất quý giá về anh Phong Lê cũng như tại đó thì Viện Văn học hiển thị trong TTDSCNKHVN. Và tôi mong muốn là sau này, những nhân vật lớn như là GS Huệ Chi, GS Băng Thanh ngồi ở đây hay là các GS khác của Viện Văn học mà vẫn còn tiếp tục được tặng Trung tâm thì đó là một hạnh phúc của Viện Văn học và cũng là một niềm tự hào cho thế hệ tiếp sau.

Xin cảm ơn quý vị và chúc quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Xin cảm ơn!. 

 

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp

Viện trưởng Viện Văn học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam).