Ông nội và ông ngoại tôi đều là nhà nho và thầy thuốc – vừa dạy chữ vừa bốc thuốc. Bố tôi sau khi học hết bậc Thành chung thì ra Hà Nội học tiếp tại trường Bưởi hơn một năm, sau đó vì điều kiện gia đình phải đi thi để ra làm việc ở Huế. Vì thế hai chị em tôi được sinh ra ở Huế.
SV Phan Văn Hạp (thứ ba, hàng 2 từ phải sang) và các bạn lớp Toán K1-Đại học Tổng hợp khi đang đào mương ở Yên Viên, 9-1958.
Tuy còn bé, song những năm đầu đời tại Huế vẫn để lại trong tôi nhiều ký ức khó phai mờ: những buổi đầu đến trường học, những hôm dự lễ phát chẩn cho người nghèo của Nam Phương Hoàng Hậu, các buổi lễ phát thưởng cho học sinh giỏi được tổ chức tại trường Đoàn Thị Điểm….; ngỡ ngàng với chút sợ hãi, tò mò khi Nhật đảo chính Pháp, sáng 9-3-1945 sau một đêm thấy đầu ngõ lính Nhật áo quần, mũ đều màu phân ngựa, đeo gươm dài đứng gác. Ít lâu sau lại được cùng người lớn đi dự mít tinh lễ thoái vị của nhà vua Bảo Đại… Bố tôi tham gia phong trào truyền bá Quốc ngữ nên sau Cách mạng tháng Tám một số lần tôi được đi theo dự các buổi dạy chữ quốc ngữ buổi tối, rồi những buổi tập kịch cùng các chú, các anh, tham gia vai phụ trong vở kịch “Hội nghị Diên Hồng” làm anh lính nhỏ gọi loa…
Toàn quốc kháng chiến rồi vỡ mặt trận tại Thừa Thiên Huế, bố tôi theo cơ quan rời thành phố Huế chuyển ra vùng tự do Thanh – Nghệ – Tĩnh. Tôi theo mẹ và gia đình tản cư về quê ở Đức Thọ – Hà Tĩnh vào đầu năm 1947. Xa Cố đô, rời các bạn nhỏ của các lớp Đồng ấu, dự bị với những năm tập làm quen với sách vở, chữ viết đầu đời, xa những buổi sáng và đêm khuya dưới ánh điện đường để mua vội chiếc bánh mỳ sáo dòn tan, đỡ đói lòng lại vừa thơm vừa ấm. Từ Huế về Đức Thọ – Hà Tĩnh chúng tôi đi tàu hỏa. Xuống ga chợ Thượng, đầu cầu Đức Thọ, cả nhà cùng đồ đạc lỉnh kỉnh, kéo vào nhà dì cả của tôi nghỉ ngơi, sau đó đi dọc theo sông La ngược lên Linh Cảm, rẽ vào nhánh Ngàn Sâu về chợ Nướt[1].
Chợ Nướt thuộc làng Thị Hòa (quê ngoại của tôi) – nơi gắn bó với tôi suốt thời thơ ấu, nơi tôi học tập từ tiểu học tới trung học, nơi tôi được trải nghiệm cuộc sống lao động từ trẻ thơ. Cũng nơi đây, tôi được tham gia sinh hoạt trong đội Thiếu nhi tháng Tám[2], với những năm tháng gian khổ nhưng sôi động, hồn nhiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho tới chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đội thiếu nhi tháng Tám là tập thể đầu tiên mà tôi tham gia sinh hoạt. Khởi đầu là sự hãnh diện rất trẻ con khi được đội lên đầu chiếc mũ ca lô nâu viền vàng (ca lô đội lệch), về sau còn thêm một huy hiệu vải thêu cờ đỏ sao vàng với búp măng non và hai chữ “sẵn sàng”. Bố tôi đi công tác xa nhà nhưng cũng như các cán bộ viên chức nhà nước khác, không có lương nên gia đình rất khó khăn – khác với hồi còn ở Huế.
Mẹ tôi cùng gia đình sống chung với bà ngoại và sinh sống nhờ gánh hàng xáo[3]. Tôi là con trai cả cùng chị gái giúp mẹ và dì trong công việc từ xay thóc, giã gạo, lên rừng lấy củi, ra đồng mót thóc, khoai, lạc.v.v… góp vào để trang trải cuộc sống trong gia đình. Việc học hành tại trường tiểu học Minh Tân chiếm trọn mỗi ngày một buổi. Thời gian còn lại ngoài giúp việc gia đình, tôi say sưa tham gia sinh hoạt cùng đội thiếu nhi, nào tập múa, tập kịch, tham gia dạy Bình dân học vụ.
Từ năm 1947 đến1950, tôi theo học các lớp 3, lớp nhì rồi lớp nhất của bậc tiểu học và sinh hoạt Đội Nhi đồng cứu quốc tại quê ngoại. Gần như mỗi đêm trăng sáng chúng tôi đều tập hợp lại để tập múa, hát các bài ca cách mạng. Vào năm 1949, tiểu đoàn 18 của cụ Ngôn (tiểu đoàn trưởng có bộ râu ngắn và bạc trắng) đóng tại xã tôi. Mỗi khi tiếng kèn tập hợp, lũ trẻ chúng tôi lại chạy ra bãi để xem tiểu đoàn hàng ngũ chỉnh tề nghe lệnh. Chúng tôi say mê đi theo các anh bộ đội mọi lúc có thể. Tôi có người bạn (lớn hơn 2 tuổi) là Dương Quang Định – em trai của chị dâu họ đàng ngoại. Anh họ tôi là Nguyễn Thúy Liễu – sau tốt nghiệp cử nhân khoa học Toán – Lý đã tham gia quân giới, trực tiếp với GS Trần Đại Nghĩa. Anh Định cùng chị gái và em gái cũng từ Huế về Hà Tĩnh quê anh Liễu. Anh trai của anh Liễu là anh Nguyễn Hữu Ngô, tốt nghiệp trường Bách Nghệ (bây giờ là trung cấp kỹ thuật) đi bộ đội – trưởng đội văn nghệ của tiểu đoàn 18 của cụ Ngôn đóng tại xã tôi. Tôi vẫn thường xuyên bám theo đội văn nghệ của Tiểu đoàn và có lúc được tham gia vai diễn phụ của vài vở kịch. Khi đó, tôi thường được giao đóng vai chú bé liên lạc. Còn nhớ sau khi đội văn nghệ Tiểu đoàn biểu diễn vở kịch “Màn cửa vàng” với nội dung về cuộc đời một thanh niên hoàng tộc tham gia cách mạng, tôi được anh Ngô giới thiệu với cụ Tiểu đoàn trưởng (cụ Ngôn râu bạc – như chúng tôi thường gọi). Cụ Ngôn hỏi thăm hoàn cảnh gia đình khi biết tôi và Định đều có người thân là cán bộ thoát ly đi kháng chiến, lại cùng từ Huế tản cư về, cụ hướng dẫn chúng tôi làm đơn (có chữ ký của gia đình) để tham gia Thiếu sinh quân.
Được nhận vào Thiếu sinh quân là cả một ước mơ lớn của tuổi nhỏ hồi đó. Chúng tôi trở thành những dự bị quân nhỏ tuổi, được sống tập thể, nuôi dạy, tập tành. Còn nhớ, từ Huế về tôi có một chiếc mũ vài mềm màu xanh cứt ngựa kiểu mũ của đội viên hướng đạo sinh, nay cũng mang theo vào thiếu sinh quân nhưng vì đồng phục nên đội mũ cắt lá cọ có lưới và ngụy trang bằng lá cây xanh, về sau bằng giẻ xé từ vải dù có màu xanh lá cây. Trong đội thiếu sinh quân của chúng tôi gồm toàn con em cán bộ thoát ly đi kháng chiến từ Bình Trị Thiên.
Vào Thiếu sinh quân đúng dịp hè, sau khi học điều lệnh, chúng tôi được học một số kiến thức tối thiểu về kỷ luật quân đội, kỷ luật dân vận và kiến thức về kỹ năng sống theo kiểu hướng đạo sinh. Một số kiến thức về moóc-xơ và các ký hiệu dã ngoại, tôi đã được biết từ trước nên cũng tiếp thu nhanh và thực hành tốt trong những buổi “trò chơi lớn” vượt chướng ngại, tìm kho báu… Cuộc sống tập thể lôi cuốn tôi nếu như không có một sự cố của gia đình xảy ra. Mẹ tôi sau khi sinh thêm em gái đã bị ốm, không có người đỡ đần công việc, ông nội tôi lại bị đau răng hàm cấp tính (hồi đó chưa có kháng sinh mạnh). Tin xấu đến vào dịp cuối năm, nơi chúng tôi đóng quân cách làng tôi khoảng 8km, tôi phải xin phép về nhà để xem tình hình. Bất đắc dĩ, sau đó tôi phải xin được trở về nhà, thôi không ở thiếu sinh quân. Trở về với cuộc sống cũ, hàng ngày lo đi học một buổi, thời gian còn lại giúp mẹ các công việc hàng xay, hàng xáo, tham gia công tác xã hội qua tổ chức Đội – từ 1951 được đổi tên thành Đội Thiếu nhi tháng Tám. Sau khi ông nội mất (4-4 năm Canh Dần – 1950) vì đau răng hàm nhiễm trùng, gia đình tôi càng khó khăn vì không có thu nhập từ nghề bốc thuốc của ông. Mặc dù không sung túc nhưng còn có để trang trải cuộc sống.
Đội thiếu nhi tháng Tám của chúng tôi hoạt động khá năng nổ. Ngoài các công việc tự kiếm sống như đi rừng lấy củi, bắt cá, bắt cua đồng, bẫy chim, mót thóc, khoai, lạc,chúng tôi tập trung vào các công tác Trần Quốc Toản: Từ dạy Bình dân học vụ cho người lớn và trẻ em không được đi học trong thôn làng, tới các công việc như bán nước chè làm quỹ đội, nhặt phân trâu bò, cắt lá làm phân xanh về giúp đỡ gia đình bộ đội, thương binh…. Trong đội, tôi là đội viên có kiến thức văn hóa nhất nên thường đi dạy nhiều lớp. Từ lớp chưa biết chữ đến các bạn học lớp dưới mình. Gần như không có trưa, tối nào nghỉ. Từ sau 1951, khi máy bay địch bắt đầu bắn phá ác liệt ở huyện tôi (từ thị trấn Đức Thọ đến đồi Linh Cảm) trường cấp 2 bắt đầu phải học ban đêm. Với đèn dầu hỏa (bóng đèn làm bằng chai thủy tinh cưa đáy) cùng áo tơi lá và cây gậy, hàng ngày, tôi đi học xa nhà gần 10km, sau khi ăn chiều, cho tới 12 giờ khuya mới về tới nhà. Cây gậy mang theo vừa để vững tâm khi đi trong đêm tối vừa đối phó với nạn chó điên bùng phát trong 2 năm liền ở vùng quanh quê tôi. Anh Cù Huy Chúc, em ruột nhà thơ Cù Huy Cận lấy chị họ của tôi cũng chết vì chó điên cắn trong dịp này.
Năm 1952 tôi về học gần nhà (cách 3km) tại trường cấp 2 Đại Đồng vừa được khai trương (chỉ có 2 lớp đầu cấp là lớp 5 và lớp 6) để rồi sang năm 1953 lại phải đi xa để học lớp 7, vì nạn chó điên tôi phải nghỉ học hơn nửanăm. Các bạn đi học cùng tôi từ trước, nay cũng thôi học gần hết, người thì đi nghề khác, kẻ thì trở về làm nghề nông hoặc đi bộ đội, dân công hỏa tuyến – vì đa số tuy cùng học nhưng đều lớn tuổi hơn tôi (từ 2 đến 10 tuổi). Cuối năm 1953 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển từ giai đoạn cầm cự qua tổng phản công, các chiến dịch miền Nam Trung Bộ, chiến dịch Tây Bắc – Bắc Lào rồi chiến dịch Điên Biên Phủ mở màn, cuộc tổng động viên nhân lực, vật lực, dân công hỏa tuyến đã đưa tất cả lực lượng sản xuất chính phục vụ chiến trường. Lớp nhỏ chúng tôi cùng các bà, các mẹ trở thành lao động chính ở hậu phương. Không việc gì Đội thiếu nhi tháng Tám chúng tôi không làm. Tuy vất vả nhưng ít ai vắng mặt. Các ngày lễ, Tết như Tết Trung thu, chúng tôi háo hức tổ chức cắm trại, văn nghệ, liên hoan và hồi hộp lắng nghe đọc thư Bác Hồ gửi các cháu thiếu nhi: “Trung thu trăng sáng như gương, Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng…” Chúng tôi rước đèn ông sao đi quanh làng trên, xóm dưới, hô khẩu hiệu, hát: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh…” Sau buổi rước đèn là tổ chức văn nghệ, diễn kịch tại sân đình, có năm chúng tôi còn đi diễn lưu động ở Ân Phú, Hạ Hòa (Đức Ân và Đức Hòa sau này), cuối buổi văn nghệ thường có cháo gà hoặc chè đỗ đen (nấu với đường phèn màu nâu) do các “Mẹ chiến sĩ” chiêu đãi.
Đầu năm 1954, tháng Việt – Trung – Xô được tổ chức rầm rộ, đội chúng tôi lại hăng say múa hát, hoạt động tuyên truyền. Tôi được cử đi tập huấn ở huyện để về hướng dẫn lại cho bạn bè. Các mẹ, các bà cũng nhảy múa “Yêu hòa bình Tổ quốc chúng ta…” Hay “Bước đi dân U-cờ-ren vui mừng reo hát…” Khắp thôn làng rộn rã tiếng ca! Cũng phải nói thêm rằng từ giữa năm 1953 ở huyện Đức Thọ thí điểm “giảm tô, giảm tức”, đấu tố địa chủ. Học sinh cấp 2 chúng tôi được huy động tham gia gây không khí. Ông Hoàng Gia Thiện – cháu đích tôn cụ Quận Hoàng Cao Khải bị đưa đấu thí điểm tại sân chợ Hạ (ở Châu Phong) với sự chỉ đạo của chuyên gia Trung Quốc. Về cuộc Giảm tô và cải cách ruộng đất – người cày có ruộng đã có nhiều bài viết đánh giá kết quả và sai lầm. Sau này đã có cuộc “sửa sai”. Lúc ra học Đại học tại Hà Nội, tôi nhớ như in hình ảnh Bác Hồ lấy khăn lau nước mắt khi nói về sai lầm của cải cách ruộng đất. Ở quê tôi tiếp theo cải cách ruộng đất là “chấn chỉnh tổ chức” cũng nhiều sai lầm về sau mới phát hiện! Những sai lầm ấu trĩ tả khuynh và giáo điều!
Học sinh chúng tôi với đội thiếu nhi tháng 8 đã trải nghiệm qua giai đoạn hào hùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những gian khổ khó khăn mà toàn dân phải chịu đựng, vượt qua để giành chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đưa tới hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình cho nửa đất nước. Cũng nhờ được tôi luyện và sự dạy dỗ đào tạo của các thầy, cô giáo rất tâm huyết, có tài về sư phạm từ tiểu học (cấp I) đến trung học (cấp II, cấp III) mà về sau mỗi chúng tôi đều tự lập được trong cuộc sống, trong học tập và trong nghề nghiệp. Có thể từ việc tham gia đội Thiếu sinh quân, Đội Nhi đồng tháng 8 mà về sau khi Ban tổ chức Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động đi xác minh lý lịch để đưa tôi tham gia Ban chấp hành TW khóa 3 có ghi – Ngày và nơi tham gia cách mạng: Năm 1951 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Các bạn cùng lứa với tôi hồi đó nay kẻ còn, người mất song ai cũng có một cuộc sống có ích cho gia đình, cho xã hội. Có người đã thành anh hùng lao động như GS, Bác sĩ Trần Quỵ – nguyên Giám đốc Bệnh viên Bạch Mai.
Cám ơn gia đình, các thầy cô đã dạy dỗ, các bạn bè cùng thế hệ và các bậc đàn anh đã để lại nhiều ký ức đẹp trong “Dòng đời” của tôi./.
Phan Văn Hạp [4]
Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội