Từ cậu học sinh mê văn đến chàng sinh viên khoa triết
Ba năm sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, cậu thiếu niên Dương Phú Hiệp mới từ vùng quê nghèo Xuân Hòa, Vĩnh Phúc lên học ở Thủ đô. Hà Nội sang thu thật đẹp và buồn, những ngôi biệt thự cổ kính đang ẩn mình dưới tán cây cổ thụ, phố phường tấp nập người và phương tiện qua lại khiến một người lần đầu như ông ra Thủ đô không khỏi bỡ ngỡ. Được ông Lương Quang, một người bạn cũ của bố giúp đỡ, Dương Phú Hiệp vào học lớp 8 ở trường cấp III trên đường Lý Thường Kiệt (nay là trường Phổ thông trung học Việt – Đức). Ngoài thời gian đi học, cậu học trò Dương Phú Hiệp phải tranh thủ làm thêm như bóc lạc cho mậu dịch, dán hộp để có tiền trang trải cuộc sống. Trên lớp, ông tham gia nhiệt tình công tác đoàn như viết báo tường, làm thơ, viết kịch… đến nay ông vẫn nhớ những câu thơ đầy sức sống trong bài Thời niên thiếu:
Tuổi niên thiếu bừng bừng bao lửa sống
Máu sôi lên như sức sóng thủy triều
Trong trái tim hằn bao nét thương yêu
Trong trí não chứa đựng nhiều mơ ước ….
Có lần, thầy giáo chủ nhiệm dạy Văn biết hoàn cảnh ông khó khăn nhưng vẫn chăm học nên tháo chiếc đồng hồ đeo tay, đưa cho học trò và bảo: ‘‘Thầy tặng em chiếc đồng hồ, em có thể sử dụng, nếu không thì bán lấy tiền để trang trải cuộc sống’’[1]. Tuy nhiên, Dương Phú Hiệp từ chối với lý do bản thân tự kiếm đủ tiền để sống. Năm 1959, Dương Phú Hiệp và 3 người bạn cùng lớp đăng kí thi vào khoa Văn, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và hẹn nhau nếu thi đỗ sẽ ra Tràng Tiền ăn kem, nhưng cuối cùng chỉ có ông đỗ. GS Hiệp cho biết : ‘‘Lúc đi xem kết quả, thấy tên mình trên bảng thông báo, tôi mừng phát khóc. Có bác phụ huynh đi xem kết quả thi cho con, thấy vậy tưởng tôi khóc vì trượt nên liền khuyên: Thôi cháu ạ, con bác cũng trượt rồi, trượt lần này thì cố gắng lần khác!’’[2].
Cuối năm 1959, Dương Phú Hiệp vào học khoa Văn, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội ở số 19 phố Lê Thánh Tông. Vì gia đình ở xa nên chàng tân sinh viên được bố trí ở tại kí túc xá của trường ở bãi Phúc Xá (nay là phường Phúc Xá, quận Ba Đình). Ba tháng sau, nhà trường thông báo ông được cử ra nước ngoài học triết học, dù chưa biết sẽ đi học nước nào nhưng ông rất vui mừng, mấy đêm liền không ngủ được. Dương Phú Hiệp suy nghĩ: ‘‘Nếu đi Liên Xô và các nước Đông Âu thì tốt bởi điều kiện phát triển, còn Trung Quốc thì vẫn nghèo cũng giống Việt Nam’’[3]. Rất may, ông được cử sang Liên Xô học ở trường ĐH Tổng hợp quốc gia Moskva, mang tên Lomonosov. Ngày đó, ở Việt Nam chưa đào tạo triết học nên với một cậu sinh viên năm đầu đại học, khái niệm triết học còn rất mơ hồ. Ngày hôm sau, Dương Phú Hiệp đi đến hiệu sách ở trên phố Tràng Tiền tìm mua cuốn Từ điển triết học. Khi tra khái niệm “triết học”, ông được hiểu “Triết học là tình yêu đối với sự thông thái”[4]. Vốn yêu quý sự thông thái, nên ông thấy yêu triết học một cách tự nhiên đầy cảm tính của tuổi trẻ như thế.
Sinh viên Dương Phú Hiệp (hàng đầu, thứ nhất từ phải) cùng bạn bè khoa Triết học,
tại trường Đại học Tổng hợp Lomonosov, khoảng năm 1960-1964
Đến với chân trời tri thức mới
Đứng ở ga Hàng Cỏ, Dương Phú Hiệp cùng 14 bạn học khoa Triết như Đặng Xuân Kỳ (con trai Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh), Nguyễn Văn Ân, Lê Hữu Tầng, Hoàng Thế Rương, Nguyễn Trọng Chuẩn, Lại Văn Toàn… nhìn ngắm phố phường Hà Nội lần cuối trước khi lên tàu sang Liên Xô. Hà Nội đang vào những ngày giữa thu của tháng 8-1960, một cảm giác buồn gợi sự chia ly của người đi xa xứ. Nhưng với họ, trước mặt là một chân trời tri thức mới đang mở ra. Tiếng còi tàu hỏa vang lên phá vỡ không gian tĩnh lặng, đoàn tàu chuyển bánh, mang hơn 100 sinh viên đến các trường đại học khác nhau của Liên Xô học tập. Hai tuần sau, tàu dừng ở thủ đô Moskva để những sinh viên học các trường tại đây xuống tàu. Ông Hiệp và các bạn được chuyển vào ở ký túc xá Solomưka cùng với các sinh viên nước ngoài khác.
Năm đầu đại học, ông Hiệp phải học các môn tự nhiên như: toán, lý, lôgic…, rồi chuyển sang môn chuyên ngành như: triết học cổ đại phương Đông, triết học cổ đại phương Tây, triết học thế kỷ 17-18, triết học cổ điển Đức, triết học Mác… Lúc sắp thi cuối kỳ môn lịch sử triết học Nga, sinh viên Dương Phú Hiệp cùng các bạn lên thư viện nhà trường đọc sách. Thư viện đóng cửa lúc 10 giờ tối, mà ông vẫn chưa đọc hết thông tin thầy giáo yêu cầu. Còn câu hỏi cuối về các bức thư của Chaadaev gửi về nước Nga (gồm 25 bức thư), ông chỉ kịp lướt qua. Ngày hôm sau đến phòng thi, ông bốc phải đề có hai câu hỏi: câu hỏi thứ nhất là trình bày về những bức thư của Chaadaev gửi về Nga, câu thứ hai yêu cầu trình bày về tư tưởng triết học của một nhà triết học Nga. Do câu hai học kỹ nên ông xin được trả lời trước, thầy giáo thấy trả lời tốt nên yêu cầu chuyển sang trả lời câu thứ nhất. Tuy chưa học kỹ nhưng ông vẫn nhớ là có 25 bức thư và 3 bức thư đầu là quan trọng nhất, bởi thấy có nhiều ghi chú bên dưới do người đọc trước để lại. Thầy giáo khen ông học tốt và cho 5 điểm – điểm tuyệt đối.
Thời kỳ đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô luôn nhắc nhở các sinh viên phải tập trung học tập, chưa được nghĩ tới chuyện yêu đương, vi phạm sẽ bị đuổi về nước ngay. Ghi nhớ điều đó, ngoài giờ lên lớp, những lúc rảnh rỗi, sinh viên Hiệp thường lên thư viện đọc sách hoặc đi mua sách. Mỗi tháng, ông được học bổng là 50 rúp để chi tiêu. Có lần, ông Hiệp rủ ông Đặng Xuân Kỳ cùng đi mua sách. Ông chọn bộ Plekhanov toàn tập, còn ông Kỳ mua trọn bộ Mác – Ăngghen, hết tiền, cả hai rủ nhau đi hái rau rừng về ăn tạm cho đỡ đói. Có phụ nữ Nga nhìn thấy bèn hỏi: Các anh đang nuôi thỏ à?. Sau ba năm nỗ lực học tập, đầu năm 1964, Dương Phú Hiệp chọn đề tài Liên minh công nông ở Việt Nam để làm khóa luận, chưa kịp bảo vệ thì Đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô triệu tập sinh viên về nước học Nghị quyết 9 của Đảng về vấn đề chống chủ nghĩa xét lại. Sau đó, ông Hiệp cùng các sinh viên về nước dịp đó không trở lại Liên Xô để bảo vệ khóa luận, mà được phân công về các cơ sở làm việc. Tháng 9 năm đó, Dương Phú Hiệp và Lê Hữu Tầng[5] được phân về công tác ở Viện Triết học, thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.
Từ lý luận đến thực tiễn
Đầu năm 1965, Dương Phú Hiệp trong đoàn cán bộ của Viện Triết học sơ tán lên vùng Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Giang) để tránh cuộc ném bom phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ. Lúc này, trong nội bộ Viện Triết học đang có những vấn đề phức tạp. Đầu năm 1967, ông Phạm Như Cương, khi đó là Viện trưởng Viện Triết học liền có chủ trương đưa cán bộ về nông thôn nắm bắt tình hình thực tế, đưa lý luận soi vào thực tiễn. Với ông Hiệp, đây cũng là dịp nghiên cứu thực tế về giai cấp công nhân và nông dân mà ông từng làm trong khóa luận tốt nghiệp của mình. Mấy tháng sau, một đoàn cán bộ Viện Triết do ông Phạm Huy Châu – Trưởng phòng Duy vật lịch sử, cùng 4 cán bộ là: Nguyễn Văn Lân, Trần Côn, Dương Phú Hiệp, Lê Thi xuống tỉnh Thái Bình để khảo sát tình hình, phục vụ nghiên cứu vấn đề: Đấu tranh giữa hai con đường trong thời kỳ quá độ, để trả lời câu hỏi: Ai thắng ai?. Khi đó, tỉnh Thái Bình cũng tiến hành khoán hộ ở một số địa phương nhỏ lẻ, do chịu ảnh hưởng của chủ trương khoán ở tỉnh Vĩnh Phú do ông Kim Ngọc[6] khởi xướng. Chuyến công tác kéo dài khoảng 1 tháng, ông Hiệp và mọi người đi bằng phương tiện xe đạp, phía sau chở vali quần áo để về Thái Bình, riêng ông Trần Côn bận việc về sau. Trên đường đi, trời mưa rất to làm đường lầy lội, có những đoạn ông Hiệp phải vác xe cho bà Lê Thi. Đến thị xã Thái Bình, nhà cửa đều đóng kín bởi dân đi sơ tán về vùng nông thôn để tránh máy bay Mỹ ném bom. Đoàn công tác phải đạp xe ra ngoài thị xã để hỏi thăm người dân nơi cơ quan tỉnh ủy Thái Bình sơ tán. Nhìn mọi người ăn mặc không chỉnh tề, nhếch nhác, người dân còn nghi ngờ nên không nói. Chiều hôm đó, ông Côn đạp xe tới nơi, bên hông đeo chiếc đèn pin và chiếc đài nhìn rất oách nên người dân chỉ đường cho ngay. Trường Đảng của tỉnh Thái Bình sơ tán ở trong một ngôi làng, cách thị xã khoảng hơn 10 km, Giám đốc trường Đảng Thái Bình là ông Vân, cán bộ cũ của Viện Triết học nên mọi người đến gặp mong ông Vân giúp đỡ nhằm thuận tiện hơn trong quá trình khảo sát và nghiên cứu. Sau đó, 4 người trong đoàn được Tỉnh ủy Thái Bình bố trí vào sống trong nhà dân. Hàng ngày, đoàn khảo sát chia nhau đi về các hợp tác xã để nắm bắt tình hình sản xuất của địa phương. Nhớ về đợt khảo sát thực tế đó, GS Hiệp nhận xét : “Tinh thần làm việc của người nông dân rất hăng say, họ luôn tự hào là quê hương 5 tấn. Buổi tối, tôi còn tham dự buổi chấm công hay trao đổi cùng các xã viên về tình hình sản xuất”[7]. Tuy nhiên, một bộ phận nông dân tuy làm việc trong hợp tác xã nhưng không nhiệt tình, họ làm cho có lệ và tập trung vào ruộng 5 phần trăm của gia đình. Cũng qua chuyến đi khảo sát thực tế ở Thái Bình đã khơi nguồn cho ông Hiệp bắt đầu đi sâu nghiên cứu thời kỳ quá độ, đặc biệt là hiện thực về đấu tranh giai cấp.
Sau chuyến công tác ở Thái Bình, ông Dương Phú Hiệp đề đạt với Viện trưởng Phạm Như Cương được về công tác ở thành phố Hải Phòng để tìm hiểu đời sống của giai cấp công nhân. Tháng 12-1968, ông Hiệp được đi xe Com-măng-ca “đít vuông”[8], đây là xe của ông Cương được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng, chở xuống Hải Phòng. Trong 3 tháng đầu, ông Hiệp được ông Nguyễn Văn Phùng – Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Hải Phòng bố trí nơi ở và chỗ làm việc ở trong thành phố, sau đó, ông được phân về thâm nhập thực tế ở nhà máy Cơ khí Duyên hải. Nhà máy này khi đó đang là lá cờ đầu sản xuất ở miền Bắc: gió Đại phong, sóng Duyên hải với quy mô hơn 1000 công nhân. Phương châm mà ông thực hiện là ba cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với công nhân. Mỗi tuần 1 lần, chi đoàn và công đoàn nhà máy tổ chức để ông Hiệp nói chuyện với công nhân ở hội trường của nhà máy về các vấn đề ý thức, lối sống và xây dựng con người. Ông cũng đề nghị với lãnh đạo nhà máy sắp xếp cho ông làm ca đêm để vừa làm việc, vừa tìm hiểu thêm cuộc sống công nhân. Có lần, ông được phân công đứng máy tiện, thực hiện thao tác đưa nguyên liệu vào máy. Do thiếu kinh nghiệm và trang thiết bị bảo hộ lao động, nên ông suýt bị máy tiện vào tay. Theo ông nhận thấy: “Tuy tinh thần làm việc của công nhân rất hăng say, chịu đựng gian khổ và giàu lòng yêu nước, nhưng đời sống còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, đưa một người thiếu trình độ chuyên môn như tôi đứng sản xuất là chưa hợp lý”[9]. Có câu chuyện về cuộc sống của người công nhân, được ông Hiệp kể lại: Cuộc sống của công nhân nhà máy khi đó khá đạm bạc, chủ yếu là cơm rau. Tháng 2-1969, ông Đỗ Mười – Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước, Trưởng phái đoàn thanh tra của Chính phủ, về thăm nhà máy nên ông Hiệp và công nhân được ưu đãi ăn phở có ít thịt. Một anh công nhân vì phải hoàn thành công việc nên đến muộn và được ăn suất phở của lãnh đạo. Lần đầu được ăn bát phở nhiều thịt, người công nhân này đã khoe cho tất cả công nhân đang ngồi trong nhà ăn biết và đem so sánh với bát phở bình thường của các công nhân khác. Giám đốc là ông Nguyễn Văn Cổn và Bí thư là ông Nguyễn Văn Cần không muốn việc này thành chuyện, nhưng người công nhân kia vẫn làm ầm ĩ lên, khiến cho các vị lãnh đạo không ai dám ăn tiếp. Tháng 5-1969, ông Hiệp kết thúc chuyến công tác và trở về Hà Nội. Hai chuyến đi thực tế để lại cho ông nhiều kỷ niệm, thấy được cuộc sống, tinh thần lao động của mọi người trong tình hình đất nước đang có chiến tranh. Sau đó, ông Hiệp đã tổng kết và viết bài: Phát huy vai trò của nhân tố chủ quan trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta đăng Tạp chí Triết học, số 2, 1973.
Bản nhận xét ông Dương Phú Hiệp trong thời gian về công tác thực tế
tại Nhà máy Cơ khí Duyên Hải, ngày 14- 5-1969
Đầu năm 1976, ông Đinh Đức Thiện – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước [10], đã cử một đoàn cán bộ Viện Triết học gồm các ông: Phạm Như Cương, Vũ Hồng Lịch, Dương Phú Hiệp, Nguyễn Thanh Bình và một cán bộ nữa vào miền Nam giảng dạy triết học về chuyên đề thời kỳ quá độ và tìm hiểu thêm đời sống của người dân. Tháng 2-1976, đoàn công tác đến thành phố Hồ Chí Minh, ông Hiệp được phân công giảng ở Viện KHXH miền Nam, ở số nhà 49 đường Xô viết Nghệ Tĩnh. Người học là những nhân vật cao cấp trong chính quyền cũ như: Dương Văn Minh – nguyên Tổng thống, Vũ Văn Mẫu – nguyên Thủ tướng… Sau gần 1 năm giảng về thời kỳ quá độ với các vấn đề chuyên chính vô sản, sự đấu tranh giữa hai con đường… Sau đó các học viên làm bài thu hoạch.Và qua những ý kiến của học viên thể hiện trong bài, cán bộ tham gia thuyết giảng nắm được nhận thức, quan điểm của họ. Tháng 8-1976, ông Hiệp trở lại Hà Nội, ngay sau đó, ông đã có bài Về sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đăng trên Tạp chí Triết học[11]… Hai năm sau, ông Hiệp tiếp tục đi khảo sát tình hình sản xuất kinh tế tại thành phố Đà Nẵng. Biết đoàn cán bộ của Viện Triết học đến thăm, ông Chủ nhiệm hợp tác rất niềm nở đón tiếp. Qua những buổi trò chuyện, ông Hiệp muốn tìm hiểu trình độ lý luận của cán bộ hợp tác xã khu vực miền Nam hiểu thế nào về thời kỳ quá độ. Sau đó, đoàn có đi thăm các cánh đồng của hợp tác xã thì thấy tình hình sản xuất trì trệ, đồng ruộng nhiều nơi hoang hóa. Đang nghiên cứu dang dở thì ông nhận được thông báo của Viện Triết học cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh.
Tháng 1-1980, ông Dương Phú Hiệp sang Liên Xô học tập, tại khoa Triết, trường ĐH Tổng hợp Lomonosov. Tháng 9 năm 1981, nghiên cứu sinh Dương Phú Hiệp hoàn thành và bảo vệ luận án PTS với đề tài Cái chung và cái đặc thù trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông rất tâm đắc lời GS Lasin, thầy nhận hướng dẫn đã từng nói với ông: “Hữu nghị là hữu nghị, khoa học là khoa học”[12]. Với ông, nhiều luận cứ trong bản luận án được đúc kết từ nhiều kết quả nghiên cứu thực tiễn trong nước, như ở Thái Bình, Hải Phòng và các tỉnh phía Nam. Chính thực tiễn lại góp phần bổ sung và đúc kết cho lý luận, và luận án đã góp phần nhìn nhận rõ hơn thực tiễn thời kỳ quá độ ở Việt Nam. Trong đó, ông đã dành phần 2, chương I là Cơ sở lý luận chính sách của các Đảng Mác – Lênin trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đặc điểm của chiến lược và sách lược của Đảng cộng sản Việt Nam để phân tích cho thời kỳ quá độ. Tháng 2-1982, nghiên cứu sinh Dương Phú Hiệp bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ và trở về nước. Sau đó, PTS Dương Phú Hiệp đã viết bài Cái phổ biến và cái đặc thù trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (bằng tiếng Nga), gửi sang Tạp chí Chủ nghĩa cộng sản khoa học ở Moskva và được đăng trên số 1, 1983. Ngoài ra, ông còn viết nhiều bài về thời kỳ quá độ đăng trên các tạp chí trong nước và nội dung các bài được ông Hà Nghiệp – Trợ lý văn phòng Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh rất quan tâm. Vào giữa năm 1984, theo lời mời của Tổng bí thư Kaysone Phomvihane, ông Dương Phú Hiệp và một số nhà nghiên cứu được cử sang Lào làm cố vấn với nhiệm vụ giảng bài cho cán bộ về quá trình đổi mới Việt Nam, góp ý xây dựng văn kiện Đại hội IV, Đại hội V của Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Mỗi lần sang Lào công tác kéo dài khoảng 4 đến 6 tháng, đến năm 1990, ông Hiệp kết thúc nhiệm vụ cố vấn cho Lào.
Nghiên cứu đổi mới
Nhớ về nhóm nghiên cứu đổi mới, GS Dương Phú Hiệp kể: Cuối năm 1983, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh trao đổi với ông Hà Nghiệp và Trần Nhâm về tình hình cấp bách của đất nước. Ông Trường Chinh yêu cầu lập một nhóm nghiên cứu, nhưng cần: “ chọn những người có đầu óc mới mẻ, hiểu chính sách kinh tế mới”[13]. Khi đó, ông Trường Chinh trình lên Bộ Chính trị xin cho phép lập một nhóm nghiên cứu và được chấp thuận. Năm 1984, nhóm Nghiên cứu đổi mới[14] được thành lập, theo PGS Đào Xuân Sâm cho biết: “Nhóm không có quyết định thành lập mà chỉ gửi giấy mời mọi người đến họp công việc, sau đó tự giải thể”[15]. Trong buổi gặp mặt đầu tiên, ông Trường Chinh nói với các thành viên tham dự, đại ý: Tôi biết các đồng chí là những nhà khoa học, những người yêu nước, muốn đóng góp. Tuy nhiên, nếu phát biểu bên ngoài những ý kiến thẳng thắn có thể bị quy chụp. Nhưng ở đây, chúng ta cứ nói thẳng, nói hết, để tôi tìm cách trình bày lại trong Bộ Chính trị, để Bộ Chính trị tìm biện pháp khắc phục những thiếu sót của đất nước
Các cuộc họp của nhóm nghiên cứu thường diễn ra ở Văn phòng Quốc hội, số 35- Ngô Quyền, mọi người thường thảo luận cởi mở và thẳng thắn nhiều vấn đề về tình hình đất nước. Trong đó, ông Hiệp thường tham gia về thời kỳ quá độ và phân kỳ trong lịch sử. Một lần, mọi người đang trao đổi đến nội dung phân kỳ lịch sử, ông Trường Chinh hỏi các thành viên trong nhóm: Khi nào nước ta kết thúc thời kỳ quá độ, khi nào nước ta kết thúc chặng đường đầu tiên?. Mọi người đưa ra những mốc thời gian khác nhau, đến lượt ông Hiệp trả lời không biết thì cả phòng ngạc nhiên. Ông Trường Chinh liền bước đến gần và nói: ‘‘Anh là chuyên gia về thời kỳ quá độ, sao lại nói không biết ?’’ Ông Hiệp xin phép kể một câu chuyện dân gian Nga cho ông Trường Chinh và mọi người nghe, sau đó giải thích với tình hình đất nước, nếu kinh tế cứ giậm chân tại chỗ thì không biết bao giờ mới đi xong một chặng đường.
Đề cương phát biểu ý kiến với nhóm nghiên cứu, ngày 7-9-1984
Ông Hiệp cũng viết nhiều bài trao đổi, phê phán vấn đề đốt cháy giai đoạn, tư tưởng nóng vội khi đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong bài viết Về thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, ông đã trình bày quan điểm của mình về những vấn đề xoay quanh các giai đoạn của thời kỳ quá độ ở nước ta. Bài viết sau đó được gửi đến ông Trường Chinh. Trong lần gặp mặt các thành viên trong nhóm vào dịp đầu năm mới, với hi vọng đất nước sớm đi qua thời kỳ khó khăn, ông Trường Chinh đọc bài thơ Hửng nắng mới sau ngày tiết lập xuân bằng chữ Hán của cụ Cao Bá Quát với đại ý:
Xuân đến xua tan rét cuối đông,
Sáng nay đua nở, tía chen hồng.
Việc đời sao được như hoa nhỉ?
Mưa gió rạng ngời khắp núi sông
Sau Đại hội VI của Đảng năm 1986, một số người trong nhóm nghiên cứu như Hà Nghiệp, Nguyễn Văn Đào, Nguyễn Thiệu, Trần Nhâm, Dương Phú Hiệp tiếp tục được tham gia Tổ biên tập cương lĩnh cho Đại hội VII, do ông Hoàng Tùng làm tổ trưởng.
Từ những năm 90, GS Dương Phú Hiệp mở rộng nghiên cứu triết học gắn với văn hóa và con người Việt Nam. Ông tham gia nghiên cứu đề tài: Xây dựng con người và phát triển văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, đề tài cấp nhà nước, giai đoạn 2006-2010; Ông là tác giả cuốn sách Nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam hiện nay (NXB Chính trị quốc gia, 2010)…
Với GS Dương Phú Hiệp, con đường học tập và nghiên cứu triết học có những khúc gập ghềnh bởi yếu tố chiến tranh và điều kiện nghiên cứu khoa học. Nhưng ở tuổi gần 80, ông vẫn say mê tìm tòi và nghiên cứu triết học, bởi với ông: “Khoa học xã hội là rất khó, và đặc biệt là Triết học, việc vận dụng triết học để giải thích các vấn đề lý luận cho đúng đắn và phù hợp, tránh xa rời thực tế vẫn còn lắm chông gai”. Và “tình yêu của sự thông thái” luôn mang một vẻ đẹp có sức quyến rũ mê hồn mà ông khó có thể nào dứt bỏ.
Ngô Văn Hiển
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
* GS.TS Dương Phú Hiệp, nguyên Phó viện trưởng Viện Triết học (1986-1991), nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản (1993-2004), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
[1], [3], [13] Phỏng vấn GS.TS Dương Phú Hiệp ngày 11-6-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[2] Báo cáo sơ kết GS.TS Dương Phú Hiệp ngày 26-3-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[4] http://www.uef.edu.vn/huong-nghiep/nganh-nghe/nha-triet-hoc.
[5] GS.TS Lê Hữu Tầng, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (1993-2001) (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt
[6] Kim Ngọc (1917-1979), nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú (nay là hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) giai đoạn 1968-1977.
[7] Phong vấn GS.TS Dương Phú Hiệp ngày 5-11-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[8] Theo công văn số 138-TTg ngày 25-6-1960, xe Com – măng – ca đít vuông là loại xe dành cho cán bộ cấp vụ hoặc cán bộ tương đương cấp vụ ở các cơ quan Trung ương.
[9] Phỏng vấn GS.TS Dương Phú Hiệp ngày 16-7-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[10] Theo khoản 3, điều 2 của Nghị định 43 –CP, ngày 4-4-1962 về Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Khoa học nhà nước.
[11] Năm 1977, ông Dương Phú Hiệp và ông Nguyễn Trọng Chuẩn đồng chủ biên cuốn sách Những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác, Ăngghen, Lênin về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ, do Nhà xuất bản Sự thật ấn hành.
[12] Phỏng vấn GS.TS Dương Phú Hiệp ngày 9-7-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[14] Nhóm nghiên cứu tồn tại trong 3 năm (1984-1986) gồm một số người: Lê Xuân Tùng, Lê Văn Viện, Nguyễn Thiệu, Trần Đức Nguyên, Võ Đại Lược, Dương Phú Hiệp, Trần Nhâm, Đào Xuân Sâm…..
[15] Phỏng vấn PGS Đào Xuân Sâm ngày 17-11-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt