Tháng 10 năm 1947, cuộc kháng chiến toàn quốc của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai đang ở giai đoan cực kỳ khó khăn gian khổ. Ở miền Bắc, Pháp đã mở rộng vùng chiếm đóng ra các tỉnh xung quanh Hà Nội như Phúc Yên, Vĩnh Yên, Hà Đông, Sơn Tây… Căn cứ địa kháng chiến của chúng ta lúc này nằm trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, các tỉnh vùng Đông Bắc Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn. Đời sống của lực lượng vũ trang và nhân dân vùng tự do vô cùng thiếu thốn.
Trong khó khăn trăm bề, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Thứ trưởng Bộ Y tế Tôn Thất Tùng và Vụ trưởng Vụ Đại học kiêm Giám đốc trường Đại học Y Dược khoa Hồ Đắc Di vẫn quyết định cho Khai giảng năm học mới của trường Y nhằm cung cấp bác sĩ cho cuộc kháng chiến của toàn dân. Có thể nói đây là một quyết định táo bạo trong điều kiện khó khăn thiếu thốn ở Chiến khu, nhưng lại rất đúng đắn và kịp thời vì nhu cầu cán bộ Y tế có trình độ đại học của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên khắp các chiến trường Bắc-Trung-Nam rất lớn.
Lễ khai giảng được tổ chức vào sáng ngày 6 tháng 10 năm 1947 tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang
Chiêm Hóa là một huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang. Từ thị xã Tuyên Quang lên Chiêm Hóa có 2 đường:
– Đường bộ, theo Quốc lộ số 2 lên tới cây số 31, rồi rẽ về hướng Đông theo đường đất khoảng 30 km vào huyện lỵ Chiêm Hóa.
– Đường sông, ngược dòng sông Gâm lên huyện lỵ Chiêm Hóa.
Địa điểm được chọn lựa để triển khai dạy học của trường Đại học Y là ở phía Bắc huyện lỵ Chiêm Hóa, hai bên Ngòi Quẵng, cách huyện lỵ khoảng 5km, nay thuộc xã Phúc Thịnh. Ngòi Quẵng là con ngòi nhỏ chảy từ bắc huyện Chiêm Hóa ra sông Gâm, nơi gần huyện lỵ Chiêm Hóa. Về mùa cạn, nước nông, có thể lội bộ hoặc dùng mảng để qua ngòi, nhưng về mùa mưa, nước lũ chảy xiết, phải qua lại bằng thuyền.
Lúc này, trường đã bắt đầu xây dựng được một số cơ ngơi dùng cho việc giảng dạy và học tập. Ở bờ phải Ngòi Quẵng, trường đã làm được 2 nhà sàn cho sinh viên ở, gọi là nhà A và nhà B. Nhà làm bằng tre nứa, lợp lá gồi. Tầng dưới để trống, tầng trên mỗi nhà có 3 gian, được ngăn bằng vách nứa, mỗi gian dùng cho 2 sinh viên ở. Tầng trệt của nhà A được dùng làm giảng đường. Cấu trúc giảng đường cũng đơn giản: không có tường vách ngăn; ghế ngồi là những cây bương bắc trên cọc gỗ. Không có bàn cho sinh viên. Bàn giảng viên làm bằng tre nứa. Cách khu nhà ở của sinh viên khoảng 200m là khu bệnh viện thực hành, được dựng trên một ngọn đồi, với một số nhà tre nứa làm phòng mổ, nhà điều trị bệnh nhân. Nhân viên của bệnh viện là những y tá trưởng, y tá và hộ lý của Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt-Đức) từ Hà Nội sơ tán theo bệnh viện lên Chiêm Hóa, mang theo các dụng cụ mổ xẻ và những bông băng thuốc men cần thiết. Do mới chỉ làm được 2 nhà lá cho sinh viên, nên một số sinh viên còn ở phân tán tại các vị trí khác: có sinh viên tạm trú trong bản, ở cùng dân, có sinh viên sống dưới bè cố định buộc dây neo trên ngòi Quẵng, có sinh viên ở cùng gia đình các thầy Di, Tùng.
Các thầy sơ tán từ Hà Nội lên Chiêm Hóa ở bên bờ trái Ngòi Quẵng, làm lán ở những khu vực kín đáo, phân tán, ven ngòi hoặc trong rừng, thuộc làng Bình, làng Ải. Có gia đình thầy Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, gia đình thầy Hồ Đắc Di, Giám đốc Vụ đại học kiêm Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược khoa, gia đình thầy Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm giảng viên trường Đại học Y, gia đình Thạc sĩ Ngụy Như Kontum, gia đình bác sĩ Vưu Hưu Chánh. Riêng bác sĩ Đặng Văn Chung không đưa gia đình lên Chiêm Hóa.
Lễ khai giảng được tổ chức giản dị nhưng trang trọng tại Giảng đường nhà A. Tới dự lễ khai giảng có:
– Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ cơ quan Bộ Quốc phòng (Bộ trưởng đi cùng một đoàn cán bộ từ nơi đóng quân của cơ quan Bộ ở vùng rừng núi giáp 2 tỉnh Thái Nguyên-Tuyên Quang lên dự Lễ khai giảng)
– Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Văn Huyên
– Thứ trưởng Bộ Y tế Tôn Thất Tùng
– Vụ trưởng Vụ Đại học kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược khoa Hồ Đắc Di
– Thạc sĩ Ngụy Như Kontum, Tổng Giám đốc Tiểu học vụ, đồng thời là giảng viên Trường Đại học Y dược
– Các giảng viên nhà trường: bác sĩ Đặng Văn Chung, bác sĩ Vưu Hữu Chánh…
– Cùng đông đảo sinh viên các khóa của Trường.
Thực ra, trong ngày khai giảng, sinh viên cũ và mới chưa có điều kiện tựu trường đông đủ. Sinh viên các khóa trước đa số còn đang phục vụ ở khắp các chiến trường Bắc-Trung-Nam, tại các đơn vị chiến đấu hoặc tại các bệnh viện quân đội; chỉ một số ít sinh viên ở các đơn vị có điều kiện được về trường học tập. Khóa 1947, khóa mới, cũng chưa tập trung đủ sinh viên: chỉ khoảng 10 sinh viên có mặt hôm khai giảng. Thời gian đã quá lâu, nên tôi không còn nhớ những nội dung của lễ khai mạc. Sau buổi lễ, ai về nhà nấy, không có liên hoan như ngày nay.
Buổi học đầu tiên, thật bất ngờ, lại diễn ra ngay chiều hôm khai giảng: một em nhỏ người dân tộc Tày được gia đình cáng đến trong điều kiện hôn mê: bác sĩ Đặng Văn Chung đã khám cho em nhỏ ngay tại nhà ông cai Lãng (một cơ sở nấu ăn cho sinh viên ngay bên bờ Ngòi Quẵng) và hướng dẫn bên giường bệnh cho sinh viên những triệu chứng của một ca nghi lao màng não.
Ngay sau ngày Khai giảng, ngày 7 tháng 10, quân Pháp bất ngờ nhảy dù xuống chiếm đóng thị xã Bắc Cạn, mở đầu chiến dịch tiến công quy mô lớn lên Việt Bắc thu đông 1947. Ngay ngày hôm đó, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp rời Chiêm Hóa. Trường được lệnh cấp tốc sơ tán. Các sinh viên được cấp phát mỗi người 2 tháng sinh hoạt phí (180 đồng/tháng) với lệnh tự lo liệu nơi sơ tán và trở lại trường khi chiến sự kết thúc. Có người trở về đơn vị công tác cũ. Có người tạm lánh về gia đình ở vùng tự do. Riêng tôi cùng với một số sinh viên các khóa 1945 và 1946 đi lên phía Bắc huyện Chiêm Hóa, tạm lánh vào làng Dổm, một bản của đồng bào dân tộc Tày, cách trường khoảng 10 km.
Một cánh quân của Pháp theo đường sông Lô từ Việt Trì lên chiếm thị xã Tuyên Quang, rồi lại theo đường sông Gâm từ Tuyên Quang tiến lên Chiêm Hóa. Đã có chủ định từ trước, có bọn Việt gian dẫn đường, chúng theo đường rừng từ huyện lỵ Chiêm Hóa tiến vào khu vực của trường Đại học Y, sục vào khu vực làng Bình, làng Ải, dùng loa gọi hàng những cán bộ kháng chiến, trước hết muốn lôi kéo các thầy Huyên, thầy Tùng, thầy Di… trở về thành Hà Nội. Nhưng chúng đành chịu thua vì các thầy đã cùng gia đình lùi sâu vào trong rừng.
Thất bại trong việc tìm bắt các thầy của Bộ Quốc gia Giáo dục và trường Đại học Y, cánh quân của Pháp tiến đánh lên Chiêm Hóa-Tuyên Quang còn chịu thất bại nặng nề hơn, khi trên đường rút quân, nhiều tàu chiến của Pháp bị pháo binh của ta bắn chìm trên sông Gâm, sông Lô.
Cuối tháng 11 năm 1947, thầy và trò trở lại trường tiếp tục sự nghiệp giảng dạy và học tập. Sinh viên khóa Y47 đã lên tới 17 người. Các khóa khác cũng có nhiều sinh viên về tựu trường sau chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947.
Từ đó đến nay 64 năm đã trôi qua. Các thầy Huyên, Di, Tùng, Chung, Chánh… đã đi xa. Lớp sinh viên do trường đào tạo trong kháng chiến chống Pháp trẻ nhất là khóa Y52 (chiêu sinh năm 1952) cũng đã ở tuổi trên dưới 80. Nay người còn, người mất, nhưng tất cả đã trưởng thành; nhiều người đã được giao các trọng trách trong ngành, trở thành những cán bộ lãnh đạo, những chuyên viên đầu ngành giỏi như các Giáo sư Nguyễn Dương Quang, Bửu Triều, Nguyễn Huy Phan, Phạm Khuê, Trịnh Kim Ảnh, Hoàng Thủy Nguyên, Bùi Đại, Phạm Gia Khải, Trần Đỗ Trinh, Vi Huyền Trác, Phạm Song…
Ngày nay nhìn lại sự kiện Khai giảng Trường Đại học Y ở Chiêm Hóa tháng 10 năm 1947, có thể thấy:
– Sự chỉ đạo sáng suốt của Bộ Quốc gia Giáo dục, của Bộ Y tế và của Trường Đại học Y, mà trực tiếp là của thầy Huyên, thầy Di, thầy Tùng… khi quyết tâm mở trường đào tạo ngay tại Chiến khu Việt Bắc, vượt qua muôn vàn khó khăn về trường sở, về trang thiết bị, về đội ngũ giáo viên và những âm mưu phá hoại của địch. Lớp bác sĩ do nhà trường đào tạo không chỉ góp phần đắc lực vào việc phục vụ quân đội trong Kháng chiến chống Pháp, mà còn trở thành lực lượng nòng cốt của Y tế Việt Nam, cả Quân y và Dân y, trong sự nghiệp xây dựng ngành trong hòa bình cũng như trong các cuộc chiến tranh chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
– Các thầy không chỉ có quyết tâm cao trong sự nghiệp đào tạo trồng người, mà còn là tấm gương sáng cho ngành Y, cho lớp trẻ về tinh thần yêu nước, quyết tâm đi theo cách mạng, giàu sang không quyến rũ, gian khổ mấy cũng quyết tâm vượt qua. Cuộc sống ở Chiêm Hóa không phải không có những khó khăn. Trong nhật ký của mình viết khi thăm Trung Quốc-Triều Tiên năm 1951, trước sự đón tiếp nồng nhiệt của bạn, thầy Tùng đã viết: “…tôi nghĩ tới vợ tôi thiếu máu, con tôi gày còm, đứa con gái út thiếu sữa…” Những khó khăn thiếu thốn và bệnh tật trong Kháng chiến chống Pháp, sự lôi kéo của kẻ thù không thể làm ngã lòng người trí thức Việt Nam, quyết hy sinh tất cả vì sự nghiệp chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đấy cũng là những gương sáng chói của những thầy lớp trước để mỗi người chúng ta học tập noi theo trong thời kỳ sôi động nhưng tiềm ẩn không ít cạm bẫy hôm nay.
Đại tá, GS.TS Nguyễn Duy Tuân
Nguyên sinh viên Y khoa khóa 1947