Những kỷ vật còn lại của ông Nguyễn Thanh Quế

Ông Nguyễn Thanh Quế (1922-2008) quê tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ông từng tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Huế (1938-1941) và làm việc tại Xưởng Hỏa Xa ở Quảng Ngãi, Quảng Bình, là cán bộ của Ban kiến thiết Tổng Công đoàn Việt Nam ở Việt Bắc (1941-1951). Tháng 7-1951, ông cùng với 20 người khác được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cử đi học tập tại Liên Xô để sau này về xây dựng đất nước. Sang đây ông được phân công vào học trường Kỹ nghệ Trung cấp ngành mỏ Ry-man-xê-va và được cấp bằng tốt nghiệp vào tháng 6-1955.

Sau khi học tập ở Liên Xô trở về, ông giữ nhiều cương vị trong ngành Than: Phó Giám đốc kỹ thuật khu mỏ Hòn Gai, Phó Giám đốc Công ty Than Quảng Ninh (1960-1969). Đặc biệt, ông chính là một trong những người sáng lập ra Viện Thiết kế Mỏ (1965) và là Viện trưởng đầu tiên ở đây. Sau này, ông còn là Cục trưởng Cục Kiến thiết cơ bản, thuộc Bộ Điện và Than (1970-1978). Từ năm 1978 đến 1982, ông được cử về miền Nam và giữ chức Giám đốc Công ty Than miền Nam cho đến khi nghỉ hưu.

            Khi chúng tôi gặp gỡ với gia đình để tìm hiểu thông tin về ông Nguyễn Thanh Quế, bà quả phụ Võ Thị Nguyệt Hương bày tỏ sự cảm ơn của bản thân và gia đình về sự quan tâm nghiên cứu của Trung tâm đối với đoàn cán bộ đi học Liên Xô năm 1951. Bà đã chia sẽ những suy nghĩ cảm xúc, kỷ niệm của mình về người chồng quá cố, đồng thời trân trọng trao tặng những kỷ vật gắn với ông mà gia đình còn lưu giữ, và mong muốn Trung tâm hãy giữ gìn và bảo quản và phát huy một cách có ý nghĩa nhất.

Bà Võ Thị Nguyệt Hương, vợ của ông Nguyễn Thanh Quế

 

            Trong những kỷ vật bà Võ Thị Nguyệt Hương trao tặng Trung tâm có những tài liệu liên quan đến quá trình học tập ở Liên Xô của ông Nguyễn Thanh Quế: Bằng tốt nghiệp trường Trung cấp ngành của Ry-man-xê-va năm 1955; Bảng điểm kết quả từng môn học năm 1955; Bộ dụng cụ ông dùng trong sinh hoạt: dao, thìa, cốc bằng bạc,… mà sau này ông sử dụng cho đến khi mất. Ngoài ra còn có các kỷ vật khi ông công tác ở Bộ Điện và Than: Cặp da; các kỷ vật khi đi công tác ở Liên Xô;… và hàng trăm bức ảnh tư liệu được ông cất giữ trong suốt quá trình làm việc và học tập của mình.

 

Một số kỷ vật: cặp da, kính, bằng diplom, bảng điểm,…

 

            Trao những tư liệu và hiện vật này cho Trung tâm, bà Võ Thị Nguyệt Hương và gia đình muốn gửi gắm sự tin tưởng của mình, mong chúng sẽ giúp ích một phần nhỏ cho công việc gìn giữ những giá trị lịch sử đất nước. Những nghiên cứu viên của Trung tâm đã nhận sự ủy thác đó với tất cả trách nhiệm của mình, góp phần vào công tác xã hội hóa, làm cho mọi người hiểu được những giá trị lịch sử và nhân văn của những di sản đó.

Nguyễn Thanh Hóa

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam