PGS.TS Trần Hoàng Thành sinh năm 1952 tại Thừa Thiên Huế, khi chưa tròn 2 tuổi, ông được tập kết ra Bắc cùng bố mẹ năm 1954. Suốt thời gian cấp II và cấp III, Trần Hoàng Thành học tập và sinh sống cùng gia đình tại Quảng Bình – nơi chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt. Cùng với đó, bố mẹ đều theo ngành Y, bố ông là bác sĩ đa khoa. Đã nhiều lần ông được theo chân bố vào bệnh viện, tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát của người bệnh bởi vậy ông nuôi quyết tâm trở thành bác sĩ. Năm 1971, được sự định hướng của gia đình, Trần Hoàng Thành thi vào Đại học Y Hà Nội.
Trong suốt quãng thời gian Trần Hoàng Thành học phổ thông ở quê nhà, cuộc sống lúc bấy giờ vất vả, chiến tranh liên miên khiến gia đình nhiều lần phải sơ tán mỗi người một nơi. Hoàn cảnh khó khăn như thế nên điều kiện học tập của ông cũng như nhiều bạn đồng trang lứa ở quê không được tập trung, ổn định nhất là việc học ngoại ngữ. Bởi vậy, khi mới chân ướt chân ráo ra Hà Nội, Trần Hoàng Thành bị ngợp khi thấy các bạn có vốn tiếng Nga khá tốt, nhiều bạn có thể hát bằng tiếng Nga. Điều đó trở thành động lực để ông học ngày học đêm.
Đi sơ tán và cái Tết xa nhà
Nhập học đúng đợt Hà Nội bị ngập lụt trong trận đại hồng thủy tháng 8/1971, Trần Hoàng Thành phải theo trường sơ tán lên Thanh Thủy, Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ). Sau đó, do chịu ảnh hưởng của chiến tranh nên trường ở lại đây trong suốt 2 năm. Theo chia sẻ của PGS Trần Hoàng Thành thì hồi đó sinh viên ở trọ trong nhà dân, 2 – 3 sinh viên ở một nhà, cùng sinh hoạt với người dân rất ấm cúng. Ban ngày lớp học được tổ chức tại hội trường của hợp tác xã, cơ sở vật chất tạm bợ, sơ sài. Ban đêm Trần Hoàng Thành cùng bạn bè thắp đèn dầu học dưới hầm, sáng ra “hai lỗ mũi đen xì đầy khói”. Sau giờ học, ông và các sinh viên trường Y lại giúp người dân làm các công việc đồng áng như cấy lúa, gánh phân hoặc làm đường, tải đạn… Quãng thời gian ấy dù gian khổ nhưng đọng lại nhiều kỉ niệm đáng nhớ.
PGS.TS Trần Hoàng Thành vẫn miệt mài công tác tại MEDLATEC sau khi nghỉ hưu |
Nhưng buồn nhất và cũng đáng nhớ nhất có lẽ là cái Tết xa nhà năm 1972. Khác với các bạn học nhà ở ngoài Bắc những sinh viên miền Nam như Trần Hoàng Thành phải đón tết ở vùng sơ tán, bởi trong hoàn cảnh chiến tranh, giao thông không thuận tiện. Bởi vậy, trong những mảnh kí ức còn đọng lại của vị bác sĩ tuổi ngoài thất thập về thời sinh viên, những dịp lễ, Tết lúc nào cũng buồn và đạm bạc. Xa quê đến vùng sơ tán, thoát khỏi cảnh khói lửa nhưng đêm nào ông cũng nơm nớp lo âu về những người thân ở quê đang ngày đêm chống chọi với bom đạn của giặc Mỹ.
Ký ức về cơm tập thể
Sau 2 năm đi sơ tán, ông về lại Hà Nội bắt đầu học các môn lâm sàng. Đó là quãng thời gian khó khăn bởi cơ sở vật chất phục vụ học tập cũng như sinh hoạt rất sơ sài, đến nỗi sau này nhìn lại, nhiều lúc ông tự hỏi: “Tại sao mình lại có thể vượt qua, tồn tại đến bây giờ?” và nói vui rằng sinh viên mà sống giống như là “sinh vật.” Những ký ức về cơm tập thể vẫn hằn sâu trong trí nhớ của ông: Cơm được để trong chậu, quánh lại như bánh đúc, rau luộc vàng úa không rõ loại gì[1]. Bữa sáng của sinh viên thì phải tự túc, mà điều này gần như đồng nghĩa với nhịn đói. So với sinh viên các trường khác thì sinh viên trường Y thường gặp khó trong việc đi làm thêm vì không đủ thời gian. Tuy vậy, một số sinh viên vẫn tranh thủ những khi trống tiết để nhận bốc vác, bưng bê kiếm thêm thu nhập. Anh sinh viên Trần Hoàng Thành thì may mắn hơn khi thỉnh thoảng vẫn được gia đình chu cấp tiền như chia sẻ: Nhận được thư của nhà thì rất mừng nhưng còn mừng hơn nếu là thư kẹp tiền Chỉ có như vậy thì ông mới thi thoảng mới có bữa cải thiện, sang thì là bánh mì chấm đường, còn không thì cái bánh mì chay [2].
Bác sĩ nội trú
Năm 1976, ông Trần Hoàng Thành thi đỗ chương trình đào tạo bác sĩ nội trú của trường Đại học Y. Đây là niềm mơ ước của nhiều sinh viên trường Y, bởi tiêu chuẩn để được học bác sĩ nội trú rất khắt khe. Theo chia sẻ của PGS Trần Hoàng Thành thì người đủ điều kiện xét tuyển phải đáp ứng được một trong các yêu cầu sau: thứ nhất, là trong 5 năm học phải có từ 2 năm là sinh viên giỏi. Thứ hai, là ít nhất 3 năm học có kết quả tiên tiến hoặc tất cả các môn thi đều đạt điểm trung bình từ 8 trở lên. Lớp đại học của PGS.TS Trần Hoàng Thành là lớp B, khoảng 100 người, toàn khóa có 4 lớp với trên dưới 400 sinh viên. Trong số đó, có 83 người đủ điều kiện tiêu chuẩn thi bác sĩ nội trú và chỉ đỗ 8 người (Trần Hoàng Thành nằm trong số này), sau lấy thêm 9 người nữa, tổng là 17 sinh viên. Thi bác sĩ nội trú phải học tổng 8 môn nội, ngoại, sản, nhi, sinh lý, sinh hóa, giải phẫu, sinh vật, sau đó chọn 4/8 môn để thi đó là nội, ngoại, sản, nhi. Trần Hoàng Thành lựa chọn Khoa Nội bởi ông tự nhận thấy điều kiện sức khỏe của mình không tốt. Học bác sĩ nội trú bắt buộc ở lại bệnh viện và không được kết hôn để tập trung vào học và thực hành. Bởi vậy, trong suốt những năm tháng ấy, ông cùng bạn bè chỉ học và làm suốt ngày đêm tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi khoa phòng sẽ đi liên tục trong nhiều tháng liền nên cả lý thuyết và thực hành đều nhuần nhuyễn, tầm hiểu biết rộng, có thể thăm khám bất kì khoa nào. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ và cũng có phần “đáng sợ” nhất đối với không chỉ riêng Trần Hoàng Thành mà với các bác sĩ trẻ thời bấy giờ có lẽ là những đêm trực, phải vào nhà xác xem mổ tử thi để sáng hôm sau giao ban báo cáo lại cho các thầy. Chỉ một năm sau đó, thầy Đặng Văn Chung (chủ nhiệm Bộ môn Nội) ra chỉ định: Các cậu nội trú bắt đầu đi dạy[3]. Bởi vậy, từ năm 1976, bên cạnh việc đi thăm khám bệnh nhân, ông Trần Hoàng Thành đã trở thành giảng viên đứng lớp tại Bộ môn Nội, Đại học Y Hà Nội.
PGS.TS Trần Hoàng Thành (đứng giữa) và các bạn học bác sĩ nội trú năm 1976 |
Nói thêm về tiêu chuẩn sinh hoạt của bác sĩ nội trú, Trần Hoàng Thành cũng như các bạn bè đồng khóa được bố trí ở khu tập thể nhà tròn ở Bệnh viện Bạch Mai, 2-3 người chung một phòng, có giường, tủ và tự túc nấu ăn. Ông nhớ mãi về mùa hè năm 1977-1978, ở chung chật chội lại thêm trời nóng như đổ lửa, Trần Hoàng Thành nghĩ ra cách chống nóng bằng cách lấy chăn chiên thấm nước đắp lên người chỉ thò mỗi đầu ra. Dù vậy, điều kiện sống ấy đã là tốt hơn rất nhiều so với mặt bằng chung vì hàng tháng ông được thêm lương bác sĩ nội trú. Khoản tiền này tuy không nhiều nhưng cũng đỡ thêm được sinh hoạt phí, giúp các bác sĩ trẻ lúc bấy giờ thi thoảng “dám” đi qua hàng cá, hàng thịt. Nhớ lại những năm tháng còn đôi mươi, ông hào hứng cho rằng điều kiện sinh hoạt có thể đôi lúc thiếu thốn nhưng tinh thần học tập, cống hiến của sức trẻ thì luôn luôn hừng hực. Năm 1979, ông tham gia Đội Văn nghệ Xung kích của Đại học Y lên biểu diễn và khích lệ tinh thần cho bộ đội ở các tỉnh biên giới phía Bắc.
Những năm tháng tại Liên Xô
Năm 1980, sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú, Trần Hoàng Thành được Đại học Y Hà Nội giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Sau 7 năm công tác, nhận được sự khích lệ của Chủ nhiệm Bộ môn Nội – GS Phạm Khuê, ông đăng ký và thi đỗ nghiên cứu sinh. Năm 1987, ông lên đường sang Liên Xô học tập và nghiên cứu tại chuyên khoa Tim mạch Viện Lão khoa Kiev (nay thuộc Ukraina). Luận án của Trần Hoàng Thành do GS Vladimir Tokar – Phó viện trưởng Viện Lão khoa hướng dẫn.
Mức lương khi đó của nghiên cứu sinh tại Liên Xô là 100 rup/tháng, nhờ tiết kiệm nên ông Trần Hoàng Thành cảm thấy cuộc sống khá thoải mái. Tuy vậy, ông không khỏi chạnh khi nghĩ về những người bạn lên đường nhập ngũ từ khi ông đang học lớp 9 (năm 1969) và không ít người đã hy sinh. Cũng bởi thế, Trần Hoàng Thành luôn thầm biết ơn sự dạy dỗ của các thầy cô trong nước đã giúp ông có cơ hội sang học tập và trải nghiệm cuộc sống bên xứ người.
Dù đã có thời gian tự học tiếng Nga trong nước nhưng chủ yếu là đọc và dịch nên khi sang tới xứ người, ông vẫn gặp không ít trở ngại về mặt giao tiếp. Vốn tính ham học, sau mỗi giờ lên lớp, Trần Hoàng Thành dành nhiều thời gian trò chuyện với những người bạn Ukraina cùng phòng. Sau này tiết kiệm được một khoản tiền, ông mua chiếc tivi giá rẻ để xem phim và các chương trình nước bạn nhằm trau dồi vốn từ vựng. Ngoài ra, ông cũng chủ động tham gia nhiều chương trình giao lưu văn nghệ với các bạn ngoại quốc bởi đây vốn là niềm đam mê, cũng là sở trường của ông từ thời sinh viên. Nhờ quá trình tự học đó, Trần Hoàng Thành nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống nơi đây.
Bên cạnh chi phí ăn, học, ở, các nghiên cứu sinh học cùng thời ông còn được Bộ Đại học Liên Xô tài trợ về thăm nhà một lần vào dịp hè. Trần Hoàng Thành luôn tranh thủ những dịp này để mang sách về, vì ông quan niệm có tri thức là có tất cả, cho đến khi về hẳn Việt Nam, ông đã mang tới 200kg sách. Vị phó giáo sư luôn coi đó là gia tài vô giá mà ông có được trong suốt quãng thời gian ấy.
Điều còn mãi với đời
Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Ukraina, PGS.TS Trần Hoàng Thành trở về nước công tác tại Bộ môn Nội tổng hợp của trường Đại học Y Hà Nội và làm việc tại Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai. Nhờ quá trình học tập và kinh nghiệm đúc kết được khi làm bác sĩ nội trú, PGS.TS Trần Hoàng Thành vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và trở thành người đầu tiên Bộ môn Nội xuất bản cuốn sách Những bệnh lý hô hấp thường gặp (NXB Y học, 2005). Ông luôn trăn trở phải có một tác phẩm gì đó dù nhỏ để lại cho hậu thế vì sau khi “khuất núi” người ta có thể nhớ đến mình trong thư viện: Con người để lại gì cho hậu thế? Có lẽ chỉ là sách, vì dù là ai cuối cùng vẫn chỉ về với cát bụi nhưng sách – sự kết tinh tri thức của họ thì sẽ sống mãi.[4] Và cũng vì vậy, bên cạnh công tác giảng dạy cùng khám chữa bệnh, ông dành thời gian nghiên cứu, tổng hợp tài liệu, tự mình viết và cộng tác cùng các thầy trong Bộ môn biên soạn được một số cuốn sách như: Những bệnh lý hô hấp thường gặp, Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Bệnh lý màng phổi, Viêm phổi. Ngoài ra, ông cũng tham gia cùng các đồng nghiệp trong khoa viết một số tài liệu chuyên khoa sâu về hô hấp.
Nhìn lại hành trình lao động khoa học của mình, PGS.TS Trần Hoàng Thành cho rằng mấu chốt để vượt qua tất cả những khó khăn đó là phải kiên trì, nhẫn nại, không ngại khó, ngại khổ và đặc biệt là chăm, không có con đường nào khác ngoại trừ chăm đọc, chăm học và chăm làm.
Viết Thị Thanh Hà