Sáu năm 3 trường đại học
GS.TSKH Nguyễn Minh Đường sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Bố ông là một nhà giáo có tiếng dưới thời Pháp. Mẹ ông là một phụ nữ can trường, từng tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) và hoạt động trong phong trào phụ nữ của tỉnh Hà Tĩnh những năm kháng chiến chống Pháp. Hai cậu ruột của ông là Nguyễn Song Tùng (từng kinh qua các chức vụ: Chính ủy tình nguyện quân ở Cao Miên (Campuchia), Phó trưởng Ban đối ngoại Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Lao động) và Nguyễn Tam Ngô (từng giữ chức Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương) là những chiến sĩ trung kiên có những đóng góp nhất định cho cách mạng.
Mồ côi cha khi mới 3 tháng chào đời nên tuổi thơ của Nguyễn Minh Đường khá khó khăn. Trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp, cuộc sống của hai mẹ con càng trở nên gian nan và truân chuyên hơn. Ấy vậy, mẹ ông vẫn dành tất cả niềm yêu thương, hi vọng vào người con duy nhất, để cho ông được học hành tử tế. Năm 1953, Nguyễn Minh Đường tốt nghiệp cấp 3 ở Hà Tĩnh trong lúc cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Lúc ấy, chàng thanh niên trẻ tuổi nghĩ rằng chỉ có về quê làm ruộng cùng với mẹ và có lẽ con đường học vấn sẽ chấm dứt từ đây. Quả thực, ông đã lao mình vào công việc của nhà nông để phụ giúp mẹ. Nhưng không, tháng 5-1954, Pháp thua ở Điện Biên Phủ và chấp nhận ký Hiệp định Genève, lập lại hòa bình ở Việt Nam, một số trường đại học được mở ra, ước mơ tiếp tục học lại trỗi dậy trong tâm tưởng của chàng trai trẻ.
Nguyễn Minh Đường là con trai duy nhất, băn khoăn lớn nhất của ông khi ấy là về mẹ: “… làm sao tôi có thể để mẹ già ở lại một mình để ra Hà Nội đi học? Tôi rất băn khoăn giữa ngã ba đường. Nhiều đêm tôi thao thức không ngủ, vừa nghĩ đến mẹ già vừa nghĩ đến tương lai của mình. Nhưng cuối cùng, ước mơ và hoài bão của tuổi trẻ đã đưa tôi đến một quyết định: Tạm biệt mẹ để ra đi xây dựng sự nghiệp. Có lẽ đây là quyết định khó khăn nhất trong đời tôi, đồng thời cũng là một bước ngoặt đáng ghi nhớ trong cuộc đời. Giá như ngày đó mà tôi quyết định ở nhà thì chắc chắn cuộc đời đã khác hẳn bây giờ!”[1].
Ra Hà Nội, Nguyễn Minh Đường quyết định thi vào trường Đại học Sư phạm, vì lúc ấy học sư phạm chỉ mất có 3 năm, còn trường Y thì phải học lâu hơn rất nhiều. Nghề sư phạm là nghề đầu tiên mà Nguyễn Minh Đường chọn, với hi vọng sớm ra trường làm việc, hai mẹ con được đoàn tụ. Tháng 9-1955, ông thi đỗ vào Ban Toán-Lý trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đây là trường đại học đầu tiên ông được bước chân vào và đã nghĩ rằng sư phạm cũng sẽ là nghề lâu dài.
Tuy nhiên, học xong năm thứ nhất đại học, một sự kiện bất ngờ làm thay đổi cuộc đời ông. Lúc đó Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam thành lập trường Văn hóa quân đội ở Kiến An để bổ túc văn hóa phổ thông cho một số sĩ quan, chiến sĩ trước khi gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Khi ấy trường đang rất cần giáo viên nên đã đề nghị trường Đại học Sư phạm cung cấp cho một số giáo viên. Dạo ấy, các trường đại học nghỉ hè 3 tháng, nên trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chọn và cử một số sinh viên đi dạy ở trường Văn hóa quân đội, trong đó có Nguyễn Minh Đường. Trường đã thỏa thuận với những giáo viên bất đắc dĩ ấy là sau 3 tháng hè (6-1956 đến 9-1956) thì sẽ được trở lại trường để học tiếp. Tuy nhiên, sau 3 tháng, các lớp bổ túc đã mang lại hiệu quả tốt nên Bộ Tổng tư lệnh đã đề nghị trường Đại học Sư phạm cho những sinh viên này ở lại tiếp tục dạy học cho các khóa học tiếp theo, đến khi có người thay thế.
GS.TSKH Nguyễn Minh Đường
Một năm sau (9-1957), trường Văn hóa quân đội mới chuẩn bị được đội ngũ giáo viên thay thế, nên những sinh viên của trường Đại học Sư phạm mới được trở lại trường tiếp tục học tập. Một số sinh viên quay lại tiếp tục học ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, còn một số khác chọn cho mình hướng đi khác. Trước đó (1956), trường Đại học Bách khoa được thành lập theo quyết định của Bộ Giáo dục, và mở ra rất nhiều ngành kỹ thuật. Do yêu thích kỹ thuật từ nhỏ nên Nguyễn Minh Đường quyết định làm hồ sơ thi vào trường này. Trong trường hợp này có rất nhiều điều cần phải đắn đo, suy nghĩ, nếu tiếp tục học Sư phạm thì ông chỉ còn 2 năm học và ra trường đi dạy. Còn nếu quyết định thi vào Bách khoa, trong trường hợp đỗ, ông sẽ phải bắt đầu từ năm thứ nhất. Đã có những người bạn bảo rằng ông “ngốc nghếch”. Nhưng đó vẫn là lựa chọn có phần táo bạo của chàng thanh niên tuổi đôi mươi, quyết tâm theo đuổi đam mê. Ông kể: “Quả thật chúng tôi đã ngốc, nhưng ước mơ trở thành một kỹ sư, hoài bão của tuổi trẻ đã không thể ngăn cản nổi. Với lòng quyết tâm và với kiến thức về toán và lý đã học ở trường Đại học Sư phạm, không khó khăn mấy, tôi đã thi đỗ vào trường và trở thành sinh viên xuất sắc của khoa Cơ khí Chế tạo máy trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là nghề mà tôi yêu thích và đã phải trải qua một cuộc đấu tranh tư tưởng gay go của bản thân mới đạt được, bởi vậy, tôi tâm niệm rằng mình sẽ không bao giờ từ bỏ nó và sẽ gắn bó với nó suốt cuộc đời”.
Ấy vậy, sau hơn 2 năm học ở Bách khoa, lại một bước ngoặt nữa đến với Nguyễn Minh Đường. Khi ấy, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang chuẩn bị mở một số ngành đào tạo mới, trong đó có ngành Động lực và Nguyễn Minh Đường được cử theo học ngành mới này. Tháng 9 năm 1960, trường Đại học Bách khoa cử một số sinh viên xuất sắc sang Liên Xô học chuyển tiếp năm thứ 3 để sau này về xây dựng các bộ môn mới và làm cán bộ giảng dạy. Nguyễn Minh Đường được trường cử đi học ngành Động lực tại trường Đại học Bách khoa Khắc Cốp. Như vậy, đây là lần thứ hai ông phải chuyển trường đại học. Theo hiệp định ký kết giữa hai nước, sinh viên Bách khoa đã học xong 2 năm ở trong nước và sẽ học chuyển tiếp năm thứ 3 ở trường ĐH Bách khoa Khắc Cốp. Đó quả thật là một khó khăn không nhỏ đối với sinh viên Việt Nam, trong đó có Nguyễn Minh Đường. Khó khăn lớn nhất đối với ông khi ấy đó là tiếng Nga. Trong 2 năm học ở ĐH Bách khoa, ông chỉ được học ngoại ngữ tiếng Nga, mỗi tuần 2 tiết. Với vốn liếng tiếng Nga như vậy, chưa đủ để nghe và hiểu khi thầy giáo giảng bài. Để khắc phục, Nguyễn Minh Đường vừa nghe các giáo sư giảng bài, vừa chép lại bài của các bạn Nga ngồi cạnh, chép được càng nhiều càng tốt. Ngay buổi tối, khi về ký túc thì phải đọc sách giáo khoa và tra từ điển để học, vừa học tiếng Nga vừa học nội dung bài giảng. Cứ như vậy, ông chăm chỉ, miệt mài một cách đều đặn. Một kết quả bất ngờ đến nỗi các thầy giáo Nga cũng phải ngạc nhiên là kết thúc năm thứ 3, Nguyễn Minh Đường đạt loại sinh viên xuất sắc (tất cả các môn học đều đạt 5 điểm). Sang năm thứ 4 thì tiếng Nga của ông đã khá, có thể nghe và trả lời thầy giáo một cách dễ dàng. Tháng 7 năm 1963, ông bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp và được cấp “bằng đỏ” (tốt nghiệp loại xuất sắc). Tốt nghiệp đại học về nước, ông được phân công giảng dạy ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhìn lại, chưa đầy 6 năm, ông đã chuyển 3 trường đại học, nó rất đặc biệt và cũng rất đáng nhớ. Ông tâm sự: “Mỗi lần chuyển trường đại học cũng là một lần làm thay đổi nghề nghiệp của tôi. Có lần tự tôi thay đổi, nhưng cũng có lần tôi bị thay đổi. Từ Đại học Sư phạm chuyển về Đại học Bách khoa, tôi đã tự mình chuyển từ nghề dạy học sang nghề kỹ sư, nhưng khi chuyển từ Đại học Bách khoa Hà Nội sang Đại học Bách khoa Khắc Cốp, tôi đã “bị” chuyển từ nghề kỹ sư trở lại nghề dạy học. Lúc đó, tôi đã nghĩ rằng nghề dạy học có lẽ đã là định mệnh của đời tôi cho nên muốn hay không, tôi phải gắn bó với nó suốt cuộc đời. Tuy nhiên, cuộc sống không đơn giản như mình nghĩ, tôi còn phải đổi nghề nhiều lần nữa trong cuộc đời của mình”.
Và ba lần xây nền đắp móng
Năm 1978, sau khi bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ khoa học) với đề tài: “Cơ sở khoa học để dự báo các thông số tối ưu của các liên hợp máy kéo dùng trong cơ giới đồng bộ nghề trồng lúa" (ví dụ với Việt Nam) tại Viện nghiên cứu Trung ương về Cơ giới hoá và điện khí hoá nông nghiệp của Liên Xô, TS Nguyễn Minh Đường trở về nước và chờ phân công công tác. Vào thời điểm ấy, ông là tiến sĩ ngành động lực đầu tiên của Việt Nam, nên rất mong muốn được đem những kiến thức ra phục vụ thực tiễn và nghiên cứu khoa học.
Lúc ấy có rất nhiều cơ quan muốn xin TS Nguyễn Minh Đường về công tác, đầu tiên là trường Đại học Bách khoa – nơi cử ông đi làm tiến sĩ. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp – Nguyễn Văn Kha gặp TS Nguyễn Minh Đường đặt vấn đề cử ông về làm Giám đốc nhà máy máy kéo Long Bình do Liên Xô viện trợ, chuẩn bị cho việc sản xuất hàng vạn máy kéo MTZ để cơ giới hóa nông nghiệp. Ông Võ Thúc Đồng- Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương cũng cử người đến gặp và ngỏ ý mời ông về công tác ở Bộ Nông nghiệp để xây dựng chương trình cơ giới hóa nông nghiệp. Giữa ngã ba đường ấy, thật khó để ông lựa chọn con đường đi cho mình. Đúng lúc đó, ông nhận được công văn của Ban Khoa giáo Trung ương mời họp với ông Tố Hữu[2] về việc phân bổ cán bộ khoa học. Tại cuộc gặp với ông Tố Hữu, TS Nguyễn Minh Đường được thông báo về việc Nhà nước mới ban hành Nghị quyết 14-NQ/TW về cải cách giáo dục lần thứ 3 của nước ta[3]. Thủ tướng Phạm Văn Đồng được cử làm Chủ tịch Ủy ban để trực tiếp điều hành công cuộc cải cách này. Dạy nghề (DN) là một bộ phận rất quan trọng của hệ thống giáo dục, có nhiệm vụ đào tạo một đội ngũ đông đảo công nhân kỹ thuật để xây dựng đất nước và phát triển giai cấp công nhân, nhưng hệ thống dạy nghề của nước ta được hình thành chưa lâu nên còn non yếu. Để chuẩn bị cho việc thực hiện công cuộc cải cách này, Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định tách Tổng cục Dạy nghề (TCDN) khỏi Bộ Lao động và thành lập TCDN trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, một cơ quan ngang Bộ để có đủ quyền hành và năng lực trong việc thực hiện cải cách giáo dục trong lĩnh vực dạy nghề. Đây cũng là bước đầu để cải cách cơ cấu hệ thống giáo dục của nước ta. Còn để cải cách nội dung và phương pháp giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng toàn diện thì đòi hỏi phải có những nghiên cứu nghiêm túc về giáo dục mới làm được. Bởi vậy, nhà nước đã có quyết định thành lập Viện Nghiên cứu khoa học Dạy nghề (NCKHDN) và Viện nghiên cứu Đại học và Trung học chuyên nghiệp, cùng với Viện Khoa học Giáo dục để cùng nghiên cứu những nội dung cụ thể về cải cách giáo dục trong các lĩnh vực giáo dục phổ thông, dạy nghề và giáo dục đại học ở nước ta. Cuối buổi trao đổi với ông Tố Hữu, TS Nguyễn Minh Đường được giao nhiệm vụ: “Viện NCKHDN mới được thành lập, chưa có người lãnh đạo, bởi vậy, tổ chức đã quyết định cử đồng chí về công tác ở Viện NCKHDN để xây dựng và phát triển Viện này, đồng thời để góp phần thực hiện các nhiệm vụ cải cách giáo dục trong lĩnh vực dạy nghề trong thời gian tới”[4].
Sau khi nghe trao đổi và được ông Tố Hữu giao nhiệm vụ, TS Nguyễn Minh Đường khá bối rối, thậm chí là có phần sốc. Ông chia sẻ về việc này: “Nghe xong những điều mà đồng chí Tố Hữu nói, tôi không khỏi bàng hoàng, vì quá đột ngột, và đây là điều quá mới mẻ mà tôi chưa hề nghĩ tới, nó làm đảo lộn mọi hoài bão, ước mơ và kế hoạch dự kiến của tôi! Như vậy là mọi sự chuẩn bị cho sự nghiệp khoa học, mọi nỗ lực cố gắng và những thành tựu trong nghiên cứu khoa học của tôi, nay đã hầu như bị đảo lộn. Tôi hiểu được rằng việc này thể hiện niềm tin của Đảng và Nhà nước đối với tôi, một điều rất vinh dự cho tôi, nhưng phải từ bỏ sự nghiệp khoa học mà mình đã theo đuổi, dày công vun đắp để thay đổi hoàn toàn phương hướng và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của mình sang một lĩnh vực hoàn toàn mới là một điều không dễ dàng gì! Nhưng trong khoảnh khắc đó, con đường khoa học của tôi đã được định đoạt. Từ đây, tôi sẽ từ bỏ con đường khoa học mà mình đã lựa chọn và phấn đấu trong hơn chục năm qua để rẽ sang một con đường khoa học mới bắt đầu được hình thành ở nước ta: Khoa học dạy nghề. Tôi đã hình dung ra rằng con đường khoa học này còn ở buổi sơ khai, đang cần nhiều công sức để khai phá và chắc chắn là mình sẽ phải đương đầu với không ít khó khăn, tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng nó sẽ là một đại lộ thênh thang cho những ai muốn thử sức và trải nghiệm, vì nó đã được Đảng và nhà nước định hướng và quy hoạch rõ ràng!”[5]
Và thế là, TS Nguyễn Minh Đường trở thành Viện trưởng của Viện NCKHDN năm 1979. Khi ông về nhận công tác thì Viện mới thành lập và chỉ mới có 6 cán bộ, bộ máy tổ chức chưa được hình thành. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là phải nghiên cứu xây dựng cơ cấu tổ chức các phòng ban và phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý của Viện. Từ đây, con đường khoa học của ông phải tạm dừng để nhường chỗ cho một nhiệm vụ cấp bách trước mắt là quản lý, xây dựng một tổ chức nghiên cứu khoa học.
Sau 7 năm xây dựng Viện, đến năm 1986, Viện NCKHDN đã có 60 cán bộ và hình thành một cơ cấu tổ chức tương đối hoàn chỉnh với 7 phòng. Tuy số phòng còn chưa đủ so với yêu cầu, nhưng Viện đã tổ chức nghiên cứu đồng bộ các lĩnh vực chủ yếu của KHDN như: Cơ cấu hệ thống đào tạo nghề; Tâm lý học và Giáo dục học nghề nghiệp; Mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo nghề; Phương pháp dạy nghề; Phương tiện kỹ thuật dạy nghề, Tổ chức quá trình đào tạo nghề và kinh tế đào tạo nghề.
GS Nguyễn Minh Đường cho biết, khoa học dạy nghề là một lĩnh vực phức hợp, có liên quan đến nhiều lĩnh vực khoa học khác như tâm lý học, sinh lý học, giáo dục học, xã hội học, kinh tế học cho đến các khoa học kỹ thuật chuyên ngành… Không có một trường học nào có thể đào tạo tất cả các chuyên ngành cho một cán bộ nghiên cứu như vậy. Mỗi người khi tham gia vào công tác khoa học dạy nghề, bất kỳ ở trình độ, cương vị nào, kể cả lãnh đạo Viện đều phải không ngừng học hỏi, tự bồi dưỡng để có thể thích ứng được với nhiệm vụ mới mẻ và khó khăn của mình. Do vậy, Viện đã rất quan tâm đến việc xây dựng và bồi dưỡng năng lực cho cán bộ. Sau những bước đầu còn khó khăn, bỡ ngỡ, công tác nghiên cứu của Viện đã được định hướng rõ ràng và đã đạt một số thành tựu cơ bản. Một là nghiên cứu những vấn đề vĩ mô để phát triển ngành dạy nghề, trong đó tập trung nghiên cứu về: Chiến lược phát triển dạy nghề; Nghiên cứu dự báo nhu cầu đào tạo nghề đến năm 2000; Xây dựng danh mục nghề đào tạo; Xây dựng mô hình các loại cơ sở đào tạo nghề; Hai là, nghiên cứu về cải cách sư phạm trong dạy nghề. Ba là, nghiên cứu những vấn đề khoa học cơ bản về dạy nghề, như: tâm lý học lao động, hướng nghiệp; Giáo dục học nghề nghiệp; Kinh tế đào tạo nghề. Bốn là, nghiên cứu về đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo nghề. Năm là, nghiên cứu về phương pháp dạy học và giáo dục. Sáu là, nghiên cứu về phương tiện kỹ thuật dạy nghề…
GS Nguyễn Minh Đường tâm sự rằng, 10 năm gắn bó của ông với sự hình thành và phát triển của Viện NCKHDN là chưa dài vì những thành tựu mà Viện đạt được trong quãng thời gian ấy còn quá nhỏ bé so với sự nghiệp nghiên cứu KHDN ở nước ta. Tuy nhiên, đây là thời kỳ đặt nền móng cho KHDN của Việt Nam, đồng thời góp phần làm nên một giai đoạn “hoàng kim” trong lịch sử dạy nghề của nước nhà mà ông là người đã không ngừng cố gắng.
Với những thành tựu đạt được trong việc lãnh đạo phát triển Viện NCKHDN, tháng 9-1985, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định đề bạt TS Nguyễn Minh Đường làm Phó Tổng cục trưởng TCDN trực thuộc Chính phủ, kiêm Viện trưởng Viện NCKHDN, bởi vậy ông càng có điều kiện để thực hiện những ý tưởng khoa học của mình trên thực tế. Như ông từng chia sẻ, đây là một chặng đường mới được khai phá, còn sơ khai, nhưng thênh thang và rộng mở trong sự nghiệp khoa học của ông.
Trong thời gian công tác ở Viện NCKHDN, kinh nghiệm quản lý cũng như năng lực nghiên cứu KHDN của TS Nguyễn Minh Đường được phát triển nhanh chóng. Ông đã tiếp cận được với những xu thế của thời đại về dạy nghề và khoa học dạy nghề, đã có những đóng góp nhất định cho khoa học dạy nghề Việt Nam. Đang bước đi những bước thuận lợi trên chặng đường mới khai phá, rộng mở thênh thang, nghĩ rằng đây là con đường khoa học mà mình sẽ đi trong suốt cuộc đời để góp sức mình vào sự phát triển khoa học dạy nghề non trẻ của thì một lần nữa ngã rẽ lại đến với cuộc đời của ông! Ngày 16-2-1987, TCDN và Bộ ĐH&THCN được sáp nhập thành Bộ Đại học Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề (ĐH-THCN&DN). Cùng với việc sáp nhập này, hai Viện thuộc hai Bộ là Viện NCKHDN và Viện nghiên cứu ĐH&THCN cũng được sáp nhập thành Viện nghiên cứu Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp (NCĐH&GDCN).
Tháng 6-1987, TS Nguyễn Minh Đường được cử làm Giám đốc Dự án Quốc gia VIE-86-044 kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, thiết kế và chế tạo mẫu phương tiện kỹ thuật dạy nghề (Center for Research, Design and Production of Prototype Equipment for Vocational training), gọi tắt là “Trung tâm Phương tiện kỹ thuật dạy nghề” (CREDEPRO). Trung tâm này được thành lập theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và tổ chức UNDP của Liên hợp quốc tài trợ, Trung tâm có nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế và chế tạo mẫu các phương tiện kỹ thuật dạy nghề hiện đại để phổ biến cho các trường dạy nghề trong cả nước. Như ông tâm sự: “Tôi lại phải từ bỏ con đường khoa học mà tôi đã dày công khai phá trong 10 năm để bắt đầu một công cuộc khai phá mới. Những kiến thức đã học hỏi được cũng như những kinh nghiệm đã tích lũy được cũng trong 10 năm về khoa học dạy nghề lại một lần nữa phải đổi hướng để đi vào một hướng nghiên cứu chuyên sâu: Phương tiện kỹ thuật dạy nghề.
Nhận nhiệm vụ mới, tôi lại là “người đi khai phá” với 2 nhiệm vụ chủ yếu: Xây dựng tổ chức, hình thành các phòng, ban, phân xưởng, tuyển dụng nhân sự và xây dựng cơ sở vật chất để hình thành Trung tâm CREDEPRO và đưa Trung tâm vào hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Cùng với các chuyên gia quốc tế triển khai các hoạt động của Dự án Quốc gia VIE-86-044 đã được Chính phủ ký kết với tổ chức UNDP”.
Khi Dự án kết thúc, công việc nghiên cứu, thiết kế và sản xuất mẫu các phương tiện kỹ thuật dạy nghề của Trung tâm CREDEPRO mới thực sự bắt đầu. Trung tâm đã xây dựng một kế hoạch 5 năm, tuy nhiên bước đầu đã tập trung vào nghiên cứu, thiết kế và chế tạo mẫu phương tiện kỹ thuật dạy nghề cho một số lĩnh vực như cơ khí, điện, điện tử, là những lĩnh vực chủ yếu trong đào tạo nghề và đang có nhu cầu lớn về Phương tiện kỹ thuật dạy nghề. Mọi việc đã được triển khai một cách thuận lợi. Trung tâm đã có một số sản phẩm ban đầu. Về phương tiện dạy học cơ khí, đã sản xuất được một số mô hình động như mô hình ăn khớp bánh răng hình trụ, hình côn, bánh răng-thanh răng, trục vít-bánh vít … Về điện, điện tử đã có các sản phẩm như các bộ KIT dùng cho các thí nghiệm điện tử, tivi và radio dàn trải, các bộ mạch để học lắp ráp thiết bị điện tử… Về học liệu nghe nhìn có các bộ tranh treo tường màu, phim đèn chiếu và băng Video…
Mọi hoạt động của Trung tâm CREDEPRO đang tiến triển thuận lợi thì một sự kiện nữa lại đến với TS Nguyễn Minh Đường. Tháng 2-1991, Bộ ĐH-THCN&DN được sáp nhập với Bộ Giáo dục thành Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), một số vụ của hai Bộ được sáp nhập vào nhau, trong số đó có Vụ Trung học chuyên nghiệp cũng được sáp nhập với Vụ Dạy nghề thành Vụ Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề. Trong hoàn cảnh ấy, Bộ đã quyết định điều động TS Đường từ Trung tâm PTKTDN làm Vụ trưởng đầu tiên của Vụ THCN&DN.
Thế là TS Nguyễn Minh Đường lại phải từ bỏ Trung tâm CREDEPRO mà mình đã tốn bao công sức xây dựng nên để nhận nhiệm vụ mới. Một lần nữa, con đường khoa học và nghề nghiệp của ông lại phải thay đổi. Lần này ông bắt tay vào một nhiệm vụ mới hoàn toàn, thực sự trở thành một nhà quản lý giáo dục. Là Vụ trưởng đầu tiên của Vụ Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, ông lại một lần nữa là người đi xây dựng cái mới. Trước tiên phải xây dựng chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Vụ để trình lãnh đạo Bộ phê duyệt và ra quyết định. Với kinh nghiệm nhiều năm quản lý của tôi trong nhiều môi trường khác nhau, từ quản lý tầm vĩ mô trong phạm vi quốc gia cũng như quản lý vi mô cấp cơ sở nên điều hành công việc của một vụ không còn khó khăn gì, và mọi việc đều trôi chảy, thuận lợi.
Trong những năm làm lãnh đạo Vụ, ông đã chỉ đạo cán bộ trong Vụ phối hợp với một số đơn vị tổ chức nghiên cứu, xây dựng một số chương trình đào tạo nghề ngắn hạn theo mô đun kỹ năng hành nghề để thực nghiệm ở một số trung tâm dạy nghề theo hướng đáp ứng nhu cầu việc làm của xã hội. Thí điểm này đã thành công và các chương trình đào tạo ngắn hạn theo mô đun này đã được phổ biến rộng rãi cho các trung tâm dạy nghề của cả nước. Vụ THCN&DN cũng đã tổ chức xây dựng chương trình đào tạo kỹ thuật viên cấp cao liên thông từ trung học chuyên nghiệp lên cao đẳng và tổ chức thí điểm ở một số trường. Các thực nghiệm này đều thành công, được các trường rất hoan nghênh và trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đã cho một số trường được nâng cấp thành trường cao đẳng để đào tạo liên thông kỹ thuật viên theo 2 giai đoạn: đào tạo kỹ thuật viên trình độ trung cấp và đào tạo tiếp thành kỹ thuật viên cấp cao trình độ cao đẳng. Như vậy, chủ trương đào tạo đáp ứng nhu cầu việc làm và đào tạo liên thông giữa các trình độ ở nước ta đã bắt đầu được hình thành từ đây.
Trong thời gian 1991-1995, TS Nguyễn Minh Đường được Chủ nhiệm chương trình Khoa học công nghệ cấp Nhà nước KX-07 “Con người Việt Nam- Mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội” là GS Phạm Minh Hạc mời tham gia nghiên cứu chương trình và làm chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước KX-07-14: “Vấn đề bồi dưỡng và đào tạo lại các loại hình lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của sự phát triển kinh tế- xã hội”. Đề tài được đánh giá xuất sắc và kết quả nghiên cứu được công bố trong cuốn sách “Bồi dưỡng và đào tạo lại đội ngũ nhân lực trong điều kiện mới” (năm 1996). Từ đây, ông đã bước vào một lĩnh vực khoa học mới: Phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực.
Từ sau năm 1986, ngành giáo dục Việt Nam đã thiết lập được quan hệ với một số tổ chức quốc tế như UNESCO, UNDP, ILO. Do vậy, ông thường được Bộ GD&ĐT cử đi tham dự các hội thảo quốc tế về giáo dục kỹ thuật và dạy nghề (GDKT&DN). Nhờ vậy, ông đã có dịp để khảo sát về tình hình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề của một số nước tư bản phát triển như Nhật Bản, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Hàn Quốc… để trao đổi và học tập kinh nghiệm của họ, đồng thời trở lại với công việc nghiên cứu của mình.Với UNESCO, ông đã có dịp tham gia nhiều cuộc hội thảo và trình bày các tham luận ấn tượng. Với sự đóng góp này, năm 1993 UNESCO đã công nhận ông là thành viên của Trung tâm Canh tân giáo dục để phát triển của Châu Á- Thái Bình Dương (The Asia-Pacific Center of Educational Innovation for Development- ACEID) của UNESCO. Tham gia vào chương trình này, ông đã có dịp khảo sát, tìm hiểu về sự canh tân và phát triển giáo dục, đặc biệt là GDKT&DN của nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaisia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Philipines, Australia, Newzeland…, có dịp đối chiếu, so sánh và rút ra những kinh nghiệm để vận dụng vào giáo dục ở trong nước.
Trong thời gian này, Việt Nam cũng đã tham gia tổ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO). Tổ chức này có Trung tâm Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề (SEAMEO-VOCTECH) đóng ở Brunei- Darussalem. Năm 1993 Bộ GD&ĐT đã cử TS Nguyễn Minh Đường tham gia vào Ban Điều hành (Governing Board) của SEAMEO-VOCTECH. Ban điều hành này họp mỗi năm một lần để đề ra các nội dung hoạt động cho các nước thành viên triển khai và để kiểm điểm kết quả hoạt động của năm trước và hàng năm SEAMEO-VOCTECH thường tổ chức các hội thảo khoa học cũng như các lớp tập huấn cho cán bộ giáo dục của các nước thành viên về giáo dục kỹ thuật và dạy nghề.
Ông kể: “cũng từ những khó khăn trong công tác quản lý của mình lúc bấy giờ mà tôi đã nhận ra một điều quan trọng là để làm tốt công tác quản lý và khỏi phạm phải các sai lầm trong quản lý, đặc biệt là quản lý vĩ mô, cần phải nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc về quản lý giáo dục, phải xây dựng được luận cứ khoa học vững chắc cho các chủ trương, chính sách và các kiến nghị đổi mới trong quản lý. Tuy nhiên, quản lý giáo dục còn là một khoa học non trẻ, được phát triển chưa lâu trên thế giới, còn ở Việt Nam thì lúc đó chưa có Viện nghiên cứu nào cũng như cơ quan nào nghiên cứu về quản lý giáo dục. Một may mắn cho tôi là trong thời gian tham gia các hoạt động của tổ chức SEAMEO-VOCTECH cũng như chương trình ACEID của UNESCO, tôi đã có dịp để tìm hiểu, trao đổi với bạn bè quốc tế cũng như thu thập các tư liệu về lĩnh vực khoa học quản lý giáo dục. Từ thực tiễn này, sự nghiệp khoa học của tôi đã có thêm một định hướng nghiên cứu mới: khoa học quản lý giáo dục”.
Cuộc đời là những chuyến đi, ai cũng muốn đi trên con đường bằng phẳng, ít ngã rẽ. Nhưng với GS Nguyễn Minh Đường thì khác, ông đã trải qua nhiều ngã rẽ khúc khuỷu, nhưng ở con đường nào, ông cũng tìm thấy niềm đam mê và đều cố gắng làm tốt nhiệm vụ của một người quản lý, một nhà khoa học.
Nguyễn Thanh Hóa
[1] Lý lịch khoa học của GS Nguyễn Minh Đường, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học VN.
[2] Ông Tố Hữu khi ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban Cải cách giáo dục trung ương.
[3] Nghị quyết số 14-NQ/TW xác định: Nội dung chủ yếu của công tác cải cách giáo dục gồm 3 mặt: cải cách cơ cấu hệ thống giáo dục, cải cách nội dung giáo dục, cải cách phương pháp giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng toàn diện, tạo ra những người lao động mới làm chủ tập thể, đủ sức gánh vác sự nghiệp xây dựng CNXH của nhân dân ta.