Chân ướt chân ráo ra trường phục vụ kháng chiến
Khóa sinh viên Y khoa thời những năm 60 của thế kỷ trước thật sự là khóa học đặc biệt. Thời kỳ đó, miền Bắc bước vào xây dựng nền móng cho một xã hội mới, đồng thời có nhiệm vụ làm chỗ dựa vững chắc cho miền Nam chiến đấu chống quân xâm lược, thống nhất đất nước, trong đó thanh niên sinh viên là lực lượng nòng cột, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu theo tiếng gọi của Tổ quốc. Theo PGS Thu Hồ, khóa học thời kỳ đó đã có 100 sinh viên năm thứ 5 lên đường làm nhiệm vụ dân y phục vụ chiến trường miền Nam. Bà là một trong số những sinh viên ở lại trường học tiếp năm cuối – năm thứ 6. Và một điều, như PGS Thu Hồ chia sẻ, cũng là điều may mắn đặc biệt, đó là hầu như tất cả các bộ môn bà đều được học các thầy giỏi, như thầy Đặng Văn Chung, thầy Hồ Đắc Di, thầy Nguyễn Trinh Cơ, thầy Vũ Công Hòe … Rồi ngay sau khi tốt nghiệp (năm 1966), các bác sĩ trẻ cũng lên đường theo sự phân công của nhà trường: một số đi về các vùng miền xa xôi, một số vào tuyến lửa phục vụ cấp cứu phòng không. Bác sĩ trẻ Thu Hồ được cử tham gia công tác cấp cứu phòng không tại Nghệ An cùng hai bác sĩ khác. Bà cùng các thành viên trong tổ đi tàu từ Hà Nội và Vinh, rồi từ đó đi xe đạp vào địa điểm cầu Giát, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Với chiếc xe đạp không chuông, không phanh, không chắn lốp chắn xích, tổ 3 người của bà đã vượt qua chặng đường đầy khó khăn để đến đơn vị phục vụ. Cầu Giát là địa điểm máy bay Mỹ thường xuyên thả bom để chặn đường tiếp tế vào chiến trường miền Nam. Trải qua một tháng phục vụ cấp cứu phòng không với nhiều khó khăn và căng thẳng, tổ công tác của bà đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua đó các bác sĩ trẻ như bà có cơ hội rèn luyện để trưởng thành rất nhiều. Trở về trường, tất cả các thành viên trong tổ công tác của bà được đề nghị xét kết nạp Đảng. Bác sĩ Thu Hồ được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy tại bộ môn Nội của trường Đại học Y Hà Nội.
Những ngày đầu trên bục giảng
Mới bước vào công tác giảng dạy, bà được GS Đặng Văn Chung giao cho soạn một bài giảng lý thuyết trong bộ môn Nội, sau đó giảng thử tại giảng đường C của Bệnh viện Bạch Mai. Mặc dù đã chuẩn bị chu đáo nội dung cho bài giảng nhưng bà không khỏi lo lắng bởi thành phần tham dự buổi giảng đó có các thầy Hồ Đắc Di, Đặng Văn Chung …, đại diện Phòng giáo vụ và các giảng viên khác trong bộ môn. Cuối buổi giảng bà nhận được rất nhiều lời nhận xét, góp ý từ các thầy, trong đó GS Hồ Đắc Di đánh giá: “Trời phú cho chị khả năng sư phạm, tôi tin chị sẽ trở thành cán bộ giảng dạy giỏi” khiến bà nhớ mãi, lời động viên đó là nguồn động lực mạnh mẽ để bà cố gắng vượt qua thử thách đảm nhiệm tốt vai trò của một cán bộ giảng dạy sau này. Là cán bộ trẻ, bà được tham dự những buổi giảng về các trường hợp bệnh điển hình do GS Đặng Văn Chung giảng tại giảng đường C của Viện. PGS Thu Hồ còn nhớ, trong buổi giảng thầy Đặng Văn Chung thường giảng trực tiếp trên bệnh nhân, thầy mời một bác sĩ trình bày bệnh án của bệnh nhân, từ đó, ông hướng dẫn các bác sĩ cách phát hiện các triệu chứng thường gặp của bệnh. Từ cách học trực quan này, bà đã học được rất nhiều những kinh nghiệm từ thầy Đặng Văn Chung, bà chia sẻ: “Từ cách quan sát bàn tay rất tuyệt vời của thầy mà tôi học được rất nhiều”. Bà còn nhớ: khi thầy khám ở bụng bệnh nhân, thầy đã nhận biết bệnh nhân này bị u tụy, rồi thầy giải thích cặn kẽ: vì nó nằm cạnh động mạch chủ nên khối đó cũng đập, rất đơn giản nhưng sự nhạy cảm của bàn tay rất quan trọng trong chẩn đoán. Hay những bài học rất nhỏ như khi khám cho bệnh nhân phải sờ từ nông đến sâu và kết hợp với nhip thở của bệnh nhân. Lớp bác sĩ thời bà còn được học thông qua mổ tử thi từ những bài giảng của GS Vũ Công Hòe – một thầy rất giỏi về Giải phẫu. Theo lịch, thường là 10h30, bác sĩ, sinh viên xuống khu Đại thể để nghe Giáo sư Hòe giảng. Bà nhớ mãi hình ảnh của thầy Hòe khi giảng về nhận biết bệnh viêm phổi: “Trong bài giảng thầy Hòe lấy một phần của lá phổi rồi thả vào cốc nước, khi quan sát thấy can hoa xám, can hoa đỏ chìm hay nổi đó là thể hiện mức độ nặng của bệnh viêm phổi” . Đây là cách học rất hiệu quả, bởi qua đó giúp cho bác sĩ chẩn đoán tốt hơn và đồng thời rút kinh nghiệm về những trường hợp chẩn đoán chưa chính xác. Từ những bài học của các thầy về phương pháp giảng dạy và kiến thức chuyên môn mà bà tiếp thu được đã giúp bà dần tự tin hơn giảng bài cho sinh viên. Trong những năm đầu tham gia công tác tại trường Đại học Y Hà Nội, năm 1969 giảng viên Thu Hồ đã vinh dự được cử tham dự Hội nghị thanh niên, sinh viên thế giới tổ chức tại Henxinki, Phần Lan với 60 nước tham gia, đồng thời bà đảm nhiệm công tác bảo vệ sức khỏe cho đoàn Việt Nam. Khi hội nghị kết thúc đoàn tiếp tục sang thăm hữu nghị Ba Lan với tư cách là đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đầu tiên thăm chính thức Ba Lan.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ trường Đại học Y có phong trào “Cán bộ giảng dạy (trẻ) là tiểu đội trưởng” do thầy Nguyễn Trinh Cơ đề xướng. Ngày đó khi đi sơ tán mỗi thầy cô giáo ngoài công tác giảng dạy còn lo chỗ ăn, chỗ ở cho sinh viên. Thời sơ tán về Hà Tây vào khoảng những năm 60ban ngày bà giảng dạy cho sinh viên ở bệnh viện, nhưng buổi tối bà lại cùng sinh viên kéo than bằng xe bò để phục vụ cho bếp ăn tập thể của trường. Cuộc sống khi đó còn nhiều gian khó nhưng tình cảm của thầy trò với nhân dân ở đó rất gắn bó, thân thiết. Rồi năm 1972, khi máy bay Mỹ ném bom bắn phá Bệnh viện Bạch Mai bà được nhà trường giao nhiệm vụ đưa sinh viên khóa Y4 sơ tán về Vân Đình. Khi đó quả là khoảng thời gian khó khăn với bà bởi vừa phải lo việc nhà trường giao vừa phải chăm sóc con trai đầu mới 3 tháng tuổi. Sau những giờ giảng cho sinh viên bà lại bận rộn với công việc gánh nước, giặt giũ, chăm sóc con nhỏ. Dù vậy với tinh thần trách nhiệm cô giáo Thu Hồ luôn hoàn thành tốt mọi việc. Chính từ những kinh nghiệm từ thực tế với phương pháp chẩn đoán bệnh bằng hỏi, nhìn, gõ, nghe đã giúp bà vững vàng hơn nhiều về chuyên môn.
GS Đặng Văn Chung và các bác sĩ, học trò trong buổi giao ban tại giảng đường C
Đến nay dù trang thiết bị y tế ngày một hiện đại góp phần chẩn đoán nhanh và chính xác bệnh, nhưng theo PGS Thu Hồ, lâm sàng vẫn đóng vai trò quan trọng, bà chia sẻ “Thời đó thì đúng là lâm sàng đóng vai trò quyết định nhưng bây giờ tôi nghĩ rằng lâm sàng cũng vẫn rất quan trọng” . Hiện nay, PGS.TS Phạm Thị Thu Hồ rất trăn trở trước thực trạng các bác sĩ đang phải đối mặt với tình trạng quá tải tại các bệnh viện, số lượng bệnh nhân nhiều nên bác sĩ không có thời gian hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, do một số quy chế mới ban hành nên việc thực hành của sinh viên trường Y cũng có phần hạn chế hơn trước, bà Hồ bày tỏ “Tiếc rằng, hiện nay khi học hầu như không có mổ tử thi cho nên đó là cái thiệt thòi… do quy định là mổ tử thi là phải được người nhà đồng ý, mà với quan niệm của đa số người dân thì được người nhà đồng ý là rất khó” .
Hạnh phúc nghề thầy
Hơn 40 năm gắn bó với công tác giảng dạy, niềm hạnh phúc lớn với PGS.TS Phạm Thị Thu Hồ, đó là những thành công của các lớp thế hệ học trò bà đã từng được giảng dạy như bà Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, TS Bùi Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc bệnh viện Hữu Nghị, bác sĩ Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K Hà Nội, bác sĩ Đào Văn Long, bác sĩ Kim Oanh, bác sĩ Tú, Chủ nhiệm Bộ môn Tiêu hóa của Học viện Quân Y v.v.. Hiện nay, tuy đã nghỉ hưu, nhưng PGS Phạm Thị Thu Hồ vẫn say mê với công việc. Ngoài việc tham gia công tác đào tạo sau Đại học, bà còn là Phó Chủ tịch Hội Tiêu hóa Việt Nam, tham gia khám chuyên khoa tại Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Đại học Y để tiếp tục có cơ hội trao đổi chuyên môn nghề nghiệp với học trò và cứu chữa bệnh nhân. Thành công của bà hôm nay, có một phần không nhỏ công lao đào tạo của các thầy, những bài học giảng dạy về lâm sàng mà bà áp dụng trong suốt quá trình công tác của mình.
Giang Thị Nhung