Tháng Tư năm 1965
Những ngày sôi động cùng anh chị em lưu học sinh tại Liên Xô tham gia các hoạt động chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, có sự đồng hành của lưu học sinh nhiều nước tại Liên Xô. Sau các cuộc biểu tình lớn ngày mùng 4 tháng 3 tại Mátxcơva dưới trời mưa tuyết, trước Đại sứ quán Mỹ của hàng chục ngàn lưu học sinh hơn 20 nước; ngày 3 tháng 4 tại Leningrad, Đại sứ trực tiếp tổ chức quán triệt chỉ đạo chung của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta về việc giữ vững quan hệ tốt đẹp với Liên Xô vừa chống chiến tranh mở rộng ném bom của Đế quốc Mỹ xuống miền Bắc nước ta, dừng các cuộc biểu tình đông người trên đường phố.
GS.TS Phan Văn Hạp – nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 4-2018
Cũng trong tháng này, vào ngày 16 tháng 4 năm 1965, tôi được thông báo ngày bảo vệ chính thức luận án Phó Tiến sĩ trước Hội đồng chuyên ngành Toán trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp với tên đề tài: “Các phương pháp giải gần đúng phương trình và hệ phương trình tích phân kỳ dị”. Ngày bảo vệ được ấn định: 15 tháng 4 năm 1965 (Hội đồng họp hai tuần một lần vào ngày thứ Sáu). Cũng ngày 16 tháng 4 năm 1965, anh Phan Đức Chính bảo vệ. Tôi bảo vệ Phó Tiến sĩ (Tiến sĩ) cùng một ngày, một hội đồng với anh Nguyễn Đình Trí, Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi tôi bảo vệ, các thành viên hội đồng bỏ phiếu, 100% số phiếu đồng ý, anh Nguyễn Đình Trí bảo vệ với cùng kết quả đánh giá của Hội đồng. Đài phát thanh Matxcơva, bộ phận tiếng Việt phỏng vấn tôi. Sau lời cảm ơn, cảm tưởng về buổi bảo vệ, tôi phát biểu nguyện vọng muốn về nước ngay để góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung của đất nước.
Tháng Tư năm 1970
Tôi được Giáo sư Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum thông báo về gặp lãnh đạo Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Tại giảng đường 1 khu 19 Lê Thánh Tông, Bí thư Đảng Đoàn, Thứ trưởng Trần Tống cho biết lãnh đạo Bộ đã quyết định giao cho tôi làm Chủ nhiệm khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi GS Hoàng Tụy chuyển công tác về Viện Toán thuộc Ủy ban Khoa học nhà nước (năm 1967), đảm nhận vai trò quyền Chủ nhiệm khoa là anh Trần Vinh Hiển. Ngày hôm sau, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu gặp tôi tại trụ sở của Bộ ở số 9 Hai Bà Trưng căn dặn những điều cần thiết khi được giao nhiệm vụ mới, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý về các mối quan hệ với các Thầy, các bạn cùng khoa, cùng ngành và cùng trường. Giáo sư Hiệu trưởng vừa chúc mừng vừa động viên tôi. Thầy, GS Lê Văn Thiêm cũng dặn dò và lưu ý về quan hệ trong khoa, trong trường.
Cuối tháng 4 năm 1970, tập 2 cuốn “Cơ sở phương pháp tính” do tôi làm chủ biên và tham gia biên soạn hai chương về Giải gần đúng phương trình, hệ phương trình Vi phân, tích phân được chính thức xuất bản. Bộ trưởng lại cho tôi gặp để trình bày đề cương viết cuốn: “Phương trình tích phân và cách giải gần đúng”, Bộ trưởng lại nhắc tôi: Trong Ban Chủ nhiệm khoa có anh Trần Vinh Hiển là cán bộ đã giữ cương vị quyền Chủ nhiệm khoa nay làm Phó Chủ nhiệm khoa cho anh, lưu ý để công việc trôi chảy đoàn kết. Các anh Quản Ngọc Hồ – Phó Chủ nhiệm phụ trách công tác chính trị, Đào Huy Bích cùng làm Phó Chủ nhiệm.
Năm đó số sinh viên khóa 11 (1966 -1970) bảo vệ luận văn tốt nghiệp với số lượng đông nhất từ trước lại bấy giờ, cùng lúc lớp chuyên tu Đại học AĐH1 (A- Toán, ĐH- Đại học) còn gọi là lớp A7 cũng bảo vệ. Tổng số đợt tốt nghiệp lên đến hơn 250 sinh viên. Kỳ bảo vệ lần đó được tổ chức tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, nơi khoa trung chuyển từ Đại Từ, Thái Nguyên về Hà Nội.
Bước chuyển cơ bản về đào tạo trường Đại học ở trong nước
Tháng Tư năm 1974 khi cuộc chiến có những chuyển biến cơ bản, với tầm nhìn xa về giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ khoa học cao tại Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu đã giao cho khoa Toán – Cơ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức chính thức bảo vệ luận văn Phó Tiến sĩ (Tiến sĩ) cho anh Hoàng Hữu Đường cán bộ giảng dạy khoa Toán – Cơ. Bắt đầu một quy trình chuẩn mực cho việc đào tạo, tự đào tạo Tiến sĩ ngay tại Việt Nam. Cũng theo chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng, tôi được giao nhiệm vụ tổ chức tiếp việc bảo vệ tiến sĩ cho anh Nguyễn Thừa Hợp. Tiếp đến người thứ ba là anh Tạ Văn Đĩnh của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Với khoa Toán – Cơ nhiều những xemina khoa học tiến hành sinh hoạt đều đặn, nhiều năm khoa đã trở thành trung tâm đào tạo sau và trên đại học về Toán học, Cơ học trong cả nước. Công đầu của việc tổ chức các sinh hoạt khoa học thuộc về các GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy từ những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ 20.
Việc bảo vệ các luận văn Tiến sĩ đầu tiên thành công tốt đẹp mở ra một giai đoạn mới về đào tạo cán bộ có trình độ cao ở nước ta. Với tư cách Chủ nhiệm khoa tôi được Bộ trưởng trực tiếp gọi lên giao nhiệm vụ. Sau này cũng anh Hoàng Hữu Đường một tấm gương tự học kiên trì và thành công là người đầu tiên bảo vệ Tiến sĩ Khoa học trong nước.
Những ngày tháng Tư đầy sôi động năm 1975
Tiếp sau chiến dịch Tây Nguyên khởi đầu từ Buôn Mê Thuột, quân đội ta đã xốc tới theo chỉ thị của Đại tướng Tổng tư lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa” tiến tới giải phóng các thành phố Huế, Đà Nẵng…
Khoảnh khắc đại diện Việt Nam (PTS Phan Văn Hạp – bìa trái) và đại diện Nam Yêmen
trao quà lưu niệm tại Đại hội thanh niên dân chủ Nam Yêmen, Nam Yêmen, 29-4-1975.
Trong những ngày cuối tháng 3, tôi được Ban bí thư Trung ương Đoàn triệu tập nghe về tình hình cuộc chiến rồi giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn của Đoàn đại biểu Thanh niên và Sinh viên ta tham dự Hội nghị Thanh niên Sinh viên các nước Xã hội chủ nghĩa họp tại Matxcơva. Hội nghị họp từ 14 đến 18 tháng 4 năm 1975 tại Hội trường lớn của Công đoàn toàn Liên bang Xô viết tại Matxcơva. Hội trường có nhiều hàng cột lớn nên còn có tên gọi là “Cung điện cột lớn”. Trước và sau hội nghị có các cuộc giao lưu của một số đoàn đại biểu với thanh niên và sinh viên một số trường đại học lớn của Matxcơva, có gặp gỡ với tướng lĩnh cựu chiến binh Vệ quốc.
Đoàn chúng tôi rời Hà Nội từ ngày 9 tháng 4 gồm 12 người, sang tới Matxcơva bổ sung thêm 5 người gồm đại diện thanh niên sinh viên lưu học sinh cùng phụ trách thanh niên sinh viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô. 17 thành viên là một đoàn không quá đông nhưng cũng không phải là ít. Anh Đào Trọng Thi khi đó vừa tốt nghiệp đại học, chờ chuyển tiếp nghiên cứu sinh cũng tham gia vào đoàn như đại diện của lưu học sinh. Như những sứ giả mang không khí nóng bỏng từ cuộc chiến tranh đang vào giai đoạn tổng tiến công, chiến thắng nối tiếp chiến thắng. Chúng tôi được mời nói chuyện cho cán bộ, lưu học sinh tại đại sứ quán của ta ở Liên Xô.
Mấy ngày hội nghị cùng các buổi giao lưu với các trường đại học, gặp gỡ tướng lĩnh cựu chiến binh ở Bảo tàng quân đội nhanh chóng qua đi. Ngày 23 tháng 4, sau 2 tuần rời Hà Nội, toàn đoàn từ Matxcơva lên đường về nước. Riêng tôi ở lại Matxcơva chuẩn bị cùng anh Nguyễn Vỹ – chuyên viên cao cấp Ban Quốc tế của Trung ương Đoàn tiếp tục lên đường tới Aden – Thủ đô của Nam Yemen(1) để tham dự Đại hội Thanh niên Dân chủ nước Cộng hòa Nam Yemen. Làm trưởng đoàn một đoàn gồm hai người tham dự hội nghị thanh niên ở một nước Ả Rập – anh Vỹ là một chuyên gia sành sỏi về các hội nghị quốc tế. Mấy ngày họp đại hội rồi cũng qua, ngày 29-4-1975, kết thúc đại hội, Thủ tướng Yemen mở tiệc chiêu đãi các đoàn ngoại quốc dự đại hội.
Thời gian đó về ngoại giao, tại Nam Yemen chúng ta có đại diện Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam. Các nước xã hội chủ nghĩa đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Nam Yemen có: Liên Xô, Cu Ba, Bắc Triều Tiên… Trong đó Cu Ba có cả chuyên gia quân sự. Sáng sớm ngày 30-4, các bạn Cu Ba đã gọi điện mời chúng tôi tới Đại sứ quán của họ. Các bạn nói: Chắc các bạn Việt Nam chưa kịp chuẩn bị cho tiệc mừng thắng lợi! Chúng tôi đã chuẩn bị sâm banh để mừng các bạn và cho cả nhân loại tiến bộ toàn thế giới.
Sáng sớm (theo giờ địa phương: Aden), chúng tôi đã kịp nghe bản tin thông báo thắng lợi của cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm từ chống Thực dân Pháp đến Đế quốc Mĩ và nay được kết thúc bởi chiến thắng giải phóng Sài Gòn, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh.
Bàng hoàng, vui sướng, xúc động, chưa kịp phản ứng gì khi đang ở xa Tổ Quốc thì bạn bè quốc tế đã nhanh chóng tìm gặp để chúc mừng! Trên đường phố Aden nhiều thanh niên của nước chủ nhà vừa chạy vừa nhảy múa, hô vang: “Việt Nam, Việt Nam”.
Đầu giờ chiều chúng tôi ra sân bay rời Aden – Nam Yemen, rất nhiều trường đoàn Thanh niên các nước tìm gặp chúng tôi để bắt tay, ôm hôn chúc mừng thắng lợi. Riêng trưởng đoàn Thanh niên của Bắc Triều Tiên tỏ ra trầm ngâm. Trên máy bay từ Aden về Matxcơva, ngồi cạnh tôi, ông trưởng đoàn Bắc Triều Tiên hỏi tôi bằng tiếng Nga: “Hình như các bạn có niềm vui lớn?”. Tôi trả lời: “Vâng, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của chúng tôi đã hoàn toàn thắng lợi, tổ quốc chúng tôi được thống nhất, dân tộc chúng tôi Bắc – Nam đã đoàn tụ”. Ông ấy siết chặt tay tôi chúc mừng và hỏi thêm: “Bạn có tin rằng một ngày không xa tiếp sau các bạn, đất nước chúng tôi Bắc – Nam cũng sẽ thống nhất, đoàn tụ dân tộc?”.
Đúng ngày Quốc tế Lao động, mùng 1 tháng 5 năm 1975, chúng tôi về tới Mátxcơva. Không khí vẫn giống các năm như tôi được biết. Trong lòng rất vui nên tôi nghĩ rằng mọi người xung quanh cũng phải vui hơn! Tôi gọi điện thoại đến thầy hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ trước đây cho tôi vừa để chúc mừng ngày lễ vừa để báo cho Thầy biết tôi vừa đi công tác về qua. Tôi chưa kịp nói gì, khi nghe giọng tôi, Thầy đã chúc mừng thắng lợi của nhân dân Việt Nam và nói nếu không bận gì thì đến thầy chơi. Chỉ còn ít giờ trước khi bay về Hà Nội, tôi chỉ kịp ghé thăm thầy – cô trong chốc lát. Thầy – cô vui mừng như đón tôi từ chiến trường trở về. Ôn lại những ngày tháng 5 năm 1945 khi Liên Xô chiến thắng Phát xít Đức – thầy tôi – cựu chiến binh Xô viết rưng rưng nhớ lại những ngày tháng 5 cách 30 năm về trước – khi nhận tin chiến thắng và biết mình còn sống.
Ra xe, tôi nhìn lại trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp thân yêu, nhìn lại thầy – cô kính mến đang lưu luyến tiễn tôi – một học trò nhỏ của đất nước Việt Nam xa xăm về địa lý nhưng gần gũi trong tâm hồn đối với thầy cô!
Tôi mong sao chóng về đến Hà Nội hưởng không khí chiến thắng. Đây rồi, Hà Nội đây rồi, ngày mùng 3 tháng 5 năm 1975, máy bay hạ cánh xuống sân bay Hà Nội. Hà Nội tràn ngập cờ, hoa, từ sân bay về nhà, qua cầu Long Biên về tới chợ Mơ, khu lắp ghép Trương Định, nơi gia đình tôi sinh sống: căn số 2 dãy P25. Con trai út của chúng tôi vừa lên 2 tuổi, chạy lon ton ra đón bố, trong tay cầm lá cờ Tổ Quốc. Cả nhà tôi vui mừng trong niềm vui chung của đất nước. Chỉ vài ngày làm thủ tục, báo cáo về chuyến đi – gọn và đơn giản – tôi lại được trở về hòa mình trong công việc của khoa Toán – Cơ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Con gái đầu lòng chào đời
Cũng vào tháng Tư, một ngày khi tôi còn sơ tán cùng khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tại Đại Từ, Thái Nguyên. Vợ tôi dạy học tại trường Phổ thông Trung học Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh có mang cháu đầu lòng. Cháu ra đời vào một ngày cuối của tháng Tư, để rồi sau đó 4 tháng cùng bố mẹ trong một hành trình để đời trên chiếc xe đạp tình nghĩa của cố Giáo sư Hoàng Hữu Đường cho mượn đi suốt dưới bom đạn 7 ngày đêm từ Đức Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh ra Hà Nội đúng vào đêm trung thu. Với gia đình tôi, đây là một sự kiện để đời để sau đó cháu lớn lên tuy gian nan vất vả nhưng được tôi luyện để luôn độc lập tự học hành đến công việc.
Chuyến đi của cả một gia đình 7 ngày đêm trên một chiếc xe đạp dưới bom đạn đã có những giai thoại trong bạn bè, sinh viên các lớp tôi tham gia giảng dạy hồi đó. Gian khó nhưng sâu đậm tình người.
GS.TS Phan Văn Hạp
Nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.
——————
1 Cộng hòa Dân chủ nhân dân Nam Yemen nằm phía nam bán đảo Ả rập được thành lập năm 1976.