Ngay từ những trang đầu cuốn sổ, Nguyễn Quang Huỳnh tự sự “Ngày mai đây, 14-12-1959 tôi chính thức rời khỏi ghế nhà trường để bước vào đời! Bước vào đời! Ba chữ đó biết bao ý nghĩa đã làm tôi cũng như các bạn suy nghĩ từ lâu. Tôi sắp sửa kết thúc quãng đời học sinh để bước sang giai đoạn mới: trở thành người cán bộ của Nhà nước phục vụ sự nghiệp kiến thiết Xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất Tổ quốc”.
PGS.TS Nguyễn Quang Huỳnh sinh năm 1936 tại Hà Nội, học Phổ thông Trung học tại trường Chu Văn An – một ngôi trường lâu đời và nổi tiếng của Hà Nội. Năm học cuối phổ thông cũng là năm đầu tiên dưới chế độ mới – nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã để lại cho ông những kỷ niệm đáng nhớ. Trang 9 của cuốn sổ ông viết, “Giờ đây, hoa phượng đã nở, báo hiệu mùa thi đã đến để chấm dứt niên học. Rồi sau đây, chúng ta đi một ngả đường nhưng cùng một mục đích: phục vụ nhân dân. Trước khi chia tay, các bạn hãy để lại đây vài dòng kỷ niệm một niên học bất diệt trong đời chúng ta-niên học cuối cùng của trường Chu Văn An vĩ đại".
Những dòng cảm xúc của học trò Nguyễn Quang Huỳnh, 1955
Chuẩn bị phải chia xa mái trường Chu Văn An thân yêu, cuốn sổ được các bạn cùng lớp truyền tay nhau ghi lại những tình cảm của mình với bạn, mà trước đó mỗi người vẫn giữ kín trong lòng. "Mới học với Huỳnh một năm nhưng tôi đã thấy ở Huỳnh là một người học trò cần cù, chịu khó, nhẫn nại và đúng đắn trong thái độ đi học về cuối niên học…Mai sau ra đời, tôi quên sao được một người bạn đeo kính trắng mà chỉ một mắt cận thôi đến 7, 8 điốp. Còn Huỳnh hãy nhớ mãi người bạn phân đoàn phó hay nói, hay cười với Huỳnh chứ?"- đó là những dòng lưu bút của bạn Đặng Dung Thức[1].
Và đặc biệt tình cảm đã trở thành "nguyên liệu" cho bạn Tống Văn Mỳ làm bài thơ về Nguyễn Quang Huỳnh sau thời gian học tập cùng nhau không lâu:
Quen Huỳnh mới mấy tháng nay
Mà mình đã mến Huỳnh ngay từ đầu
… Giờ đây năm học qua vèo
Nhưng tình vẫn dính như keo chẳng rời
Trước khi tạm biệt Huỳnh ơi
Mình chúc Huỳnh khỏe đỗ chơi phen này.
Những ngày tháng học tập cùng nhau, Nguyễn Quang Huỳnh không chỉ để lại trong lòng các bạn cùng lớp những tình cảm tốt đẹp mà cả thầy giáo Bùi Phùng cũng căn dặn: "Trước khi thầy trò chia tay trong khung cảnh huy hoàng của nhà trường, tôi có vài dòng ghi đây để làm kỷ niệm và chúc anh luôn luôn mạnh khỏe để đạt được những ước mong của thời thanh niên".
Nét chữ của bạn Đặng Dung Thức
Những cảm xúc của một thời học Phổ thông trước lúc chia tay cũng được chính chủ nhân cuốn lưu bút ghi lại, "Hồi đó tôi nhớ lắm, ngày 12-2-1955 tôi mới vào học, còn bỡ ngỡ, chưa hiểu rõ hệ thống tổ chức ra sao. Tôi không biết một ai trong lớp trừ Đặng Vũ Tú mà tôi biết sơ qua". Và rồi dần dần qua những buổi học và các hoạt động ngoại khóa Huỳnh thấy gắn bó với trường lớp, thầy cô và bạn bè. Những kỷ niệm đáng nhớ của các tiết học cũng được ông cảm nhận và ghi lại: "Tôi nhớ mãi hôm không thuộc bài vạn vật (bài hoàn tất) của thầy Huấn, tôi ngượng biết bao nhiêu khi Ngọc Trâm lên vẽ hình trên bảng. Từ đó tôi tự kiểm điểm về thái độ học tập của tôi". Sau đó ông nhủ mình cần cố gắng hơn nữa trong học tâp để rồi "Qua đợt thi đua ngày 19-5-1955 tôi được bầu làm cá nhân khuyến khích trong lớp, chỉ có ngày lịch sử đó mới ăn sâu vào não tôi, linh thiêng biết bao"[2].
Qua những ngày tháng miệt mài bên đèn sách, tháng 9-1955, một chân trời mới lại rộng mở trước mắt "cậu tú" Nguyễn Quang Huỳnh. Đậu Tú tài, không thích ngành Sư phạm và ngành Y nên Nguyễn Quang Huỳnh vào học Dự bị đại học một năm với hy vọng được theo học ngành khác từ các trường Đại học mới mở. Chương trình Dự bị đại học lúc bấy giờ có các môn toán, lý, hóa ở mức độ đại cương, học sâu về triết học, sử và địa. Các bạn học Dự bị đại học đến từ các nơi khác nhau (chủ yếu là Hà Nội), nhưng Huỳnh luôn để lại tình cảm trong lòng các bạn. Võ Quảng – một người bạn ở Quảng Ngãi, sau này trở thành nhà thơ chuyên viết cho thiếu nhi – đã viết "Tôi nhớ mãi một người bạn mang gương (kính) trắng, tôi lại được kỷ niệm chiếc huy hiệu của bạn, bây giờ lại viết kỷ niệm cho bạn, thắm thiết biết bao". Còn bạn Hưng: "Trong học tập Hưng thấy Huỳnh có nhiều nhận xét thực tế nhiều liên hệ sâu sắc. Hưng chắc rằng với kết quả bước đầu Huỳnh sẽ có cơ sở để đảm bảo kết quả năm học này".
Thời gian trôi thật nhanh, tháng 7-1956 khóa Dự bị Đại học đã kết thúc, Nguyễn Quang Huỳnh đạt kết quả loại giỏi. Ông được bố là nhà văn Nguyễn Quang Cư khuyên nên theo học ngành Hóa chất. Thấy phù hợp với sở thích của mình ông lựa chọn học trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tháng 9-1956, ông nhận được giấy triệu tập của trường, học ngành Kỹ nghệ hóa học.
Những ngày đầu nhập trường Nguyễn Quang Huỳnh còn nhiều bỡ ngỡ, nhất là mối quan hệ giữa sinh viên với nhau, mỗi người một vùng miền, một tính cách… Nhưng rồi "Chúng ta đã giúp đỡ nhau trong học tập, khuyến khích nhau đạt được kết quả tốt trong kỳ thi và mỗi lần biết kết quả tốt chúng ta đều mừng cho nhau", đó là những dòng cảm xúc của bạn Đào Đình Thảo.
Giấy báo nhập học thời kỳ những năm 50 thế kỷ trước
Ngày đó, ông luôn phấn đấu trở thành một đoàn viên ưu tú để đứng trong Ban chấp hành Đoàn thanh niên lao động. Một chàng trai Hà thành như ông không quen việc nặng nhọc như các bạn ở tỉnh khác nhưng khi có phong trào lao động là Nguyễn Quang Huỳnh hăng hái tham gia. Năm học thứ hai, ông tham gia lao động xã hội chủ nghĩa tại Công trình Bắc Hưng Hải khoảng 2 tháng; tham gia sản xuất gạch ở lò gạch Khoa Hóa của Trường Đại học Bách Khoa…. Những ngày đi lao động đó để lại trong ông những tình cảm và được thể hiện trong bài thơ do ông viết "Tôi nhớ công trường", tháng 12-1958 [3].
Tôi nhớ công trường Nhớ anh bộ đội
Nhớ bác dân công
Đang hăng say lao động
Hy vọng nước mai đây về đồng
Ai quên được trên lán trại sinh viên
Cả tập thể vươn lên
Dưới mái lá đơn sơ nhưng đầm ấm
Nhưng chứa chan bao sức sống đang lên.
Ngay từ những năm thứ nhất của khoá học, trường Đại học Bách khoa đã cử sinh viên đi thực tập. Năm học thứ nhất và thứ hai Nguyễn Quang Huỳnh đi thực tập tại Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Năm 1959 (tức năm thứ ba đại học), một số sinh viên được lựa chọn sang nước ngoài học tiếp, số còn lại đi về các trường giảng dạy, và công tác chuyên môn tại các cơ quan xí nghiệp trong 2 năm, lấy kết quả nhận xét để tốt nghiệp. Ông được Khoa Hóa phân công về giảng dạy tại trường Trung cấp Hóa chất 2 ở Phú Thọ. "Tôi quên sao được của sự phân công của Khoa Hóa ngày hôm qua, ngày 12-12-1959, mọi người đều hồi hộp lắng nghe đồng chí Khuê đọc: Anh Nguyễn Quang Huỳnh và Phạm Văn Minh về Trung cấp 2"[4]. Vốn không thích theo nghề Sư phạm ngay từ khi chọn trường Đại học nhưng đứng trước nhu cầu của đất nước, đặt lợi ích của tập thể lên trên nguyện vọng của cá nhân ông đã chấp hành đúng phân công của Khoa.
Thời gian trôi qua nhanh, chỉ còn kỷ niệm ở lại, mỗi người với công việc khác nhau, sinh viên trong lớp để lại những dòng cảm nhận về Huỳnh trong thời gian học Đại học: "Anh Huỳnh là người bạn tốt, giản dị, học chăm và một phần nào đó có chan hòa với các bạn…Nhưng ở anh Huỳnh tôi thấy ít tính chất sôi nổi của thanh niên, thường hay thầm lặng và ít nói, điểm này có thể làm cho các bạn khó hiểu và khó gần mình. Và anh Huỳnh đối với bạn còn nể nang, kém mạnh dạn đấu tranh với những sai lầm của các bạn"- Lê Thị Phấn viết ngày 29-11-1959 [5]. Hay: "Mai đây, mỗi lúc nhớ đến Huỳnh, là mình nhớ đến cái danh hiệu "Nouvell Huỳnh" đã từng có một thời nổi đình đám trên công trường làm gạch của khoa Hóa chúng ta. …Huỳnh là một chuyên gia thuốc trừ sâu, người thanh niên số một của thủ đô cũng như của toàn quốc đã được vinh dự đặt chân vào Thư viện Khoa học Trung ương". Đó chính là những tình cảm, lời nhận xét sâu sắc, thẳng thắn của các bạn với Huỳnh đó cũng là động lực để ông phấn đấu tiếp trên con đường học tập sau này.
Ngày 24-7-1961, Nguyễn Quang Huỳnh về trường Đại học Bách khoa tổng kết công tác đi thực tế trong hai năm và dự lễ tốt nghiệp. Ông đã cùng bạn bè tới thăm GS Phạm Đồng Điện-Chủ nhiệm Khoa Hóa. Trong tâm trí ông cũng như bao sinh viên khác, thầy Điện là người mẫu mực, luôn giáo dục tư tưởng, giáo dục về chuyên môn, và là tấm gương sáng về đạo đức. "Anh em tập trung cả ở nhà Thầy, mặc dù lối đi vào khó khăn, cỏ mọc đầy hai bên đường, trời tối…nhưng rất thú vị. Trên bàn la liệt những chuối, chuẩn bị tiếp đón chúng tôi. Thầy rất niềm nở, tươi cười, mặt khác thầy cũng đã có người bạn đời mới chuẩn bị tổ chức lễ thành hôn. Thật đây là những giờ phút hiếm có. Mọi người cùng trò chuyện hàn huyên, đùa cười vui vẻ và rất tập trung vào việc vui mừng của thầy"[6].
Ngày 30-7-1961, tại Hội trường của Đại học Bách khoa, Lễ tốt nghiệp cho 633 sinh viên Khóa I được tổ chức, trong đó có Nguyễn Quang Huỳnh. Ông nhớ mãi lời phát biểu của Quyền Thứ trưởng Phạm Hùng tại buổi lễ: "Thật là vinh dự cho những người đầu tiên, những người kỹ sư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa"[7]. Trở thành Kỹ sư, Nguyễn Quang Huỳnh tự nhủ[8]:
Từ nay tạm xếp bút nghiên
Thành người lao động của miền Bắc ta
Quyết tâm phục vụ nước nhà
Công tác cho xứng là người đoàn viên.
Và sau này, Nguyễn Quang Huỳnh đã trở thành Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Chuyên viên Quản lý đào tạo, Bộ Công nghiệp.
Cuốn sổ không chỉ lưu lại những dòng chữ tình cảm của bạn bè trên các trang giấy mà còn được chủ nhân của nó dán thêm nhiều trang viết trên giấy các loại do các bạn gửi lại tình cảm cho Nguyễn Quang Huỳnh. Trong cuốn sổ còn dán kèm: Giấy chứng nhận "Kỷ niệm diệt dốt thủ đô 1956", kèmhuy hiệudo Sở Giáo dục tặng khi ông tham gia dậy học trong phong trào Bình dân học vụ, ngày 8-11-1956; Những bức ảnh quý ông chụp với bạn bè; Một số hiện vật đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời ông: Giấy triệu tập Nguyễn Quang Huỳnh vào học của trường học Đại học Bách khoa, ngày 24-9-1956; Thẻ học tập (1-10-1956); Lá Đơn xin gia nhập Đoàn của Nguyễn Quang Huỳnh, ngày 30-3-1957; Phù hiệu trở về trường 24-7-1961…
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, cuốn sổ đã ố vàng, có trang bị rách, bìa đã sờn nhưng trong đó chứa đựng cả một miền kỷ niệm về một thuở hồn nhiên cắp sách tới trường học tập và phấn đấu của PGS.TS Nguyễn Quang Huỳnh. Với nội dung Cuốn sổ quý này, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hy vọng bạn đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn về thế hệ cha anh với lý tưởng học tập, rèn luyện và đã góp phần không nhỏ phục vụ đất nước.
Lê Thị Hoài Thu – Hoàng Thị Liêm
_________________________
[1]. Sổ lưu bút của PGS.TS Nguyễn Quang Huỳnh, năm 1955 – 1961, trang 21. [2]. Như trên, trang 33. [3]. Như trên, trang 32. [4]. Như trên, trang 5. [5]. Như trên, trang 55. [6]. Như trên, trang 135. [7]. Như trên, trang 66. [8]. Như trên, trang 144.