Những người thầy lớn đã cho tôi phương pháp tư duy

Năm 1953, Phan Văn Hạp là một trong 150 học sinh đã xuất sắc vượt qua 1500 thí sinh để trở thành học sinh trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng-Hà Tĩnh. Khoảng thời gian học tại đây (1953-1955), đã để lại trong GS Phan Văn Hạp những kí ức sâu đậm về những người thầy như thầy Phan Ngọc Đường dạy Toán, thầy Bùi Văn Nguyên và thầy Nguyễn Quát dạy Văn…

“Những người thầy lớn đã cho tôi phương pháp tư duy” – GS Phan Văn Hạp cho biết

Trong buổi làm việc với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngày 29-5-2015, GS Phan Văn Hạp chia sẻ: Họ có thể là những người thầy có bằng cấp không cao (tốt nghiệp bậc đại cương-một cấp học nằm giữa tú tài và cử nhân), nhưng với tôi đó là những bậc thầy về tri thức với kiến thức vững vàng và phương pháp truyền thụ sáng tạo đúng trình tự của tư duy (Từ nguồn gốc đến nội dung và cách giải quyết vấn đề). Thương các trò không có điều kiện đọc sách hay, các thầy lại là người cho học trò mượn về chép. Trong suy nghĩ của tôi: Đó là những trí thức uyên thâm và tư cách đạo đức mẫu mực, họ có thể khiến học trò thấy, nghe được bản chất của vấn đề từ chính phương pháp truyền thụ, từ đó hình thành nên tư duy để trang bị cho học trò khả năng tự học, đó là điều mà không phải nền giáo dục nào cũng có.

Chính những năm tháng thanh xuân đó, đã hình thành nên tư duy độc lập, gắn liền với phương pháp đọc, tra cứu, học tập và nghiên cứu của GS.TS Phan Văn Hạp sau này. 

 

Nguyễn Thúy Tiềm

 Trung tâm Di sản các Nhà khoa học Việt Nam