Những người truyền cảm hứng

 PGS.TS Nguyễn Văn Huy , Giám đốc Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam giới thiệu với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại trưng bày

 Trưng bày Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam với thông điệp rõ ràng là thông qua 14 công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh, kể câu chuyện sáng tạo và cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khó khăn gian khổ hay gặp hiểm nguy, họ vẫn nỗ lực hết mình để đóng góp cho khoa học, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong không gian hơn 170 mét vuông, trưng bày được bố trí bài bản, kết hợp chặt chẽ về mặt nội dung, thiết kế đồ hoạ với những tài liệu hiện vật tự kể chuyện. Lướt qua một vòng phòng trưng bày này, chúng tôi quay trở lại xem kỹ từng chi tiết hình ảnh, pano, các câu chuyện của người trong cuộc hoặc người đi sau kể lại. Đập vào mắt là hình ảnh chân dung của các tác giả hoặc tập thể tác giả các công trình. Bản thân tên tuổi của họ, khi được nhắc đến đã đem đến sự ngưỡng phục và những cảm xúc khó tả. Được mục sở thị những câu chuyện viết trên các tấm pano của trưng bày, chúng tôi mới hiểu được vì sao các nhà khoa học lại có thể sáng tạo, thành công trong lĩnh vực của mình, làm rạng danh nền khoa học Việt Nam và đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Ở lĩnh vực y học, dễ dàng nhận ra những tên tuổi lớn như Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung hay Vũ Công Hoè, những cây đại thụ toàn tài, vẹn y đức, vững y năng. Ở cạnh đó là các nhà khoa học thuộc lĩnh vực tự nhiên như Hoàng Tuỵ, Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Văn Đạo hay các nhà dược học Đỗ Tất Lợi, nhà sinh học Đào Văn Tiến, nhà lâm nghiệp học Thái Văn Trừng và cả những nhà khoa học đất Lê Duy Thước, Cao Liêm, các nhà địa chất Nguyễn Xuân Bao, Trần Đức Lương, Lê Văn Trảo, Trần Phú Thành… Động lực nào khiến cho các nhà khoa học vượt lên khó khăn, gian khổ, thậm chí sẵn sàng hi sinh mạng sống để chiếm lĩnh được thành tựu khoa học và đóng góp sức mình cho đất nước? Ngoài niềm đam mê, say sưa với khoa học, có lẽ động lực lớn nhất của các nhà khoa học chính là lòng yêu nước. Tổ quốc luôn ở vị trí trang trọng nhất trong tim của họ. Con tim và lý trí của họ luôn hướng về Tổ quốc. Bởi thế, họ sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì thuộc về cá nhân để hoà mình vào đời sống của nhân dân, vào công cuộc giành độc lập tự do và làm giàu cho đất nước.

Dễ dàng minh chứng cho điều đó là khi nghe câu chuyện của bác sĩ Đặng Văn Ngữ, người được coi là Giáo sư Penicillin. Năm 1943, khi cuộc chiến tranh thế giới thứ II đang ngày càng ác liệt, còn tình hình chính trị ở trong nước diễn biến ngày càng phức tạp thì bác sĩ Đặng Văn Ngữ sang Nhật Bản để du học và tiếp tục những dự định khoa học riêng của mình. Trong thời gian tu nghiệp ở Nhật, ông tìm ra giống nấm sản xuất Penicillin và công bố 4 công trình khoa học có giá trị là: “Xác định loại nấm có tính kháng sinh cao”; “Xác định công thức kháng sinh nguyên Salmonella”; “Đặc điểm tiến hóa của D. Mansoni”. Nhưng trong suốt thời gian ở nước Nhật, lòng ông luôn hướng về Tổ quốc. Làm sao có thể yên tâm làm việc và nhận các đãi ngộ vật chất khi nhân dân đang gian khổ, hi sinh cho cuộc kháng chiến trường kỳ, giành độc lập dân tộc. Giống như nhiều trí thức khác, ông khát khao mau chóng trở về và đem sở học để phục vụ nhân dân, phục vụ những chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu ngoài mặt trận. Thời cơ cuối cùng cũng đến khi cuối năm 1949, ông lên đường trở về nước với những hành trang quý giá. Đó là những kiến thức y học của Nhật, các nước phương Tây và đặc biệt là mang theo Souche Penicillium (giống Penicillium) để điều chế thuốc kháng sinh Penicillin…

Đông đảo người dân tham quan trưng bày

Những nhà khoa học "cómặt" tại trưng bày cuốn hút kỳ lạ, những câu chuyện của họ, về họ có sức lan toả, truyền cảm hứng đặc biệt đến người xem. Học sinh có thể tìm thấy cảm hứng học tập từ các nhà khoa học; những người khác có thể tự hào về khoa học Việt Nam… Hơn tất cả, với những ai chuẩn bị bước vào khoa học hoặc một con đường đi mới cho bản thân sẽ thêm vững tin, có động lực và không chùn bước trước những trở ngại khó khăn. Trên hành trình đến với vinh quang, con đường nào cũng sẽ có ít nhiều gồ ghề, gai góc hoặc vấp ngã… nhưng có hề gì? Thế hệ đi trước đã dạy chúng ta rằng, với tình yêu, động cơ trong sáng thì có thể vượt qua bất kỳ trở ngại nào.

Người xem trưng bày sẽ bị thuyết phục và rút ra được nhiều bài học cho riêng mình khi được nghe các nhà khoa học kể chuyện, hiện vật kể chuyện. Ở Hà Nội những năm 60 của thế kỷ trước, GS Hoàng Tuỵ khiến cộng đồng toán học quốc tế phải ngạc nhiên khi trong điều kiện thiếu thốn, ông vẫn phát minh ra “nhát cắt Tuỵ” để giải bài toán quy hoạch lõm, khai sinh ra một lĩnh vực mới: Tối ưu hoá toàn cục. Còn ở Lạng Sơn, nơi sơ tán những năm Mỹ ném bom miền Bắc, GS Nguyễn Văn Đạo vẫn làm toán với cái bụng đói meo và thậm chí còn không có cơm độn sắn để ăn, nhưng vẫn tạo ra một trường phái mới trong nghiên cứu dao động phi tuyến ở Việt Nam. Cũng trong những năm ấy, ở xứ sở Bạch dương xa xôi phía bên kia bán cầu, một nhà vật lý trẻ Việt Nam Nguyễn Đình Tứ đã khiến các nhà khoa học Tây Âu dành lời ngợi khen khi tìm ra phản hạt hyperon sigma âm mà thế giới chưa tìm ra được…

Mỗi trang bản thảo, mỗi quyển nhật ký, mỗi hiện vật… trong trưng bày đều tự nó kể câu chuyện lịch sử, câu chuyện sáng tạo và cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam. Đặc biệt hơn, nhà khoa học trong trưng bày, dù còn sống hay đã mất cũng đã kể câu chuyện của họ, đem lại những cảm hứng, động lực, xúc cảm khác nhau cho người xem. Những nhà khoa học và di sản của họ đã, đang và sẽ truyền cảm hứng khác biệt đến thế hệ đi sau. 

Thanh Hóa

Nguồn:http://baovanhoa.vn/van-hoa/artmid/428/articleid/33122/nhung-nguoi-truyen-cam-hung