Những người truyền cảm hứng

Trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam” với thông điệp rõ ràng là kể câu chuyện sáng tạo và cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khó khăn gian khổ hay gặp hiểm nguy, họ vẫn nỗ lực hết mình để đóng góp cho khoa học, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong không gian hơn 170 m2 tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, trưng bày được bố trí bài bản, kết hợp chặt chẽ về mặt nội dung, thiết kế đồ hoạ với những tài liệu hiện vật tự kể chuyện. Lướt qua một vòng phòng trưng bày này, tôi quay trở lại xem kỹ từng chi tiết hình ảnh, pano, các câu chuyện của người trong cuộc hoặc người đi sau kể lại. Đập vào mắt tôi là hình ảnh chân dung của tác giả hoặc tập thể tác giả các công trình. Bản thân tên tuổi của họ, khi được nhắc đến đã đem đến sự ngưỡng phục và những cảm xúc khó tả. Được mục sở thị những câu chuyện trên các pano của trưng bày, tôi mới hiểu được vì sao các nhà khoa học lại có thể sáng tạo, thành công trong lĩnh vực của mình, làm rạng danh nền khoa học Việt Nam và đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Động lực nào?

Ở lĩnh vực y học, dễ dàng nhận ra những tên tuổi lớn như Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung hay Vũ Công Hoè – những cây đại thụ toàn tài, vẹn y đức, vững y năng. Ở cạnh đó là các nhà khoa học thuộc lĩnh vực tự nhiên như Hoàng Tuỵ, Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Văn Đạo hay các nhà dược học Đỗ Tất Lợi, nhà sinh học Đào Văn Tiến, nhà lâm nghiệp học Thái Văn Trừng và cả những nhà khoa học đất Lê Duy Thước, Cao Liêm, các nhà địa chất Nguyễn Xuân Bao, Trần Đức Lương, Lê Văn Trảo, Trần Phú Thành…

Động lực nào khiến cho các nhà khoa học vượt lên khó khăn, gian khổ, thậm chí sẵn sàng hi sinh mạng sống để chiếm lĩnh được thành tựu khoa học và đóng góp sức mình cho đất nước? Ngoài niềm đam mê, say sưa với khoa học, có lẽ động lực lớn nhất của các nhà khoa học chính là lòng yêu nước. Tổ quốc luôn ở vị trí trang trọng nhất trong tim của họ. Con tim và lý trí của họ luôn hướng về Tổ quốc. Bởi thế, họ sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì thuộc về cá nhân để hoà mình vào đời sống của nhân dân, vào công cuộc giành độc lập tự do và làm giàu cho đất nước.

Dễ dàng minh chứng cho lập luận nói trên khi nghe câu chuyện của bác sĩ Đặng Văn Ngữ – người được coi là Giáo sư Penicillin. Năm 1943, khi cuộc chiến tranh thế giới thứ II đang ngày càng ác liệt, còn tình hình chính trị ở trong nước diễn biến ngày càng phức tạp thì bác sĩ Đặng Văn Ngữ sang Nhật Bản để du học và tiếp tục những dự định khoa học riêng của mình. Trong thời gian tu nghiệp ở Nhật, ông tìm ra giống nấm sản xuất Penicillin và công bố 4 công trình khoa học có giá trị là: “Xác định loại nấm có tính kháng sinh cao”; “ Xác định công thức kháng sinh nguyên Salmonella”; “Đặc điểm tiến hóa của D. Mansoni”. Nhưng trong suốt thời gian ở nước Nhật, lòng ông luôn hướng về Tổ quốc. Làm sao có thể yên tâm làm việc và nhận các đãi ngộ vật chất khi nhân dân đang gian khổ, hi sinh cho cuộc kháng chiến trường kỳ, giành độc lập dân tộc. Giống như nhiều trí thức khác, ông khát khao mau chóng trở về và đem sở học để phục vụ nhân dân, phục vụ những chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu ngoài mặt trận. Thời cơ cuối cùng cũng đến khi cuối năm 1949, ông lên đường trở về nước với hành trang quý giá. Đó là những kiến thức y học của Nhật, các nước phương Tây và đặc biệt là mang theo Souche Penicillium (giống Penicillium) để điều chế thuốc kháng sinh Penicillin. Trước đó ông từng tâm sự: “Tôi sang Nhật Bản nghiên cứu về ngành Y tế từ năm 1943 nên rất lấy làm hổ thẹn chưa được cùng toàn thể đồng bào tham gia một cách trực tiếp vào cuộc kháng chiến… Tôi rất hy vọng được về nước, mong đem chút ít nghệ thuật giúp ích cho đồng bào”. Từ sâu thẳm, động lực để bác sĩ Đặng Văn Ngữ trở về nước là vì Tổ quốc, vì nhân dân, thương binh đang chờ ông.

Cuối tháng 12-1949, bác sĩ Đặng Văn Ngữ trở về Liên khu IV, chọn rất kỹ nơi lưu trữ chủng nấm chiết xuất ra kháng sinh Penicillin mang từ Nhật Bản về nhưng khi mở gói nấm dùng để làm Penicillin ra xem lại thì thấy nấm không còn công hiệu vì đã bị lẫn lộn bởi những nấm tạp từ bên ngoài. Đó là điều đau xót nhất với ông bởi trên đường trở về nước, ông luôn tâm niệm rằng trở về nước để sản xuất kháng sinh Penicillin. Những ngày sau đó, ông chỉ nghĩ đến nấm và không kể ngày đêm, chỉ loay hoay với những ống nghiệm về nấm. Như sau này, ông viết trong hồi ký: “Ngày ngày tôi cấy hàng trăm cái nấm lấy ở ống giống ra để thử với vi trùng. Nhưng ngày nào cũng như ngày nào, vi trùng đều mọc quanh cái nấm chứng tỏ rằng nấm không còn có tác dụng nữa. Đêm đến, vấn đề nấm đeo đuổi tôi mãi không ngủ được”. Sự lo lắng và kiên trì của bác sĩ Đặng Văn Ngữ cuối cùng cũng có kết quả khi ông chế tạo ra penicillin dạng bột, rồi nước lọc kháng sinh penicillin, có giá trị vô cùng to lớn khi cứu chữa hàng vạn thương bệnh binh trong cuộc kháng chiến.

Những gương mặt tác giả có công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh

Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó, vào năm 1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ngày càng ác liệt ở miền Nam và mở rộng ra miền Bắc thì bác sĩ Đặng Văn Ngữ lại xin đi B. Đối với một trí thức tên tuổi, tài năng như Đặng Văn Ngữ, Bộ Y tế không thể đồng ý cho ông đi vào nơi bom đạn hiểm nguy như thế. Nhưng tiếng gọi của đồng bào miền Nam, nỗi ám ảnh sốt rét đối với bộ đội cứ theo đuổi ông suốt ngày đêm. Ông luyện tập sức khoẻ bằng cách cho gạch vào balo và tập hành quân. Ông viết đơn để xin vào chiến trường. Sau nhiều lần từ chối Bộ Y tế cũng phải đồng ý để ông vào chiến trường. Trong thư gửi con gái, ông viết: “Ba vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) nghiên cứu trong 4 tháng và thấy có thể sản xuất được thuốc để tiêm phòng sốt rét, Ba sẽ đi B để sản xuất thuốc ấy trên một quy mô lớn hơn (Thư GS Đặng Văn Ngữ gửi con gái, 2-1967)”. Đó cũng là chuyến đi định mệnh, chuyến đi cuối cùng khi ông mãi mãi không quay về và bỏ dở bao dự định khoa học.

Vì tình yêu với những cánh rừng, mỏ quặng hay những nắm đất tưởng chừng vô tri mà các nhà khoa học dành cả cuộc đời để theo đuổi, phát hiện ra những điều mới mẻ. Suốt từ năm 1959 cho đến những năm 90 của thế kỷ trước, GS Lê Duy Thước, GS Cao Liêm, TS Trần Khải, PGS Tôn Thất Chiểu… và hàng trăm cán bộ khoa học khác lăn lộn khắp mọi vùng miền của tổ quốc để khảo sát, điều tra, phân loại đất đai, thổ nhưỡng Việt Nam. Khi miền Nam còn chưa im tiếng súng, GS Lê Duy Thước và đồng nghiệp vẫn vào Tây Nguyên, Nam bộ để lấy từng mẫu đất, khảo sát lập sơ đồ thổ nhưỡng và bản đồ đất toàn Việt Nam, phục vụ cho việc quy hoạch, phát triển các ngành kinh tế và vùng kinh tế. Trong hành ấy, đã có người nằm xuống bởi họng súng của kẻ thù, có người mất khi chưa nhìn thấy thành quả cuối cùng, nhưng những sản phẩm khoa học cỏn lại sẽ khắc tên họ vào lịch sử khoa học của ngành. KS Đỗ Đình Thuận – một tác giả tham gia công trình này kể về một chuyến khảo sát: “Trong khi khảo sát đất ở vùng Đắk Uy, Kon Tum, chúng tôi đến một quả đồi ven quốc lộ 14 để nghiên cứu, lấy mẫu đất. Tôi đang cuốc ở lưng chừng đồi thì bất ngờ một đồng nghiệp giật tay, thảng thốt: “Anh không để ý à, nếu cuốc thêm nhát nữa là trúng quả mìn!”. Nhìn lại, chúng tôi mới hú vía”. Vẫn theo lời ông thì: “Năm 1977, trong chuyến khảo sát lập bản đồ đất tỉnh Đồng Nai tại Tân Phú, nhóm cán bộ của Viện Thổ nhưỡng – Nông hóa bị Fulro phục kích, xả súng vào xe ô tô. KS Nguyễn Tấn Thương bị trúng đạn và qua đời, một cán bộ khác bị thương nặng, ba người may mắn thoát vào rừng. Ngoài ra, trong những chuyến khảo sát đất, lập quy hoạch nông nghiệp tại Tây Nguyên, đã có 9 kỹ sư nông nghiệp hy sinh bởi Fulro”.

Giống như các nhà khoa học đất, các nhà địa chất cũng không quản ngại gian khó để lao mình vào những vùng trọng điểm, còn tiếng súng hoặc bom mìn của chiến tranh để tạo nên những tờ bản đồ có giá trị khoa học cao. Không có một đất nước nào trên thế giới mà nhà khoa học khi nghiên cứu ở ngoài thực địa phải vừa mang theo dụng cụ, đồ nghề, lại còn phải mang theo cả súng để sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù. Nó được khái quát trong những câu thơ đáng yêu của AHLĐ Nguyễn Xuân Bao: “Lưng đeo súng lục, địa bàn/ Tay cầm chắc búa gian nan sá gì”. Cụm công trình “Bản đồ địa chất Việt Nam tỉ lệ 1/500.000 và Bản đồ khoáng sản Việt Nam tỉ lệ 1/500.000” có giá trị khoa học cao, làm cho bức tranh về lịch sử hình thành và phát triển địa chất của vỏ trái đất trên lãnh thổ nước ta thêm sinh động và đầy đủ. Sự phân chia và thể hiện các tạo thành magma là cơ sở quan trọng để dự báo quy luật phân bố khoáng sản; thông tin về vị trí, loại hình, chất lượng, quy mô và nguồn gốc khoáng sản được phản ánh đầy đủ, giúp ích cho việc phát triển khai khoáng. Những câu chuyện còn lại, ngoài những vấn đề chuyên môn là những phen hoảng hồn, suýt chết. KS Nguyễn Xuân Bao kể lại một chuyến khảo sát: “Đến A Lưới, trời đổ mưa xối xả, nước ngập tràn khắp thung lũng. Không may chiếc xe do anh Tiếp lái chạy không đúng tim đường đã bất ngờ sụp xuống một cái hố bom lớn. Anh Trần Tỵ cùng anh Tiếp mở cửa cabin lóp ngóp ngoi lên được. Cả đoàn phải dừng lại, chịu đói, lạnh và mất ngủ suốt đêm”.

Gần gũi hơn là những câu chuyện của GS.TS Trương Đình Dụ và những công trình thuỷ lợi thiết thực, tiết kiệm cho nhà nước hàng ngàn tỉ đồng, có giá trị thực tiễn to lớn đối với bà con nông dân. Đập trụ đỡ và đập sà lan là kết quả của sự sáng tạo, tư duy đột phá, dám nghĩ dám làm của GS Trương Đình Dụ. Như ông tâm sự về nỗi niềm với những con đập là vì sinh ra ở vùng quê nghèo của Can Lộc, Hà Tĩnh. Trăn trở với nỗi niềm của người nông dân, ông quyết tâm và cố gắng vươn lên trong học tập để giúp ích cho quê hương. Những cánh đồng nứt nẻ vào mùa khô, lũ lụt vào mùa mưa, hay bị ngập mặn, phèn ở miền Nam luôn day dứt và trở đi trở lại trong tâm trí ông. Sau nhiều năm nghiên cứu tìm hướng đi mới, ông đã cho ra đời công nghệ đập trụ đỡ và đập sà lan. Từ năm 1996 đến nay, công nghệ này được ứng dụng xây dựng hàng trăm công trình trên cả nước, tiêu biểu như: đập Thảo Long ở Huế, công trình sông Dinh ở Ninh Thuận, đập Hiền Lương ở Quảng Ngãi, hệ thống Cái Lớn – Cái Bé ở Kiên Giang.

14 công trình là hàng trăm câu chuyện khác nhau, diễn giải những nỗi niềm đam mê, động lực khoa học. Tất cả đều do người trong cuộc kể chuyện, dù họ có còn hay đã mất. Họ làm khoa học khi bỏ ra ngoài suy nghĩ vị kỷ, tất cả đều vì đam mê, tình yêu với nhân dân lao động, vì Tổ quốc thân yêu.

Những người truyền cảm hứng

Những nhà khoa học được trưng bày có một sức hút kỳ lạ, những câu chuyện của họ, về họ có sức lan toả, truyền cảm hứng đặc biệt đến người xem. Học sinh có thể tìm thấy cảm hứng học tập từ các nhà khoa học; những người khác có thể tự hào về khoa học Việt Nam… Hơn tất cả, với những ai chuẩn bị bước vào khoa học hoặc một con đường đi mới cho bản thân sẽ thêm vững tin, có động lực và không chùn bước trước những trở ngại khó khăn. Trên hành trình đến với vinh quang, con đường nào cũng sẽ có ít nhiều gồ ghề, gai góc hoặc vấp ngã… nhưng có hề gì? Thế hệ đi trước đã dạy chúng ta rằng, với tình yêu, động cơ trong sáng thì có thể vượt qua bất kỳ trở ngại nào.

Đứng trước pano trưng bày về GS Tôn Thất Tùng – nhà ngoại khoa Việt Nam lừng danh cả trong và ngoài nước, tôi ngắm rất kỹ những bức ảnh đen trắng phản ánh sắc thái, những hoạt động của ông và cảm thấy có một niềm xúc động lớn. Những câu trích dẫn lời ông được lấy ra từ một cuốn hồi ký, hay bản thảo một cuốn sách, hoặc những dòng chữ, hình vẽ tay trong cuốn nhật ký làm việc đã đem đến một điều gì đó rất khác lạ, chắc chắn không chỉ với cá nhân tôi mà bất kỳ ai khác nữa, thuộc mọi lứa tuổi. Các dòng tiêu đề truyện được dẫn ra như: Bị công kích lần thứ nhất, Bị công kích lần thứ 2, Cả ngày ở nhà thương, Mổ hơn 200 lá gan người chết, Chỉ với chiếc nạo xương, Tư duy nổi loạn… khiến tôi không thể rời mắt và đọc đi đọc lại những câu chuyện ấy. Từ thời sinh viên trường Y Đông Dương, Tôn Thất Tùng đã được biết đến với tư cách là một người có tư duy khác biệt, nổi loạn. Ông cho rằng: “Khoa học là sự nổi loạn của tư duy”. Quả thực, ông không chấp nhận những áp đặt từ các thầy giáo người Pháp và những điều được trích dẫn hàn lâm từ sách vở và quyết tâm tìm một con đường đi riêng. Miệt mài mổ 200 lá gan tử thi, ông tìm ra cấu trúc của các mạch máu trong gan. Bản báo cáo khoa học năm 1939 của ông được gửi sang Paris và được soi dưới con mắt của các nhà giải phẫu kỳ cựu. Ngay sau đó, Tôn Thất Tùng nhận phải sự công kích lần thứ nhất về những phát hiện, suy luận khoa học mới mẻ. Nó như gáo nước lạnh dội vào lòng nhiệt thành của một chàng trai trẻ. Nhưng điều ấy chẳng hề gì, khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông quay trở lại với hướng nghiên cứu về gan và tạo nên một điều ngạc nhiên khiến các nhà y học thế giới phải nhắc đến tên mình. Phương pháp cắt gan khô được công bố lần đầu tiên vào năm 1962 vẫn tiếp tục nhận sự công kích, cho rằng ông đã can thiệp thô bạo vào gan. Nhưng bằng lý luận khoa học và sự kiểm chứng của thực tiễn, các nhà phẫu thuật nổi tiếng của thế giới phải công nhận: Phương pháp cắt gan của Tôn Thất Tùng đã trở thành một phương pháp kinh điển, cần được phổ biến rộng rãi trên thế giới.

Ngay cạnh những hình ảnh về GS Tôn Thất Tùng là các pano trưng bày về một nhà giải phẫu bệnh lừng danh của Việt Nam – GS Vũ Công Hoè. Chiếc kính hiển vi nằm trong tủ kính là người bạn gắn bó với cuộc đời làm giải phẫu của ông. Cùng với nó, ông đã quan sát hàng vạn tiêu bản được lấy ra từ các tử thi, phục vụ nghiên cứu các đặc điểm bệnh tật của người Việt Nam thông qua giải phẫu bệnh.

Sinh ra ở Nam Định, lên Hà Nội vừa học vừa làm gia sư, khiếm thính từ nhỏ nhưng có đôi mắt tinh anh, Vũ Công Hoè quyết định sẽ đi vào giải phẫu bệnh – một lĩnh vực mà hầu hết các sinh viên ngành y đều sợ hãi và ngại ngùng. Ông luôn đau đáu với nghề, làm sao để những tử thi kia có thể lên tiếng phục vụ những người còn sống, phục vụ khoa học. Như câu chuyện về nghề được chép lại từ lời của ông: “Đó là nghệ thuật làm cho người chết nói lên tiếng nói cuối cùng phục vụ người sống… Đằng sau cánh cửa tàn nhẫn khép lại cuộc đời của một con người vẫn có thể hé mở một chân trời mới của khoa học… Đằng sau mỗi tiêu bản, phiến đồ là cả một gánh nặng về sinh mạng của con người”. Nếu không có sự can đảm, dũng cảm, thật khó để có một Vũ Công Hoè tài năng như chúng ta đã biết. Bởi thế, ông luôn nhắc nhở các học trò: “Lấy thử thách thực tế để rèn bản lĩnh chuyên môn, rèn đạo đức bằng sự say mê nghề nghiệp”.

Người xem trưng bày sẽ bị thuyết phục và rút ra được nhiều bài học cho riêng mình khi được nghe các nhà khoa học kể chuyện, hiện vật kể chuyện. Ở Hà Nội những năm 60 của thế kỷ trước, GS Hoàng Tuỵ khiến cộng đồng toán học quốc tế phải ngạc nhiên khi trong điều kiện thiếu thốn, ông vẫn phát minh ra “nhát cắt Tuỵ” để giải bài toán quy hoạch lõm, khai sinh ra một lĩnh vực mới: Tối ưu hoá toàn cục. Còn ở Lạng Sơn, nơi sơ tán những năm Mỹ ném bom miền Bắc, GS Nguyễn Văn Đạo vẫn làm toán với cái bụng đói và thậm chí còn không có cơm độn sắn để ăn, nhưng vẫn tạo ra một trường phái mới trong nghiên cứu dao động phi tuyến ở Việt Nam. Cũng trong những năm ấy, ở xứ sở Bạch dương xa xôi phía bên kia bán cầu, một nhà vật lý trẻ Việt Nam – Nguyễn Đình Tứ đã khiến các nhà khoa học Tây Âu dành lời ngợi khen khi tìm ra phản hạt hyperon sigma âm mà thế giới chưa tìm ra được…

Mỗi trang bản thảo, mỗi quyển nhật ký, mỗi hiện vật… trong trưng bày đều tự nó kể câu chuyện lịch sử, câu chuyện sáng tạo và cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam. Đặc biệt hơn, nhà khoa học trong trưng bày, dù còn sống hay đã mất cũng đã kể câu chuyện của họ, đem lại những cảm hứng, động lực, xúc cảm khác nhau cho người xem. Những nhà khoa học và di sản của họ đã, đang và sẽ truyền cảm hứng khác biệt đến thế hệ sau.

Nguyễn Thanh Hóa