Tuổi thơ “cúc” trùn
Tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Văn Bảy là đồng ruộng ao chuồng tại một miền quê Quảng Nam – Đà Nẵng. Bảy và những mục đồng chăn trâu ngày ấy thích đào trùn nuôi gà vịt. “Bọn chúng tôi mê “cúc” (đào) trùn lắm – TS Bảy nhớ lại – Nhớ nhất lũ vịt mê trùn cúc tới đâu là xúm tới giành giật tới đó. Có hôm cúc trúng đầu chú vịt, thế là bữa đó được ăn hai món: roi mây và cháo vịt!”.
Làm bạn với cái cày, cây cuốc và cuộc sống nhà nông, ông Bảy hiểu rõ chỉ với sức lao động nông dân một nắng hai sương không thể làm giàu được. “Sinh ra là nhà nông, đi học cũng chọn ngành nông”. Vào ĐH Nông nghiệp 4 (nay là ĐH Nông lâm TP.HCM), bao nhiêu năm học là bấy nhiêu năm ông Bảy dày công sưu tầm sách báo, tài liệu liên quan đến côn trùng để nghiên cứu, đi theo trùn đến tận hôm nay.
Nuôi trùn trên ô bằng gỗ tại nông hộ ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) – Ảnh: B.N.V.
Ra trường, kỹ sư Bảy tiếp tục một cuộc sống với… trùn! Căn nhà nhỏ xíu 16m2 đã biến thành nhà nuôi trùn. Hằng tuần không dưới hai lần ông chạy lên chạy xuống Nông trường Phạm Văn Cội ở Củ Chi trên chiếc xe 67 để chở phân bò về cho trùn ăn.
Chỉ vết thẹo trên cổ tay của mình, ông kể: “Đây, vết tích của mười mấy năm trước trên đường từ Củ Chi về bị đụng xe, chân tay gãy tùm lum, tưởng tiêu rồi”. Và “tiêu” thật. Chuyến thử nghiệm trùn đầu tiên này dẫu thu được kết quả (trùn phát triển sinh sôi đến tận nóc nhà!) nhưng ông cũng đành bỏ lơi giữa chừng vì “bát cơm manh áo”. “Không thể theo nổi, lúc đó mình không tìm được đầu ra cho trùn, chẳng lẽ ăn trùn?” – TS Bảy nói.
Đến năm 1996, khi kinh tế gia đình tương đối ổn định, ông trở lại ngay với trùn.
Từ “công nghệ trùn” đến “địa long tửu”
TS Nguyễn Văn Bảy và cô học trò Fanny (người Bỉ) trên đường đi nghiên cứu trùn ở Đức Hòa (Long An) – Ảnh: B.N.V.
Hễ thấy có ai đi nước ngoài là TS Bảy nhờ tìm mang trùn về cho ông. Một người bạn từ Úc xách về 200 gam trùn làm quà biếu cho ông, ông mừng hơn bắt được vàng. So với những giống trùn trong nước đã thử nghiệm, giống trùn này có nhiều ưu điểm hơn về tốc độ sinh trưởng, sinh khối và hàm lượng dinh dưỡng. Ông bắt đầu nhân giống, không phải trong ngôi nhà nhỏ xíu của ông nữa, mà trong các trang trại bò của nông dân ở Bình Chánh (TP.HCM), Long An.
Mỗi tuần, vẫn với “con ngựa thồ” 67, ông đi ghi chép số liệu ở 12 điểm nuôi. Sau hai năm làm nhà nông, ông Bảy bảo vệ thành công luận án thạc sĩ với đề tài nuôi trùn theo công nghệ mới. Và đến nay, ông vẫn giữ chiếc xe 67 làm kỷ niệm vì nhờ nó mà ông gắn bó với nghiệp nuôi trùn.
Từ công trình nghiên cứu khoa học của mình, ông hỗ trợ giống cho bà con nuôi trùn làm thức ăn cho gà thả vườn. Ông phân tích: dùng thức ăn công nghiệp để nuôi gà vườn không lời bằng dùng trùn. Việc nuôi trùn để bán (20.000- 25.000 đồng/kg) cũng có được nguồn thu thấy rõ. Không chỉ thế, bà con còn tận dụng được nguồn chất thải từ bò, heo để nuôi trùn, môi trường ở trong sạch hơn.
Thành công với “thịt trùn” và “phân trùn”, TS Nguyễn Văn Bảy đang tiếp tục phát triển “công nghệ trùn”: nước tưới cây giàu chất đạm chiết xuất từ trùn, một sản phẩm phục vụ nông nghiệp sạch được ưa chuộng trên thế giới. Trong những lần đi công tác nước ngoài, ông luôn tìm cơ hội giới thiệu trùn VN với các đồng nghiệp. Mới đây, có 20 kỹ sư khuyến nông Thái Lan đã sang VN học tập công nghệ trùn và đặt mua giống trùn của ông.
Một qui trình nuôi trùn đất công nghiệp và qui trình sử dụng trùn đất tươi làm thức ăn bổ sung cho gà thả vườn cũng được ông chuyển giao cho các nông hộ. Gà tăng cân, thịt chắc hơn, tỉ lệ sống tăng đáng kể (95- 98%). Hiện nay, có 40 hộ nông dân thường xuyên đến nhờ “thầy giáo Bảy” tư vấn nuôi gà và trùn, ông cảm thấy đó là điều động viên rất lớn cho mình khi thấy kết quả nghiên cứu đã giúp được nhiều cho người nông dân chân lấm tay bùn.
Từ những “lớp học” tự phát ở nông thôn do ông tổ chức, nông dân lại khăn gói tìm đến Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2 để học chính qui lớp “kỹ thuật nuôi trùn công nghiệp”. Mỗi lớp thu hút 60-70 học viên. Từ những lớp học tiên phong với trùn, hàng loạt mô hình nuôi trùn được nhân ra trên diện rộng phủ đều khắp khu vực phía Nam.
Người mở lớp và giảng dạy chính là “ông thầy nông dân” Nguyễn Văn Bảy và có đến 50% học viên của ông, khoảng 700 người, đã áp dụng nuôi trùn theo công nghệ mới và thành công, đưa kinh tế gia đình đi lên. Ông còn tư vấn cho người dân dùng trùn làm thức ăn để nuôi lươn, ba ba, cá kiểng…
Điều thú vị nhất của ông sau 20 năm nuôi trùn? TS Nguyễn Văn Bảy cười và “bật mí” về một sản phẩm của trùn mà ông cho là thú vị nhất đời: địa long tửu – rượu trùn đất làm món “độc” đãi khách quí!
ĐẶNG TƯƠI
Nguồn: tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/145236/Tien-si-trun.html