Hoạt động đầu tiên cần phải nhắc tới là, trong năm qua, Trung tâm đã sưu tầm được nhiều tài liệu quý của các nhà khoa học, trong đó có các tài liệu có giá trị như sổ ghi chép, nhật ký, thư từ, hồi ký, bản thảo bài giảng,… của các nhà khoa học đầu ngành nổi tiếng như GS. Tôn Thất Tùng, GS. Đặng Văn Chung, GS Chu Văn tường…. Những tư liệu này không chỉ có ý nghĩa về hoạt động của cá nhân nhà khoa học mà còn là một phần tư liệu quan trọng khi nghiên cứu lịch sử các ngành khoa học, rộng hơn là lịch sử nền khoa học của đất nước ở các thời đoạn khác nhau.
Tài liệu của GS. Đặng Văn Chung đang trong quá trình phân loại tại Trung tâm
Một số tài liệu hiện vật của GS Tôn Thất Tùng
Một trong những hoạt động nổi bật của năm 2012 là Trung tâm đã tổ chức hai buổi Lễ tiếp nhận 2 bộ sưu tập tài liệu hiện vật lớn và quý của cố GS Chu Văn Tường (14-3-2012) và cố GS Tôn Thất Tùng (27-5-2012).
PGS.TS Nguyễn Văn Huy phát biểu tại buổi Lễ tiếp nhận tư liệu của cố GS Chu Văn Tường
Gia đình GS. Tôn Thất Tùng cùng Lãnh đạo Trung tâm
ký Biên bản bàn giao khối tài liệu hiện vật
Vào ngày 11-5-2012, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Khoa Địa chất, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp tổ chức thành công buổi Tọa đàm với chủ đề: GS.TSKH Tống Duy Thanh và các thế hệ học trò ngành Địa chất. Đây cũng là một loại hình hoạt động nghiên cứu lịch sử cuộc đời các nhà khoa học Địa chất mà Trung tâm đã và đang tiến hành.
Buổi Tọa đàm được tổ chức tại Khoa Địa chất, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
Trên cơ sở kết quả những nghiên cứu tài liệu hiện vật đã sưu tầm được của các nhà khoa học, Trung tâm đã xây dựng, tổ chức một số bản thảo sách, thể hiện quá trình nghiên cứu tâm huyết, công phu của toàn thể cán bộ Trung tâm, như: Sách Ảnh trưng bày về 5 nhà Y học, sách Di sản ký ức của nhà khoa học – Tập 2…Đặc biệt, Chủ đề nghiên cứu về các cán bộ được cử đi học tập ở Liên Xô năm 1951 đã được thể hiện trong phần đầu của Tập 2 cuốn sách.
Sau khi hai cuốn sách ra mắt bạn đọc, Trung tâm đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía các nhà khoa học. Những lời cám ơn, góp ý của một số các Giáo sư là nguồn động viên lớn đối với Trung tâm. GS.TSKH Lê Hồng Mận đã viết: “Rất hoan nghênh các đồng chí lãnh đạo và cán bộ Trung tâm đã có sáng kiến cho xuất bản tập sách về ký ức quý giá này của các nhà khoa học lưu lại làm kỷ niệm cho hoạt động của mỗi người”.
Sách Di sản ký ức của các nhà khoa học, tập 2 và Sách ảnh giới thiệu về trưng bày 5 nhà Y học
Song song với những hoạt động của Trung tâm tại Hà Nội, Dự án Công viên các nhà khoa học Việt Nam thuộc Xóm Tiềng, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình cũng có những bước tiến mới. Đường bêtông nội bộ được đưa vào sử dụng đã góp phần đáng kể cho hoạt động đang triển khai của Dự án.
“Cầu 1 Suối vàng” đã được khởi công, giai đoạn triển khai xây dựng mố cầu đầu tiên đang được đẩy mạnh. Dự kiến, cây cầu sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2015.
Khởi công xây dựng mố cầu bắc qua Suối vàng
Cùng với những thành tích đã đạt được trong chuyên môn, nghiệp vụ, Trung tâm đã tham gia tích cực vào các phong trào chung của Công ty. Công tác đào tạo và tự đào tạo thông qua các hoạt động chuyên môn cũng được chú trọng trong năm qua.
Có được những thành quả nói trên, ngoài nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên Trung tâm dưới sự chỉ đạo sát sao, linh hoạt của Ban lãnh đạo, còn có sự ủng hộ, quan tâm từ phía các nhà khoa học và cộng đồng nói chung. Nhân dịp bước vào Năm mới 2013, đón Xuân Quý Tỵ, Trung tâm Di sản các Nhà Khoa học Việt Nam kính chúc các quý thầy, cô sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Kính chúc các nhà khoa học một Năm mới an khang, thịnh vượng và tiếp tục có những đóng góp cho nền khoa học của nước nhà. Trong không khí đón Xuân mới, tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm tin tưởng rằng, bằng sự nỗ lực, đoàn kết, phát huy trí tuệ của toàn đơn vị, Trung tâm sẽ tiếp tục gặt hái những thành công mới.
Lục Tiến Mạnh