Tám năm “nhảy học” sáu trường
GS Nguyễn Cương sinh năm 1935 tại Hải Dương. Xứ Đông xưa nổi tiếng là vùng đất khoa bảng, có văn miếu Mao Điền – biểu hiện cho tinh thần hiếu học, là một trong 5 văn miếu còn lại của Việt Nam. Con người Hải Dương từ trước tới nay vẫn nổi tiếng là hiếu học, và cậu bé Nguyễn Cương cũng được tiếp thu truyền thống đó.
Sinh ra trong gia đình làm nghề nông, nhưng bố mẹ Nguyễn Cương rất quan tâm việc học hành của các con và tạo mọi điều kiện có thể để cho con được đến trường. Tháng 9-1942, lần đầu tiên cậu bé Nguyễn Cương háo hức đi học lớp dự bị trường làng Lại Xá do thầy giáo Nguyễn Lê Kỳ dạy. Ngay từ hồi đó, cậu đã có nếp chăm học, hàng ngày thường dậy sớm học bài trước khi đến lớp. Có lần Nguyễn Cương đã khóc vì mẹ không gọi cậu dậy học bài sớm khi thấy cậu bị mệt.
Tháng 5-1944, Nguyễn Cương học hết lớp sơ đẳng ở trường làng. Ngày đó nếu muốn học tiếp thì phải lên trường huyện Thanh Hà. Vì vậy, bố đã dẫn Nguyễn Cương lên gặp hiệu trưởng để xin vào học trường huyện nhưng cậu không được nhận vì lớp đã đủ học sinh. Không còn cách nào khác, sau hè năm 1944, gia đình cho Nguyễn Cương học lớp nhì của một trường tư thục ở huyện Thanh Hà cách nhà 3 km. Đây là lần đầu tiên cậu phải xa nhà, xa gia đình đi ở trọ khi mới 9 tuổi, việc gặp khó khăn và nhiều bỡ ngỡ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, sau Cách mạng tháng Tám, ông Bùi Duy Luyện (anh con bác của Nguyễn Cương) trở thành Hiệu trưởng trường huyện Thanh Hà. Bố của Nguyễn Cương đề đạt với chị ruột và cháu là Hiệu trưởng Luyện cho Nguyễn Cương cùng mấy bạn cùng làng lên ở nhà thầy Luyện và vào học trường huyện Thanh Hà. Đầu tuần cậu phải đi bộ 5 km lên ở nhà thầy Luyện, rồi hàng ngày đi bộ 2 km từ nhà thầy Luyện đến trường học. Sau 2 năm học tập chăm chỉ, Nguyễn Cương đã học xong lớp nhì và lớp nhất của trường huyện Thanh Hà (1946). Năm 1947, Pháp chiếm thị xã Hải Dương, trường huyện Thanh Hà phải đóng cửa. Thời kỳ này nếu muốn học tiếp trung học thì phải sang huyện Tứ Kỳ hoặc Ninh Giang của Hải Dương. Vì vậy, ông chuyển đến học lớp đệ nhất trung học trường tư thục Phan Bội Châu ở làng Yên, huyện Tứ Kỳ do thầy Nguyễn Xuân Đào [1] lúc đó là cán bộ của huyện đứng ra lập trường và mượn đình, chùa làm lớp học. Trường Phan Bội Châu cách nhà Nguyễn Cương khoảng 12 km nên ông phải ở trọ ở làng Nhân Lý cách làng Yên 2 km. GS Nguyễn Cương nhớ lại “Thầy Văn Tạo (tức thầy Nguyễn Xuân Đào) dạy môn Giáo dục công dân, là thầy giáo trẻ, nhiệt tình, có khả năng tổ chức trường, lớp rất tốt, đó đã là tấm gương để tôi học tập. Khoảng năm 1980, tôi gặp lại thầy Tạo tại Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội trong cuộc họp mặt các lưu học sinh Việt Nam học ở Liên Xô nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. ….Tôi thấy ở thầy Tạo sự phấn đấu bền bỉ liên tục, khắc phục khó khăn về sức khoẻ, đồng thời vẫn liên tục học tập, nghiên cứu đóng góp cho lịch sử nước nhà”[2]. Ngoài việc dạy học, trường còn tổ chức chơi thể thao, trong đó có phong trào chơi bóng chuyền. Trong thời gian trọ học ở đây, có lần Nguyễn Cương bị cảm, sốt cao nên gia đình phải mang võng sang đưa cậu qua đò vượt 12 km để về nhà để điều trị.
Kỷ niệm về trường Trung học Phan Bội Châu được GS.TS Nguyễn Cương chia sẻ
Để có điều kiện học tốt hơn, năm 1948, Nguyễn Cương chuyển đến Ninh Giang học lớp đệ nhị trường tư thục Bắc Sơn ở xã La Khê. Nguyễn Cương đến trọ ở nhà ông Chi (bạn của anh trai Nguyễn Văn Thư tại làng Bói), cách La Khê 2 km. Nhà Nguyễn Cương cách làng Bói 25 km, nhưng mẹ Nguyễn Cương vẫn gánh gạo và thực phẩm đến cho Nguyễn Cương: “Lúc đó, tôi vẫn chưa hiểu hết được sự hi sinh của mẹ tôi, bà đã tạo mọi điều kiện cho tôi đi trọ học trong khi gia đình còn khó khăn. Nếu bán thóc từ nhà đi lấy tiền rồi vào Ninh Giang mua gạo thì mẹ tôi đã không phải gánh gạo 25 km, nhưng bán thóc ở Thanh Hà thì rẻ mà mua gạo và thực phẩm ở Ninh Giang đắt hơn”[3]. Chính tình yêu thương và sự ủng hộ việc học hành của bố mẹ đã là động lực để cậu học trò luôn luôn tích cực cố gắng học tập. Tuy nhiên, Nguyễn Cương phải nghỉ học về nhà sau nửa năm học ở trường tư thục Bắc Sơn vì thực dân Pháp đánh ra các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện của Hải Dương.
Tưởng như việc học của Nguyễn Cương sẽ phải dừng lại, nhưng bố mẹ cậu không muốn việc học của con dang dở nên nhờ anh trai là ông Thư, khi đó phụ trách Ty giao thông Hải Dương, mời thầy giáo Nguyễn Văn Lê ở làng Bói, Ninh Giang đến nhà dạy Nguyễn Cương học nốt chương trình lớp đệ nhị và một phần chương trình lớp đệ tam trung học. Khi thầy Lê lên Liên khu Việt Bắc học tiếp chương trình tú tài thì gia đình Nguyễn Cương cũng sắp xếp cho Nguyễn Cương theo thầy lên đó học. Và như vậy, lại một lần nữa Nguyễn Cương phải khăn gói xa quê đến tỉnh khác để học.
Đầu năm 1950, Nguyễn Cương theo thầy Lê lên Phú Thọ. Thầy Lê học ở trường Trung học kháng chiến của Bộ Giáo dục đóng ở Đào Giã, Đông Lĩnh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ để chuẩn bị thi tú tài vào hè năm 1950. Thầy Lê ở ký túc xá của trường, còn thầy thu xếp cho Nguyễn Cương ở trọ nhà dân gần ký túc xá và ăn cơm tháng ở cửa hàng ăn phục vụ chủ yếu cho học sinh trường Trung học kháng chiến. Tuy nhiên, chương trình học phổ thông có sự thay đổi, GS Nguyễn Cương kể “Cuối năm 1950 đầu năm 1951 Bộ Giáo dục có chủ trương chuyển trường phổ thông từ hệ 12 năm sang hệ 9 năm, học hết đệ nhị trung học phải thi mới được lên lớp 7, học sinh lớp đệ tam trung học được lên thẳng lớp 7 của hệ 9 năm. Khi đó tôi mới học đệ nhị trung học, tương đương đầu lớp 6 bây giờ nên tôi mượn sách của một số anh em là người nhà với ông Nguyễn Công Tạc-bạn học với thầy Lê để tự học chương trình lớp đệ tam và đệ tứ để thi tốt nghiệp trung học. Tôi chủ yếu mượn sách toán, lý, hóa, sinh, tiếng Pháp để chép và tự làm bài tập. Sau khoảng 4-5 tháng tôi đã nắm được chương trình đệ tam, đệ tứ về toán, lý, hóa nên muốn đi thi hết lớp đệ tứ trường trung học”[4]. Được sự khuyến khích của thầy Lê, tháng 8-1950 Nguyễn Cương quyết định đăng ký thi tốt nghiệp trung học khóa cuối cùng của hệ 12 năm. Nhưng do môn tiếng Pháp không đủ điểm nên ông bị trượt. Ngay sau đó, quân Pháp nhảy dù xuống Hạ Hòa, Phú Thọ, nên Nguyễn Cương phải chạy về phía Thái Nguyên, nhờ người đi buôn đưa về Thanh Hà, Hải Dương, rồi gia đình mới thanh toán tiền đi đường.
Sau khi Nguyễn Cương về nhà được mấy tháng, bố mẹ Nguyễn Cương lại sắp xếp cho cậu lên Bắc Cạn nhờ bác sĩ Lê Văn Ốc ở Cục Quân y xin cho vào lớp quân y sắp tuyển sinh. Nhưng do bác sĩ Ốc đi công tác ở Khu 4 nên ý định không thành, Nguyễn Cương phải quay về Thái Nguyên ở nhờ nhà một người họ hàng của chị dâu, đồng thời tìm mọi cách để liên lạc với thầy Lê đang dạy ở trường cấp III Ngô Sỹ Liên, Bắc Giang để nhờ thầy xin giúp cho vào trường.
Cuối năm 1950, trường phổ thông Việt Nam chuyển sang hệ 9 năm. Nguyễn Cương được thầy Lê xin cho vào lớp 7. Cầu học rồi cũng được học, Nguyễn Cương càng cố gắng chăm chỉ học tập, bởi vậy ngay từ những ngày đầu học ở đây, Nguyễn Cương đã được các thầy giáo chú ý đến.
Vượt khó
Tưởng như việc học hành thuận lợi nhưng năm 1951, anh trai ông là Nguyễn Văn Thư ở Ty giao thông Hải Dương, vốn là người tiếp tế tiền từ Hải Dương lên cho ông bị quân Pháp bắt khi chúng đánh úp vào Thanh Miện, Ninh Giang. Không có người tiếp tế, cuộc sống của Nguyễn Cương gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cũng chính khó khăn đã phần nào khẳng định sự ham học và vượt khó của Nguyễn Cương. Ba tháng liền Nguyễn Cương và các bạn cùng quê Hải Dương chỉ ăn ngô bung thay cơm; món mặn cũng là ngô hạt rang lên giã nhỏ, trộn muối vào làm thay muối vừng; rau thì có lá khoai lang ngoài ruộng được dân cho, thỉnh thoảng có ít tiền ông mới dám mua cà chua để cải thiện bữa ăn. Mặc dù đã bán cả áo len, mấy đôi dép đẹp, quần áo để mua đồ ăn nhưng cậu học trò Nguyễn Cương cũng chỉ cầm cự được 3 tháng. Không còn cách nào khác, ban ngày Nguyễn Cương đi làm gia sư cho một gia đình có hai con là học sinh lớp 6 và lớp 3, công dạy học Nguyễn Cương nhận được là những bữa ăn hàng ngày. Ban đêm thì ông đi học. Khó khăn nối tiếp khó khăn, bởi trước khi dạy kèm, quần áo đẹp ông bán hết, chỉ còn 2 bộ quần áo: bộ bị vá ông mặc đi học tối, còn bộ lành ông để mặc khi làm gia sư. Vào chủ nhật, trời nắng, Nguyễn Cương sang nhà bạn học là Nguyễn Minh Châu ở ngoài đồi để tắm giặt, phơi khô rồi lại mặc lại bộ ấy. Dù khó khăn nhưng ông vẫn có kết quả học tốt.
Năm 1952, Nguyễn Cương bước vào năm học cuối bậc phổ thông, việc học bận rộn không có thời gian làm gia sư. Theo gợi ý của em họ ông là Nguyễn Ngọc La là bộ đội chuyển ngành sang làm giáo viên dạy tiểu học ở xã Thiện Kỵ, Nguyễn Cương đi làm con nuôi cho gia đình ông Vương ở xã Thiện Kỵ, Hữu Lũng, Bắc Giang. Những ngày nghỉ hè Nguyễn Cương về giúp ông Vương việc nhà. Khi Nguyễn Cương đi học, cứ ba tuần một lần vào chiều thứ bảy, Nguyễn Cương đi bộ 35 km từ Luộc Hạ, Yên Thế, về Hữu Lũng, Bắc Giang, lấy thóc của nhà ông Vương cho, rồi tự xay thóc, giã gạo, để sáng chủ nhật mang số lương thực đó về chỗ trọ học. Cuộc sống, đi học như vậy của Nguyễn Cương kéo dài gần 2 năm. GS Nguyễn Cương kể “Sau này con trai ông Vương làm công nhân đường sắt và ở Hà Nội. Năm 1956 tôi về Hà Nội và có đến thăm anh, nhưng tôi chưa có dịp quay lại Hữu Lũng để thăm vợ chồng cụ Vương, tuy nhiên tôi có gửi quà cho các cụ và cô con gái”[5]. Những khó khăn không làm Nguyễn Cương nản lòng, trái lại suốt từ lớp 7 đến lớp 9 Nguyễn Cương học tốt, đặc biệt là rất giỏi các môn tự nhiên bởi vậy thầy Vũ Văn Tiên là giáo viên dạy toán, lý, hóa đã phê vào học bạ của cậu là “Thông minh, chăm chỉ, hạnh kiểm đáng khen”.
Năm 1953, Nguyễn Cương là một trong ba học sinh của trường Ngô Sỹ Liên được chọn đi học trường Sư phạm Cao cấp ở Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Đó chính là phần thưởng xứng đáng cho những năm tháng “đeo đuổi” sự học, khẳng định bước thành công đầu tiên trên con đường học vấn, đồng thời mở ra chân trời tri thức mới trong những năm tháng học tập tiếp theo, để sau này ông trở thành Giáo sư ngành Giáo dục học, đóng góp cho nền giáo dục nước nhà.
Lê Thị Hoài Thu
* Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội.