Trải qua 5 năm hoạt động và phát triển, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, theo định hướng của Ban Giám đốc, đã có những bước tiến về mọi mặt, ngày càng chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa ở từng bộ phận. Nhằm đáp ứng yêu cầu sự phát triển toàn diện Trung tâm, bộ máy tổ chức của Trung tâm đã được kiện toàn, nâng cấp. Ngày 8-9-2013, trên cơ sở ba nhóm công tác, Ban Lãnh đạo đã quyết định xây dựng thành cấp Phòng: Phòng Nghiên cứu Sưu tầm, Phòng Kiểm kê Bảo quản, Phòng Website. Đồng thời tiến hành quy trình bổ nhiệm cán bộ theo các chức danh của hệ thống tổ chức Trung tâm.
Sớm thấy được sự phát triển, mở rộng các hoạt động của Trung tâm Di sản, đặc biệt là việc bảo quản, lưu trữ khối lượng tài liệu sưu tầm từ các nhà khoa học ngày càng nhiều, vì vậy Ban Lãnh đạo đã quyết định đầu tư xây dựng Trụ sở làm việc độc lập của Trung tâm. Tháng 10-2013, Trụ sở mới của Trung tâm Di sản với diện tích sử dụng hơn 600 m2 đã được đưa vào sử dụng. Làm việc tại cơ sở mới, hệ thống kho của Trung tâm Di sản đã đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ cho công tác lưu trữ, bảo quản tài liệu hiện vật và cơ sở làm việc của cán bộ Trung tâm được cải thiện, ổn định, tạo nên một môi trường làm việc chuyên nghiệp, nền nếp và quy củ.
Trụ sở Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Về chuyên môn, trong năm 2013 Trung tâm Di sản đã sưu tầm được khối tài liệu lớn, có giá trị như sổ ghi chép, nhật ký, thư từ, hồi ký, bản thảo bài giảng… của các NKH ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau như: Địa chất; Kinh tế; Lâm nghiệp; Nông nghiệp…Đặc biệt trong năm 2013, tỷ lệ hiện vật khối của các nhà khoa học được sưu tầm đã tăng lên đáng kể so với các năm trước, đây sẽ là nguồn tư liệu phục vụ cho công tác trưng bày sau này của Trung tâm. Những tư liệu hiện vật được lưu giữ tại Trung tâm Di sản không chỉ lưu lại lịch sử cuộc đời và những hoạt động của cá nhân nhà khoa học mà còn những tư liệu quan trọng giúp nghiên cứu lịch sử các ngành khoa học, rộng hơn là lịch sử nền khoa học của đất nước ở các giai đoạn khác nhau.
Cán bộ Trung tâm Di sản đang thực hiện việc phân loại khối tài liệu của GS. Đoàn Trọng Truyến
Năm 2013 Trung tâm đã tổ chức thành công ba buổi Lễ tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu hiện vật lớn và quý của GS Đặng Văn Chung (2-3-2013), GS Nguyễn Văn Chiển (2-11-2013) và GS Đoàn Trọng Truyến (21-12-2013).
GS.TS Nguyễn Anh Trí – Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Trung tâm phát biểu tại buổi Lễ tiếp nhận tư liệu của cố GS Đặng Văn Chung, 3-2013
Gia đình GS. Nguyễn Văn Chiển cùng Lãnh đạo Trung tâm
ký Biên bản bàn giao khối tài liệu, 11- 2013
Công tác nghiên cứu, sưu tầm đã được mở rộng thực hiện ở một số địa phương. Tháng 5 – 2013, Trung tâm đã thực hiện đợt công tác dài ngày tại thành phố Hồ Chí Minh, với chủ trương liên hệ và sưu tầm tài liệu hiện vật của một số nhà khoa học thuộc các nhóm chuyên đề mà Trung tâm đang nghiên cứu. Trong chuyến công tác này Trung tâm đã thực hiện ghi âm, ghi hình, phỏng vấn các các nhà khoa học hoặc người thân các các nhà khoa học được phong hàm Giáo sư năm 1976 – 1980 và tiếp nhận hàng trăm tài liệu, hiện vật quý mà các các nhà khoa học và gia đình đã tin tưởng trao tặng cho Trung tâm.
Nghiên cứu viên Trung tâm Di sản trao đổi với PGS.TS Vũ Công Tuấn (con trai GS Vũ Công Hòe)
Nhằm nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ các phòng chuyên môn, Trung tâm Di sản thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề, các buổi tham quan để các nghiên cứu viên, cán bộ nhân viên Trung tâm trau dồi thêm kiến thức cũng như học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành, các đơn vị đồng nghiệp về lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm, bảo tàng và lưu trữ.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy trong một buổi làm việc chuyên môn tại Trung tâm
TS. Lưu Anh Hùng trao đổi về công tác sưu tầm tư liệu với CBNV Trung tâm Di sản
Trong một buổi tham quan Nhà trưng bày lưu niệm về GS Nguyễn Văn Huyên, ngày 30-11-2013
Trong năm 2013, địa chỉ website heritist.vn/cpd.vn của Trung tâm đã có nhiều bước tiến về hình thức, nội dung, đặc biệt dữ liệu thông tin của các nhà khoa học được cập nhật đầy đủ hơn, nâng cao hơn về chất lượng, nhiều bài viết có chất lượng nội dung nghiên cứu về các nhà khoa học khá sâu sắc. Bên cạnh đó, một số chuyên mục mới được bổ sung: Nhân vật – Sự kiện, Video… đã làm phong phú thêm nội dung và hình thức của website và được đông đảo độc giả quan tâm, ủng hộ.
“Di sản ký ức của các nhà khoa học” là một ấn phẩm rất đặc biệt, là sản phẩm của quá trình nghiên cứu sưu tầm, được xuất bản vào mỗi dịp cuối năm. Nội dung mỗi tập sách là tập hợp các bài viết, những câu chuyện đã được xuất bản trên Website của Trung tâm mà tác giả là các nghiên cứu viên. Trong hoạt động nghiên cứu sưu tầm, thông qua ký ức, lịch sử cuộc đời của nhà khoa học, thông qua các tư liệu hiện vật mà nhà khoa học đã trao tặng cho Trung tâm, các nghiên cứu viên đã khai thác, xây dựng nên các bài viết hết sức sinh động về nội dung, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Cuốn Di sản ký ức tập 3 với chủ đề tập trung vào các nhà khoa học được Nhà nước phong học hàm Giáo sư những đợt đầu tiên vừa được ra mắt bạn đọc vào tháng 12 – 2013. Là một sản phẩm mang dấu ấn của Trung tâm Di sản, ấn phẩm Lịch 2014 được phát hành vào dịp 20 -11 và được đánh giá tốt cả về hình thức và nội dung, nhận được phản hồi khá tốt từ các nhà khoa học.
Seri sách Di sản ký ức của các nhà khoa học
Những thành tựu mà Trung tâm đạt được trong năm 2013 là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ nhân viên dưới sự chỉ đạo sát sao, sáng tạo của Ban Lãnh đạo, Ban Giám đốc Trung tâm. Và phải kể đến một yếu tố hết sức quan trọng, đó là sự quan tâm, tin tưởng, ủng hộ của các NKH và gia đình các nhà khoa học đã góp một phần không nhỏ vào những thành công mà Trung tâm đã đạt được trong năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, Trung tâm Di sản còn cần phải cố gắng không ngừng, khắc phục những yếu kém, để tìm ra những giải pháp hữu hiệu cho việc hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2014 của Trung tâm.
Cán bộ nhân viên Trung tâm Di sản cùng gia đình GS Đoàn Trọng Truyến trong Lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật của gia đình Giáo sư trao tặng, ngày 21-12-2013.
Lục Tiến Mạnh
Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam