Những việc “cần làm ngay” của ngành giáo dục

 

GS. Nguyễn Lân Dũng trong phòng thí nghiệm.

Thưa GS. Nguyễn Lân Dũng , ông là một người dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà. Vậy ông đánh giá như thế nào về giáo dục nước ta hiện nay?

Chúng ta phải khẳng định rằng ngành giáo dục nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả mọi phương diện. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay giáo dục nước ta bộc lộ không ít những tồn tại, hạn chế như nhận tiền đóng góp của phụ huynh trái quy định, hiện tượng dạy thêm tràn lan, thi cử chưa nghiêm minh dẫn tới kết quả không chính xác, chương trình chưa đạt yêu cầu, sách giáo khoa còn thiếu chính xác, dẫn tới phải điều chỉnh, đính chính gây lãng phí không nhỏ.

Cá biệt, còn có những thầy cô giáo vi phạm đạo đức nhà giáo, gây ảnh hưởng xấu. Mặt khác, còn thiếu hiện đại trong giáo dục, làm cho chất lượng giáo dục không đáp ứng được sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, cách giảng dạy thầy đọc trò ghi còn phổ biến, không phát huy được tư duy của học sinh, sinh viên. Học không đi đôi với hành vì thiếu cơ sở thực nghiệm, nghiên cứu thiếu hụt sự liên kết đào tạo nghiên cứu giữa các trường đại học với các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp….

Ông là vị giáo sư đảm nhận nhiều cương vị khác nhau, chắc chắn ông đã đi công tác nhiều nước trên thế giới. Vậy ông ấn tượng nhất với nền giáo dục nước nào?

Tôi có điều kiện đến làm việc tại nhiều nước có nền giáo dục phát triển nhưng ấn tượng sâu sắc nhất với nền giáo dục Hàn Quốc. Tôi ấn tượng bởi vì chúng ta đều biết rằng đất nước Hàn Quốc dân số chỉ bằng 56,2%, diện tích chỉ bằng 27,4% nước ta, trong đó có 70% diện tích là đồi núi, không có dầu mỏ, khí đốt như ta, thế mà họ đã có bước phát triển thần kỳ. Về tính hiện đại trong giáo dục có thể nêu lên nhiều ví dụ. Đó là việc học Anh ngữ từ bậc tiểu học và phấn đấu để học sinh tốt nghiệp phổ thông có thể nói và viết tiếng Anh ở mức độ xác định. Trong những năm tới chính phủ Hàn Quốc đang đầu tư 4,2 tỷ USD để cải tổ hệ thống giáo dục Anh ngữ. Đó là việc sử dụng sách giáo khoa điện tử ngay từ bậc tiểu học, giúp học sinh học mọi nơi mọi lúc, gây hứng thú, thúc đẩy tư duy sáng tạo. Đặc biệt, Hàn Quốc rất chú trọng đào tạo ngành mũi nhọn ở bậc đại học và sau đại học.

Hiện nay một số trường đại học ở nước ta đang chuẩn bị thay đổi hình thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ. Vậy quan điểm của giáo sư như thế nào về vấn đề này?

Tôi phải khẳng định rằng tín chỉ hay niên chế là các hình thức đào tạo và mỗi hình thức đào tạo có ưu nhược điểm riêng, tùy vào từng hoàn cảnh mà chúng ta lựa chọn hình thức đào tạo phù hợp. Tín chỉ là một hình thức đào tạo mới, hình thức đào tạo này được triển khai ở Mỹ và một số nước khác khá thành công.

Hình thức đào tạo tín chỉ được triển khai ở nước ta bên cạnh những kết quả đạt được thì đang bộc lộ những không ít những hạn chế. Theo quan điểm của tôi, việc đào tạo tín chỉ ở nước ta là đúng. Tuy nhiên, phải tùy vào hoàn cảnh từng trường, từng ngành cụ thể  mà áp dụng hình thức đào tạo này. Tai sao lại như vậy? Bởi chúng ta đều biết rằng các trường đại học ở nước ta mặc dù được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất song vẫn nghèo nàn lạc hậu. Trong khi đó, điều kiện học tập  giữa các trường là không đều nhau do vậy để triển khai hình thức đào tạo theo tín chỉ được là rất khó khăn. Cho nên, chúng ta nên tập trung đào tạo theo hình thức này chỉ ở một số trường một số ngành được lựa chọn thích hợp.

Xin hỏi giáo sư câu cuối cùng, để nền giáo dục nước ta “đuổi kịp” với các nền giáo dục khác trên thế giới, theo giáo sư những việc “cần làm ngay” là gì?

Trong điều kiện giáo dục nước ta như vậy, theo tôi chúng ta cần phải tiến hành làm ngay những việc sau:

Trước hết, ở bậc phổ thông cần xem xét lại chương trình và sách giáo khoa  ngay bây giờ, không phải đến năm 2015 như ý kiến của  Bộ Giáo dục& Đào tạo.

Mặt khác, phải tiêu chuẩn hóa giáo viên, để ai chưa đủ chuẩn thì phải chuyển xuống dạy những lớp phù hợp với trình độ chuyên môn hơn hoặc bồi dưỡng thêm, nhằm tạo nên một đội ngũ giáo viên vừa có trí thức vừa có lòng hăng say với nghề.

Đối với bậc đại học, chúng ta cần phải xem xét lại chương trình đào tạo đại học nước ta hiện nay cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Phải lựa chọn những ngành nào cần đào tạo nhiều, những ngành nào cần đào tạo ít, để cân đối giữa công tác đào tạo và khả năng giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó, nhà nước cần phải có chính sách quan tâm đội ngũ giảng viên nhất là những giáo sư để họ yên tâm công tác, hiến dâng tài năng và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người.

Xin cảm ơn giáo sư!    

                                                                                                                                                                                                     Đức Tuấn (thực hiện)     

                                                                   Nguồn: http://vtc.vn/542-255593/nhung-viec-can-lam-ngay-cua-nganh-giao-duc.htm