Tiếp xúc với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lần đầu tiên, PGS.TS Nguyễn Ngọc Long (nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), con trai thứ hai của GS Nguyễn Ngọc Minh kể: Cha tôi nổi tiếng học giỏi từ nhỏ, khi còn ở quê Bình Đà, Thanh Oai, đến năm 13 tuổi ông ra Hà Nội học tại Trường Bưởi. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật tại Trường Luật – Đại học Đông Dương, cũng tại đây năm 1943 ông tiếp tục học lên đỗ Tiến sĩ Luật. Khi ấy, ông nội tôi đã làm lễ khao Nghè rất to ở làng. Hồi kháng chiến chống Mỹ, Viện Luật học, thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) về sơ tán tại Vân Đình, dân ở vùng này vẫn truyền tụng về một người học rất giỏi. Hỏi ra, các anh em cán bộ Viện Luật mới biết, người học nổi tiếng đó chính là ông Minh, thủ trưởng của họ.
Cũng nhiều người không biết là GS Nguyễn Ngọc Minh từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Bộ Quốc phòng (Sắc lệnh số 35 ngày 25-3-1946). Đến năm 1947, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam với sự giới thiệu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Lê Văn Giạng (nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp). Ông hoạt động trong Quân đội suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tham gia nhiều chiến dịch lớn. Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông phụ trách công tác hậu cần phục vụ chiến đấu.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Long trong buổi làm việc với Trung tâm
Hòa bình lập lại, ông Nguyễn Ngọc Minh hoạt động chủ yếu trong hai lĩnh vực Kinh tế và Luật học. Ông từng đảm nhiệm các cương vị chủ chốt như: Phó Viện trưởng Viện Kinh tế; Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật; Uỷ viên thường vụ Ban Chấp hành Hội Luật gia Việt Nam… Ngoài công tác quản lý, ông còn tham gia giảng dạy, đào tạo, ông là một nhà khoa học với nhiều công trình trong lĩnh vực Kinh tế và Luật học, tiêu biểu là cuốn Kinh tế Việt Nam từ Cách mạng tháng 8 đến Kháng chiến thắng lợi (1945-1954); Tăng cường hiệu lực Nhà nước xã hội chủ nghĩa của ta… Đặc biệt, ngay sau khi cuốn "Luật Biển" được Nxb Khoa học Xã hội xuất bản năm 1977, cuốn sách được Nxb Khoa học Xã hội Liên Xô xuất bản bằng tiếng Nga. Đây là cuốn sách được giới chuyên môn đánh giá cao, mang tính thời sự toàn cầu.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Long tâm sự: Cha tôi mất đột ngột khi ông mới 73 tuổi, đang lúc sung mãn cả sức lực và trí tuệ . Cha tôi đã hoạt động khoa học đến giây phút cuối cùng. Những cống hiến lặng lẽ suốt cuộc đời ông là niềm tự hào của chúng tôi – một niềm tự hào lặng lẽ.
Nguyễn Thị Loan
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam