Những năm đầu thập niên 80, nhu cầu về chất đốt của thành phố Hà Nội ngày càng tăng, việc sản xuất thủ công than tổ ong vừa tốn sức lao động mà không đáp ứng được nhu cầu chất đốt cả về số lượng và chất lượng. Theo chủ trương và yêu cầu của Sở Thương nghiệp Hà Nội, Đại học Bách khoa đã tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế biến than cho chương trình chất đốt của Hà Nội” do PGS Trịnh Chất – Trưởng Bộ môn Chi tiết máy làm chủ nhiệm.
PGS.TS Trịnh Chất vui vẻ chia sẻ về chiếc máy ép than tổ ong
Ông kể: Cán bộ khoa Hóa của trường nghiên cứu tìm ra cách phối liệu cho than, đồng thời tôi cùng đồng nghiệp trong bộ môn đã thiết kế và chế tạo chiếc máy ép than tổ ong. Do trường không có xưởng chế tạo, bộ môn Chi tiết máy chỉ có máy tiện để làm một số chi tiết máy nên chúng tôi phải đi nhờ máy chuyên dụng ở xưởng sản xuất khác. Sau 3 tháng, chiếc máy ép than tổ ong được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đã đáp ứng được chất lượng viên than và tăng năng suất làm than tổ ong.
Chiếc máy ép than tổ ong được Giải nhì trong Hội thi ngành than toàn quốc năm 1984[1]. PGS Trịnh Chất vui vẻ chia sẻ: “Đây không phải công trình lớn, nhưng là công trình giúp ích cho cuộc sống của người dân – đó là một niềm vui đối với tôi”.
Lê Thị Hoài Thu
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[1] Năm đó không có giải nhất