Nỗi đau giấu kín của “vua châm cứu” Nguyễn Tài Thu

Nhà báo Hà Sơn: Những người làm ngành y thường cẩn thận, sạch sẽ đặc biệt rất quan tâm đến sức khỏe của mình. Bác có bí quyết gì để giữ gìn, bảo vệ sức khỏe?

GS Nguyễn Tài Thu: Cuộc sống có hạnh phúc, tình cảm thì cần phải có sức khỏe. Thứ nhất chúng ta phải ăn ở điều độ từ chơi bời, ăn uống đến quần áo. Người thầy thuốc phải biết rõ điều này. Không bác sĩ nào lại nghiện thuốc lá, thuốc lào khi biết nó không tốt cho sức khỏe. Quan trọng là ý thức mỗi người chứ dù là giáo sư, bác sĩ mà nghiện cũng giống mọi người thôi.

Nhà báo Hà Sơn: Bây giờ bác có thời gian tập thể dục không?

GS Nguyễn Tài Thu: Bây giờ tôi không tập thể dục. Nhưng cũng phải nói thật với bạn từ khi còn trong quân đội đến giờ tôi cũng tập thể dục bình thường thôi. Sức khỏe vẫn bình thường, chẳng bệnh tật gì cả.

Nhà báo Hà Sơn: Bác có thường xuyên châm cứu cho mình không?

GS Nguyễn Tài Thu: Có chứ. Như hôm qua, đi làm về không sao, tôi vẫn ăn uống bình thường nhưng nửa đêm tỉnh dậy thấy chân đau quá. Chắc do mấy hôm ăn uống nên bệnh gout tái phát. Nhưng rồi tôi tự châm cứu thì vẫn đi lại được. Tối qua tôi cũng lo chân đau thế thì không biết có trò chuyện với bạn hôm nay được không vì đã hẹn rồi. Nhưng cuối cùng vẫn đi được, tất nhiên đi vẫn còn hơi khập khiễng.

Nhà báo Hà Sơn: Nhiều bài báo đã ca ngợi về tài đức của bác. Nhưng ít người biết cuộc sống hiện tại của vị bác sĩ châm cứu giỏi nhất Việt Nam như thế nào?

GS Nguyễn Tài Thu: Nói thực với bạn tôi rất nghèo. Tôi vẫn hay bảo bạn bè nếu nhờ tôi châm cứu thì được, còn đến xin tiền ủng hộ này kia chắc không có đâu. Hồi còn làm Viện trưởng Viện Châm cứu, hàm giáo sư lương của tôi 12 triệu/tháng. Bây giờ về hưu chữa bệnh từ thiện. Lúc nào tôi cũng mua bánh kẹo phát cho các em nhỏ trước khi chữa bệnh.

Mấy bác sĩ trẻ học nghề cùng tôi không có tiền đâu. Ban đầu chúng tôi làm từ thiện cho cả trẻ em và người già nhưng sau đó các cụ nói: Giáo sư có tiền đâu mà nuôi 11 bác sĩ trẻ nên mách làm thùng giấy dán “thùng từ thiện 50 ngàn”. Nhưng cũng nói thật với bạn có thùng như thế nhưng người ta đi chữa bệnh chẳng có tiền, sao bắt họ bỏ vào được. Chẳng giấu gì bạn mỗi tháng có cô cháu tổng kết lại tiền từ thùng từ thiện nhiều nhất cũng chỉ được 2 triệu.

Trước đây Hội Châm cứu VN một tháng được mười mấy triệu, lấy tiền đó chia cho các bác sĩ mỗi người cũng được 3, 4 triệu/tháng nhưng cách đây 3 năm khoản này bị cắt đi nên Hội châm cứu bây giờ không có tiền. Các bác sĩ trẻ nhiều khi nói rằng dựa vào giáo sư vì thi thoảng tôi đi giảng bài ở các nước và lấy tiền đó chia cho các cháu. Chứ chữa bệnh cho ai, người ta đưa tiền không bao giờ tôi lấy cả.

Nhà báo Hà Sơn: Một người đàn ông thành đạt trong sự nghiệp nếu không có người bạn đời là chỗ dựa tình thần để dành trọn niềm đam mê cho nghề nghiệp thì rất khó. Bác có thành công ngày hôm nay chắc hẳn bác gái đóng một phần rất quan trọng?

GS Nguyễn Tài Thu: Đúng đấy, bà ấy là giáo viên mà. Tôi từ lúc là Viện trưởng Viện Châm cứu lương chỉ có thế thôi. Các con biết bố mẹ chẳng có tiền cũng hay tụ tập cuối tuần cả nhà ăn uống vui vẻ.

Nhà báo Hà Sơn: Cháu rất xin lỗi nếu như câu hỏi tiếp sau chạm đến nỗi đau của bác. Cháu được biết bác có 3 người con, 2 người con gái theo ngành giáo dục, người con trai duy nhất lại qua đời khi còn rất còn trẻ. Bác có bao giờ tiếc nuối khi những người con không theo nghiệp của bố – chữa bệnh cho người?

GS Nguyễn Tài Thu: Tiếc chứ. Minh Quân học giỏi lắm, đỗ rất cao, nhưng chết một cách đột ngột quá. Đến giờ tôi vẫn thương. Còn 2 con gái, chị lớn cũng 50 tuổi rồi, lấy Phó viện trưởng Viện Châm cứu. Còn em Mai lấy một tiến sĩ ở Viện châm cứu. Nhà tôi cũng ít người, các con ở riêng. Ngày trước tôi đi làm có ít tiền tích lại xây được căn nhà đang ở, cũng nhỏ thôi.

Nhà báo Hà Sơn: Bác là người rất tình cảm, đặc biệt yêu anh Minh Quân. Trong ví bác cũng để ảnh của anh Minh Quân, trong căn phòng làm việc có rất nhiều ảnh của anh ấy, bác có thể chia sẻ thêm gì về người con trai duy nhất đã qua đời?

GS Nguyễn Tài Thu: Khổ lắm bạn ạ. Không quên được. Minh Quân nó lớn thế này cơ mà (GS Nguyễn Tài Thu chỉ tay vào tấm ảnh trong tủ phòng làm việc – PV), toàn ngủ với bố thôi nhưng đùng cái nó chết. Đến bây giờ tôi vẫn khóc….(im lặng). Tất nhiên những cái đó cũng phải bí mật, không thể biểu hiện trước mặt bác gái vì bà ấy thấy lại khóc rồi chị gái của Quân nữa.

Đôi khi tôi chỉ dám buồn một mình thôi. Đấy, nước mắt nó chảy ra nhanh lắm!

Nói về đời sống, tôi chẳng khổ gì cả nhưng cũng phải vất vả. Đi làm được mọi người quý mến cũng vất vả chứ. Các bác sĩ trẻ ở đây nhiều em khổ lắm. Chúng ở tỉnh, bố mẹ nghèo không có tiền. Thỉnh thoảng tôi có viết báo, viết sách cho chúng thêm nhưng nhiều khi chúng chẳng lấy. Mình lấy cái mình làm ra cho chúng chứ bảo lấy của dân thì không bao giờ, vì tôi làm thế các bác sĩ trẻ họ cũng làm theo ngay.

Nhà báo Hà Sơn: 85 tuổi bác vẫn khỏe và làm những việc thiện nguyện, thiện ích cho đời sống. Ở bên kia dốc cuộc đời đến bây giờ bác thấy còn điều gì trăn trở, muốn làm?

GS Nguyễn Tài Thu: Bây giờ vẫn có một chuyện đó là chỗ nằm của em nó (con trai Minh Quân của GS Tài Thu – PV). Từ hồi em mất đưa về quê chôn đến nay cũng 28 năm. Nếu còn sống Quân hơn 50 tuổi. Bây giờ tôi vẫn đau đớn, vẫn khóc vì nói thật tôi lo mãi chuyện em nằm ở quê nhưng đất đai ở quê đang dần bán hết.

Mộ em Quân nằm ở quê tôi, ngay cạnh khoảng đất trống sau này sẽ là chỗ nằm của tôi và vợ khi mất đi. Nhưng gần đây họ cứ rập rình đòi chỗ đất ấy. Tôi bảo chả đòi được vì nghĩa trang của làng là nơi bố mẹ, ông bà tôi nằm ở đấy.

Tôi là anh hùng lao động nếu mất đi thì sẽ được đưa vào Nghĩa trang Mai Dịch nhưng tôi là người phong kiến. Quê hương là nơi có ông bà, bố mẹ mình nằm thì mình muốn nằm ở đó.

Nói thật với bạn tôi để dành hơn 20 năm mới được 5000 đô la mà không dám tiêu vì để ngộ nhỡ bây giờ họ bắt thì mình còn có tiền đưa con đi chỗ khác chứ biết làm thế nào?…

– Cảm ơn GS Nguyễn Tài Thu về cuộc trò chuyện!

Sơn Hà – Xuân Phúc – Xuân Quý – Đức Yên