Cuối tháng 12/2013, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tiếp nhận bộ sưu tập gồm hơn 7.000 tư liệu hiện vật của cố GS.NGND Đoàn Trọng Truyến. Khối tài liệu và hiện vật của GS.NGND Đoàn Trọng Truyến sẽ là những tư liệu quý giá giúp cho việc nghiên cứu về lịch sử khoa học kinh tế, khoa học hành chính ở nước ta từ năm 1945 đến nay.
Tại buổi lễ, ông Đoàn Mạnh Giao (nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, con trai của GS.NGND Đoàn Trọng Truyến) đánh giá cao những nỗ lực của Trung tâm Di sản các nhà khoa học VN trong việc bảo tồn các công trình, giá trị di sản của các nhà khoa học nước nhà. Theo ông Đoàn Mạnh Giao, đây là việc làm hết sức có ý nghĩa với gia đình của các nhà khoa học và với việc phát triển tri thức của đất nước. Trung tâm góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, giá trị khoa học, giúp bảo quản những kiến thức của các nhà khoa học và giúp cho các thế hệ tương lai có thể tiếp cận với những kiến thức khoa học chưa được công bố.
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam do Công ty Công nghệ và Xét nghiệm Y học (MEDLATEC) thành lập, là một tổ chức phi chính phủ, nhưng các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm của Trung tâm thực sự mang lại hiệu quả trong việc gìn giữ, phát huy các di sản quí giá của các nhà khoa học, góp phần làm phong phú hơn kho tàng di sản của Việt Nam.
Đến Trung tâm Di sản các nhà khoa học, chúng ta có thể xem các cuốn sổ ghi chép của GS Tôn Thất Tùng trong các chuyến công tác ở Triều Tiên, Trung Quốc, Pháp, ở Điện Biên Phủ…; bộ sưu tập tư liệu của GS Nguyễn Văn Chiển, người đặt nền móng cho ngành Địa chất Việt Nam với hơn 2.700 tư liệu liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng của lịch sử đất nước; các bộ sưu tập tư liệu quý với số lượng lớn của các nhà khoa học như: GS Đoàn Trọng Truyến (Kinh tế học), GS Đặng Văn Chung (Y học), GS.TS Phạm Đức Dương (Ngôn ngữ học), Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thấu (Dân tộc học), GS Văn Tạo (Sử học), GS Lê Văn Thiêm (Toán học), GS Nguyễn Văn Nhân (Y học), GS Vũ Công Hòe (Y học), GS Đỗ Xuân Hợp (Y học)…
Sau 5 năm đi vào hoạt động, Trung tâm ngày càng nhận được sự tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao của các nhà khoa học.
Trung tâm đã tiếp xúc, đặt vấn đề nghiên cứu với 400 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau; sưu tầm được hơn 100.000 tư liệu, bao gồm nhiều loại hình: bản thảo nghiên cứu, sổ ghi chép, nhật ký, hồi ký, thư từ, văn bản hành chính, ảnh tư liệu… Trung tâm cũng tiến hành ghi lại hàng vạn phút phim tư liệu, ghi âm những dòng hồi ức, kỷ niệm, hình ảnh của chính các nhà khoa học hoặc người thân, đồng nghiệp của họ nhằm phục vụ cho công tác lưu trữ, nghiên cứu sau này. Nhiều nhà khoa học đã chuyển giao cho Trung tâm cả thư viện chuyên môn của mình.
Sự hình thành Trung tâm Di sản các nhà khoa học góp phần mở rộng khái niệm di sản khi quan niệm tất cả những tài liệu liên quan đến lịch sử cuộc đời các nhà khoa học như các sổ ghi chép, nhật ký, thư từ, giấy tờ cá nhân, công văn, quyết định, bản thảo khoa học, bản đánh giá, góp ý, các công trình khoa học, các ảnh tư liệu, các băng đĩa ghi âm, ghi hình… vả cả ký ức của nhà khoa học đều là di sản.
Có thể còn cần thời gian để khẳng định nhưng rõ ràng sự ra đời và hoạt động của Trung tâm đã tác động mạnh đến những người làm công tác lưu trữ ở Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Lý, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, trong gần 70 năm qua, chúng ta đã làm được rất nhiều việc để bảo vệ di sản văn hoá vật thể, di sản thiên nhiên và di sản văn hoá phi vật thể. Tuy nhiên, có một loài hình di sản vô cùng quan trọng, gắn bó hàng ngày với cuộc sống nhưng chúng ta chưa nhận thức được, đó là di sản của các nhà khoa học. Đây là một bộ phận, cơ sở nền tảng của loại hình di sản đó. Vì vậy, việc làm của Trung tâm được đánh giá rất cao.
Phó GS-TS Nguyễn Văn Huy- Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học VN cho biết từ trước tới nay, các nhà khoa học Việt Nam và các di sản của họ còn ít được xã hội chú ý đến và đặc biệt bản thân các nhà khoa học nhiều khi cũng không chú ý đến di sản ấy, cho nên các di sản ấy có thể bị mai một.
Các bảo tàng của Nhà nước hiện nay cũng ít quan tâm tới vấn đề này khiến các tư liệu, di sản bị mất mát. Chính vì thế Trung tâm tập trung vào nhiệm vụ lưu giữ di sản của các nhà khoa học Việt Nam. Di sản của các nhà khoa học là một phần di sản của dân tộc, cho nên, nếu tổ chức nghiên cứu di sản của các nhà khoa học một cách quy mô, hệ thống, chúng ta sẽ hình dung thấy được lịch sử các ngành khoa học Việt Nam dưới nhiều góc độ khác nhau theo trục dọc phát triển, đồng thời cũng có thể cắt theo trục ngang để hiểu các tầng lớp, thế hệ trí thức ở các giai đoạn khác nhau đã được đào tạo, rèn luyện và cống hiến như thế nào.
Từ cuộc đời của từng nhà khoa học như những sử liệu sống động ghép lại thành bức tranh toàn cảnh về lịch sử phát triển của khoa học Việt Nam… và xa hơn, của đất nước Việt Nam.
Nơi trưng bày hiện vật liên quan đến các nhà khoa học. Ảnh: Mai Hồng
Thời gian qua, Trung tâm đã xuất bản bộ sách "Di sản ký ức của các nhà khoa học" (gồm 3 tập). Mỗi tập sách là kết quả nghiên cứu, sưu tầm trong vòng một năm của các cán bộ, nhân viên của trung tâm. Các tập sách kể lại những câu chuyện đời thường, sinh động và xúc động về các nhà khoa học: những đóng góp, sáng tạo, họ học tập, làm việc như thế nào để trở thành các nhà khoa học… Đọc những cuốn sách này, thế hệ trẻ học được ở đây những bài học rất quí giá về sự phấn đấu, rèn luyện của mỗi nhà khoa học.
Hiện nay, kết quả công tác nghiên cứu, sưu tầm, cùng hoạt động lưu trữ, bảo quản của Trung tâm được đưa lên trang web: heritist.vn.
Mai Hồng
Nguồn: baodientu.chinhphu.vn/Van-hoa-The-thao/Noi-gop-phan-mo-rong-khai-niem-di-san/190040.vgp