Những ký ức suýt bị lãng quên
Chị Nguyễn Thị Thành trong kho
bảo quản tư liệu của TTDS. Ảnh: TTDS
“Em đã bỏ ra hơn nửa năm để đi tìm lại bệnh nhân. Em nhớ có lần Thầy bảo học trò của Thầy ngoài đó phải đi xuống cơ sở kiếm và khám lại bệnh nhân nếu bệnh nhân ở trong vòng bán kính 100km. Em cố gắng theo lời Thầy dạy dù biết sẽ phải mệt nhọc.” – thiếu bức thư chứa đoạn trích trên đây do bác sĩ Đỗ Phước Hùng viết từ năm 2003 cùng một tấm hình chụp từ năm 1992, những gì chúng ta biết về GS. TSKH Nguyễn Văn Nhân, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật chỉnh hình Bệnh viện 108, người lập ngân hàng xương đầu tiên ở Việt Nam từ thời kỳ đất nước còn chiến tranh, sẽ không thể trọn vẹn. Nếu bức thư cho thấy GS Nhân hẳn đã có những lời dặn dò nghiêm khắc về y đức đối với học trò của mình thì bức ảnh chụp cảnh ông về thăm lại hai bệnh nhân ở Thanh Hóa được ông ghép xương đùi, thay khớp háng từ 28 năm trước cho thấy bản thân ông là một mẫu mực về tinh thần trách nhiệm đối với người bệnh. Một trong hai bệnh nhân này, theo lời kể của ông do TTDS ghi lại, còn được ông theo dõi diễn biến sức khỏe đến tận năm 2006. Tất cả những ký ức đó đã có thể bị lãng quên, nếu bức thư và tấm hình không được “khai quật” từ khối tư liệu, hiện vật khổng lồ gồm 10 nghìn đơn vị mà GS Nhân trao tặng TTDS.
Lời dặn của đại diện Trung ương Đảng với Đoàn cán bộ
khoa học kỹ thuật được gửi sang Liên Xô học tập năm 1951
trong nhật ký của thành viên Lê Duy Thước.
Lần tìm những mẩu ký ức quý giá từ những khối tư liệu, hiện vật “thượng vàng hạ cám”, như cách mô tả của Giám đốc chuyên môn Nguyễn Văn Huy, là công việc hằng ngày từ bảy năm nay của các nghiên cứu viên ở TTDS. “Thậm chí có những ký ức được phục hồi chỉ từ một câu nói tình cờ,” Giám đốc điều hành Trần Bích Hạnh kể về quá trình TTDS sưu tầm tư liệu về đoàn cán bộ khoa học kỹ thuật đầu tiên của Việt Nam được cử sang Liên Xô học năm 1951. “Trong buổi làm việc với một vị giáo sư ngành nông nghiệp, chúng tôi tình cờ được nghe ông nhắc đến đoàn cán bộ được gửi sang Liên Xô năm 1951, rồi lại được đọc bài báo “Đầu xuôi đuôi lọt”1 của Thiếu tướng Phạm Như Vưu về đoàn lưu học sinh này, chúng tôi hết sức tò mò bởi trước đây, người ta thường cho rằng đoàn du học sinh đầu tiên của Việt Nam được gửi đi vào năm 1953.” Bài báo của Thiếu tướng Phạm Như Vưu chỉ cung cấp họ tên của 21 thành viên trong đoàn mà không nêu địa chỉ và có họ tên bị nêu sai. Nhưng bằng nghiệp vụ của mình, các nghiên cứu viên đã tìm được đến nhà của 20 thành viên – chỉ hai người trong số họ còn sống – để mang về những tư liệu đủ phong phú, từ hộ chiếu ngày lên đường, sổ ghi chép, vở ghi bài giảng, đến những tấm ảnh kỷ niệm, giúp chúng ta có cái nhìn toàn cảnh về quá trình học tập, nghiên cứu và cả công tác sau này khi trở về nước của họ. Trong số đó, có những nội dung như lời dặn dò của đại diện Trung ương Đảng với đoàn lưu học sinh trước ngày lên đường do thành viên trong đoàn ghi lại ở nhật ký cá nhân được các nghiên cứu viên TTDS xác nhận là chưa có bất kỳ tài liệu chính thống nào đề cập.
Sau mỗi lần tổ chức khối tư liệu, hiện vật (TLHV) của một nhà khoa học và sắp xếp gọn gàng trong kho, tôi thấy rằng mình cùng đồng nghiệp đã âm thầm, lặng lẽ đóng góp sức lực vào một công việc rất ý nghĩa – gìn giữ di sản, ký ức của các nhà khoa học Việt Nam.
Ấn tượng nhất trong các khối TLHV mà tôi đã tiếp cận là hơn 10.000 TLHV của GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân tặng cho Trung tâm vào dịp cuối năm 2009, gồm đủ loại: bản thảo bài giảng; bản thảo bài viết; bản thảo sách; sưu tập thư; sưu tập ảnh; sưu tập bệnh án của bệnh nhân, hiện vật thể khối… tất cả được xếp lẫn thành từng tập, đã có dấu hiệu mối, mốc… Chuyển về Trung tâm, chúng tôi phải đưa vào kho ủ lạnh trong một tuần để diệt hết mối mọt. Sau đó tiến hành làm sạch từng hiện vật bằng các dụng cụ chuyên dụng của bảo tàng, rồi căn cứ trên hồ sơ lý lịch khoa học của GS Nhân, chúng tôi phân loại theo từng bộ sưu tập, theo giai đoạn lịch sử, theo chất liệu… Cuối cùng, tiến hành lập danh mục, bọc giấy can chống ẩm, mốc cho từng tài liệu, sắp xếp vào hộp, làm nhãn mác và chuyển vào kho bảo quản. Có thể nói, với khối TLHV có số lượng lớn đầu tiên này, chúng tôi vừa làm vừa học. Quá trình đó sau này được tổng hợp thành một bản quy trình và áp dụng linh hoạt khi phân loại TLHV của mỗi nhà khoa học tại Trung tâm.
Nguyễn Thị Thành (Phòng Thông tin – Lưu trữ), chuyên ngành Lịch sử, làm việc ở TTDS từ năm 2009
Gấp, nhiều và thầm lặng
Gặp gỡ các nhà khoa học, thu thập và kiểm chứng tư liệu, ghi lại hình ảnh, lời kể của họ cũng như những người gần gũi với họ…, công việc của các nghiên cứu viên ở TTDS rất gần với công việc nghiên cứu lịch sử khoa học. “Chúng tôi chỉ được đào tạo về một chuyên ngành nhất định như bảo tàng, lịch sử, nhân học hay báo chí, nhưng lại làm công việc đòi hỏi kết hợp nhiều kỹ năng từ phương pháp điền dã, nghiên cứu lịch sử, phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh, đến bảo quản, xử lý tài liệu, lập hồ sơ thông tin, viết tin bài, tổ chức trưng bày…” nghiên cứu viên Hoàng Thị Liêm thuộc Phòng Nghiên cứu sưu tầm, chia sẻ.
Khoảnh khắc hân hoan nhất với tôi là trên đường về Trung tâm sau mỗi lần làm việc với nhà khoa học, được các thầy tin tưởng trao tặng những kỷ vật thân thiết hay kể những câu chuyện mà hiếm khi kể với mọi người.
Chuyện làm việc vào ngày nghỉ, ngày lễ hay buổi tối với chúng tôi là điều hết sức bình thường. Chỉ cần các nhà khoa học gọi là chúng tôi sẵn sàng đến ngay.
Th.s Trần Bích Hạnh (Giám đốc điều hành), chuyên ngành Lịch sử, làm việc ở TTDS từ năm 2011
Với mỗi tuần ít nhất hai buổi trực tiếp đi gặp các nhà khoa học, đến nay, các nghiên cứu viên TTDS đã đưa về hơn 10 vạn tư liệu bao gồm bản thảo nghiên cứu, sổ ghi chép, nhật ký, hồi ký, thư từ, văn bản hành chính, ảnh chụp cũng như tiến hành ghi hình hàng vạn phút phim tư liệu, ghi âm giọng nói của hơn 800 nhà khoa học ở cả hai miền Bắc – Nam thuộc hàng chục lĩnh vực và thuộc nhiều thế hệ, trong đó gần đây nhất là thế hệ ra đời vào những năm 1950. Vẫn còn nhiều trăn trở, nuối tiếc vì có những kho tư liệu quý giá như của GS Trần Đại Nghĩa khi TTDS tìm đến thì đã tứ tán, hay có những nhà khoa học lớn chưa sẵn sàng hợp tác vì nhiều lý do như chưa cảm thấy tin tưởng hoặc gia đình muốn tự tổ chức khối tư liệu của nhà khoa học… “Dù bị từ chối, chúng tôi vẫn giữ liên hệ với các thầy bằng cách tặng sách, tặng lịch, để các thầy biết Trung tâm vẫn đang hoạt động và nhớ đến các thầy,” chị Hạnh kể. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những nhà nghiên cứu đóng góp nhiều hơn cả trông đợi ban đầu như trường hợp GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, đã tự mình ghi âm tổng cộng khoảng 8.000 phút, kể lại những trải nghiệm cá nhân trong một bối cảnh lịch sử rộng lớn, chứa đựng nhiều thông tin về các vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử… để lưu giữ tại TTDS.
Góp sức vào công việc kiếm tìm những ký ức chưa được ghi lại trong các ấn phẩm còn có các nhân viên bảo quản chịu trách nhiệm làm vệ sinh, phân loại, lập hồ sơ cho các tư liệu, hiện vật. Thử hình dung có bao nhiêu ký ức đáng lẽ đã ra đi cùng những khối tài liệu bị mối xông, nhậy cắn, nấm ăn nếu không kịp thời được TTDS “cấp cứu”.
Công việc thì nhiều và gấp gáp nhưng thầm lặng, thế nên không phải ngay từ đầu ai cũng hiểu đúng về mục đích hoạt động của TTDS. Trong một bài trả lời phỏng vấn Tia Sáng sau khi TTDS ra đời hai năm, TS Nguyễn Văn Huy đã phải có lời giải thích: “Trong bối cảnh từ nhiều năm nay chúng ta có không ít tiến sĩ rởm, nên cái tên Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn di sản Tiến sĩ Việt Nam của chúng tôi đã gây phản cảm, hiểu lầm trong dư luận xã hội về tôn chỉ mục đích hoạt động của Trung tâm. Nhiều nhà khoa học, văn hóa có uy tín lớn đã lên án, chỉ trích gay gắt tạo ra một lực cản lớn cho hoạt động của chúng tôi – một tổ chức mới hình thành.” Nhưng nội một việc có những người trước đây từng lên tiếng chỉ trích TTDS giờ lại tự nguyện trao gửi tư liệu, hiện vật của mình vào đó cũng đủ cho thấy Trung tâm đã vượt qua những lực cản, dần dần chiếm được lòng tin của các nhà khoa học.
Công phu trưng bày
Xây dựng [cái vỏ bảo tàng] tuy khó nhưng có tiền là làm được, còn để có những trưng bày giá trị thì phải có thời gian chuẩn bị, năm – bảy năm, có khi mười năm – và phải có phương pháp, chứ năm nay quyết định năm sau phải có bảo tàng là chuyện không tưởng.”
PGS.TS Nguyễn Văn Huy
Đến thăm trụ sở TTDS ở phố Nghĩa Dũng, Hà Nội, đứng trong kho hiện vật khối, thật khó tránh được cảm giác hoài nghi, bằng cách nào những hiện vật được gọi vui là “đồng nát cao cấp” này sẽ “tỏa sáng” tại các cuộc triển lãm trong tương lai của TTDS. Nói về khối hiện vật ngày càng phình lớn, TS Nguyễn Văn Huy thừa nhận “chưa biết lúc nào dùng đến và dùng như thế nào, nhưng chúng tôi biết con đường mình đi là đúng”.
Ông chia sẻ, sau bảy năm khẩn trương cấp cứu các tư liệu, hiện vật, “đưa về Trung tâm càng nhiều càng tốt, không phân biệt thượng vàng hạ cám, giờ chúng tôi muốn chuyển sang giai đoạn mới – chuẩn bị cho các ý tưởng trưng bày”.
Hạt nhân của của TTDS là Công viên Các nhà khoa học Việt Nam rộng 30 ha ở xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình, đã bước đầu quy hoạch xong khu trưng bày, khu nhà kho, và khu vui chơi giải trí. “Xây dựng [cái vỏ bảo tàng] tuy khó nhưng có tiền là làm được, nhưng để có những trưng bày giá trị thì phải có thời gian chuẩn bị, năm – bảy năm, có khi mười năm – và phải có phương pháp, chứ năm nay quyết định năm sau phải có bảo tàng là chuyện không tưởng,” theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy. “Chưa làm được trên Cao Phong thì chúng tôi cũng phải suy nghĩ biến nơi này [trụ sở TTDS] thành nơi trưng bày tập dượt, có thể gối nhau sáu tháng – một năm một trưng bày,” ông Huy nói thêm. Đó là giải pháp có tính toán như ông Huy giải thích: “Làm được 10 đến 20 cuộc trưng bày ở Hà Nội thì sẽ có mẫu mực tốt để chuyển lên Hòa Bình, đồng thời đánh động mối quan tâm của giới nghiên cứu khoa học đối với lịch sử trong lĩnh vực hoạt động của mình.”
Cuộc tập dượt đầu tiên đã được thực hiện hồi tháng Năm năm ngoái qua trưng bày “Khát vọng học hỏi và sáng tạo” về ba nhà khoa học kỳ cựu của ngành Y: GS Tôn Thất Tùng, tác giả của kỹ thuật cắt gan khô và người đầu tiên nghiên cứu về ảnh hưởng của chất diệt cỏ đối với người Việt Nam; GS Nguyễn Văn Nhân, người có nhiều sáng kiến trong kỹ thuật phẫu thuật xương và bảo vệ luận án TSKH tại Liên Xô ở tuổi 67; và GS Nguyễn Thúc Tùng, người tổ chức và đào tạo các đội phẫu thuật lưu động đi theo chiến dịch trong Kháng chiến chống Pháp.
Trưng bày tuy nhỏ nhưng được chuẩn bị kỹ lưỡng trong hai năm, với sự tư vấn của ba chuyên gia Pháp về hình ảnh đồ họa, bố trí ánh sáng, thiết kế tủ trưng bày cho đến cách chọn trích dẫn… Trưng bày nhận được hàng trăm đánh giá tốt từ công chúng, cho TTDS thêm niềm tin rằng mình đã tiến thêm một bước về phía mục tiêu phát huy di sản của các nhà khoa học. “Không làm ra cơm áo gạo tiền nhưng những trưng bày như vậy cho chúng ta thêm hiểu biết về lịch sử, không phải là lịch sử chung chung mà là lịch sử rất cụ thể và sinh động thông qua các cá nhân, và cho ta thấy những trị của quá khứ, những giá trị vượt thời gian cần được trân trọng,” PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.
—–
1 Tạp chí Xưa và Nay, 1997
Đỗ Lập
Nguồn: http://tiasang.com.vn/