Nỗi niềm sâu lắng từ một lá thư

Từ cậu sinh viên nghèo…

PGS.Thiếu tướng Lê Văn Chiểu sinh ngày 15-5-1926 tại phường Phú Nhân, Nội thành Huế, trong gia đình cha làm Án sát tỉnh Quảng Ngãi nhưng mất khi Lê Văn Chiểu mới lên 6 tuổi. Gia đình Lê Văn Chiểu có 6 anh chị em: Lê Thúy Trúc, Lê Văn Diệm, Lê Thúy Hòe (còn gọi là Trúc Em), Lê Gia Hương (Bé Chút), Lê Văn Điềm, ông là con trai thứ ba. Khi cha mất cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn, mẹ ông phải buôn bán cau khô và phân phối gạo tại nhà để lấy tiền nuôi các con ăn học. Ngay từ khi học cấp II, Lê Văn Chiểu phải đi làm gia sư cho con một gia đình giàu có ở Lạc Thúy viên. Trong ba năm, ông vừa dạy vừa học để thi vào trường Quốc học Huế.

Khi học ở trường Quốc học, Lê Văn Chiểu thích môn toán nhất vì ông tự nhận thấy mình có năng khiếu về toán. Mẹ và các anh chị thấy ông học được toán nên khuyến khích ông sau này đi dạy học và khuyên ra Hà Nội học tập. Khi chuẩn bị ra đi, gia đình Lê Văn Chiểu rất khó khăn. Tư trang của Lê Văn Chiểu chỉ là hai bộ áo quần ngắn, một bộ âu phục kaki mượn của người bạn. Mẹ ông cho thêm chiếc áo len của bà để đề phòng cái lạnh ngoài Bắc. Bà vú nuôi-người chăm sóc ông từ nhỏ tằn tiện được 1 đôi bông tai, cho ông một chiếc để có tiền đi tàu và chi tiêu khi mới ra Hà Nội, chiếc còn lại bà để dành lo hậu sự.

Lê Văn Chiểu một thân một mình ra Hà Nội, ông chỉ mong muốn học tập thật tốt. Ông thi đỗ chuyên ngành Toán của trường Khoa học Đại cương năm 1945, vừa đi học vừa làm gia sư cho em họ ông Huỳnh Quang Đại để kiếm thêm tiền sinh sống. Lê Văn Chiểu xin vào ở tại Việt Nam học xá. Đây trước là Đông Dương học xá dành cho sinh viên ba nước Đông Dương, được xây dựng năm 1938, sau Cách mạng tháng Tám đổi tên thành Việt Nam học xá, đóng trên địa điểm trường Đại học Bách khoa hiện nay. Ông Chiểu nhớ lại: thời đó, khu nhà Việt Nam học xá gồm 2 dãy, mỗi dãy 12 phòng, ở giữa có hành lang đi lại, có phòng ăn riêng. Lê Văn Chiểu sống một mình trong căn phòng rộng 4 thước. Cuộc sống của các bạn ở đó khá sung túc, họ không chịu được hàng ngày ăn cơm với cá mè kho nước, nên thường mua thức ăn riêng. Mỗi lần như vậy, Lê Văn Chiểu được bữa cơm thoải mái với món cá kho hạng bét này. Thời gian đó, ban ngày ông học trên lớp, thời gian còn lại ông đi dạy thêm.

Đến cán bộ quân giới…

Lê Văn Chiểu dự định học xong sẽ về quê dạy học. Nhưng cuộc đời không thể biết chữ “ngờ”. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ tháng 12-1946 đã làm thay đổi cuộc đời ông. Ông tâm sự: “Chiến tranh, mình về quê cũng chẳng giúp gì được gia đình, chỉ làm gánh nặng thêm vì chưa học xong đại học”, vì vậy Lê Văn Chiểu ở lại Hà Nội.

Ông tham gia lực lượng công binh, đào hầm đóng ở ô Chợ Dừa, ô Cầu Rền, rồi được cử làm thư kí cho cụ Hoàng Đạo Thúy (lúc đó là Hiệu trưởng trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Bắc Cạn), sau trở thành nhân viên ở Phòng Xạ thuật, Nha Nghiên cứu Kĩ thuật, Cục Quân giới. Tại đây, ông cùng đồng nghiệp nghiên cứu và chế tạo các loại vũ khí để phục vụ cuộc kháng chiến như súng SKZ60, đạn AT… Cũng từ cơ quan này, năm 1951, ông được Trung ương Đảng cử đi học sản xuất vũ khí tại Liên Xô trong đoàn 21 cán bộ khoa học kĩ thuật.

Sống một mình nơi đất khách quê người, Lê Văn Chiểu không nguôi nhớ về gia đình. Trong suốt năm năm rưỡi ở Liên Xô, càng nhớ mẹ và các em bao nhiêu, ông càng quyết tâm học tập bấy nhiêu. Hơn nữa, ông nghĩ nhiệm vụ học tập Đảng đã giao phải hoàn thành nên hàng ngày ngoài giờ học trên lớp, ông chỉ đi thư viện và học tại nhà, ít khi đi chơi cùng bạn bè. Đến tháng 3-1957, ông học xong, trở về nước với tấm bằng giỏi và lại hòa mình ngay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mĩ ở miền Nam.

Và những dòng thư đau đáu nỗi nhớ nhà.

Từ ngày ra Hà Nội, chỉ đôi lần Lê Văn Chiểu liên lạc được với gia đình. Kháng chiến bùng nổ, ông di chuyển nhiều nơi nên không có điều kiện gửi thư nữa. Bất ngờ, sau khi ông học ở Liên Xô về năm 1957, người anh trai Lê Văn Diệm học Triết học ở Pháp gửi thư cho ông Tạ Quang Bửu nhờ chuyển cho Lê Văn Chiểu. Chuyện là, ngay từ khi còn ở Huế, Tạ Quang Bửu đã thân thiết với Lê Văn Chiểu: năm 10 tuổi, Lê Văn Chiểu tham gia đội hướng đạo do Tạ Quang Bửu làm đội trưởng. Khi Lê Văn Chiểu ở Bắc Cạn trong những năm kháng chiến, ông giúp Tạ Quang Bửu chuẩn bị tài liệu đại cương về vũ khí; những buổi tham gia lớp học của Tạ Quang Bửu đã khơi dậy lòng ham mê làm súng đạn khiến Lê Văn Chiểu xin tuyển vào Nha Nghiên cứu kĩ thuật. Ông được Phạm Đồng Điện ở Phòng Hóa chất, Nha Nghiên cứu Kĩ thuật về thị xã Bắc Cạn đón lên Khe Khao khi được tuyển vào Phòng. Khi đi học Liên Xô về, Lê Văn Chiểu còn hay làm phiên dịch cho các đoàn chuyên gia Liên Xô làm việc với Tạ Quang Bửu. Vì chỗ thân tình như thế nên nhận được thư của Lê Văn Diệm, sau khi trao đổi ý kiến với Tổng cục Chính trị, ông Tạ Quang Bửu đưa thư cho Lê Văn Chiểu, đồng ý để ông viết thư và gửi ảnh cho ông Diệm. Lê Văn Chiểu viết hai lá thư gửi sang Pháp theo địa chỉ của anh mình đã ghi trong thư, một lá thư gửi anh, một lá thư gửi các em Bé Chút (em Lê Gia Hương) và Trúc Em (Lê Thúy Hòe) để ông Diệm gửi về nhà cho gia đình (khi đó, hai miền Nam Bắc không liên lạc được nên phải trung gian qua Pháp).

Thư của PGS.Thiếu tướng Lê Văn Chiểu gửi hai em gái, ngày 3-8-1957

Bức thư gửi ông Lê Văn Diệm đến nay không còn lưu giữ, nhưng bức thư gửi cho hai em gái được bà Lê Thúy Hòe lưu giữ như một kỷ vật quý. Đến năm 1981 khi đất nước thống nhất, anh em được gặp lại nhau, bà đã trao lại cho Lê Văn Chiểu làm kỉ niệm. Bức thư này được ông viết tay bằng bút mực đen, trên khổ giấy 14,3×20,3cm đã cũ, nếp gập tư, bị rách 2cm chính giữa mép trên.

Trong thư ông viết với tình cảm đầy nhớ thương mẹ và các em, ngôn từ tự nhiên, tình cảm, cách xưng hô thân mật như ngày ở nhà: “Bé Chút ơi, anh đã nhận được thư của Bé Chút và biết qua tình hình nhà. Lâu lắm đã 11 năm rồi. Anh còn nhớ cái thư cuối cùng của em năm 1946 trêu anh rằng đừng viết thư về nhà nhờ Trúc em và Bé Chút chọn mua nón lá để hỏi vợ”.

Đoạn khác ông nhớ về gia đình với tình cảm da diết và mong muốn được biết cặn kẽ tin tức từ gia đình: “Anh cũng không tưởng tượng được các em như thế nào. Khi anh đi các em còn bé lắm. Chắc bây giờ lớn lắm. Anh còn nhớ Bé Chút đi học mặc cái áo may bằng màn cũ, có cái môi thề lề, có cái trán có chấm lõm. Còn Trúc em thì lúc ấy lớn hơn nên anh còn nhớ tương đối rõ”.

Trong thư Bé Chút có nói rằng Mạ còn khỏe mạnh anh mừng lắm. Anh còn nhớ Mạ trước kia lo nghĩ nhiều. Chắc Mạ nhớ anh lắm… Nhà ta hiện giờ ở đâu, còn ở chỗ cũ, mỗi năm bị lụt vài lần không?

Ngoài những thành viên trong gia đình, Lê Văn Chiểu nhớ đến cả người vú nuôi đã chăm sóc ông khi nhỏ: “Còn Mụ Đội thì thế nào, nói cho anh biết với… Nếu Mụ Đội còn thì nói hộ Bé Anh (tức Lê Văn Chiểu, tên gọi thân mật ở nhà-Tác giả) gửi lời thăm, chúc sống lâu khỏe mạnh. Anh còn nhớ công ơn Mụ Đội ẵm bồng anh từ bé, khi anh đi học, còn bán chiếc hoa tai cho anh tiền tàu, còn giữ chiếc kia để mua quan tài khi nhắm mắt. Khó mà quên được những việc như thế”.

Đằng sau dáng vẻ khắc khổ của một cán bộ quân giới đã trải qua gian nan vất vả trong kháng chiến, xa đất nước để học tập tại trường kĩ thuật hàng đầu của Liên Xô… là một tâm hồn của một người con xa quê đã quá lâu, nhớ mẹ, nhớ em với những tâm sự không biết chia sẻ cùng ai. Lê Văn Chiểu tự hào khi chia sẻ với các em: “Còn anh thì thay đổi khá nhiều, các em cũng khó tưởng tượng được. Anh cao, to, khỏe mạnh không còn là cậu thư sinh gầy còm, đi chân đất, đi học xa với hai cái quần ngắn”…

Nhưng đau đáu trong lòng ông là mong muốn được gặp lại gia đình: “Trong 11 năm vừa qua, có những khi anh mệt, nghĩ đến nhà, nhớ những khi gây gổ với Trúc em anh thấy tội quá… Nói chung anh còn nhớ đến cảnh nhà ta trước kia, có khi ăn cháo với nhau nhưng đùm bọc nhau. Anh mong rằng sẽ được gặp Mạ, các em và những anh em trong gia đình ta”.

Kết thúc lá thư là chữ kí của Lê Văn Chiểu với tên gọi thân mật: “Bé Anh”.

Có thể nhận thấy, trong con người vị Thiếu tướng Lê Văn Chiểu với dáng vóc oai phong, cao lớn, cùng những sáng tạo trong nghiên cứu vũ khí…, người đã góp phần xây dựng trường Đại học Kĩ thuật quân sự-trường đào tạo kĩ sư quân sự đầu tiên ở nước ta… vẫn ẩn chứa một nỗi niềm sâu lắng: nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Nỗi nhớ ấy đã theo ông từ ngày ra đi từ Huế, khi tuổi chưa đầy đôi mươi cho đến ngày giải phóng (năm 1975) mới được gặp lại gia đình. Nhưng dường như nỗi nhớ ấy càng tiếp thêm cho ông động lực để vươn lên trong nghiên cứu và cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

Trần Bích Hạnh