Nụ cười và chiếc balô trên vai

Cống hiến miệt mài

Tốt nghiệp Sử học năm 1967, Nguyễn Văn Huy quyết định theo sự nghiệp của cha, tiếp tục con đường nghiên cứu dân tộc học. Thế rồi, từ những năm 70 ấy, chiếc balô luôn là bạn đồng hành cùng ông, một nghiên cứu viên của Viện Dân tộc học, rong ruổi trên những nẻo đường vùng biên cương xa xôi để nghiên cứu, điều tra, xác định thành phần các dân tộc Việt Nam. Năm 1981, ông trở thành Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học thuộc Viện khoa học Xã hội Việt Nam, và cũng thời điểm này Dự án về Bảo tàng Dân tộc học đã được thai nghén, hình thành. Trải qua một chặng đường không ít gập ghềnh, năm 1995, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chính thức được thành lập và TS Nguyễn Văn Huy được bổ nhiệm làm Giám đốc.

Có lẽ sự nghiệp khoa học của ông thực sự có bước ngoặt lớn từ đây với muôn vàn khó khăn, thách thức. Tất cả đều bắt đầu từ con số không. Từ một nhà nghiên cứu về tộc người, xã hội học, nay vào vai nhà quản lý một công trình xây dựng rất đặc thù, một loại hình bảo tàng chưa có tiền lệ ở nước ta, kéo theo nó là biết bao vấn đề nan giải đòi hỏi ở ông một cường độ lao động cả về trí lực và vật lực tưởng chừng như không thể vượt qua. Nhưng với cả tâm sức, trí quyết tâm, cùng đồng nghiệp cộng sự, Giám đốc Nguyễn Văn Huy đã lăn lộn với công việc không kể ngày đêm, tìm tòi, học hỏi, tranh thủ sự tư vấn từ các chuyên gia nước ngoài, và với vai trò “Tổng Công trình sư”, ông đã xây dựng lên một công trình văn hóa đậm bản sắc dân tộc, nhưng mang hơi thở thời đại – Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Năm 1997, Bảo tàng Dân tộc học được khánh thành, chính thức đi vào hoạt động đến nay đã ngót 2 thập kỷ. Những thành công mà Bảo tàng Dân tộc học gặt hái được phải khẳng định đó là một kỳ tích trong làng Bảo tàng Việt Nam. Vượt lên những quan niệm về bảo tàng một cách khô cứng, rập khuôn theo lối mòn, Giám đốc Nguyễn Văn Huy, với tầm nhìn toàn diện của một nhà nghiên cứu văn hóa, dân tộc học, bắt nhịp cùng với tư duy thời đại, ông đã tạo nên một luồng sinh khí mới cho hoạt động bảo tàng ở Việt Nam nói chung, Bảo tàng Dân tộc học nói riêng. Với quan điểm nhất quán: Đa dạng hóa các hoạt động Bảo tàng; Bảo tàng phải trở thành không gian trải nghiệm, nơi mọi người có thể chia sẻ, đối thoại, Giám đốc Nguyễn Văn Huy đã quyết liệt chỉ đạo và tổ chức mọi hoạt động của Bảo tàng Dân tộc học theo hướng gắn kết cộng đồng để cùng bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa với các phương thức đa dạng, phong phú. Sự liên kết bảo tàng với cộng đồng, thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến khích các trò chơi dân gian, trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian, mà do điều kiện, hoàn cảnh chiến tranh hay nhận thức không đầy đủ của xã hội chúng đã dần bị mai một hay lãng quên, đã tạo nên sự khác biệt, hấp dẫn riêng có của Bảo tàng Dân tộc học.

Trong suốt hơn 10 năm lãnh đạo Bảo tàng Dân tộc học, đặc biệt trong chỉ đạo chuyên môn, ở PGS Nguyễn Văn Huy luôn thể hiện một tư duy năng động, một bộ óc sáng tạo không ngừng, và với một tâm thế trân trọng, nâng niu những di sản văn hóa, PGS Nguyễn Văn Huy đã cùng đồng nghiệp thực hiện thành công nhiều cuộc trưng bày ghi dấu ấn sâu đậm cho đông đảo khách tham quan, như cuộc trưng bày “100 năm đám cưới ở Việt Nam (2005); “Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp, 1975-1986” (2005); Câu chuyện Mêkông: Thách thức và ước mơ” (2009-2010)… Tất cả những ý tưởng chủ đề rất đời thường đó đã làm nên sức sống của Bảo tàng Dân tộc học, một địa chỉ có số lượng khách tham quan hằng năm trên 400.000 khách, một con số chưa từng thấy trong làng Bảo tàng Việt Nam.

Nguyễn Văn Huy (bên phải) cùng ông Trịnh Chí trong một chuyến đi điền dã dân tộc học tại Lai Châu, 1969

Có một câu chuyện về ông cũng thật hy hữu, năm 2008, PGS. TS Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học đã “xin việc” ở Bảo tàng Phụ nữ. Mạo muội dùng ngôn từ như vậy, nhưng nội hàm có thể không sai với sự thật, khi ông chủ động đề xuất sẽ là cộng sự, tư vấn để thực hiện một cuộc đổi mới Bảo tàng Phụ nữ, nếu Bảo tàng cần ông giúp.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thật may mắn, họ không bỏ lỡ khi được làm việc cùng một cộng sự, một nhà tư vấn cao tay. Và ông lại lao vào công việc với tất cả tâm sức, tài trí. Lại tìm nguồn xin tài trợ, lại tranh thủ các chuyên gia nước ngoài tư vấn… Quả không sai, ông say nghề, tâm huyết vì nghề đến mức cái nghiệp đã đi vào máu thịt ông. Ông hồ hởi dấn thân không chỉ vì nghề, mà cao hơn thế là tấm lòng, là trách nhiệm của ông đối với xã hội, cộng đồng, dân tộc. Năm 2010, Bảo tàng Phụ nữ tưng bừng đón khách tham quan với một diện mạo mới, với nội dung hoạt động được đổi mới mang lại hiệu quả to lớn. Vẫn với chủ đề về Phụ nữ, về chiến tranh, về cách mạng nhưng cách trưng bày, cách diễn giải về các vấn đề ấy đã thể hiện đậm nét những vấn đề về Giới qua cách tiếp cận nhân học, mang tính khoa học và thời đại.

Rất chân thành, PGS Huy thường không giấu giếm niềm tự hào vì ông đã góp công lớn cho Bảo tàng Phụ nữ có được thành công và sức hấp dẫn như ngày nay. Và ông xứng đáng với niềm tự hào đó khi hai bảo tàng của Việt Nam – Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ – được vinh danh trong top 25 Bảo tàng ấn tượng nhất ở Châu Á năm 2013 đều gắn với tên tuổi, có công sức, trí tuệ của ông.

Bên cạnh những dấu ấn thành công trong lĩnh vực Bảo tàng, với vốn kiến thức sâu rộng lại luôn được ông tự bổ sung, cập nhật để theo kịp thời đại, PGS Nguyễn Văn Huy đã cống hiến hết mình để xây dựng, phát triển những trung tâm văn hóa, bảo tồn gìn giữ di sản của dân tộc. Dưới sự chỉ đạo của ông, đặc biệt về chuyên môn, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, bằng những hoạt động đầy ý nghĩa nhân văn đã từng bước khẳng định được vị trí của mình trong xã hội, tiên phong trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị những di sản văn hóa, khoa học của đất nước.

Nâng niu truyền thống- nguồn cội để phát triển 

Nguyễn Văn Huy sinh ra vào mùa Thu cách mạng 1945, trong một gia đình trí thức quyền quý. Cha ông, GS. TS Nguyễn Văn Huyên – một trí thức uyên thâm, nặng lòng với quốc gia dân tộc. Ông là vị Bộ trưởng hiếm có, 29 năm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam. Mẹ ông, bà Vi Kim Ngọc – một tiểu thư khuê các, tài sắc sống trong một gia đình quyền quý, nhưng bà đã trở thành mẫu người phụ nữ Việt Nam đảm đang trung hậu, luôn là ngọn lửa ấm trong gia đình, hết lòng vì sự nghiệp của chồng, nuôi dạy các con nên người.

Có lẽ được thừa hưởng những tố chất tuyệt vời ở cả cha và mẹ, Nguyễn Văn Huy đã vững vàng tiếp bước con đường khoa học mà cha ông là người đặt nền móng: Dân tộc học. Lấy đó làm nền tảng để rồi bước ngoặt đưa ông đến với Bảo tàng học, và trên trận địa trầm lắng này ông đã thật sự tỏa sáng, thể hiện tầm tài trí và quyết tâm chính trị của một con người luôn học hỏi, luôn sáng tạo với cái tâm trong sáng, tấm lòng cởi mở.

Nụ cười và chiếc balô trên vai

Mặc dù được bên cái bóng lớn của cha, nhưng ở Nguyễn Văn Huy, ngay cả khi ông giữ những cương vị lãnh đạo, vẫn toát lên một phong cách sống giản dị, thân tình. Và hình ảnh chiếc balô trên vai đến nay vẫn thường hiện hữu cùng ông, đã tạo thêm nét đặc biệt cho phong độ của ông. Trong công việc PGS Nguyễn Văn Huy rất nghiêm túc, nguyên tắc, đòi hỏi cường độ làm việc nhiều khi căng như dây đàn, nhưng chứa đựng trong đó sự truyền nghề, rất chân thành, độ lượng, nhất là với lớp trẻ. Ông luôn có tham vọng truyền nghề, truyền nhiệt huyết cho đồng nghiệp, học trò càng nhiều, càng hiệu quả càng tốt.

Trong một gia đình truyền thống, thuộc diện con dòng cháu giống, bởi ông là con trai duy nhất trong gia đình 4 người con, nhưng chính ông và truyền thống của gia đình là chất keo gắn kết tất cả các thành viên với nhau. Cả 4 người con của GS Nguyễn Văn Huyên, nay đã thành 4 gia đình lớn, vẫn ở quây quần trong khuôn viên cha mẹ để lại, không có sự phân biệt con gái con trai.

Và một nét rất đặc biệt, rất hiếm, đó là cách thể hiện chữ “Hiếu” của gia đình PGS Nguyễn Văn Huy. Đến thăm gia đình ông vào một ngày Xuân, và thật xúc động khi được chứng kiến con cháu dâng lên Ban thờ hai ông bà GS Nguyễn Văn Huyên những thành quả, từ những công trình khoa học, đến bức vẽ, thành tích học tập của con trẻ…, mà con cháu đã thực hiện, gặt hái được trong một năm để báo công với cha mẹ/ông bà. Được biết, đây là truyền thống hàng năm của đại gia đình ông. Thật ngưỡng mộ, khi PGS Nguyễn Văn Huy cùng phu nhân hào hứng giới thiệu từng tác phẩm của các con cháu dâng lên, tưởng chừng như hai cụ vẫn đang hiện hữu xum vầy cùng con cháu.

Trân trọng, nâng niu, tìm con đường phát huy giá trị truyền thống đã phần nào chi phối cuộc hành trình khám phá khoa học của PGS Nguyễn Văn Huy. Và chính với tâm thế đó, ông đã gặt hái không ít thành công trong sự nghiệp khoa học, được giới khoa học, xã hội công nhận, tôn vinh. Ông có quyền tự hào là người đã, không chỉ nối dài, mà còn phát huy sự nghiệp của cha lên tầm cao mới.

Xin mượn lời một đồng nghiệp đã từng sát cánh cùng ông trong sự nghiệp Bảo tàng: Với anh Huy, dùng say mê nghề chưa đủ, mà phải là si mê…Đúng vậy, ở ông hội tụ một sự si mê kỳ lạ, si mê khám phá, si mê học hỏi để sáng tạo, si mê cống hiến với tất cả tấm lòng.

 

Mai Phi Nga

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam